Sự phai nhạt tình làng nghĩa xóm

HOÀNG BÁ THỊNH 26/12/2012 03:12 GMT+7

TTCT - Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh không chỉ thúc đẩy quá trình tăng mật độ dân cư ở các địa bàn đô thị mà còn tạo điều kiện cho các hành vi sai lệch và tội phạm ở đô thị gia tăng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tội phạm ở đô thị (môi trường sống với nhiều cám dỗ, mật độ dân cư cao, các tầng lớp xã hội đa dạng; địa bàn cư trú phức tạp, năng lực quản lý xã hội đô thị hạn chế; di cư và tỉ lệ thất nghiệp đô thị cao...), cũng cần kể đến lối sống đô thị cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự gia tăng tội phạm đô thị.

Một trong những đặc trưng của lối sống đô thị là sự “ẩn danh” trong giao tiếp: mọi người ít biết về nhau dù sống cùng tầng trong khu chung cư. Đặc điểm này hoàn toàn tương phản với các vùng nông thôn, nơi giao tiếp thể hiện rõ tính “hữu danh”: mọi người đều biết về nhau, thậm chí biết rõ đến cha mẹ, ông bà của người nào đó.

Sự phai nhạt tình làng nghĩa xóm trong giao tiếp ở lối sống đô thị và thay vào đó là quan niệm “đèn nhà ai, người nấy rạng” đã dẫn đến không chỉ xuất hiện sự vô cảm, thờ ơ mà thậm chí ở một bộ phận cư dân đô thị còn có tâm lý “sợ kẻ xấu” (biết mà không dám nói, sợ bị đe dọa, trả thù). Đó là điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng hành vi sai lệch và tội phạm xã hội.

Hiện nay còn nhiều khoảng trống trong nghiên cứu xã hội học tội phạm ở nước ta, trong khi tội phạm đô thị đang được xem là điểm nóng. Rất cần có những nghiên cứu cả lý thuyết và thực tiễn về tình hình tội phạm nói chung và tội phạm trong quá trình đô thị hóa nói riêng.

Làm tốt điều này không chỉ góp phần phát triển chuyên ngành xã hội học tội phạm mà còn giúp các nhà quản lý xã hội có được quyết sách hợp lý hơn trong quản lý xã hội ở đô thị, nơi được xem là những vùng cư dân phức tạp và ảnh hưởng đa chiều của đô thị hóa đối với phát triển xã hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận