Sự nguy hiểm của vết lở không đau

N.V.THÁI (BÌNH DƯƠNG) 18/12/2012 22:12 GMT+7

TTCT - Tôi bị đái tháo đường (ĐTĐ) 10 năm. Cách nay hai tháng, ngón chân cái bên trái sưng nhẹ, thấy có một điểm đen tôi táy máy lấy kim lể. Hai ngày sau ngón chân sưng to tấy đỏ và có mảng thâm đen. Xin bác sĩ cho biết phải điều trị ra sao, có nguy hiểm không?

Phóng to
Giữ vệ sinh sạch sẽ vết loét và theo dõi hằng ngày - Ảnh: sfc.vn

Có không ít bệnh nhân mắc sai lầm tương tự, có người phải mổ để tháo bỏ ngón chân. Bệnh ĐTĐ làm người bệnh không chỉ đối mặt với những nguy cơ cấp tính, mà còn được xem là kẻ giết người thầm lặng bởi nhiều biến chứng. Trong số những biến chứng này, loét và nhiễm trùng bàn chân là biến chứng gây phiền nhiễu vì lâu lành, lại dễ tái phát khiến người bệnh giảm chất lượng sống rất nhiều, đôi khi bị trầm cảm.

Những biến chứng nguy hiểm

Người mắc bệnh ĐTĐ thường có tuần hoàn máu ở chân kém, mất cảm giác do tổn thương thần kinh, dễ nhiễm trùng bởi tăng glucose máu. Nếu người bệnh có hút thuốc và không kiểm soát được đường huyết, nguy cơ biến chứng bàn chân chắc chắn sẽ cao hơn và nặng nề hơn.

Rất nhiều người không biết đang có một loét cấp tính ở bàn chân do không thấy đau. Loét khởi đầu chỉ là một vết nứt ở da hay trầy rách da nhỏ, hoặc bóng nước nhưng không lành, cứ tiếp tục lan rộng và ăn sâu. Do cơ thể giảm đề kháng với nhiễm trùng, loét sạch lúc đầu sẽ nhanh chóng bị nhiễm trùng dẫn đến hủy hoại mô.

Nếu bạn là người bệnh ĐTĐ, hãy lưu ý bàn chân mình và tập thói quen tự khám bàn chân hằng ngày, vì điều này giúp phát hiện sớm các tổn thương cấp nêu trên. Đừng chờ đến khi loét bị đau mới đi bác sĩ vì người ĐTĐ ít còn cảm giác đau do những sợi thần kinh cảm giác đã bị hư hại. Đừng xem vết thương tiết nhiều dịch mới đáng để đến bác sĩ vì khi đó loét đã ăn vào xương, tức đã muộn rồi.

Rất nhiều bàn chân ĐTĐ khi bị loét, dù có nỗ lực điều trị nhiều tuần lễ cũng không đảm bảo lành. Nguyên nhân đưa đến vết thương bàn chân thường gặp là:

* Đi chân không nên dễ đạp phải dị vật, tự lấy kim lể nhọt da, tự cắt da chai, tự đắp thuốc vào bàn chân.

* Không giữ bàn chân sạch sẽ làm dễ nhiễm trùng.

* Làm móng chân và cắt sâu vào thịt.

* Phỏng da do ngâm chân nước ấm, nước thuốc...

* Đi giày chật, dép đế cứng, kích cỡ không phù hợp dễ làm phồng rộp bàn chân.

* Móng mọc ngược quặp vào thịt ở hai cạnh bên của ngón.

Theo dõi kỹ dù là vết lở nhỏ

Bất kỳ vết loét nào cũng cần băng lại để giữ sạch loét và phải theo dõi hằng ngày. Lúc này không nên đi lại trên bàn chân loét, bàn chân được nghỉ ngơi giúp vết loét không nặng thêm. Vết thương sau 48 giờ không giảm cần tích cực điều trị, đôi khi phải nhập viện. Nếu bạn đến trễ, nhiễm trùng không còn đơn giản như lúc đầu, hủy hoại mô nhiều có thể phải tháo ngón hoặc đoạn chi, thậm chí đe dọa tính mạng.

Điều quan trọng nhất để đối phó với biến chứng bàn chân là phát hiện sớm và dự phòng. Trên thực tế, hầu hết nhiễm trùng bàn chân ở người bệnh ĐTĐ là do thiếu kiến thức chăm sóc bàn chân. Giữ đường huyết ổn định, chủ động dự phòng sự cố ở bàn chân là cách hiệu quả để giảm loét.

Bệnh nhân phải tuân thủ những điều sau đây:

1. Khám bàn chân mỗi ngày, xem kỹ khắp bàn chân từ gót đến giữa các kẽ ngón tìm dấu hiệu bất thường như vết trầy rách da, chỗ đỏ da, chỗ sưng, phồng rộp, loét...

2. Tránh dùng nước hơi nóng để rửa (vì giảm cảm giác dễ chịu) dẫn đến phỏng bàn chân. Lau khô bàn chân sau khi rửa.

3. Giữ ẩm để tránh khô, chai da bàn chân vì nhiễm trùng có thể đến từ những vết nứt do khô da. Thoa kem giữ ẩm bàn chân hằng ngày (không thoa kem giữa các kẽ ngón).

4. Cắt móng thận trọng. Cẩn thận tránh cắt phạm vào thịt, nhất là ở khóe móng, tránh cắt móng quá ngắn, quá sát.

5. Tránh mang giày chật. Chọn giày dép vừa vặn, mềm êm, có miếng lót trong giày, nhất là với người bị biến chứng thần kinh cảm giác và vận động. Giày phải luôn đủ rộng để chứa hết tất cả các ngón, kể cả những lồi xương hay biến dạng bất thường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận