“Sophia Loren là mãi mãi”

LÂM LÊ 08/12/2020 22:00 GMT+7

TTCT - Ở tuổi 86, với nụ cười trên môi, đó là câu trả lời của Sophia Loren cho tờ The Guardian về bộ phim điện ảnh đầu tiên của bà trong vòng một thập niên qua - một sự trở lại với sự nghiệp diễn xuất mà bà nói là “chính là cả cuộc đời”.

 
Vai diễn Madame Rosa trong The Life Ahead(phát trên Netflix vào đầu tháng 11-2020), do con trai bà Edoardo Ponti đạo diễn, một lần nữa là minh chứng thuyết phục cho tài năng diễn xuất của Sophia Loren - nữ diễn viên nổi danh người Ý, suốt ba thập niên (từ 1950 đến 1970) lừng lẫy toàn cầu với hình ảnh của một biểu tượng nhục cảm.

Vẫn là diễn xuất mãnh liệt ấy

Hơn 10 năm trước, Sophia xuất hiện với vai diễn trong bộ phim nhạc kịch đáng quên Nine (2009), rồi tới phim ngắn Voce Umana (2014). The Life Ahead là bản chuyển thể mới nhất từ tiểu thuyết The Life Before Us của Romain Gary, nhà văn từng hai lần đoạt giải Gouncourt, tuy thế không được đánh giá cao bằng phiên bản năm 1977 của điện ảnh Pháp (Madame Rosa, đoạt giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất). Điểm sáng của bộ phim hoàn toàn nằm ở diễn xuất gây ám ảnh của Sophia Loren ở tuổi gần đất xa trời.

Bối cảnh của bộ phim được chuyển từ nước Pháp cuối thập niên 1970 sang một thành phố cảng của miền Nam nước Ý thời hiện đại. Ở đó, Rosa (Sophia Loren) - một bà già sống sót qua trại diệt chủng Do Thái, từng làm gái điếm để sinh tồn - nay trở thành người chăm sóc những đứa trẻ - con của những cô gái điếm đang hành nghề khác.

Cho dù vẫn phải đối mặt với những ký ức kinh hoàng của quá khứ, sự lão hóa, bệnh tật của tuổi già, bà Rosa vẫn dẫn dắt những đứa trẻ bất trị hướng về tương lai phía trước, mà tâm điểm là mối quan hệ giữa bà và Momo, một cậu bé da đen mồ côi nhập cư từ Senegal, kẻ từng đánh cắp túi xách của bà trên phố. Bắt đầu từ sự mâu thuẫn, hòa giải bằng sự chịu đựng lẫn nhau, mối quan hệ đặc biệt ấy dần trở thành một mối tình thân, một chốn nương tựa của nhau. Khi sức khỏe của bà Rosa giảm sút trầm trọng vì bệnh tật và quên lãng, Momo trở thành cứu tinh của bà lúc cuối đời - một sự đảo ngược ấm lòng.

 “Cơ thể có thể già đi, nhưng tâm trí của tôi thì không”

Sophia Loren

Tiểu thuyết The Life Before Us được Romain Gary viết dưới bút danh Émile Ajar, xuất bản năm 1975. Hai năm, biên kịch, đạo diễn Moshé Mizrahi chuyển thể thành phim Madame Rosa với diễn xuất của nữ diễn viên lừng danh Simone Signoret. Bộ phim này sau đó mang về cho điện ảnh Pháp giải Oscar hạng mục phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

Với phiên bản chuyển thể lần này, biên kịch Ugo Chiti đưa vào một số thay đổi đáng kể, từ chuyển đổi bối cảnh từ Paris, Pháp sang Bari ở miền Nam Ý, nói tiếng Ý thay vì tiếng Pháp trong ngôn ngữ gốc cho tới sự thay đổi về tâm trạng của nhân vật. Đặc biệt là những thay đổi trong khắc họa nỗi ám ảnh quá khứ của bà Rosa. Chính ở những thay đổi này, diễn xuất của Loren, trong vẻ đẹp của sự già nua và sự lụi tàn của ký ức, đã chuộc lại phần nào cách dàn dựng và kể chuyện điện ảnh khá công thức của đạo diễn Edoardo Ponti. Trong ánh nến yếu ớt sót lại trước khi tắt, Madame Rosa dũng cảm đối mặt tương lai, vẫn không nguôi lo lắng cho số phận của những đứa trẻ mồ côi mà bà chịu trách nhiệm chăm sóc, vẫn tìm kiếm sự ẩn náu từ quá khứ trong thánh địa cô độc dưới tầng hầm bí mật. Ở tuổi 86, vẫn là Sophia Loren, với những biểu cảm mãnh liệt trong diễn xuất, đặc biệt là qua ánh mắt như có một màn sương bao phủ.

Sinh năm 1934 trong một khu ổ chuột ở thành phố Rome của Ý, bị người cha bỏ rơi, Sophia Loren trải qua một tuổi thơ khốn khó, đặc biệt là trong những năm Thế chiến 2. 15 tuổi, Sophia Loren tham gia một cuộc thi sắc đẹp để kiếm tiền giúp mẹ và lọt vào vòng chung kết. Vẻ đẹp rực rỡ của tuổi mới lớn ấy đã khiến Carlo Ponti - một trong những giám khảo của cuộc thi và là nhà sản xuất phim lừng danh - chú ý. Bất chấp tuổi tác cách biệt (Ponti hơn Loren đến 23 tuổi), mối quan hệ giữa hai người vẫn nảy sinh, rất nhiều sóng gió ập tới. Phải nhiều năm sau, khi Ponti chuyển quốc tịch sang Pháp và được phép ly dị vợ, ông mới chính thức đến với Sophia Loren. Cuộc hôn nhân đó kéo dài cho đến khi Carlo Ponti qua đời năm 2007, cũng là cuộc hôn nhân duy nhất trong cuộc đời Sophia Loren.

Quyến rũ chết người và thiên biến vạn hóa

 

Trong ba thập niên, từ 1950 đến 1970, với Carlo Ponti, nhà sản xuất đứng sau hàng loạt bộ phim điện ảnh kinh điển của điện ảnh Ý lẫn Hollywood, Sophia Loren bước lên đài vinh quang của cả nhan sắc lẫn tài năng. Bà xuất hiện trong những bộ phim Ý phủ sóng khắp thế giới, trong đó có những màn hợp tác xuất chúng với hai huyền thoại khác của điện ảnh Ý là đạo diễn Vittorio De Sica và nam tài tử Marcello Mastroianni. Bà tiến sang Hollywood, cộng tác với những nam tài tử hàng đầu như Marlon Brando, Gregory Peck, Clark Gable, Cary Grant, Charlton Heston... trong những xuất phẩm quốc tế.

Khác với hai biểu tượng nhục cảm khác là Marilyn Monroe và Brigitte Bardot thường đóng đinh trong những vai diễn phô trương vẻ quyến rũ chết người nhưng kém đa dạng về hình mẫu nhân vật, diễn xuất của Sophia Loren vô cùng linh hoạt và biến hóa khó lường. Ở bộ phim này, Loren đóng vai một người mẹ đơn thân cùng con gái trải qua những kiếp nạn của chiến tranh (Two Women, vai diễn đem về cho bà giải Oscar năm 1962 trong một bộ phim nói tiếng Ý) thì sang bộ phim khác, bà đóng vai một cô gái điếm phóng túng có mối quan hệ kéo dài nhiều năm trời với một doanh nhân giàu có (Marriage Italian Style, mang về cho Loren đề cử Oscar thứ 2).

Trong Yesterday, Today And Tomorrow (1963, giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất, tiếp tục là một thành công quốc tế khác dưới tài đạo diễn của Vittorio De Sica), hai biểu tượng diễn xuất Sophia Loren và Marcello Mastroianni tiếp tục cống hiến cho khán giả ba câu chuyện tình ở ba thời điểm, ba bối cảnh khác nhau. Trong ba vai diễn khác nhau đó, Sophia Loren chuyển từ vai một người mẹ nghèo của 7 đứa con phải phạm pháp vì sinh kế, đến một cô tình nhân của một tay triệu phú giàu có nhưng ngoại tình với một gã trai trẻ, cuối cùng là một cô gái điếm khiến những gã đàn ông phải điên loạn vì tình.

Vào cuối thập niên 1970, bà trở lại cùng Marcello Mastroianni trong bộ phim tuyệt tác A Special Day (1977), một trong những tác phẩm điện ảnh Ý được bình chọn là “xuất sắc nhất mọi thời”. Bối cảnh của bộ phim diễn ra vào cuối những năm 1930 khi xã hội châu Âu có nhiều biến đổi đột ngột, những mầm mống của chủ nghĩa phát xít xuất hiện. Trong một ngày đặc biệt, khi Hitler công du sang Ý để gặp gỡ Mussolini, Antoinietta (Sophia Loren), người vợ của một gã chồng gia trưởng, người mẹ của 6 đứa con bất trị, tình cờ gặp gỡ với Gabrriele (Marcello Mastroianni), một phát thanh viên bị đuổi việc vì công khai đồng tính và chống phát xít. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trong một ngày đặc biệt đó đã thay đổi họ mãi mãi. Với một cái nhìn không khoan nhượng về lịch sử, đi sâu vào thân phận cá nhân trước những biến chuyển của lịch sử, A Special Day là bộ phim đầy day dứt về thân phận của những con người nhỏ bé, thể hiện qua câu thoại của người phụ nữ cô đơn và không được gia đình, xã hội tôn trọng: “Sự tồn tại đôi lúc đối với tôi là một sự nhục nhã”.

Sophia Loren và bạn diễn Ibrahima Gueye trong phim The life ahead. Ảnh: imdb

Sao tôi lại nên ngừng lại?

Sophia Loren là nữ diễn viên đầu tiên trong một bộ phim không nói tiếng Anh đoạt giải Oscar và phải hơn nửa thế kỷ sau mới có một nữ diễn viên làm được điều tương tự (Marion Contillard trong phim La Vie en Rose của điện ảnh Pháp - năm 2007). Năm 1991, khi được Viện Hàn lâm Mỹ trao giải Oscar cho Thành tựu trọn đời, Sophia Loren được ghi nhận là: “Một huyền thoại với sự nghiệp đa dạng và những màn diễn xuất đáng nhớ đã thắp lên ánh sáng vĩnh viễn cho loại hình nghệ thuật điện ảnh”.

Tái xuất sau hơn một thập niên với vai diễn đầy sức nặng, khi được hỏi có bao giờ bà cảm thấy lạc lõng hoặc thiếu tự tin trong bối cảnh điện ảnh ngày nay và sau nhiều năm không đứng trước ống kính, Sophia Loren trả lời: “Thỉnh thoảng, có lẽ vậy”. Bà nói thêm: “Nhưng rồi tôi tự nhủ: Im nào, hãy mạnh mẽ lên. Chỉ cần tiếp tục và cố gắng. Đôi khi bạn mắc sai lầm, đôi khi bạn lại chiến thắng. Tôi đã mắc vài sai lầm, nhưng tôi vẫn chiến thắng”.

Và kết thúc cuộc trò chuyện khác với The New York Times, khi nghe hỏi liệu bà có tiếp tục diễn xuất không, bà đã trả lời bằng một câu hỏi ngược “Khi tôi đã thích diễn xuất, thì tại sao tôi lại nên ngừng lại?”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận