Sông quê nổi giận

MẠC ĐẠI 20/06/2009 19:06 GMT+7

TTCT - Tôi xa con sông quê hương đã ngót nghét hai mươi năm. Trong khoảng thời gian đó, không tết thì hè nào tôi cũng trở về một mình đứng bên bờ sông như tìm về một người bạn thuở thiếu thời. Và lần nào cũng vậy, lần sau đầy hơn lần trước, nỗi buồn cứ dâng ngập đôi bờ tôi.

Phóng to
Ảnh: Ngy Thanh
TTCT - Tôi xa con sông quê hương đã ngót nghét hai mươi năm. Trong khoảng thời gian đó, không tết thì hè nào tôi cũng trở về một mình đứng bên bờ sông như tìm về một người bạn thuở thiếu thời. Và lần nào cũng vậy, lần sau đầy hơn lần trước, nỗi buồn cứ dâng ngập đôi bờ tôi.

Có lẽ con sông đã không được nhiều người biết đến nếu như nhà thơ Tế Hanh, trong những ngày đất nước còn chia cắt, không lấy nó làm biểu tượng cho tất cả những “con sông của miền Nam nước Việt thân yêu”.

Và tôi cũng đã lặn ngụp, chơi đùa thỏa thích cả tuổi thơ trong trẻo của mình trong dòng nước lấp lánh ấy. Tôi yêu dòng sông này như tất cả những người dân nước Việt yêu dòng sông tuổi thơ của mình. Và cũng bởi tình yêu sâu nặng đó, nỗi buồn lại càng thêm trĩu nặng mỗi khi trở lại bên bờ sông và chứng kiến dòng sông đang bị bạo hành bởi những con người được nuôi dưỡng bằng chính nguồn nước bao dung phù sa của nó. Bãi tắm của làng tôi nay không còn nữa, thay vào đó là một trại vịt bốc mùi nồng nặc. Người ta đã chia lô mặt sông như thể chia đất ở phố rồi dùng lưới căng ngang, căng dọc để đánh dấu phần sở hữu bất khả xâm phạm của mình. Con sông quê như gương mặt một cô thôn nữ đã bị ngổn ngang sẹo bởi những vết chém.

Xa hơn một chút về phía hạ lưu, người ta đã biến đôi bờ sông thành những hồ tôm méo mó và nham nhở. Hồ tôm lấn ra đến tận giữa dòng làm cho dòng sông như bị thắt nút cổ chai, nghèn nghẹn trôi. Những cồn cát ven sông đã thôi không còn bóng dương liễu xanh mướt quanh năm nữa. Dĩ nhiên, “những bờ tre ríu rít tiếng chim kêu” cách đây không lâu lắm nay cũng rất khó mà tìm được.

Mặt sông lềnh bềnh rác rưởi, bao nilông, hộp giấy, vỏ chai. Người ta hồn nhiên quẳng xuống dòng sông những xác súc vật chết trương phình, thối rữa. Tệ hại hơn nữa, nơi có những chiếc cầu tre bắc qua, đêm đêm, bất kể sáng trăng hay tối trời, dòng sông lại trở thành một cái toilet tập thể rộn ràng. Nói tóm lại, người ta có quyền vứt xuống dòng nước đã nuôi dưỡng bao đời cha ông mình tất cả những gì uế tạp nhất.

Lần này tôi trở lại quê nhà, thăm dòng sông và tiện thể ghé thăm một người thân vừa có nhà bị xâm thực đổ sụp xuống dòng nước trong mùa lũ trước. Anh cười buồn bảo: bình thường con sông trông uể oải như một ông già tám mươi, thế nhưng đến mùa mưa nó trở nên cuồng dại đến không ngờ. Không chỉ nhà lở mà hồ tôm, đập ngăn mặn đều cùng nhau trôi ra biển tất.

Dòng sông quê hiền hòa yên ả đã đi đến tận cùng của sự nhẫn nhục và bao dung. Người ta đã cơ bản hoàn thành việc triệt phá rừng đầu nguồn. Y như rằng ngay sau mỗi trận mưa nguồn là dòng nước bạc cuồn cuộn đổ về không gì ngăn cản nổi. Lũ xoáy, sạt lở, tổn thất tiền của và nhân mạng là điều không thể nào tránh khỏi. Đó là về mùa mưa. Còn về mùa nắng dòng sông trơ đáy, nước sông cứ mỗi lúc một xỉn màu, lờ đờ như say nắng.

Liên tiếp gần chục vụ tôm rồi chỉ có thất bát. Với một dòng nước ô nhiễm, tù đọng và bị đầu độc như thế, cá tôm không nhiễm bệnh mà chết mới là chuyện lạ. Dòng sông như một dòng sữa ngọt bất tận nuôi dưỡng biết bao xóm làng từ nguồn tới bể, nuôi dưỡng biết bao lớp người nay đang bị cưỡng bức một cách đau lòng. Dòng sông quê đã nổi giận và con người đang trả giá. Một cái giá rất đắt. Điều đáng buồn hơn là người ta vẫn không nhận thấy cơn giận dữ của dòng sông. Họ vẫn tiếp tục bức tử nguồn sống của chính mình. Con sông đang già đi với tốc độ chóng mặt.

Liệu mười hay mười lăm năm nữa, những đứa trẻ quê tôi có đủ giàu trí tưởng tượng để lĩnh hội những hình ảnh đẹp đẽ của bài thơ mà Tế Hanh viết về chính con sông trước nhà của chúng hay không? Và những đứa trẻ khác trên khắp đất nước, khi nghe người lớn nói đến sông quê, trong đầu chúng sẽ hiện lên hình ảnh gì?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận