Ta rồi vẫn cần học từ những điều bé nhỏ...

LÊ QUANG 01/01/2020 18:01 GMT+7

TTCT - Trong một thế giới chật hẹp như cái lồng thang máy và những vấn đề muôn thuở của con người, có khi vẫn phải tự nhắc thầm là cần làm gì đó đi, không phải thứ gì long trời lở đất, mà là một quả quyết sẽ bỏ lại nhiều vướng mắc trong năm cũ và đặt ra vài dự định tốt lành văn minh sẽ cố thực hiện trong năm tới.

Thế giới chật hẹp như lồng thang máy.

Lần lượt đến chín người nối đuôi nhau vào thang máy. Nhanh có, từ từ có, hớt hải liếc đồng hồ có, mà vừa lãng đãng đưa chân vừa nhắn tin trên di động với vẻ chậm rãi trịnh trọng vương quyền cũng có, cứ làm như cả nhân loại có nghĩa vụ đợi mình. Ở nhà chung cư cao tầng vào đầu giờ đi làm là thế. Đúng lúc cửa từ từ đóng lại thì bốn cô cậu mặc đồng phục học sinh ríu rít nhảy xổ vào, cười hí hí xô đẩy nhau và nói tục kinh hoàng như ở chỗ không người.

Cửa lại lịch xịch nới ra, đồng thời chuông báo quá tải réo lên. Cái biển kim loại trên vách thang máy đề rõ “trọng tải 650kg hoặc 10 người”. Trong lúc ai nấy xì xào bực bội thì tôi bình thản, và biết: Cái thế giới nhỏ xíu của tá người ngợm chen chúc trong lồng thang máy chính là hiện hình của năm 2019 sắp qua.

Thế giới chật hẹp như cái lồng thang máy

Tính đến giao thừa qua năm 2019, trên quả đất gần như quá tải của chúng ta đếm được 7,65 tỉ cư dân. Mỗi năm, dân số toàn cầu tăng chừng 82 triệu, tức là thêm hẳn một tỉnh Giang Tô ven biển phía đông Trung Hoa hay một quốc gia như Iran hoặc Thổ Nhĩ Kỳ! Theo tính toán của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2050 sẽ phải tính đến con số 9,7 tỉ và năm 2100 là 10,9 tỉ.

Nghe thì sốt ruột nhưng vẫn theo con tính của Liên Hiệp Quốc thì lượng ngũ cốc trồng cấy trên hành tinh này thừa để nuôi sống gấp đôi số người như thế. Tuy nhiên, phép tính thuần túy số học vốn chỉ có tác dụng khi đi chợ, chứ con người không bao giờ xử sự như một quần thể dễ tính (toán).

Người đàn bà quyền lực nhất thế giới, Thủ tướng Angela Merkel của Đức, quốc gia giàu có nhất nhì thế giới, năm 2015 mở cửa biên giới cho ngót 1 triệu người tị nạn Trung Đông và Bắc Phi vào, và thiếu chút nữa vì thế mà biến thành bà nội trợ tầm thường. Bà vội phải nhường ghế chủ tịch Đảng Liên minh dân chủ Kitô giáo cho người kế nhiệm và chắc chắn sẽ về vườn đuổi gà chứ không thể leo trở lại ghế thủ tướng trong nhiệm kỳ tới. Người Đức nhanh quên trang sử đen tối dưới thời Đức quốc xã, lúc phần còn lại của thế giới mở vòng tay đón và cứu sống hàng chục vạn dân Do Thái ào ào di cư sau khi Hitler lên cầm quyền.

Vấn đề ở đây không chỉ là con người vốn ích kỷ và ít muốn cho hơn nhận, mà ở một mức phát triển nào đó trở lên người ta không đẻ nhiều như một dạng bảo hiểm hưu trí nữa. Và đó là xung đột tư tưởng hệ rất nặng nề giữa nhân loại ở hai nửa bắc và nam địa cầu, khiến họ khó trao tay cho nhau. Các nước châu Phi phía nam sa mạc Sahara có tỉ lệ sinh kỷ lục, và sự thiếu vắng kế hoạch hóa gia đình cản trở phát triển kinh tế xã hội, bóp chết thiên nhiên và môi trường.

Nhưng trong ý này thì các cường quốc công nghiệp đừng vì thế mà xoa tay tự mãn, vì những gì họ thải ra môi trường (nhựa, thán khí, hóa chất độc hại) nhiều gấp triệu lần các vùng trũng kinh tế.

Kế hoạch hóa gia đình kiểu gia đình một con của Trung Quốc cũng không phải thuốc chữa bách bệnh. Sau khi dùng vũ lực bắt xã hội đẻ ra những ông vua bà chúa nhí không có anh em, cô chú, chỉ biết mình là cái rốn của vũ trụ gia đình, họ đã phải cắn răng cho biện pháp đó phá sản.

Viết “trọng tải 650kg hoặc 10 người” lên vách thang máy không khó, tình hình phức tạp ở chỗ không thể bắt ai nhịn đẻ hoặc chờ đời sau (tức chuyến thang máy sau)! Bốn cô cậu học sinh kia cũng không muốn lỡ chuyến, vì đời người thì ngắn mà danh sách bị kỷ luật vì đi muộn có thể rất dài.

Xung đột thế hệ - vấn đề muôn thuở

“Tôi ước gì hoàn toàn không có lứa tuổi từ 10 đến 23, hoặc lũ trẻ ngủ suốt tuổi ấy - vì chúng chẳng làm gì ngoài đẻ con với gái đĩ, chọc tức người già, trộm cắp và đánh lộn”.

Tác giả của phát ngôn kinh hoàng ở trên tên là William Shakespeare, một kịch tác gia Anh vĩ đại. Ông dẫu có cách dùng từ khá cổ hủ của trước đây mấy trăm năm, nhưng nội dung nhận định của ông vẫn ít nhiều mang tính thời sự. Nó cho thấy hiện tượng thế hệ già phàn nàn về lớp trẻ là chuyện muôn đời.

Khi đối chiếu tình trạng phạm pháp với lứa tuổi, ta sẽ thấy Shakespeare có lý: con người phạm tội nhiều nhất ở lứa tuổi thanh niên! Tôi cũng trích câu trên từ giáo trình dạy Luật hình sự thanh thiếu niên của sinh viên nước ngoài, chứng tỏ lớp già ở đó cũng không ít mồm hơn ở ta. Trong lúc gườm gườm nhìn lũ ranh con quẹt quẹt màn hình hoặc viết tin nhắn bằng một ngón cái, các cụ thừa ý thức được rằng thời của các cụ đã qua và có cố mấy cũng không dùng được điện thoại thông minh nhiều hơn là gọi và nhận điện. Và dù lũ trẻ nhanh nhẹn chừng nào trên ván trượt hay trên xe máy đua sau trận túc cầu, bao giờ chúng cũng rất từ từ khi vào thang máy đầy người đang đợi. Thế là sao?

Mà cũng chẳng phải nhìn đâu xa, trong các gia đình tam đại đồng đường hôm nay đã thường xuyên hơn cảnh đá thúng đụng nia, chẳng cứ gì giữa con dâu và mẹ chồng. Tỉ lệ đơn xin ly hôn ngày càng cao, cảnh chung sống đến đầu bạc răng long hồi xưa nay không còn phổ biến đương nhiên nữa. Hơn chục năm trước, theo nghiên cứu của TS Nguyễn Minh Hòa từ Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam đã là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Một học giả khác, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, tham khảo nhiều văn phòng luật và cho biết số phụ nữ chủ động đứng đơn là 70%.

Ai chịu thua ai?

Chuông réo quá tải, thang máy đứng im, và ai cũng thầm nhất trí là người vào cuối cùng phải đi ra cho thang nhẹ bớt.

Song mấy cô cậu học sinh nhìn nhau và không ai chịu ra. Không, các cháu không hư hỗn hay thậm chí không hiểu rằng mình gây ra sự ách tắc. Mặt mũi chúng sáng sủa, cái iPhone 11 trong tay cho thấy gia đình chúng không thiếu điều kiện chăm sóc con cái về vật chất. Nhưng có lẽ những kỹ năng như nhường nhịn hoặc tôn trọng mọi người xung quanh ít được học, kể cả các trường dạy quá nửa bằng ngoại ngữ. Không ai dạy chúng giữ cánh cửa lò xo cho người đi sau qua cùng, có thể hằng ngày chúng vẫn bị người lớn chen bật ra thay vì xếp hàng đợi đến lượt và không muốn nhẫn nhục chịu thua mãi.

Bây giờ tôi sợ bị xếp vào dạng ưa càm ràm như ngài Shakespeare khả kính nọ. Nhưng về mặt này năm 2019 không khác mấy so với năm 1987 - là thời điểm bỏ tem phiếu. Cứ như có dịp trả thù cho những tiếng đồng hồ xếp hàng rồng rắn ngày xưa, nay mạnh ai nấy chen lên trước, cho dù ai cũng phải biết là năm 1987 có húc hai cái xe đạp vào nhau cũng chỉ xước tay bầm chân đôi chút, còn hậu quả của hai cái xe SUV nặng 1,8 tấn đấu đầu nhau thì khác hẳn…

Bốn cháu học trò vẫn tươi tỉnh lắm, chúng đợi xem có ai “tự nguyện” bước khỏi thang máy không, và dĩ nhiên không ai chịu.

Ta sắp chào năm 2020, tức là chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song rất nhiều người ưa đổ lỗi cho nó. Ai năm nay 50 tuổi sẽ không hề biết hay nhớ bom đạn là gì, song cớ gì họ được phép đổ lỗi cho chiến tranh khi vượt đèn đỏ, khi ném lon nước ngọt rỗng qua cửa sổ ôtô, khi hát karaoke lúc 1h sáng khiến cả ba mươi tầng chung cư rung chuyển?

Con người của đô thị

Đôi khi tôi đem mấy chuyện trên ra tán nhảm ở bàn bia, lập tức các thành phần quanh bàn (mà ai cũng tự nhận là gốc Tràng An từ ba đời) nhanh chóng thống nhất: mọi sự nhố nhăng đó do dân nhà quê đem ra!

Thoạt tiên nghe cũng không phi lý. Ở làng hay trên núi làm gì có đèn xanh đỏ hay thậm chí thang máy, vậy nên cách hành xử ngang xương là do mấy cô cậu vừa lội ruộng lên đem ra đô thị…

Nhưng gượm đã! Thế giới này đang và đã biến thành thế giới của đô thị: từ năm 2007 đã có quá nửa dân số trái đất sống ở thành phố. Năm 2018, con số chính xác là 55%, và xu hướng này chỉ đi lên chứ không xuống. Cứ đà này thì năm 2050 sẽ chứng kiến chừng 70% nhân loại là người thành phố (theo dự đoán của Liên Hiệp Quốc).

Trong năm 2019 sắp qua, trên toàn quả đất có 548 thành phố, và 33 trong số đó ì ạch khò khè dưới gánh nặng của trên 10 triệu người như Mumbai (Ấn Độ), New York (Hoa Kỳ), Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản)… Con người không chỉ cư trú theo nghĩa tối giản, mà còn cần điện, nước, thực phẩm, trường học, bệnh viện, đường đi, và họ thải ra nước bẩn, rác, xỉ than, bệnh tật… Hà Nội và Sài Gòn mà đếm cả những người không hộ khẩu thì chắc cũng có mặt trong top đầu về dân số, vì vậy hãy ngừng đổ lỗi cho dân nhà quê và tự soi gương khi thấy đời không phải là mơ. Chúng ta rồi sẽ chen chúc trong đô thị hết, sẽ phải đổi cách thức di chuyển qua ngã tư, sẽ học đợi người trong thang máy ra rồi mới đến lượt mình vào.

Minh họa
 

Nói đi thì cũng phải nói lại. Xã hội ta đang tiến bộ từng ngày, thế hệ tôi ngày xưa chỉ biết tới Tết âm lịch và lễ Phật đản thì hôm nay ta có Giáng sinh với ông già áo đỏ râu rậm cưỡi xe tuần lộc, ta vui lễ hóa trang và đục trổ quả bí đỏ vào dịp Halloween, ta âu yếm tặng nhau hoa hồng vào ngày lễ tình yêu dù không rõ tên thánh Valentine phát âm ra sao. Ta hớn hở du nhập đủ mọi trò vui và phong tục từ tận đẩu đâu. Nhưng vẫn có một thói quen của thế giới bên ngoài nghe chừng chưa được phổ biến lắm: vào thời khắc giao thừa, người ta cụng ly và chúc tụng nhau, rồi khi chuông điểm 0h thì nhắm mắt tự nhắc thầm sẽ bỏ lại nhiều vướng mắc trong năm cũ và đặt ra vài dự định tốt lành văn minh sẽ cố thực hiện trong năm tới.

Liệu trong cái thời khắc đón năm 2020 năm nay ta có nên làm thế? Không phải ước nguyện gì long trời lở đất lắm đâu, chỉ cần vài thứ nho nhỏ, như tuân thủ đèn hiệu giao thông hay cư xử văn minh trong thang máy chung cư… ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận