TTCT - Ở khắp nơi trên thế giới, chi phí để theo đuổi giáo dục bậc cao ngày càng tăng, đến mức nhiều người phải cân nhắc xem có đáng bỏ ra số tiền khổng lồ để học đại học, trong khi tương lai sau đó vô cùng bấp bênh hay không. College Savings Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy từ năm 2012 đến 2019, mức chi tiêu trung bình mà mỗi người học đại học phải bỏ ra đã tăng 1,2%/năm. Năm 2019, bình quân một sinh viên chi 17.600 USD (khoảng 427 triệu đồng)/năm cho giáo dục đại học tại các nước thành viên OECD. Con số này ở Mỹ là gần gấp đôi - đến 30.000 USD/sinh viên/năm.Học ở đâu đắt nhất?Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng 20 nước có chi phí học đại học đắt nhất do trang tài chính Insider Monkey tổng hợp và công bố đầu tháng này, với học phí trung bình năm 27.091 USD, còn Úc đứng cuối với 5.939 USD.Bảng xếp hạng dựa trên hai chỉ số chính: (1) chi phí trung bình cần thiết cho một năm học đại học ở một quốc gia và (2) mức thu nhập trung bình hằng năm của người dân quốc gia đó. Tỉ lệ phần trăm mà chi phí học đại học chiếm trong thu nhập được dùng để so sánh sự đắt đỏ của đại học giữa các nước. Phần lớn dữ liệu được lấy từ Chỉ số giá giáo dục năm 2022 và dữ liệu Lương trung bình hằng năm của OECD.Theo cách tính này, top 20 nước học đại học "chát" nhất bao gồm đại diện từ hầu hết các châu lục. Phần trăm lương của người Mỹ được dành cho học phí là 34,9%, tức hơn 1/3. Tại châu Âu, "cường quốc du học" Anh xếp thứ 8 với chi phí học đại học mỗi năm vào khoảng 11.405 USD trong khi lương trung bình hằng năm 53.985 USD, nghĩa là chi phí học đại học chiếm khoảng 21,1% thu nhập của một người dân Anh. Tỉ lệ này ở Úc là 10%.Đại diện châu Á có Nhật và Ấn Độ, lần lượt đứng thứ 10 và 18, với phần trăm tiền lương chi cho đại học là 21,1% và 12,2%. Trong khối ASEAN, Singapore và Malaysia xếp thứ 17 và thứ 9. Người Singapore phải trả trung bình 9.112 USD cho chi phí đại học, bằng 13,2% tiền lương trung bình năm, trong khi người Malaysia trả khoảng 20,2% thu nhập hằng năm cho chi phí đại học. Indonesia xếp thứ 5, khoản phí đại học chiếm tỉ lệ 24,5% tiền lương của người dân nước này.Những cái tên còn lại trong top 5 lần lượt là Nam Phi (25,5%), Nga (25,6%), Jamaica (27,2%).Ảnh: CNBCVì đâu nên nỗi?Vì sao đại học ngày càng đắt đỏ? Với riêng ở Mỹ, có rất nhiều lý giải. Nhà báo chuyên phân tích thị trường Nicole Goodkind của CNN cho rằng lý do đầu tiên nằm ở việc các trường đại học luôn sử dụng lao động theo cách truyền thống mà không thể áp dụng những bước tiến công nghệ để giảm chi phí nhân sự như những ngành khác. Rõ ràng, đã là đại học thì phải có giảng viên, có giáo sư. Nhiều người học chừng nào thì cần nhiều người dạy chừng nấy. Nếu như các doanh nghiệp, nhà máy có thể sắm dây chuyền tự động, mua robot để tiết giảm nhân công và tăng hiệu suất lao động, thì đại học gần như bó tay với những cuộc cách mạng lao động kiểu như thế. Chưa kể, tiền lương cho mỗi giảng viên, giáo sư cũng không ngừng tăng qua từng năm.Một số đại học đã cố gắng xoay xở cho gánh nặng nhân sự. Để tiết kiệm tiền, nhiều trường giảm số giáo sư cơ hữu, tăng dùng những giảng viên ngoài biên chế, là những người được trả lương thấp hơn và không được hưởng đầy đủ quyền lợi. Theo Hiệp hội Giáo dục quốc gia Mỹ, hệ thống giáo dục đại học nước này ngày càng phụ thuộc vào các giảng viên thỉnh giảng. Vào học kỳ mùa thu năm 2021, hiệp hội đã tính toán có gần 70% giảng viên đại học ở Mỹ tham gia dạy thời vụ, trong khi năm 1987 tỉ lệ này chỉ là 47%.Thứ hai, theo Nicole Goodkind, sự cạnh tranh giữa gia đình "siêu giàu" mà gốc rễ là bất bình đẳng thu nhập tại Mỹ đã góp phần neo chi phí đại học ở mức cao. Cán cân bình đẳng thu nhập ở Mỹ bắt đầu lệch đi đáng kể từ những năm 1970. Đến năm 2021, 10% người Mỹ giàu nhất nắm giữ gần 70% tài sản của nước này, tăng từ khoảng 61% vào cuối năm 1989. Còn hiện giờ, Viện Chính sách kinh tế Mỹ đưa ra con số 1% người kiếm thu nhập cao nhất tại Mỹ hiện chiếm 21% tổng thu nhập cả nước.Điều này có nghĩa dù một trường đại học top đầu có thể đưa ra mức học phí cao cỡ nào đi nữa thì vẫn có các gia đình giàu đủ khả năng đáp ứng. Không chỉ thế, nhà kinh tế học Catharine Hill - cựu chủ tịch Đại học Vassar - cho rằng những gia đình giàu có còn sẵn lòng chi thêm tiền để đổi lấy các dịch vụ sang hơn, cơ sở vật chất tốt hơn. Họ muốn các lớp học nhỏ, ký túc xá đẹp hơn, thức ăn căng tin ngon hơn… Để thu hút sinh viên giới giàu có, đại học phải tăng cường chất lượng những tiện ích này. Bằng chứng là một nghiên cứu gần đây của Hội đồng Quản trị và Cựu sinh viên Mỹ cho thấy các đại học đang "đổ" nhiều tiền vào dịch vụ vận hành trường cũng như vào các tiện ích sang hơn. Khoản chi tiêu này đã tăng 29% từ năm 2010 đến năm 2018, trong khi cùng giai đoạn trên, mức tăng chi tiêu dành cho đội ngũ giảng dạy là 17%.Thêm một nguyên nhân góp phần "đắt đỏ hóa" chi phí đại học ở Mỹ, là các khoản trợ cấp từ chính quyền các bang đã giảm đáng kể. Phân tích mới đây của Hiệp hội Giáo dục quốc gia Mỹ cho thấy trong giai đoạn 2020-2021, 37 trong tổng số 50 bang của Mỹ đã giảm nguồn tài trợ cấp bang cho giáo dục đại học, mức giảm trung bình là 6%. "Điều này có nghĩa là các trường đại học phải phụ thuộc vào học phí của sinh viên để trả chi phí vận hành đại học", Hiệp hội Giáo dục quốc gia Mỹ viết trong báo cáo.Sinh viên giàu, sinh viên nghèoĐã có thời nhiều đại học công ở Mỹ miễn học phí. Những trường còn lại cũng thu học phí rất thấp khi trợ cấp từ các bang đã trả phần lớn cho chi phí vận hành trường. Tiến sĩ Dominique Baker tại Đại học Southern Methodist (Mỹ) cho biết đến khoảng những năm 1960, các chính sách bắt đầu thay đổi khi số lượng sinh viên ngày một tăng (thế hệ Baby Boomer đến tuổi vào đại học), dẫn tới việc duy trì và mở rộng khả năng tiếp cận đại học miễn phí gặp nhiều thách thức.Bấy giờ, chính quyền thiết kế một cơ chế mới: các cơ sở giáo dục đại học có thể định giá học phí tùy ý, miễn là họ cung cấp đủ hỗ trợ cho sinh viên eo hẹp tài chính. Hiểu một cách nôm na, các đại học có thể thu học phí cao cho tất cả sinh viên, rồi cấp học bổng hỗ trợ cho sinh viên khó khăn. Mô hình học phí và hỗ trợ tài chính đi theo "cơ chế thị trường" này vẫn đang được áp dụng ở nhiều đại học Mỹ hiện nay.Qua nhiều năm, tiến sĩ Dominique Baker nhận thấy cách làm trên có điểm yếu ở chỗ chỉ hiệu quả ở các trường đại học tên tuổi hoặc có các quỹ đầu tư lớn. Số trường này lại chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng các đại học ở Mỹ. Chẳng hạn nhóm trường tinh hoa Ivy League có học phí cao, nhưng danh tiếng và chất lượng của trường giúp họ kéo về rất nhiều sinh viên đủ tài chính để "trả đúng, trả đủ". Sau đó, họ dùng một phần tiền đóng học phí từ những sinh viên nhà giàu để trợ cấp cho các bạn có điều kiện tài chính kém hơn.Tuy nhiên, chỉ có đại học tên tuổi có thể thu hút đủ sinh viên giàu sẵn sàng trả đủ tiền học dù đắt đỏ đến đâu. Trong số khoảng 2.600 đại học đào tạo hệ 4 năm ở Mỹ, chưa đến 100 trường có thể đáp ứng mọi nhu cầu hỗ trợ tài chính của sinh viên khó khăn nhờ việc thu đủ tiền từ các sinh viên giàu. Khoảng 2.500 trường đại học không thể đạt tới mức cân bằng lý tưởng này. Cái khó của những trường này là "anh không thể thu học phí như giá của một chiếc xe sang Porsche khi mọi người đang thấy chất lượng của trường chỉ như một chiếc xe Honda" - JamesS. Murphy, chuyên gia phân tích chính sách giáo dục bậc cao của Tổ chức Education Reform Now, nói trong bài viết cho trang Business Insider.Đây rốt cuộc cũng chính là nút thắt của câu chuyện học phí cao. Năm 2022, 89% số sinh viên theo học trường liberal art (giáo dục khai phóng) có thể tự trả hoàn toàn học phí đều học tại một trường thuộc top 50 của U.S. News & World Report. Các trường còn lại không đủ sức hút cho các sinh viên giàu có. Đồng nghĩa, các sinh viên dù được nhận học nhưng sẽ nhận được ít hỗ trợ hơn, dẫn tới việc họ phải vay nợ nhiều hơn để học đại học. Cắn răng đóng học phí song mức lương mà sinh viên có thể kiếm được sau khi tốt nghiệp đại học cũng không thể theo kịp với chi phí đại học. Báo cáo năm 2019 từ Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy thu nhập của người trẻ có trình độ đại học gần như không biến động suốt 50 năm qua. Trong khi đó, dữ liệu gần đây từ Cơ quan Giáo dục đại học Mỹ chỉ ra trong bốn năm đầu sau khi tốt nghiệp, có đến 1/3 số sinh viên kiếm được ít hơn 40.000 USD, thấp hơn mức lương trung bình 44.356 USD mà lao động chỉ có bằng tốt nghiệp trung học kiếm được. Nếu cộng thêm số nợ trung bình trên vai sinh viên 33.500 USD sau khi rời trường đại học, nhiều cử nhân dường như sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa mới đuổi kịp tài chính với những bạn đồng trang lứa không có bằng cấp.Chẳng trách Gen Z bắt đầu nhìn đại học với con mắt khác. Một khảo sát năm 2022 của hãng Morning Consult cho thấy chỉ 41% trong số bạn trẻ Gen Z tin tưởng các trường đại học sẽ tạo thêm giá trị cho họ, tỉ lệ thấp nhất trước nay. Trước đó, khảo sát năm 2014 của Pew chỉ ra có đến 63% người trẻ thuộc thế hệ Y (1981 - 1996) đánh giá cao giá trị của việc học đại học. Tags: Học đại họcGiáo dục đại họcPhát triển Kinh tếBảng xếp hạngMỹÚcOECDTrường đại họcChi phí trung bình
Phản cảm leo lên xe tăng, súng, pháo ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam chụp ảnh, cha mẹ còn cổ vũ NAM TRẦN 11/11/2024 Nhiều khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cuối tuần qua đã leo trèo lên xe tăng, máy bay, các khẩu súng, pháo, xâm phạm hiện vật gây bức xúc.
Tổng thống Chile chủ trì lễ đón Chủ tịch nước Lương Cường DUY LINH 11/11/2024 Tổng thống Gabriel Boric Font chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Lương Cường tại Quảng trường Hiến Pháp trưa 11-11.
Bão Toraji vào Biển Đông thành bão số 8, bão Yinxing suy yếu CHÍ TUỆ 11/11/2024 Tối 11-11, bão Toraji đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 8 trong năm 2024. Trong khi đó, bão Yinxing (bão số 7) suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Ông Trump giao người 'cứng tay' trục xuất dân nhập cư bất hợp pháp NGHI VŨ 11/11/2024 Ông Homan từng là quan chức cấp cao giám sát nhập cư trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, thời điểm chính sách gắt gao đã khiến hàng ngàn gia đình bị chia cắt ngay tại biên giới Mỹ.