Sông Sài Gòn chảy theo dòng lịch sử

PHẠM HOÀNG QUÂN 02/09/2023 05:59 GMT+7

TTCT - Lịch sử thăng trầm như con nước dòng sông lớn nhất của đô thị số 1 miền Nam.

Chính sử triều Nguyễn đề cập đến vùng Mô Xoài (Bà Rịa) từ mốc 1658 với một cuộc chiến, rồi lại khởi từ mốc 1674 đề cập tên Sài Gòn, cũng với một cuộc chiến. Không hẳn là khoái oánh đấm, sử quan thời quân chủ vốn tuân ý chỉ khẳng định và nêu cao địa vị chánh thống qua những cuộc chinh chiến cho bước đầu khai mở. 

Qua nguồn khác - từ Cao Miên và các giáo sĩ - giới sử học hiện nay biết thêm sự kiện chúa Nguyễn từng gởi phái bộ đến thương thảo với vua Chey Chettha II cho lập trạm thu thuế ở Prey Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé) vào năm 1623.

Thương thuyền Pháp trên sông Sài Gòn, năm 1866. Ảnh: Wikipedia.org

Thương thuyền Pháp trên sông Sài Gòn, năm 1866. Ảnh: Wikipedia.org

Từ một trạm thuế bên bờ sông

Trạm thuế Bến Nghé này đặt ở đâu, các tác giả Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (1987) phỏng định nó ở khoảng kho Quản Thảo (Cầu Kho), nhưng nếu sở thuế đặt ở đây ắt bỏ lọt quá nhiều ghe tàu qua lại ngoài dòng sông lớn. Tôi phục dựng trạm thuế này đặt chỗ cột cờ Thủ Ngữ.

Thủ ngữ (thủ ngự), hồi sơ thời hoặc ở một số địa điểm không mang tính quân sự, mà giống như cách gọi tuần ty, tức mang chức năng thu thuế. Các sở thủ ngự đầu nguồn Ba Can (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) hay Băng Bột (Thủ Dầu Một, Bình Dương) cũng được lập khá sớm để thu thuế thổ sản núi rừng. 

Những nơi từng đặt trạm thuế từ xa xưa hình thành địa danh "Thủ Ngữ", nhiều con rạch mang tên Thủ Ngữ ở phủ Gia Định (nay Nam Bộ) có chung đặc điểm này, như rạch Thủ Ngữ ở sông Kỳ Hôn gắn với tuần ty Kỳ Hôn cách thành cũ Mỹ Tho khoảng 6km; rạch Thủ Ngữ ở thôn Phú Cường sát phía nam tỉnh lỵ Thủ Dầu Một.

Địa điểm mang tên Thủ Ngữ ở gần vàm rạch Bến Nghé ăn sâu vào lời ăn tiếng nói người bản xứ, còn với dân buôn tứ phương thì có lẽ chỗ đó là nỗi ám ảnh chung chi, tên không mờ được. 

Năm 1865, người Pháp dựng cột cờ nơi nền trạm, cho dù cột này treo cờ gì, người ta cứ kêu nó là cột cờ Thủ Ngữ. Khác với các nơi, tên Thủ Ngữ ở Sài Gòn không sống tiếp qua tên xóm, tên rạch mà được gắn với một di chỉ đắc địa.

Trạm thuế Bến Nghé bên dòng sông quanh co này từ năm 1623 đến khi lập phủ Gia Định (1698) thâu thuế của ai, nhân sự ở trạm liệu có thể đủ mạnh để kêu ngoắc ghe tàu của những người khác ngôn ngữ ghé vô nộp mãi giang lộ? 

Phần lớn thuế thâu hẳn là của lưu dân người Việt qua lại vận chuyển bán buôn, và lớp người đội sóng gió đến vùng này làm ăn có lẽ đủ đông để tạo một nền tảng lương thực, hóa vật và tài chánh.

Ảnh: Quang Định

Ảnh: Quang Định

Sự kiện những di thần nhà Minh năm 1679 đến vùng này khai khẩn Cù lao Phố và đồn trú ở Mỹ Tho có lẽ chỉ nên coi như yếu tố bổ sung cho quá trình phát triển ở phương Nam, bởi những người này đến trước khi lập phủ Gia Định 20 năm, nhưng vẫn sau người Việt khoảng hai thế hệ. 

Còn như kể lể sòng phẳng, có ưu có khuyết thì phải nói đến hậu quả không nhỏ từ cuộc đấu đá băng nhóm giữa Dương Ngạn Địch với Huỳnh Tấn. Năm 1688, phó tướng họ Huỳnh sau khi hạ chủ tướng Dương đã "chiếm cứ vùng hiểm yếu [rạch Cái Ngang/Trung Lương], đóng thuyền chiến, đúc thêm súng lớn, không cho thương nhân qua lại, quấy nhiễu cướp bóc người Cao Miên", sử liệu cho thấy cái tập đoàn lưu vong này quả tình không mấy lo khai khẩn làm ăn, mà vặt vãnh non nớt đến độ cản trở đường buôn bán.

Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào đặt nền hành chánh lên Gia Định thì số dân thấy chép đã là 4 vạn hộ (phỏng chừng trong sử thường ít hơn thực tế), con số này đồng nghĩa với tiềm lực kinh tế đủ nuôi bộ máy quan lại và một quân đội đáng kể. 

Lịch sử đa phần thiếu sót ở những chỗ mấu chốt, nên người đọc có lẽ nên nhìn vào con số lương thực tài vật phía sau số ngàn vạn quân lính lập nên những chiến công. Chúa Nguyễn còn lâu mới có đủ lương thảo tài vật cho các chiến dịch nhì nhằng phía Nam, cho nên nếu hứng chí rồi quen miệng lỡ mồm hô mang gươm giáo gì đó đi mở cõi thì phải ngưng lại, bởi Sài Gòn khởi lên từ mầm mống kinh doanh. 

Nguồn lực tổng thể của lưu dân Việt trong khoảng trống của sử phần nào phải kể thêm khoản nộp ngân sách của trạm thuế Bến Nghé này chẳng hạn.

Trên bến dưới thuyền

Người ta nói Sài Gòn trên bến dưới thuyền, là chỉ cảnh tượng lớp lớp ghe thuyền dằng dặc bến bãi, là chợ bán sỉ, quy mô và hình thái hoàn toàn khác chợ nổi miệt sông nước miền Tây. Không phân biệt điểm này, có khi vô tình tái hiện khung cảnh sông Sài Gòn kinh Tàu Hủ Ruột Ngựa ghe thuyền bán buôn nhỏ lẻ theo kiểu mấy chợ nổi Cái Răng, Cái Bè đang ngắc ngứ.

Từ vàm rạch Bến Nghé đi vào, hai bên từng là những chợ, những bến bãi hàng hóa chuyên biệt đến độ thành hẳn địa danh, như Bến Sỏi Lò Vôi, Bè Tre, Chợ Đũi, Chợ Vải, Lò Heo, Xóm Chiếu, Xóm Củi, Xóm Dầu, Xóm Chỉ, Mễ Cốc, Cầu Đường, Lò Rèn, Lò Gốm... 

Tên gọi dân dã vậy nhưng có thể thấy đương thời đó là những nơi điều phối các ngành hàng vật liệu xây dựng, nhiên liệu, lương thực và nhu yếu phẩm các thứ thông qua giao thông đường thủy. 

Ghe hàng từ khắp các sông rạch lưu vực Mekong, Bassac chở thổ sản tới và chở đi những thứ cần thiết; thuyền buôn đường biển các xứ đưa hàng tới, chở hàng đi, ăn ở chờ đợi, những dịch vụ ăn uống ngủ nghỉ chơi bời mới phấn phát theo.

Hoàng Việt địa dư chí viết xong năm 1806, thấy đã chép địa danh Xóm Các Lái (坫各梩). Tự điển Taberd 1838 trong mục từ "lái / 梩" thấy đã thu thập từ "các lái /各梩 / institores" (những lái buôn / những thủy thủ tàu buôn) và từ "lái buôn / 梩奔 / mercator"; và Paulus Của cũng định nghĩa: "Lái (梩), người làm chủ dưới thuyền" và "Ông lái, người làm chủ dưới ghe buôn". 

Địa bạ Biên Hòa 1836 chép "thôn Hưng Thạnh ở xứ Các Lái", xứ này tức phường Cát Lái, quận 2. Lái buôn đường dài chờ mùa gió thường phải mất 4-5 tháng, nơi tạm cư thành hẳn địa danh, nếu mà như ngày nay, chủ tàu vốn liếng cỡ các ông lái này ở tản ra mấy khách sạn ba bốn sao thì đã không có địa danh xóm ấy, xứ ấy. 

Chỗ đối ngạn xóm Các Lái, thời chúa Nguyễn là nền của hai nhà kho Tân Thạnh và Cảnh Dương, tức nơi chứa 1/4 tổng số thuế thâu ở phủ Gia Định (gọi cả Nam Kỳ), chờ chuyển ra Thuận Hóa.

Ngoài xứ Các Lái kể trên, còn có con sông mang tên Các Lái, ở xã Lý Nhơn huyện Cần Giờ, từ ngã ba Vàm Sác - Cá Nháp đổ vào sông Đồng Tranh, gần cửa Đồng Tranh. Tên sông này cũng là một chỉ dấu cho sự nhộn nhịp ghe tàu. 

Vai trò của thương lái gắn với đời sống sông nước, nắm mạch kinh tế cốt yếu và luôn đi trước binh gia, ông Lái An với ông Lái Tâm dày dặn và tường tận địa hình sông biển đến độ Chánh sứ Tống Phước Ngoạn lúc vẽ bản đồ đường thủy từ sông Hậu qua khắp Xiêm La đến tận Penang hồi năm 1810 đã phải nhờ cậy chỉ điểm là một câu chuyện thực tế chứng tỏ.

Trạm tàu điện tại cột cờ Thủ Ngữ vào năm 1905.  Ảnh: Wikipedia.org

Trạm tàu điện tại cột cờ Thủ Ngữ vào năm 1905. Ảnh: Wikipedia.org

Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ảnh: QUANG ĐỊNH


Thực lực kinh thương trên dòng sông này đến thời Minh Mạng thì chắc đã đến mức độ sang chảnh, thấy Thực lục chép một đoạn thoại hồi tháng Giêng năm Ất Mùi (1835), rằng "Có 4 chiếc thuyền buôn người Thanh đến cửa biển Cần Giờ thuộc Gia Định. Quan tỉnh tâu lên. Vua bảo bộ Hộ rằng: Bọn chúng từ xa đến, có lẽ vì cho đất này dễ làm ăn, chắc không có ý gì khác. Triều đình mềm mỏng vỗ về người phương xa, cũng không cấm đoán gì. Có điều là những thủy thủ và khách đáp thuyền ấy phần nhiều là hạng nghèo túng, vô lại, phải truyền dụ quan tỉnh cho phép chúng đến chỗ gần sông Tam Kỳ, đổi chác mua bán như thường, nhưng nghiêm cấm không cho một khách nào lên bờ và hạn cho trong 4-5 tháng phải ra khơi quay về".

Sông Tam Kỳ tức nơi ngã ba nay gọi Lòng Tàu, từ cách chỉ đạo xử lý vụ việc kỳ cục của Minh Mạng, những thương nhân bèo bèo đành phải tụ tập nơi ấy, rồi quán xá bình dân nổi lên bán cho họ, chỗ này thành địa danh Xóm Quán, bản đồ thời Pháp (1881) ghi tên khúc sông này là "Song Xom Quan". 

Vè đường ghe có câu "Bình Đông, Xóm Chỉ là đây, Chèo ra Xóm Quán không đầy một canh", từ câu vè này một góc khác cho thấy Xóm Quán cũng thành một điểm tập kết hàng hóa, âu cũng tạo thêm công việc cho những doanh nghiệp vận tải tư nhân nhỏ nhỏ vậy.

Sông Sài Gòn chảy theo dòng lịch sử- Ảnh 5.

Cũng có điểm cần nhắc: năm 1835 là năm thành Gia Định đang trong sự biến giữa phe Minh Mạng với phe Lê Văn Khôi (tháng 7-1833 tới tháng 9-1835), đương nhiên ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh, nó cũng nhắc nhớ đến giai đoạn kinh hoàng oánh đấm bạo liệt giữa phe Tây Sơn với phe Nguyễn Ánh. Nhưng hình như ai đâm chém cứ đâm chém, ai làm ăn mua bán cứ làm ăn mua bán, dòng sông bên xứ Sài Gòn cứ điềm nhiên lớn ròng.

Trong mạng lưới sông ngòi chằng chịt

Người Pháp đầu tiên ghi tên "R. de Saigon" (Sông Sài Gòn) trên bản đồ Cochinchine Francaise Expedition de 1858, cũng là lần đầu tiên con sông này có tên gọi chung cho một dòng từ nguồn Tống Lê Chân (Tonle Cham) ra đến vàm Soài Rạp. 

Một mạch sông dài với điểm nhấn là Sài Gòn thị tứ. Mà nói đến chuyện kinh thương, Sài Gòn mạnh nhờ sự kết nối đông tây, và đông tây sung túc cũng nhờ điểm tụ Sài Gòn, đó là chuyện qua lại giữa những dòng sông.

Đường thủy hay đò dọc từ Sài Gòn đến Biên Hòa xa, sách Phủ biên tạp lục (1776) chép "Bến đò An Lâm đi Sài Gòn, thuế mỗi năm 89 quan 3 mạch", còn Gia Định thành thông chí (1820) chép "Bến đò phía bắc ở bến Rạch Cát thuộc dinh Trấn Biên, bến đò phía nam ở tổng Tân Long dinh Phiên Trấn (tục danh Cầu Đò), địa phận thôn Tân Hương". 

An Lâm có lẽ là tên thôn xưa có bến đò Rạch Cát [gần Cầu Gành, Tân Vạn], còn địa danh Cầu Đò đã mất từ lâu, nay lọt thỏm đâu đó trong địa bàn phường 6 quận 5, đây có lẽ là tuyến đường thủy duy nhứt chở khách khứ hồi Đồng Nai - Sài Gòn mà sử sách còn lưu dấu. Ghe đò chèo tay hoạt động dai dẳng mấy trăm năm, đến độ trở thành từ nguyên của "xe đò" máy nổ đùng đùng ở miền Nam giữa thế kỷ 20.

Sông Sài Gòn chảy theo dòng lịch sử- Ảnh 6.

Kẽo kẹt túc tắc cỡ 50 cây số, không thể không nhắc đến những trạm dừng. Ngã ba Nhà Bè, địa danh không chỉ đọng lại đời sau bởi câu ca man mác "Nhà Bè nước chảy phân đôi, Kẻ về Gia Định người hồi Đồng Nai" (chép đúng theo bản chữ Nôm của Lê Quang Định 1806, khác với câu thường nghe), mà còn với câu chuyện tương trợ khách buôn và người độ đường của ông phú hộ Thủ Huờn. 

Bây giờ, ai làm được một trạm dừng miễn phí trên cao tốc thì họa may mới sánh tên với ông này được. Đường xa lỡ con nước (hạn thủy triều hai lần trong ngày), ghe xuồng phải dừng đợi chỗ ngã ba Nhà Bè, cám cảnh truân chuyên, ông Thủ Huờn "làm nhà bè bằng tre, che lợp phòng ốc, để sẵn bếp lò, gạo và thức ăn cho khách tùy ý dùng, không phải trả tiền".

Như mà thời nay phục dựng hoạt động sông nước trên bến dưới thuyền, nếu có thêm mô hình nghĩa hiệp này, miễn phí giống hồi xưa, bà con buôn bán nhỏ chắc hoan nghinh lắm lắm. 

Đường thủy từ vùng châu thổ Mekong thuở ban đầu kết nối với Sài Gòn không thuận tiện mấy, nhưng hấp lực thị trường như lôi cuốn mọi ngả, từ sông rạch Vũng Gù (sau gọi Kinh Bảo Định), Bà Bèo (Pháp gọi Arroyo Commercial / Kinh Thương Mại) dần đến gần cuối thế kỷ 19 có thêm Kinh Chợ Gạo, những con đường thủy quan trọng mà tên gọi phần nào gợi lên cảnh tượng buôn bán nhộn nhịp, mạch sống và phát triển liên vùng.

Sông Sài Gòn, như một biểu tượng năng động theo dòng chảy lịch sử, từ những chuyến buôn bán cắc cụp nhọc nhằn, lan tỏa và kết nối nhịp nhàng với miền thượng du Tây Ninh, Đồng Nai và khắp châu thổ Mekong, từ từ sự giàu có sung túc cũng đến. 

Hồi xưa trên sông này, người mua bán với người; nay trên sông này, ngoài ra và khó hơn, người đang mua bán với tự nhiên (ngôn ngữ thời thượng gọi là môi trường sinh thái). Ngồi du tàu ngắm nghía đôi bờ, hay trên trực thăng dòm xuống chẳng hạn, đều phải tự nhắc mình, đừng để tự nhiên giận dỗi á.■

Chúa Nguyễn bị Tây Sơn lật vì không hiểu kinh tế thị trường

Trở lại nửa cuối thế kỷ 18, nguyên nhân cuộc chiến giữa Nguyễn Tây Sơn với Nguyễn Thuận Hóa được phân tích đã rất nhiều, qua hàng chục cuốn sách. Chúa Nguyễn với quyền thần ăn chơi xa xỉ khiến dân ghét là một nguyên nhân, nhưng nếu dân đủ ăn hoặc khấm khá trở lên thì sự xa xỉ hoang phí của đám nắm quyền có thể ít được chú ý.

Ẩn sĩ Thuận Hóa Ngô Thế Lân viết bài "Luận về tiền tệ" cho hay một tình tiết quan trọng rằng "ruộng ở Phiên Trấn và Long Hồ không bị hạn lụt bao giờ. Vậy mà từ năm Mậu Tý (1768) tới nay, giá thóc cao vọt, là cớ làm sao?", và cũng nói ra điểm mấu chốt là "từ khi việc đúc trộm tiền kẽm ở Ba Thắc hoành hành thì giá lúa ở Gia Định cao vọt…", tiền mất giá nên "dân ở phủ Gia Định vốn chưa từng chứa thóc làm lợi, nay thì nhà nào cũng tích trữ, rồi nhà giàu các phủ khác cũng tích trữ…". Sự cố thao túng thị trường tiền tệ cộng với nạn đầu cơ ấy đã khiến người dân khắp các phủ quanh Phú Xuân lâm vào cảnh đói, khơi mào loạn lạc, chiến tranh nổi lên và ngôi chúa sụp đổ.

Bài luận rất mang tính "hiến kế và cảnh báo" này nói kỹ thực trạng xã hội và cả giải pháp cứu vãn tình thế. Ẩn sĩ họ Ngô đưa gởi phủ chúa vài năm trước chiến tranh, nhưng chắc là đám lãnh đạo đọc không thấu, đến lúc Lê Quý Đôn vào tiếp quản Thuận Hóa đã tìm thấy và chép nguyên văn vào Phủ biên tạp lục (1776) với lời nhận định rằng "Nguyễn Phúc Thuần không xét đến". Phủ Gia Định tuy nằm trên vựa lúa nhưng có lẽ các chúa Nguyễn thiếu kinh nghiệm và không quản nổi thị trường tài chính, nên nó hắt hơi sổ mũi một phát là điêu đứng cả Nam Hà. Cái vụ đúc tiền chất lượng kém ở Ba Thắc (rạch Trường Tiền gần Đại Ngãi, và rạch Trường Tiền gần Lấp Vò) dẫn đến lạm phát có thể kể là một tác nhân của cuộc chiến vùng miền hơn hai chục năm trời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận