Syria: Giữa những tin tức hỗn loạn

CHIÊU VĂN 16/04/2017 22:04 GMT+7

TTCT - Sự khả tín của truyền thông lại một lần nữa đứng trước thách thức ở quy mô toàn cầu khi các tin tức về vụ “tấn công vũ khí hóa học” ở Syria ngày 4-4 loan đi, đầu tiên là qua... mạng xã hội.

Trong khi đó ở Aleppo: Chúng tôi chưa đưa tin sâu về chuyện này… Hãy cập nhật cho chúng tôi với -Twitter
Trong khi đó ở Aleppo: Chúng tôi chưa đưa tin sâu về chuyện này… Hãy cập nhật cho chúng tôi với -Twitter

 

Tổng thống Bashar al-Assad của Syria có thể là một nhà độc tài nhưng việc ông có ra lệnh dùng vũ khí hóa học tấn công người dân hay không cần một cuộc điều tra quốc tế độc lập mới trả lời được.

Nhưng cánh nhà báo ở cả hai phe, trước và sau vụ giội tên lửa Tomahawk của Mỹ xuống Syria, đã không đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó mà nhanh chóng chỉ ngón tay đổ lỗi cả vào các chính trị gia, lẫn vào nhau.

Sau khi tin tức về vụ tấn công lan đi, ngày 5-4, người dẫn chương trình của Đài truyền hình Mỹ CNN Kate Bolduan và nghị sĩ Mỹ Thomas Massie đã có một pha hỏi đáp trực tiếp trên truyền hình, trong đó ông Massie bày tỏ nghi ngờ động cơ của ông Assad, cho rằng tấn công thường dân bằng vũ khí hóa học chẳng lợi lộc gì cho ông lúc này.

The Washington Post nhanh chóng nhảy vào nối bước CNN với câu chuyện mô tả nghị sĩ Cộng hòa của Kentucky này là không đáng tin. Từ dòng tít “Nghị sĩ Cộng hòa vẫn không tin Assad đứng đằng sau vụ tấn công hóa học”, tới nội dung: “Ông Massie đang ngày càng là người một mình một đảng trong vấn đề này”.

Phía bên kia trò đổ lỗi cũng không khác. Ngày 10-4, hãng tin Nga Sputnik đăng một bài khẳng định: “Tổ chức phi chính phủ Bác sĩ vì nhân quyền của Thụy Điển (SWEDHR) cáo buộc Lực lượng phòng vệ dân sự Syria, hay nhóm Mũ bảo hiểm trắng, ngụy tạo thông tin về công việc của họ ở Syria. Theo các nhà hoạt động nhân quyền Thụy Điển, chiến dịch “giải cứu” của Mũ bảo hiểm trắng (với những nạn nhân bị tấn công hóa học) là dàn dựng; thực hiện trên xác trẻ em”.

Trang chủ của SWEDHR, với đường dẫn tới trang theindicter.com, được chú là “tạp chí của SWEHDR”, thì lại ra một tuyên bố chỉ đề “tháng 4-2017” nói những thông tin về việc họ cáo buộc Mũ bảo hiểm trắng ngụy tạo thông tin là không có thật (http://theindicter.com): “SWEDHR chưa bao giờ cáo buộc Mũ bảo hiểm trắng “sát hại trẻ em” - tuyên bố viết.

Thật là một sự nhiễu loạn chưa từng thấy, và những người không thể có mặt ở hiện trường khói lửa giờ không biết tin ai trong cuộc chiến thông tin khủng khiếp này.

Nhưng trong hoàn cảnh đó, sự nghi ngờ là hợp lý. Trong câu chuyện của Washington Post đã nhắc ở trên, Massie nói: “Tôi xin hỏi câu này: Ai là kẻ hưởng lợi nếu các vũ khí hóa học được sử dụng và Mỹ đứng về phía phe nổi dậy hay mở chiến tranh chống lại Assad?”.

Nhà bình luận Robert Parry đặt câu hỏi tương tự trên Consortium News, giải thích kỹ lưỡng thêm rằng nghi ngờ không có nghĩa là “cho rằng lực lượng Assad vô tội, nhưng một cuộc điều tra nghiêm túc cần được thực hiện trước khi rút ra bất kỳ kết luận nào”.

Tuy nhiên, truyền thông Mỹ, vốn đã tổn hại uy tín nghiêm trọng sau vụ bầu cử tổng thống, giờ lại nhảy vào cuộc một cách vội vàng đáng kinh ngạc.

Cũng đáng nhắc lại rằng sau vụ tấn công hóa học năm 2013, báo The New York Times đã nói ngay họ có bằng chứng Assad là thủ phạm, để rồi lặng lẽ đăng một bài cải chính sau cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc dù lúc đó chẳng ai để ý nữa.

Tất cả những điều đó dẫn tới những thuyết âm mưu lan tràn ở phía truyền thông tạm gọi là “đối địch” với phương Tây.

Từ bác bỏ vụ tấn công là do Assad thực hiện; cáo buộc phe đối lập dàn dựng hiện trường; cho tới xa hơn là các hồ sơ không phải là không kỳ công về việc chính quyền Mỹ dựng lên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhưng rồi không kiểm soát được; hay một câu chuyện muôn thuở: các thế lực “Deep State” - giới tài phiệt thực sự nắm quyền lực ở Mỹ dù cho tổng thống có là ai - muốn chiến tranh để bán vũ khí, vơ vét tài nguyên và làm giàu hơn nữa.

Tình hình thêm lộn xộn bởi trong khi chính quyền Syria là một lực lượng hữu hình và rõ ràng, không tờ báo hay hãng tin nào thực sự cung cấp cho người đọc một cái nhìn khả tín về “lực lượng nổi dậy” ở Syria. Họ được báo chí phương Tây thường xuyên gọi là “những người nổi dậy ôn hòa”, trong khi hầu hết các tin tức ở Nga gom họ vào một rổ: “khủng bố và IS”.

Nhưng chính các nguồn tin cũng đá nhau lộn tùng phèo. Cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden chẳng hạn, trong một bài phát biểu ở Đại học Harvard năm 2014 từng nói:

Lo lắng lớn nhất của tôi là các đồng minh của mình (ý chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và UAE). Họ quyết lật đổ Assad và đã dựng lên một cuộc chiến Sunni-Shi’ite ủy nhiệm ở đó. Họ đã làm gì? Họ đổ hàng trăm triệu đôla và hàng chục tấn vũ khí vào bất cứ tổ chức nào chịu chiến đấu chống Assad, đó là Al Nusra và Al Qaeda, là những tay jihad từ khắp nơi trên thế giới. Khó có thể gọi những tay súng như thế là “ôn hòa””.

Ngay từ đầu cuộc chiến Syria, cả hai phía của truyền thông đều đã đưa tin rất thiên vị, bỏ qua rất nhiều bối cảnh quan trọng, chẳng hạn như việc từ năm 2006, tức 5 năm trước sự kiện Mùa xuân Ả Rập, chính quyền Mỹ đã tìm cách gây bất ổn ở Syria để thay đổi chế độ rồi, theo các công hàm ngoại giao được tiết lộ trên WikiLeaks.

Nhưng đồng thời WikiLeaks và người sáng lập của họ, Julian Assange, giờ cũng đã mất đi nhiều sự khả tín sau khi gần như được Nga bảo trợ cùng với kẻ đào tẩu nổi tiếng Edward Snowden.

Vì tất cả những sự trống đánh xuôi kèn thổi ngược đó, mọi kết luận chính trị về cuộc nội chiến Syria và cả những gì diễn ra ở đó đều sẽ là quá vội vàng! ■

(Xem thêm Hồ sơ trang 26-27)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận