Sóng lớp sau đè lớp trước

NGUYỄN VŨ 27/11/2011 21:11 GMT+7

TTCT - Vũ Thị Hương, Nguyễn Đình Cương vừa mất vàng thì Đào Xuân Cường, Trần Huệ Hoa, Dương Thị Việt Anh đền bù cho điền kinh. Ở bơi lội, ngôi sao Nguyễn Hữu Việt vừa lặn thì lập tức có Hoàng Quý Phước, Châu Bá Anh Tư...

Những tài năng trẻ lần lượt nổi lên để thay thế các lão tướng.

Phóng to
Quốc Toàn vui mừng với chiến thắng ở môn cử tạ - Ảnh: Tấn Phúc
Phóng to
Việt Anh vui mừng sau khi chinh phục mức xà 1,90m - Ảnh: Chí Bảo

Trưởng đoàn thể thao Lâm Quang Thành đã không giấu vẻ tự hào khi nói về thành công năm nay tại SEA Games 26: “Không có áp lực thành tích nên nhiều VĐV trẻ xuất sắc xuất hiện ở nhiều môn khác nhau như thể dục dụng cụ, vật, bơi lội, bắn súng, pencak silat. Nhưng điều đó cũng không thể phủ nhận tài năng và nỗ lực của các VĐV trẻ. Họ có tiềm năng lớn và chúng tôi sẽ tính toán lại chiến lược phát triển sau SEA Games 26”.

Lá cờ đầu bơi lội

Bơi lội chỉ đoạt 4 HCV (tính cả bơi đường dài) nhưng đều là những chiếc HCV cực kỳ ấn tượng trong lịch sử bơi lội nước nhà. Điều thú vị là cả 4 HCV đều do các tay bơi của Đà Nẵng đem về.

Hai năm trước, Hoàng Quý Phước chỉ mới 16 tuổi. Anh tham dự SEA Games 25 chỉ nhằm làm quen không khí của một đại hội thể thao khu vực, nhưng cũng kịp đoạt HCĐ 100m bướm. Hai năm sau tại Indonesia, Quý Phước đã đi vào lịch sử bơi lội VN khi đoạt hai HCV nội dung 100m bướm và 100m tự do. Không chỉ thế, anh còn phá luôn kỷ lục SEA Games (53 giây 82) ở nội dung 100m bướm với thành tích 53 giây 07.

Châu Bá Anh Tư cũng thế khi đoạt ngay 2 HCV nội dung bơi đường dài lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu tại SEA Games 26. Không giống với bơi ngắn, bơi đường dài đòi hỏi sự bền bỉ và nỗ lực vượt bậc của VĐV khi phải chiến đấu miệt mài ở cự ly 5km và 10km. Vậy mà chàng trai 22 tuổi từng hay mắc lỗi mất phương hướng xác định đích đến trên biển này đã thi đấu xuất sắc để đoạt 2 HCV trong sự thán phục của nhiều người.

Tuy nhiên bơi lội VN đâu chỉ có tự hào với 4 chiếc HCV tại SEA Games 26. Hai chiếc HCB mà Nguyễn Thị Ánh Viên đoạt được cũng xứng đáng ca ngợi. Trong đó một chiếc lẽ ra có thể đổi thành màu vàng ở nội dung 400m hỗn hợp, chỉ vì kình ngư 15 tuổi này chưa biết phân phối sức hợp lý ở lần đầu tiên tham dự SEA Games nên để đối thủ vượt qua trong những mét cuối. Chiếc HCB thứ hai của Viên thì không có gì để tiếc, bởi đối thủ của cô trên đường bơi 100m ngửa là tượng đài bơi lội của khu vực: Tao Li (Singapore) đang là đương kim vô địch châu Á và đoạt đến 9 HCV (4 cá nhân) tại SEA Games 26.

Phóng to
Anh Tư với hai HCV ở nội dung bơi đường dài - Ảnh: Xuân Gụ

Và những ngôi sao trẻ sáng giá

Thất bại của nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương trên đường chạy 100m và 200m nữ, rồi niềm hi vọng vàng Nguyễn Đình Cương trắng tay ở đường chạy 1.500m đã khiến lãnh đạo đội tuyển điền kinh VN đứng ngồi không yên. Nhưng sự tỏa sáng của ba ngôi sao trẻ đã làm mọi người quên đi mọi âu lo. Đầu tiên là Đào Xuân Cường, 22 tuổi, lần đầu tiên đem về cho điền kinh VN chiếc HCV cự ly chạy 400m rào.

Tương tự, Trần Huệ Hoa 20 tuổi cũng rất xuất sắc với chiếc HCV nhảy ba bước. Nhưng thú vị hơn cả trong việc thể hiện “sóng lớp sau đè lớp trước” là Dương Thị Việt Anh (21 tuổi) đến từ Bạc Liêu. Như chúng ta đã biết, ngôi sao đầu tiên của môn nhảy cao nữ VN là Vũ Mỹ Hạnh của Hải Phòng. Nối tiếp Mỹ Hạnh chúng ta có Bùi Thị Nhung, cũng của Hải Phòng. Rồi khi Nhung giã từ hố nhảy, lập tức có Việt Anh thay thế.

Một chi tiết cũng cần nhắc lại là cô gái Bạc Liêu này bị lật cổ chân trái ngay ở mức xà 1,87m, nhưng vẫn nén đau thi đấu, vượt qua mức xà 1,90m để đăng quang.

Cử tạ cũng xuất hiện một gương mặt bất ngờ: Trần Lê Quốc Toàn, 22 tuổi. Khi niềm hi vọng vàng Thạch Kim Tuấn thất bại trong việc chinh phục mức tạ 151kg trong lần cử cuối cùng ở nội dung cử đẩy, còn nhà vô địch SEA Games 25 Jadi (Indonesia) thành công ở mức 154kg, mọi hi vọng dồn vào Quốc Toàn ở lần đẩy cuối cùng. Trước sức ép ghê gớm như thế, vậy mà lực sĩ trẻ này đã nâng thành công mức 155kg để giành HCV với tổng cử 280kg (hơn Jadi đúng 2kg).

Rồi chiếc HCV của đô vật 19 tuổi Cấn Tất Dự (trên 74 đến 84kg) cũng đáng nhắc đến, khi anh phải chơi một trận chung kết mà chủ nhà làm mọi thứ để võ sĩ của mình giành chiến thắng. Cấn Tất Dự bị trọng tài ép gần như suốt trận. Rõ nhất là ở hiệp 2 khi Cấn Tất Dự tung ra đòn đè, khóa chặt Fahriansyah để thắng tuyệt đối, nhưng lại không được trọng tài công nhận. Điều đó càng khiến VĐV trẻ này quyết tâm hơn để cuối cùng thắng 2-1.

Phóng to
Kình ngư Hoàng Quý Phước 18 tuổi - Ảnh: Nguyên Khôi

Không chỉ có thành công

“Ăn chưa xong hôm nay, đã phải lo cho ngày mai”. Đó là phương châm hành động của những người quản lý thể thao có tâm huyết. Chí ít ở những môn bơi, điền kinh, thể dục dụng cụ, các môn võ, cờ vua... đã làm khá tốt điều đó. Song cũng còn khá nhiều thất bại tại kỳ SEA Games này, đặc biệt ở những môn được yêu thích như cầu lông, bóng bàn, quần vợt, bóng chuyền và đặc biệt là bóng đá. Vì vậy, dù thể thao VN đã vượt chỉ tiêu về số lượng HCV, nhưng xem ra vẫn còn nhiều việc phải làm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận