Soạn một luật kiểm soát các bài viết trên mạng xã hội và trên Internet cho dù nhằm mục đích chống tin giả cũng không phải là điều dễ làm. Cứ hỏi Chính phủ Singapore sẽ rõ ngay. Ảnh: buzzfeednews.com Singapore tiếp bước nhiều nước khác như Pháp, Đức, Úc, New Zealand... đưa ra một đạo luật nhằm chống sự lan tràn của tin giả, loại tin tạo ra sự hoang mang trong dân chúng, gây thù hằn, chia rẽ... bằng những mức phạt nặng. Nhưng đất nước này rất thận trọng trong soạn thảo: phân biệt giữa thông tin thuần túy (statement of facts) và ý kiến (opinion) để nói rõ luật nhắm tới thông tin chứ ý kiến, bình luận, thậm chí giễu nhại hay châm biếm đều không thuộc phạm vi chế tài. Tờ Today của Singapore đưa ra ví dụ: Nói “Chính phủ Singapore vừa tuyên chiến với các nước láng giềng” là đưa thông tin và sẽ bị phạt nặng vì thông tin này sai, nhưng nói “Chính phủ phải chịu trách nhiệm cho vấn nạn bất bình đẳng trong xã hội” là ý kiến và sẽ không bị chế tài bởi luật này. Chính vì thế, các quan chức Singapore đều nhấn mạnh dự thảo luật nhắm đến tin giả chứ không nhắm đến tự do ngôn luận. Đối tượng nhắm đến chủ yếu là các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter và các trang đăng tải tin tức chứ không phải là cá nhân. Vì thế, cá nhân lan truyền tin giả qua mạng xã hội mà không ý thức được đó là tin giả thì không bị phạt nhưng phải đăng đính chính nếu có nhiều người theo dõi. Chỉ khi cá nhân cố ý đăng tin giả gây tổn hại đến lợi ích công mới có thể bị phạt tối đa 50.000 đôla Sing hay đến 5 năm tù, hoặc cả hai hình phạt. Tổ chức nào cố ý loan truyền tin giả nhằm mục đích gây hại cho xã hội có thể chịu mức phạt lên đến 1 triệu đôla Singapore. Mục đích chính của dự luật Bảo vệ chống lừa dối và thao túng trên mạng này là các biện pháp buộc phải thực hiện nếu phát hiện tin giả. Đó là nơi đăng tải, dù là trang tin hay mạng xã hội, đều phải đăng thông tin “nói lại cho rõ” theo yêu cầu của Chính phủ Singapore, chặn truy cập, ở mức cao nhất là gỡ bỏ nội dung được cho là tin giả. Cẩn thận là thế nhưng hiện vẫn đang có nhiều luồng dư luận phản đối dự luật này vì cho rằng nó trao quá nhiều quyền cho cơ quan nhà nước trong việc xác định đâu là tin giả, vì thế có nguy cơ bị lạm dụng. Các bộ trưởng thuộc Chính phủ Singapore có toàn quyền buộc các trang web đăng cải chính hay gỡ bỏ tin họ cho là tin giả. Các bộ trưởng cũng có thể chặn đường sống của các trang loại này bằng cách cấm không cho họ tạo doanh thu hay cấm doanh nghiệp quảng cáo trên các trang này. Lấy ví dụ: người dùng Facebook cho đăng nhiều tin giả về Singapore thì chính phủ nước này có thể buộc Facebook đăng thông tin cải chính chạy ngay liền kề tin giả, không cho Facebook nhận đăng quảng cáo từ các doanh nghiệp Singapore. Khác với các nước sử dụng tòa án hay một bên thứ ba để thẩm định đâu là tin giả, Singapore soạn luật để trao quyền này cho các thành viên nội các chính phủ - đó là cơ sở cho các cáo buộc dự luật sẽ tạo ra tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Chẳng hạn, một tờ báo cho rằng trong bộ XZY của Singapore có tình trạng tham nhũng thì bộ XZY có quyền buộc tờ báo này gỡ bỏ tin ngay cho dù sau đó tờ báo chứng minh mình nói đúng. Dự luật bao quát mọi nội dung mà người dân Singapore có thể truy cập nên tầm ảnh hưởng lan rộng tới cả báo chí nước ngoài. Giả dụ một tờ báo ở tận bên Mỹ đăng bài của một phóng viên nói “Quan tòa Singapore ít độc lập hơn so với quan tòa ở Malaysia” - câu này có thể được xem là thông tin chứ không phải ý kiến, nên theo dự luật, tờ báo này phải đăng thông tin “nói lại cho rõ” do Chính phủ Singapore đưa ra ngay bên cạnh bài báo gốc, hoặc buộc phải gỡ bỏ thông tin rồi chịu một mức phạt nhất định. Các nước như Pháp, Đức, Úc hay New Zealand đều đã hoặc đang xây dựng luật chống tin giả. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với Singapore nằm ở định nghĩa thế nào là tin giả. Ở Pháp xác định đâu là tin giả là trách nhiệm của quan tòa. Pháp cũng chỉ nhắm vào tin giả tác động lên các cuộc bầu cử ở Pháp có khả năng thao túng kết quả bầu cử gây hại cho nền dân chủ của nước này. Vì thế các yêu cầu chặn đứng tin giả gửi lên tòa xét xử chỉ được đưa ra trong vòng ba tháng trước mỗi kỳ bầu cử. Đức thì hạn chế luật để chỉ chế tài mạng xã hội nào có hơn 2 triệu người sử dụng ở nước này. Đáng chú ý là trường hợp Malaysia, đã từng có luật chống tin giả nhưng khi ông Mahathir Mohamad tái đắc cử thủ tướng, ông đã tuyên bố hủy bỏ đạo luật này do nó có khả năng chặn đứng các tiếng nói đối lập với chính phủ.■ Tags: Mạng xã hộiFake newsThao túng thông tinLuật chống tin giả
Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 47-2024: Tinh gọn bộ máy - Hiện thực hóa những triết lý căn bản TTCT 05/12/2024 1 từ
Giải ngân đầu tư công: Từ quyết tâm chính trị đến triển khai thực tế ĐẶNG HUY ĐÔNG (NGUYÊN THỨ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ) 04/12/2024 2358 từ
Công bố nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác cán bộ THÀNH CHUNG 05/12/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có liên quan công tác nhân sự.
Tin tức thế giới 5-12: Chính phủ Pháp sụp đổ, Tổng thống Macron bị kêu gọi từ chức NGỌC ĐỨC 05/12/2024 Mỹ tố nhóm tin tặc "Bão Muối" của Trung Quốc đánh cắp thông tin người dùng quy mô lớn; Ngoại trưởng Anh thừa nhận ông Trump đúng về NATO.
Tổng thống Hàn Quốc bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng mới NGỌC ĐỨC 05/12/2024 Tổng thống Yoon Suk Yeol bổ nhiệm đại sứ Hàn Quốc tại Saudi Arabia làm tân bộ trưởng quốc phòng trước nguy cơ bị Quốc hội biểu quyết luận tội ngay rạng sáng 6-12.
Biến động một công ty vàng: Từ chủ tịch đến người đại diện pháp luật đều từ nhiệm BÌNH KHÁNH 05/12/2024 Cùng một ngày, Công ty cổ phần Vàng Lào Cai nhận được đơn từ nhiệm của ba lãnh đạo, từ chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị đến giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.