TTCT - Những thứ chúng ta cần có là một tư duy cởi mở, một cách tiếp cận dựa trên chứng cứ, học tập có cân nhắc kinh nghiệm của các nước khác, tìm cách tốt nhất, thích hợp nhất trong bối cảnh Việt Nam.

a
ảnh minh họa

 

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khâm phục trong việc tăng số trẻ đến trường ở bậc mầm non và phổ thông, vẫn có một nhận định được nhiều người đồng ý là hệ thống giáo dục quốc gia này có thể và cần phải làm được tốt hơn, nhất là về kết quả học tập của học sinh.

Tìm bước ngoặt cảm hứng

Trong những cuộc thảo luận về cách cải thiện giáo dục, đặc biệt là cải thiện việc học tập của trẻ ở Việt Nam, người ta chú ý nhiều vào nhu cầu cải cách nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Đó là điều đúng đắn.

Đánh giá của quốc tế cho thấy tuy trẻ em Việt Nam học tốt trong một số môn khoa học, nhưng kết quả của các em ở những lĩnh vực khác còn yếu.

Chẳng hạn những lĩnh vực đòi hỏi tư duy phản biện, sự khám phá độc lập và kỹ năng xã hội. Đây có thể không phải những điểm nhấn trong hệ thống giáo dục hiện tại, nhưng là những điểm mà nhiều người Việt cho là rất quan trọng ngày nay.

Tuy thế, làm gì và làm thế nào mới là vấn đề nổi bật. Đấy là chỗ có vấn đề nhưng cũng là chỗ đầy cảm hứng. Nếu chỉ đơn thuần là tiếp tục những việc Việt Nam đang làm thì đó chẳng phải là một lựa chọn hấp dẫn. Rõ ràng, trẻ em Việt Nam cần được trang bị tốt hơn với một chiến lược dạy và học hiệu quả hơn.

Nhưng điều này làm nảy sinh câu hỏi: Liệu chúng ta nên bắt đầu bước ngoặt đầy cảm hứng của mình ở đâu? Làm thế nào một quốc gia vốn xưa nay không có thế mạnh trong một số lĩnh vực có thể tạo ra được thế mạnh ấy?

Trong đối sách kinh tế chính trị về phát triển, các học giả và các nhà phân tích đã cho thấy bằng cách nào những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, gần đây hơn là Trung Quốc, đã đầu tư mạnh mẽ vào khoa học công nghệ cùng một cơ chế khích lệ khôn ngoan nhằm tăng lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Thế nhưng giáo dục - một lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều lao động và quá trình tự thân trải nghiệm - không giống việc sản xuất hàng hóa, hay ít ra là không nên bị coi giống như sản xuất hàng hóa.

Trong giáo dục, chúng ta tìm cách xây dựng năng lực, kỹ năng, trên hết là sự khao khát hiểu biết có tính chất trí tuệ của thanh thiếu niên cũng như ý thức về trách nhiệm đạo đức.

Cái ý tưởng cho rằng kiến thức, kỹ năng và giá trị được truyền tải thông qua hệ thống sản xuất hàng loạt đầy quan liêu và thông qua học thuộc lòng là ý tưởng của thế kỷ 20.

Tuy có những lĩnh vực mà mô hình dạy học theo lối truyền thống có thể thích hợp, có nhiều bằng chứng cho thấy cái thời đại giáo viên đứng trước hàng hàng lớp lớp học sinh để la lối đã qua rồi. Tôi có thể nói thế vì đã từng góp phần mình vào việc la lối, quát nạt học trò ấy.

Chia sẻ mục tiêu chung

Tâm điểm của các ý kiến trái ngược là làm gì và làm thế nào đối với giáo dục, nhất là làm sao nâng cao kết quả học tập, mà chúng ta có thể thấy rất rõ xung quanh những ý kiến về VNEN, một nỗ lực cải cách giáo dục ở quy mô lớn, đầy tham vọng và về nhiều mặt rất đáng khen ngợi trong việc cải thiện phương pháp giáo dục ở Việt Nam.

Bất kể người ta nghĩ gì về VNEN, điều quan trọng, theo tôi, là mọi người Việt đều ấp ủ mục tiêu chung: cải thiện chất lượng giáo dục và học tập ở Việt Nam.

Những thảo luận về VNEN và về các nỗ lực cải cách khác có thể tập trung vào những vấn đề trong tầm tay: không phải bất cứ thứ gì mà là cái gì nhất thiết phải làm để đưa Việt Nam đến chỗ cần đạt đến, cách nào làm điều đó tốt nhất? Rõ ràng không dễ có câu trả lời.

Những thứ chúng ta cần có là một tư duy cởi mở, một cách tiếp cận dựa trên chứng cứ và học tập có cân nhắc kinh nghiệm của các nước khác, cùng mong muốn tìm một cách tốt nhất để xác định cái gì là thích hợp nhất trong bối cảnh Việt Nam, trong những điều kiện nào và tại sao. Điều này sẽ đòi hỏi thời gian.

Tôi tin rằng những nỗ lực tăng cường kết quả học tập ở Việt Nam cần phải được nhìn nhận đúng mức như trong thực tế: đó là một quá trình đổi mới rộng lớn bao hàm không chỉ giáo viên, học sinh, các hiệu trưởng, các nhà làm chính sách, mà còn là toàn bộ hệ thống giáo dục và quan hệ của nó đối với xã hội.

Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thể hỗ trợ tốt hơn cho việc học bằng cách nào?

Hiểu biết nhiều hơn về tính hiệu quả hay không hiệu quả của những điều kiện, trong đó các phương pháp giảng dạy mới đang hoặc sẽ được áp dụng (như các phương pháp của VNEN) là một vấn đề sống còn. Vì thế đó là một câu hỏi chúng ta nhất thiết phải trả lời.

Mục đích của VNEN rất đáng khen ngợi: cải thiện kết quả học tập của học sinh thông qua việc áp dụng những phương pháp sư phạm dựa trên việc khơi gợi sự tham gia tích cực của người học trong quá trình học tập.

Nếu VNEN đang gặp khó khăn hay đã tạo ra khó khăn cho thầy trò, thì lý do gây ra những khó khăn đó cần phải được tìm hiểu và giải quyết.

Điều này đòi hỏi có những nghiên cứu lặp đi lặp lại nhằm hiểu rõ cái gì có thể vận hành có kết quả, cái gì không, ở đâu, khi nào, tại sao và làm thế nào các phân khúc khác nhau của hệ thống giáo dục với những năng lực khác nhau có thể thúc đẩy kết quả học tập tốt hơn cho học sinh.

Khi cuộc tranh luận trái chiều về VNEN diễn ra, tôi đang cùng một nhóm nghiên cứu thực hiện nghiên cứu kéo dài sáu năm, mà một mục đích quan trọng là nâng cao hiểu biết của chúng ta về những nhân tố quyết định kết quả học tập ở Việt Nam, trong đó có đánh giá về các kinh nghiệm với VNEN.

Dự án Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục (RISE) là một sáng kiến quốc tế mới hướng tới thực hiện các nghiên cứu chất lượng cao làm cơ sở đưa ra minh chứng cho việc nâng cao khả năng học tập của trẻ em trên toàn thế giới (dự án này được chính thức thông qua và triển khai tại Việt Nam năm 2015).

Một vấn đề lớn hơn là xác định và làm rõ những yếu tố trong hệ thống giáo dục Việt Nam đã và đang góp phần hay gây trở ngại cho hiệu quả học tập.

Nhóm nghiên cứu sẽ đánh giá từ các thay đổi về chương trình học đến vấn đề phân cấp thẩm quyền trong ngành giáo dục để xem những yếu tố ấy có ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh theo thời gian hay không, tìm hiểu cơ chế nào tạo nên động lực học tập của học sinh...

Còn quá sớm để kết luận về VNEN, thậm chí còn là thiếu trách nhiệm khi cho rằng VNEN đã thất bại khi đang ở những bước khởi đầu.

Tôi nói vậy không phải với tư cách người ủng hộ VNEN, mà với tư cách một thành viên cộng đồng các nhà giáo dục, nghiên cứu và của công chúng, những người quan tâm tới việc học hỏi bằng cách nào Việt Nam có thể cải thiện phương pháp và kết quả học tập của học sinh, qua đó đóng góp cho một nền giáo dục hiệu quả hơn, cũng như đóng góp cho sự giàu mạnh, tính nhân văn và sự an toàn lâu dài của đất nước Việt Nam.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận