Suy nghĩ từ tâm lý "thích vào nhà nước"

DUY MINH 19/11/2015 03:11 GMT+7

TTCT - Tôi có đúng 32 năm là công chức nhà nước. Cụm từ “tinh giản biên chế” (TGBC) tôi nghe được từ khi bắt đầu vào cơ quan nhà nước năm 1983, đến khi nghỉ hưu năm 2015 năm nào tôi cũng nghe, đọc trong các văn bản và trong các cuộc họp... với không ít quyết tâm của lãnh đạo cơ quan về TGBC.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

Khách quan tôi thấy chúng ta loay hoay với việc TGBC gần 40 năm nay và không giải được bài toán này. Càng tinh giản càng phình ra.

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, rủi ro, nhiều người cho rằng hiện nay chỉ có làm công chức là sướng nhất! Bởi vì chắc chắn một điều đã vào cơ quan nhà nước rồi thì khả năng bị cho thôi việc rất khó, chỉ có người lao động tự ý xin ra khỏi biên chế.

Trong hơn 30 năm làm công chức tại cơ quan tôi, tôi thấy số người tự nguyện xin nghỉ việc chiếm khoảng 10%. Trong số đó khoảng 3% xin vào một cơ quan nhà nước khác, còn lại ra làm cho doanh nghiệp hay mở công ty riêng. Một thực tế tồn tại ở các cơ quan nhà nước là số lượng nhân sự luôn dôi dư. Dẫn đến một hiện tượng là có người quanh năm suốt tháng hầu như chẳng có việc gì làm.

Giờ giấc

Ai cũng biết trong quy chế của công chức bắt buộc phải đảm bảo thời gian lao động, thế nhưng một thực tế nhiều nhân viên cơ quan nhà nước làm việc không đúng giờ, ngay cả bộ phận tiếp dân. Trong khi công nhân của doanh nghiệp đúng 7g sáng ai vào việc nấy, nhưng với công chức thời gian 7 - 8g mỗi ngày là ngồi cà phê. Chưa kể trong giờ làm việc lấy lý do tiếp khách lại kéo nhau ra quán ngồi, thậm chí cả quán nhậu!

Ai dù chỉ một lần đến liên hệ công việc ở cơ quan nhà nước đều biết điều này: phải đến trễ một giờ đầu ngày và sớm một giờ cuối ngày mới mong gặp được “cán bộ”. Và cụm từ “đi cơ sở” thường để lý giải việc công chức không có mặt tại cơ quan. Từng làm ở cơ quan nhà nước hẳn ai cũng nghe qua câu chuyện vui: Khi ngồi vào bàn làm việc thì công chức bàn chuyện... nhậu, còn khi ngồi vào bàn nhậu công chức bàn chuyện cơ quan!

Tập huấn

Trung bình một công chức ít nhất một năm có một đợt tập huấn có thể về chuyên môn nghiệp vụ, có thể là các lớp bồi dưỡng chính trị hay các lớp quản lý nhà nước, chuyên viên, chuyên viên chính... Trong thời gian đi học như vậy, có công việc có người thay thế, nhưng cũng có công việc khi công dân đến hoặc gọi điện thoại đến được trả lời là “anh/chị ấy đi học hết tuần này, muốn gì thì để tuần sau” chẳng hạn.

So với các doanh nghiệp, quyền lợi được đi học của một công chức hơn rất nhiều. Khi doanh nghiệp cử người đi học, họ phải tính toán, cân nhắc sao cho đúng người, đúng chuyên môn, học xong về làm việc có hiệu quả. Còn ở môi trường nhà nước người ta thường thấy “ông/bà ấy chẳng có việc gì làm nên cho đi học”. Không tránh khỏi việc người giỏi thì không có đất dụng võ, còn người không giỏi lại được thăng tiến...

Lương

Ai cũng biết lương công chức “ba cọc ba đồng”, một thạc sĩ mới về cơ quan lương khởi điểm chỉ trên dưới 3 triệu đồng. Cao nhất thì lương một chuyên viên cao cấp, tính luôn thâm niên, thời điểm hiện tại trên dưới 8 triệu đồng. Một con số không lớn so với doanh nghiệp.

Thế nhưng tâm lý thích “vào nhà nước” bởi tính ổn định và an toàn. Làm tà tà hay không có việc làm vẫn có lương. Chưa kể có những bộ phận “có màu”, tự nó có thể sinh ra tiền. Tất nhiên thu nhập ngoài lương là một con số đáng kể. Một thực tế nữa là có nhiều quy định, quyết định, luật... không rõ ràng, minh bạch thì việc khuất tất do lách luật, vận dụng sẽ nhiều khả năng xảy ra.

Thật ra môi trường nhà nước là môi trường rất tốt cho những người ham học hỏi, chịu khó nghiên cứu. Kiến thức từ những lớp tập huấn cho công chức là hữu ích không chỉ cho công việc, mà còn có lợi cho cá nhân. Tuy nhiên, có một thực tế là có nhiều bạn trẻ khi vào được cơ quan nhà nước rồi rất lười trau dồi chuyên môn.

Tệ hại hơn, không ít người chỉ nghĩ cách làm sao mau có tiền hay mau được thăng tiến dẫn đến gọi là cơ quan quản lý nhà nước nhưng nhiều khi kiến thức của công chức lúc “quản lý doanh nghiệp” lại rất yếu kém! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận