Tác động của khủng hoảng hạt nhân

(Time) 02/04/2011 20:04 GMT+7

TTCT - Giới chuyên môn ước tính con số thiệt hại do động đất và sóng thần ngày 11-3 tại Nhật Bản lên tới 310 tỉ USD (tương đương 4% GDP) và nước này sẽ cần năm năm để khắc phục hậu quả. Nhưng nếu tính tổn thất gián tiếp, như hoạt động sản xuất bị đình trệ trong nhiều tháng, con số hẳn còn lớn hơn.

Phóng to
Kiểm tra nhiễm phóng xạ một người đàn ông tại trung tâm y khoa ở Yonezawa, địa điểm cách Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 98km, ngày 27-3 - Ảnh: Reuters

Cơn sóng thần khủng khiếp đã phá hủy hàng nghìn cơ sở làm việc và hàng vạn ngôi nhà của người dân ở vùng đông bắc. Rất nhiều người đã nghỉ hưu, không còn sức lực cũng như khả năng tài chính để xây lại nhà cửa. Tình trạng di dân do thảm họa gây ra có thể phá vỡ kết cấu xã hội của khu vực này.

Rất nhiều cư dân địa phương sau đợt thiên tai cho biết họ sẽ tìm cách đi khỏi vùng đông bắc. Từ đó có thể thấy công cuộc tái thiết vùng đông bắc không chỉ sẽ kéo dài hơn Kobe sau vụ động đất năm 1995, mà rất có thể sẽ bị đình trệ, dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 24-3 nhận định nền kinh tế Nhật Bản có tiềm lực mạnh, hoàn toàn có thể đối phó với các tác động của thảm họa.

Sau hơn hai tuần nước Nhật khắc phục những hậu quả trực tiếp của thiên tai và từng bước hồi phục khỏi cơn chấn động tinh thần, nhưng vẫn còn đó hậu quả kép của thảm họa - khủng hoảng hạt nhân Fukushima - tỏ rõ các hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài của nó đối với đất nước mặt trời mọc.

Kinh tế thế giới bị ảnh hưởng ngắn hạn

Nhật Bản hiện có 54 lò phản ứng điện hạt nhân cung cấp 29% nhu cầu năng lượng điện của nước này. Tỉ lệ này ở Mỹ là 104 lò phản ứng và 20% nhu cầu. Pháp có 58 lò phản ứng điện hạt nhân cung cấp đến 75% nhu cầu năng lượng cả nước.

Những hậu quả do ô nhiễm phóng xạ gây ra mới là nỗi lo ngại lớn nhất của nước Nhật và đang trở thành tiêu điểm quan tâm của cộng đồng thế giới. Nông sản và hải sản của Nhật Bản ở các khu vực gần Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị nhiễm phóng xạ, không những không được tiêu dùng trong nước mà gặp cả khó khăn về xuất khẩu. Du lịch là một thế mạnh của Nhật Bản sẽ bị đình đốn một thời gian. Một số dịch vụ hàng không, cảng biển bị ảnh hưởng.

Thông tin cho hay tàu bè quốc tế đã tránh các cảng sầm uất nhất tại Tokyo và Yokohama do lo ngại phóng xạ.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân sẽ là đòn mạnh giáng vào chiến lược năng lượng của Chính phủ Nhật Bản, vốn đề cao vai trò của năng lượng hạt nhân. Không những thế, nó còn ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực của nước này nhằm xuất khẩu các nhà máy điện hạt nhân ra nước ngoài. Sách trắng thương mại năm 2010 của Nhật Bản dự báo đến năm 2030, công suất lắp đặt các nhà máy điện hạt nhân sẽ tăng gấp đôi và thị trường này sẽ tăng trưởng để đạt doanh thu 11.000 tỉ yen/năm (135 tỉ USD).

Thảm họa sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á, cho dù còn quá sớm để đánh giá. Trước mắt, thương mại và tài chính là hai lĩnh vực bị tác động. Thảm họa gây nhiều thiệt hại cho một số ngành công nghiệp của Nhật Bản và thế giới, đặc biệt là điện tử và xe hơi. Công nghiệp điện tử Nhật Bản là nguồn sống lớn của ngành công nghiệp điện tử thế giới. Từ 12 năm qua, chúng được chuyên môn hóa cao.

Nhật Bản sản xuất 35% bộ nhớ điện thoại thông minh, 21% thiết bị bán dẫn khác nhau cho toàn thế giới. Cơ sở của ngành công nghệ cao của cả thế giới gần như rơi vào rối loạn, do hàng loạt nhà cung cấp thiết bị điện tử chủ chốt của Nhật phải ngừng hoạt động. Do thiếu linh kiện Nhật, hàng loạt nhà máy chế tạo xe hơi từ châu Á đến châu Âu và Mỹ đều ngừng một phần hoặc toàn bộ sản xuất. Các tác động được xem là ngắn hạn sẽ được khắc phục trong 3-4 tháng nữa.

Ở một phương diện khác, việc phải tập trung xử lý những thiệt hại khổng lồ có thể khiến Chính phủ Nhật Bản phải thay đổi các ưu tiên chính sách quốc gia, trong đó có vốn vay ODA (trong trường hợp này Đông Nam Á khó tránh khỏi bị ảnh hưởng).

Một số nhà quan sát cho rằng khi Nhật Bản xem xét lại chiến lược kinh tế đối ngoại, nhiều khả năng nước này sẽ hướng đầu tư tới thị trường Đông Nam Á, trong đó có Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, cùng với việc tăng đầu tư ở trong nước để tạo nên chuỗi cung cấp hàng hóa tại các nước ASEAN. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của ngành dệt may và thời trang Việt Nam (chiếm 15-18% tổng kim ngạch dệt may Việt Nam). Chưa có dấu hiệu phía Nhật Bản hủy các hợp đồng đã được ký kết, mặc dù không loại trừ khả năng chững lại.

Tìm giải pháp cho năng lượng hạt nhân

Sự cố tại lò phản ứng hạt nhân Fukushima Daiichi đã làm dấy lên sự quan tâm mới về năng lượng hạt nhân, trước hết là về sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Sự cố Fukushima thuộc loại hi hữu, nằm ngoài thiết kế an toàn nhất. Rõ ràng con người đã không thể tính hết mọi chuyện có thể xảy ra, cũng như những bất cập của hệ thống kiểm tra, giám sát và ứng phó.

Nhiều nước đã xem xét lại hoặc hoãn các kế hoạch liên quan đến việc phát triển nhà máy điện hạt nhân. Trên thế giới hiện có 450 lò phản ứng hạt nhân. Cộng đồng châu Âu đang rà soát tất cả 195 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động hoặc đang xây dựng. Nước Mỹ có 104 lò phản ứng điện hạt nhân và phải kiểm tra toàn bộ 31 nhà máy sử dụng công nghệ tương tự Nhà máy Fukushima Daiichi. Trung Quốc có 13 lò phản ứng điện hạt nhân và đã lên kế hoạch xây dựng 104 lò mới trong 20 năm, hiện đang tiến hành đánh giá lại toàn bộ kế hoạch và vấn đề an toàn hạt nhân.

Một loạt vấn đề được nêu lên từ tai nạn Fukushima: Phải chăng đã có sự lơ là trong việc quản lý, thanh tra hoạt động của các tập đoàn điện hạt nhân? Phải chăng các tập đoàn điện hạt nhân, cũng như các tập đoàn tài chính thời tiền khủng hoảng kinh tế tài chính 2008, đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của một quốc gia? Phải chăng đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải hợp lực để củng cố các phương tiện giám sát những hoạt động của các tập đoàn năng lượng hạt nhân?

Cần phối hợp xuyên quốc gia như thế nào để giảm tác hại của các thảm họa tại một quốc gia trở thành thảm họa xuyên quốc gia. Một bài học được rút ra: việc đào tạo các nguồn nhân lực quản lý, vận hành, thanh sát được xem là quan trọng hàng đầu, đặc biệt nhấn mạnh tính đồng bộ và đội ngũ chuyên gia liên quan đến năng lượng hạt nhân.

Sự cố hạt nhân Fukushima chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hướng tới các nguồn năng lượng phi hạt nhân, trong đó có năng lượng tái tạo, vốn đã được nhiều quốc gia chú trọng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế hậu khủng hoảng 2008-2010. Thảm họa trên sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu giải pháp thứ ba cho năng lượng hạt nhân (hybrid nuclear) trong thế kỷ 21: tạo ra những lò phản ứng kết hợp làm giàu và phân hạch hạt nhân. Chúng được đánh giá là an toàn hơn và xử lý được nhiều bất cập

so với các loại công nghệ hạt nhân hiện nay. Quá trình hợp tác nghiên cứu đang được tiến hành giữa các nhóm nhà khoa học công nghệ tại Nga, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và Anh cần được quan tâm và thu hút sự tham gia của nhiều nước khác.

Trên con đường chinh phục những đỉnh cao mới của khoa học công nghệ, nhân loại vẫn phải tôn trọng tự nhiên, không ngừng tìm hiểu để giải quyết các mối quan hệ liên quan giữa năng lực con người và sức mạnh của tự nhiên, vì sự phát triển bền vững, hạnh phúc và phồn vinh của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận