Sữa cho trẻ em: Nhìn từ vụ khủng hoảng ở Abbott

VŨ THẾ THÀNH 10/06/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Với chiến dịch quảng cáo rầm rộ của các hãng sữa, nhiều người đã quen dần với việc sử dụng sữa baby formula (sữa cho em bé) mà quên đi một loại sữa hoàn hảo cho trẻ: sữa mẹ.

Quầy sữa công thức cho trẻ em tại một cửa hàng tạp hóa ở Medford (Massachusetts, Mỹ) ngày 17-5-2022. Ảnh: REUTERS

 

Hoa Kỳ đang thiếu trầm trọng sữa baby formula. Nguyên do được cho là từ tháng 2-2022, hãng sản xuất sữa formula Abbott đã cho thu hồi sản phẩm và ngưng sản xuất vì Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) phát hiện khuẩn Cronobacter sakazakii tại nhà máy.

5 em bé uống sữa Abbott nhập viện, 2 bé trong số này đã tử vong. Sữa Abbott còn bị khiếu nại vì nhiễm khuẩn Salmonella Newport. VN cũng bị “văng miểng”, trong tháng 2 Cục An toàn thực phẩm thông báo thu hồi 3 dòng sản phẩm Abbott có nhãn hiệu Similac, Alimentum và EleCare. 

Sữa baby formula không chỉ một loại

Vì hệ miễn dịch của trẻ trong vài năm đầu đời chưa phát triển đúng mức, nên sữa dành cho em bé, gọi là “baby formula” (gọi tắt là sữa formula), bị kiểm soát rất nghiêm ngặt về chất lượng. 

Nhu cầu dinh dưỡng của bé khác nhau tùy độ (tháng) tuổi, tùy cơ địa của bé, nên có nhiều loại sữa formula. Nhưng tất cả đều phải đáp ứng yêu cầu căn bản về dưỡng chất theo quy định của mỗi nước.

Hầu hết sữa formula đều được thiết kế dựa trên nền sữa bò (thành phần chính lấy từ sữa bò), với protein là whey và casein, với carbohydrate là đường lactose và với chất béo từ sữa hoặc dầu thực vật. 

Dùng nguyên liệu từ sữa bò nhưng sữa formula khác xa sữa bò, vì em bé và con bê có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Bé dưới 3 tháng tuổi, cần protein whey nhiều hơn vì whey dễ tiêu hóa, còn bê cần nhiều protein casein hơn (để no lâu).

Ngoài ra, còn có sữa formula trên nền protein đậu nành dành cho bé bị dị ứng với sữa bò. Nếu bé dị ứng luôn với đậu nành thì dùng loại sữa formula thủy phân protein (protein hydrolysate formulas), trong đó protein đã được phân giải thành peptid hoặc acid amin. Số bé “xui” tận mạng này không nhiều.

Các loại sữa formula đều có ở dạng bột, dạng lỏng đậm đặc về pha loãng lại và dạng cho trẻ bú luôn. Về mặt quản lý, có hai loại sữa formula chính:

- Sữa cho trẻ sơ sinh (baby formula). Sữa này dành cho bé dưới 6 tháng tuổi, mà nguồn protein đa số là whey từ sữa bò để trẻ dễ tiêu hóa.

- Sữa cho trẻ ăn dặm (follow-on formula), còn gọi là sữa bổ sung với nguồn protein chủ yếu là casein từ sữa bò. Loại follow-on dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi (dưới 6 tháng khó tiêu hóa casein).

Dù sữa formula loại gì đi nữa cũng phải bổ sung thêm các vitamin, khoáng... theo quy định riêng của mỗi nước, hoặc theo CODEX (thuộc WHO) và được gọi là sữa formula tiêu chuẩn (generic).

Nhưng sữa formula cũng có loại hàng hiệu (brandname) như Similac (Abbott), Nestle, Enfamil… Loại này có thể bổ sung thêm nhiều thứ khác như chất béo omega 3, các nucleotides, lactoferrine (một loại protein ức chế vi khuẩn), HMOs (Human Milk Oligosaccharides, tăng cường hệ miễn dịch)…

 Những chất này đều có tự nhiên trong sữa mẹ. Hàng formula “nhái” sữa mẹ dĩ nhiên lấy từ nguồn động vật khác. Tuy nhiên, không cơ quan chức năng, tổ chức y tế nào dám xác nhận sữa hàng hiệu tốt hơn sữa tiêu chuẩn cả.

Một hãng có thể sản xuất nhiều loại formula, công thức được điều chỉnh theo từng độ (tháng) tuổi, tùy “know-how”, tùy giá thành (như các dòng smartphone), nên việc thu hồi sữa Abbott không đơn giản chỉ là 3 loại nhãn hiệu Similac, Alimentum và EleCare, mà bao gồm cả loại “nhãn phụ” của chúng.

Chẳng hạn riêng dòng nhãn Similac, có hàng phụ là Similac Advance, Similac Organic, Similac Pro-Advance… nên tổng cộng các loại formula mà Abbott thu hồi cũng cỡ vài chục. Riêng loại sữa formula dạng lỏng không bị thu hồi.

Cronobacter, vi khuẩn thích… sữa bột

Trường hợp khiếu nại do sữa Abbott nhiễm khuẩn Salmonella Newport không đáng ngại, vì chủng Salmonella này rất ít tìm thấy trong sữa bột, chủ yếu là trong rau quả… 

Nhiễm Salmonella có thể do lúc pha sữa ở nhà không hợp vệ sinh. FDA đã nhanh chóng loại bỏ nghi vấn này. Trường hợp 5 em bé nhập viện và rồi 2 bé tử vong có thể do uống sữa nhiễm khuẩn Cronobacter sakazakii. 

Đây là trường hợp đáng quan tâm. Trẻ sơ sinh (dưới 1 năm tuổi) nhiễm khuẩn Cronobacter sakazakii có thể bị tử vong do biến chứng nhiễm trùng máu, hoặc viêm màng não. Triệu chứng thường là sốt, khóc thét, chán ăn, vàng da vàng mắt.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, bệnh do nhiễm Cronobacter rất hiếm khi xảy ra, mỗi năm chỉ ghi nhận 2-4 ca nhiễm loại vi khuẩn này. 

Nhưng một khi đã nhiễm Cronobacter có thể gây tử vong cho trẻ. Thông thường vi khuẩn chỉ dễ phát triển ở nơi có ẩm độ cao, khó sống sót ở môi trường khô ráo. Nhưng khuẩn Cronobacter lại khác, nó có thể sống được ở môi trường khô, nên sữa bột là nơi thích hợp để Cronobacter tồn tại.

Ca nhập viện đầu tiên được báo cáo từ tháng 9 năm ngoái, nhưng cuối tháng giêng năm nay, FDA mới nhập cuộc, đến kiểm tra nhà máy.

 FDA báo cáo rằng xưởng sản xuất chưa được vệ sinh phù hợp, và họ cũng phát hiện khuẩn Cronobacter đâu đó trên các bề mặt tại nhà máy sản xuất của Abbott ở Chicago. Nhưng Abbott lại cho biết hãng đã xét nghiệm, không phát hiện sản phẩm bị nhiễm khuẩn Cronobacter, Salmonella. 

Photography by Aya Brackett

 

Dù vậy, Abbott cũng “tình nguyện” đóng cửa nhà máy ngay sau báo cáo của FDA và cho thu hồi ba nhãn sản phẩm Similac, Alimentum và EleCare.

Khuẩn Cronobacter chịu nhiệt kém nên khi sữa bột qua giai đoạn thanh trùng thì khó lòng sống sót. Việc tái nhiễm chỉ có thể xảy ra sau giai đoạn làm khô, hoặc khi bổ sung vi chất, hoặc đóng hộp. 

Không loại trừ, người dùng mua sữa về nhà, lúc khui hộp, tay chân không sạch và khuẩn Cronobacter nhiễm lúc pha sữa. Do đó, lời biện minh của Hãng Abbott rằng họ không tìm thấy thành phẩm nhiễm Cornobacter, không phải là không có lý.

Chưa xác định được nguyên nhân gây nhiễm để khắc phục và cũng không tìm thấy nhiễm Cronobacter ở sữa thành phẩm, mà vẫn phải “tình nguyện” thu hồi sản phẩm và đóng cửa nhà máy, kể cũng hơi… đau.

Hoa Kỳ đang ở cao điểm khủng hoảng thiếu sữa formula, đến nỗi tổng thống Mỹ phải kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng để buộc các hãng Mỹ phải tăng sản xuất và tăng nhập khẩu sữa. 

Những ngày cuối tháng 5, theo tờ The Hill, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thu xếp các chuyến bay để vận chuyển sữa formula từ châu Âu về Mỹ để hạ nhiệt.

 FDA cũng đơn giản hóa thủ tục kiểm tra, chỉ cần thực hiện “spot checks”, miễn là sản phảm không hư hỏng khi trung chuyển và không ghi nhãn sai là có thể thông quan. Hãng Abbott cũng được phép sản xuất lại vào tháng 6.

Theo NPR (National Public Radio), Abbott là một trong 4 hãng sản xuất sữa formula lớn của Mỹ, cùng với Mead Johnson Nutrition, Nestle USA và Perrigo. 

Bốn đại gia này kiểm soát hơn 90% thị trường sữa formula ở Mỹ, riêng nhà máy của Abbott tại Sturgis (Michigan) chiếm hơn 20% thị phần. Nếu chỉ một Abbott đóng cửa, liệu có gây thiếu sữa trẻ em trầm trọng như thế không?

Quảng cáo sữa formula lên tới đỉnh

Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo cho em bé, không bàn cãi gì nữa. Khoa học khuyến cáo các bà mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Sau đó bé có thể ăn dặm nhưng vẫn cần bú sữa mẹ cho tới 2 tuổi, vì sữa mẹ là nguồn cung cấp kháng thể bảo vệ trẻ.

Đa số các nước trên thế giới đều có quy định cấm quảng cáo sữa baby formula. Cấm quảng cáo loại sữa baby formula là đúng. Các bà mẹ vì lý do nào đó không thể cho con bú, có thể gặp bác sĩ để được hướng dẫn mua loại formula thích hợp.

Nhiều nước như Anh, Úc... lại cho phép quảng cáo sữa formula ăn dặm (follow- on). VN “ngon” nhất, “cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi” (nghị định 100/2014). 

Nhưng “sữa follow-on” có phải là “sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ” không? Khoảng cách giữa chữ và nghĩa thật hẹp mà cũng thật rộng.

So với trẻ bú sữa mẹ, trẻ uống sữa formula ăn dặm sau này gặp rủi ro cao hơn về các bệnh béo phì, tiểu đường, tiêu hóa, chàm, suyễn và các bệnh mãn tính khác… Giới khoa học vẫn đang củng cố chứng cớ.

Bia rượu, thuốc lá và sữa trẻ em là những mặt hàng “tế nhị”, nhưng lại là phương tiện đưa marketing quảng cáo lên tới đỉnh cao nghệ thuật. 

Tổ chức WHO và UNICEF rất ngán mấy tay quảng cáo sữa, dụ các bà mẹ xài sữa follow-on cho trẻ ăn dặm, rồi lơ là cho con bú. Họ khuyến cáo sữa follow-on là không cần thiết và không thích hợp để thay thế sữa mẹ cho trẻ trên 6 tháng tuổi.

Và rằng không nên marketing sản phẩm loại này. Khuyến cáo này bị phản ứng dữ dội vì dám đụng vào các siêu đại gia formula ở Âu - Mỹ.

Thực tế, sữa follow-on vẫn cần thiết trong một số trường hợp. Các bà mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ hơn là xin ý kiến của mấy tay quảng cáo, rất thường chơi trò marketing du kích, rỉ tai. 

Riêng Mỹ thì thoải mái, follow-on hay baby follow gì cũng cho quảng cáo thoải mái. Không biết có phải vì vậy mà hậu quả là, theo CDC, hơn 60% trẻ em trên 2 tháng tuổi uống sữa formula ở Mỹ. Điều đó cho thấy nhu cầu sữa formula ở nước này rất lớn. Và khủng hoảng thiếu hụt formula không nhẹ chút nào.

Ở VN có vẻ đẹp hơn nhiều (dù WHO vẫn chưa hài lòng). Theo UNICEF, 45,4% trẻ VN được bú sữa mẹ đến 5 tháng tuổi (năm 2020).

Hình ảnh bà mẹ cho con bú là bức tranh đẹp nhất của nhân loại, không chỉ là nguồn dinh dưỡng thể chất, mà là cả tình yêu vun xén suốt đời cho bé ! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận