TTCT - Cũng vì người về nhì thường thấy rất "bạc" khi chỉ giành huy chương bạc. Ảnh: AxiosTrong mọi cuộc đấu thể thao, người về đầu chắc chắn sung sướng nhất, nhưng thứ đến không phải kẻ về nhì, mà là vị trí thứ ba. Có vô số ví dụ và nghiên cứu khoa học cho thấy đó không phải là nhận định cảm tính.Tại Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022, nữ vận động viên giành huy chương vàng Eileen Gu và người đoạt huy chương đồng Mathilde Gremaud xúm lại an ủi người giành huy chương bạc Tess Ledeux ngay sau trận chung kết nội dung trượt tuyết tự do. Tâm lý này không chỉ có ở Thế vận hội. Thời World Cup còn có trận tranh hạng ba, dễ thấy đội đoạt chức vô địch và đội "đệ tam anh hào" thường rất hân hoan, còn đội á quân ủ rũ đến mức nhiều cầu thủ tháo luôn huy chương dù mới đeo một giây.Còn ở Paris 2024 vừa kết thúc, hãy nhìn cách truyền thông Mỹ đưa tin về kết quả của hai vận động viên điền kinh Sha'Carri Richardson (huy chương bạc 100m nữ) và Noah Lyles (huy chương vàng 100m nam).Tin về Sha'Carri Richardson nhấn mạnh ý thất bại ("Richardson ... còn thiếu 0,15 giây nữa là hoàn hảo", The Washington Post), còn với Noah Lyles thì khẳng định chiến thắng vẻ vang ("Noah Lyles là người đàn ông nhanh nhất thế giới", NBC News).Trong một nghiên cứu năm 1995, các nhà tâm lý học Victoria Medvec, S. F. Madey và Thomas Gilovich khẳng định những người đoạt huy chương đồng thường tỏ ra hạnh phúc hơn đáng kể so với những người giành huy chương bạc, bất kể chính những người về nhì đó đã đánh bại họ. Nhóm nghiên cứu cho rằng nguyên do là tư duy phản thực tế (counterfactual thinking) - đặt thực tại với một kịch bản "lẽ ra", khác với thực tế. Với người vừa giành huy chương bạc, đó là trường hợp họ giành vàng; với người hạng ba, đó lại là tình huống họ trắng tay. So sánh sao thì cảm xúc vậy - so vàng với bạc ắt sẽ buồn, đo tay trắng với đồng hẳn phải vui. "Khi được huy chương đồng, cảm giác sẽ là "ít nhất ta cũng được gì đó", nhưng với huy chương bạc, cầm vàng mà để vàng rơi, thành thử thất vọng cũng là lẽ đương nhiên" - Georgia Miller, chuyên gia tâm lý thể thao, nói với trang Axios.Ai là người hạnh phúc nhất? Các vận động viên đoạt huy chương tạo dáng sau trận chung kết thể dục dụng cụ toàn năng nữ ở Olympic London 2012. Ảnh: Getty ImagesTrong một nghiên cứu, John A. List - giáo sư danh dự về kinh tế tại Đại học Chicago (Mỹ) - chia một số giáo viên thành hai nhóm - "được" và "mất". Với nhóm "được", ông ra điều kiện nếu học sinh của họ đạt thành tích tốt, họ sẽ được thưởng cuối năm. Với nhóm "mất", giáo viên được thưởng ngay từ đầu năm nhưng sẽ phải trả lại tiền nếu học sinh cuối năm có kết quả kém. Kết quả sau cùng: học sinh của giáo viên thuộc nhóm "mất" học tốt hơn, do lẽ động lực buộc phải trả lại số tiền thưởng đã thôi thúc giáo viên cố gắng nhiều hơn. Nghiên cứu cho rằng nếu so sánh ở cùng một cường độ, nỗi đau của sự mất đi có tác động mạnh mẽ hơn với tâm lý con người so với niềm vui của sự có thêm.Theo giáo sư List, nguồn gốc sự bất đối xứng này liên quan đến quá trình tiến hóa từ lúc loài người còn đang vật lộn sinh tồn trong hoang dã cách đây 100.000 năm. Khi đó, loài người thấy nếu hôm nay có thêm thức ăn, quá tốt. Nhưng nếu hôm nay mất đi những thức ăn đã có, hậu quả thật kinh khủng. Dần dần, con người tiến hóa trở nên rất nhạy cảm với mất mát và luôn cố gắng tránh nó. Điều này còn được gọi là "hiệu ứng tài sản" hay "ghét mất mát", được các nhà tâm lý học nổi tiếng như Daniel Kahneman và Amos Tversky nghiên cứu.Các vận động viên giành huy chương bạc, đồng cũng không thoát khỏi quy tắc được - mất này. Giáo sư John A. List cho rằng những người giành đồng có thể đã cảm nhận thành tích của họ như đang ở trong một nhóm "được": họ được vị trí thứ 3 thay vì thứ 4. Còn những người giành huy chương bạc đang nhìn thành tích của họ như trong một nhóm "mất": họ không thể giành được ngôi quán quân.Vậy, có cách nào giúp tâm lý vận động viên giành huy chương bạc thoải mái hơn? Giáo sư John A. List cho rằng trước hết nên điều chỉnh suy nghĩ về các "kết quả phản thực tế". Thay vì nghĩ "lẽ ra tôi có thể giành huy chương vàng", có thể nghĩ "lẽ ra mình đã giành huy chương đồng", giúp họ thấy thành tích hiện tại đã rất tốt. Hoặc ngay từ trước cuộc thi, nên chấp niệm "tôi hiện không có huy chương nào", thế là đến lúc trao giải, huy chương màu nào cũng giúp họ cảm thấy mình ở nhóm "được" chứ không phải nhóm "mất".Trong bài viết trên trang Psychology Today khi Paris 2024 đang diễn ra, tiến sĩ Jaclyn Margolis - giảng viên tTrường Kinh doanh Pepperdine Graziadio (Mỹ) - cho rằng có thể áp dụng tâm lý của một vận động viên giành huy chương đồng vào đời sống. "Biết cách ăn mừng ngay cả những chiến thắng nhỏ, bạn sẽ hình thành được khả năng xử lý các thách thức" - bà viết.Tốt hơn cả là quên những kiểu nghĩ "về nhì là thất bại" hoặc "không ai nhớ kẻ hạng hai đi". Cứ nhìn vận động viên bắn súng Thổ Nhĩ Kỳ Yusuf Dikec, người đoạt huy chương bạc nổi tiếng nhất Paris 2024, là hiểu. Tags: Huy chương đồngTâm lýTâm lý họcThắng bạiOlympic
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".