Syria - bàn cờ thế

DANH ĐỨC 11/02/2012 00:02 GMT+7

TTCT - Một lần nữa Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã không nhất trí được về một dự thảo nghị quyết của các nước Ả Rập và châu Âu về Syria. Giữa cuộc “chạm trán” ở trụ sở Liên Hiệp Quốc với những chạm súng ở Syria và tình hình Trung Đông cùng eo biển Hormuz có những liên hệ gì?

Phóng to
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (trái) và đồng nghiệp Nga Sergei Lavrov tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) ngày 4-2 - Ảnh: Reuters

13 thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã bỏ phiếu thuận, trong khi Nga và Trung Quốc nói không. Tân Hoa xã giải thích sự phủ quyết này “nhằm mục đích tìm kiếm sự giải quyết trong hòa bình cuộc khủng hoảng Syria và tránh một giải pháp triệt để đầy bất trắc”.

Những yêu cầu chưa được đáp ứng

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Vitaly Churkin cho rằng dự thảo không phản ánh tình hình thật sự tại Syria và thiên vị, đồng thời đề xuất sửa đổi qua hai điểm cơ bản là “đặt ra các điều kiện cho đối thoại và các biện pháp tạo ảnh hưởng không chỉ nơi chính phủ mà cả với các nhóm vũ trang chống chính phủ”. Trong khi đó, cũng theo Tân Hoa xã, theo dự thảo nghị quyết này “HĐBA hậu thuẫn toàn diện kế hoạch ngày 22-1 của Liên đoàn Ả Rập yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ quyền hành”.

Dẫu sao thì bản tin này của Tân Hoa xã cũng cho thấy tình hình ít nhất như sau: “Theo LHQ, số người chết ở Syria trong những tháng loạn lạc vừa qua đã vượt ngưỡng 5.400 người, trong khi theo Chính phủ Syria, hơn 2.000 binh sĩ và nhân viên an ninh bị giết... Trung Quốc theo dõi sát sao tình hình. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên ở Syria ngưng bạo lực, đặc biệt tránh tổn thất thường dân, tái lập trật tự càng sớm càng tốt, tôn trọng yêu cầu cải cách của nhân dân Syria” (1). Nghĩa là có bạo lực khiến thường dân chết, và bạo lực phải được ngưng; người dân Syria có nhu cầu cải cách song chưa được đáp ứng.

Về phần mình, theo thông tấn xã của Chính phủ Syria, đại diện thường trực của Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari khẳng định: “Syria là nạn nhân của một cuộc khủng hoảng châm ngòi bởi các phe không muốn điều tốt cho Syria và dân chúng Syria. Các phe này đang cung cấp tiền bạc, vũ khí cho các nhóm khủng bố gây ra những vụ giết người, bắt cóc và phá hoại tài sản công cộng”.

Ông nhấn mạnh: “Syria không cần học dân chủ và nhân quyền từ những nước mà suy nghĩ cũng cùng kiểu như khi buôn bán trục lợi cơ hội và thu gom trên thị trường chứng khoán. Syria rồi sẽ ổn định và sẽ vẫn là một đất nước của lòng khoan dung và rộng mở cho mọi con cái của mình” (2).

Dự thảo nghị quyết "thiên vị" nói gì?

Đúng là điều 1 của dự thảo chỉ “lên án những vi phạm liên tục các quyền con người cùng các quyền tự do căn bản bởi nhà chức trách Syria, như việc sử dụng vũ lực chống lại thường dân, hành quyết tùy tiện, giết và truy bức những người đối kháng cùng nhân viên truyền thông, giam giữ tùy tiện, cưỡng bức mất tích, can thiệp vào việc tiếp cận chữa trị, tra tấn...”, mà không thấy nêu ra những gì các nhóm đối nghịch mà chính phủ Assad gọi là “khủng bố” đã làm!

Điều 2 cũng “yêu cầu Chính phủ Syria phải chấm dứt ngay mọi vi phạm quyền con người và tấn công chống lại những ai đang hành xử quyền tự do phát biểu của họ, tụ họp và lập hội ôn hòa; phải bảo vệ dân chúng, đáp ứng trọn vẹn các nghĩa vụ trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và thực thi trọn vẹn các nghị quyết S-16/1, S-17/1, S-18/1 của Hội đồng nhân quyền (LHQ) cùng nghị quyết A/RES/66/176 của Đại hội đồng LHQ”, mà không thấy nhắc đến nghĩa vụ của các nhóm “khủng bố”...

Mãi đến điều 3 mới lên án chung chung: “...mọi bạo lực bất luận đến từ đâu, và yêu cầu mọi bên ở Syria, kể cả các nhóm vũ trang, chấm dứt ngay mọi bạo lực hoặc trả thù, kể cả tấn công các cơ sở nhà nước...”. Và điều 4 mới răn đe chung chung: “Nhắc nhở rằng mọi bên liên quan đến những vi phạm quyền con người, kể cả bạo lực, đều phải chịu trách nhiệm”.

Điều 5 lại “yêu cầu Chính phủ Syria...(a) ngưng mọi bạo lực và bảo vệ dân chúng của mình; (b) thả mọi người bị giam giữ do những sự cố gần đây; (c) rút quân đội và lực lượng vũ trang ra khỏi các thành phố, thị trấn, đưa họ về lại doanh trại ban đầu; (d) đảm bảo quyền tự do biểu tình; (e) cho phép tất cả nhân viên thuộc Liên đoàn các quốc gia Ả Rập cùng báo chí Ả Rập và quốc tế tiếp cận trọn vẹn không che giấu và di chuyển trong mọi miền ở Syria nhằm xác định sự thật về tình hình tại chỗ cùng theo dõi các sự cố đang diễn ra; (f) cho phép phái bộ quan sát của Liên đoàn các quốc gia Ả Rập tiếp cận toàn diện và không giấu giếm...”.

Có thể hiểu tại sao dự thảo nghị quyết trên bị cho là “thiên vị” khi chỉ nêu những tố cáo cùng các điều kiện cho chính phủ Assad.

Một sự đổi chác?

Một câu nói của đại sứ Trung Quốc tại LHQ mới nghe qua có vẻ như “sáo rỗng”, song rất đáng lưu ý: “Syria là một nước quan trọng ở Trung Đông”. Nhìn lên bản đồ sẽ thấy quốc gia trên quan trọng vì vị trí chiến lược của mình: giáp Địa Trung Hải và Libăng về phía tây, Thổ Nhĩ Kỳ về phía bắc, Iraq về phía đông, Jordan về phía nam và Israel về phía tây nam.

Vị trí giáp với Israel này mới là đáng nói. Syria có 22 triệu dân trên diện tích 185.180km2, so với Israel non 8 triệu dân trên diện tích chỉ 22.000km2. Từ năm 1948 đến nay, Israel và Syria đã đánh nhau qua bốn cuộc chiến tranh lớn 1948-1949, 1967, 1973, 1982-1984 (chiến tranh Libăng) và bảy trận chiến nhỏ biên giới! Cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967 đã dẫn đến việc cao nguyên Golan của Syria bị Israel chiếm đóng.

Cao nguyên mà đỉnh cao nhất là 2.814m vô cùng quý báu đối với Israel không chỉ vì 1.200km2 chiếm được trên tổng số 1.800km2, mà vì vị trí “lá chắn biên giới tự nhiên” giữa Israel với Libăng, Syria và Jordan, và là nguồn cung cấp đến 15% lượng nước cho Israel. Tháng 5-2009, Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố “trả lại cao nguyên Golan sẽ biến cao nguyên này thành tuyến đầu của Iran để đe dọa toàn bộ quốc gia Israel”. Năm 2010, Bộ trưởng ngoại giao Israel Avigdor Lieberman tuyên bố “Syria nên quên đi giấc mơ thu hồi cao nguyên Golan” (3).

Mối thù truyền kiếp này (Syria chưa hề thắng Israel) khiến vị trí của Syria càng “nóng bỏng” hơn, đặc biệt nay Syria là “bao lơn” trên Địa Trung Hải duy nhất của Nga, y hệt vai trò tiền đồn của Âu - Mỹ ở Trung, Cận Đông từ năm 1948 đến nay.

Thông tấn xã RIA-Novosti của Nga ngày 10-1 loan báo tháng 1 vừa qua, một hải đội Nga năm tàu chiến, trong đó có tàu sân bay đô đốc Kouznetsov, đã ghé bến Tartous của Syria trong hai ngày. Gần đây hôm 23-1, cũng RIA-Novosti loan tin “Nga và Syria đã ký một hợp đồng giao 36 máy bay huấn luyện và chiến đấu Iakovlev Iak-130 cho Syria, trị giá 550 triệu USD”. Cũng RIA-Novosti ngày 1-12 năm ngoái trích tuyên bố của Phó thủ tướng Nga Sergei Ivanov: “Nước Nga sẽ làm điều gì không bị bất cứ một quy định, công ước nào cấm”.

Cho đến nay vẫn chưa có lệnh cấm vận vũ khí Syria cũng như chưa có một nghị quyết lên án nào của HĐBA về Syria. Hôm thứ bảy 4-2, cùng ngày với phiên họp của HĐBA LHQ về Syria, tại Hội nghị an ninh Munich (Đức), Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Có cung cấp gì cho các nước khu vực Cận Đông đi nữa cũng chẳng tác động đến thế quân bình ở Cận Đông. Cho dù có bán gì cho Syria đi nữa cũng chẳng làm thay đổi cán cân quân bình giữa các lực lượng ở đấy và cũng chẳng tác động đến tình hình ở Syria”. Ông Lavrov nhấn mạnh: “Nga không cung cấp vũ khí hạng nhẹ cho Syria” (sử dụng trực tiếp trong các xung đột với phe đối lập).

Tình hình Syria lâm vào ngõ cụt vào lúc những căng thẳng ở eo biển Hormuz đã đột ngột dịu đi (xem hồ sơ trang 26) phải chăng phản ánh một sự đổi chác, “buông” Iran “lấy” Syria? Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga hôm 3-2 cải chính: “Không có gì xa vời chân lý cho bằng khẳng định rằng nước Nga có thể thỏa thuận một sự đổi chác trong hậu trường, và bật đèn xanh cho một chiến dịch quân sự của Mỹ chống Iran đổi lấy việc phương Tây không can thiệp vào công việc nội bộ của Syria” (4).

Ba ngày sau bỏ phiếu phủ quyết ở HĐBA, hôm thứ ba 7-2, Ngoại trưởng Nga Lavrov cùng nhóm chỉ huy tình báo Nga sang gặp Tổng thống Assad. TTX Sana của Syria cho biết ông Assad “cảm ơn Nga vì lập trường của Nga tại HĐBA LHQ và việc Nga dứt khoát ủng hộ các giải pháp đối thoại dân tộc, thay vì cứ leo thang áp đặt như một số nước không đếm xỉa đến lợi ích của nhân dân Syria cùng quan điểm của nhân dân Syria là cải cách nội bộ không có sự can thiệp của nước ngoài...”. Ông cho biết sẽ “tiến hành đối thoại dân tộc với phe đối lập cùng các nhân vật độc lập”.

Về phần mình, ông Lavrov cũng chia sẻ rằng “Nga bác bỏ mọi can thiệp của nước ngoài vào nội bộ (Syria) và mọi kích động thay vì cổ vũ đối thoại”, rằng “Nga gắn chặt với sự ổn định cùng quyền tự quyết của Syria và các cải cách đương thời ở Syria...”. Ông Assad có thể tiếp tục cải cách theo cách của mình?

__________

(1) Le véto au projet de résolution de l'ONU vise à trouver une solution pacifique à la crise syrienne, xinhua
(2) Russia and China Veto Arab-Western Draft Resolution on Syria at Security Council, Feb 05, 2012 SANA
(3) Israel's Lieberman cautions Syria,
http://www.aljazeera.com/news/middleeast/2010/02/201024174859584145.html
(4) Syrie contre Iran: Moscou exclut tout marché avec les USA, RIA Novosti, 3-2-2012

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận