Tái cân bằng là sinh tử

DANH ĐỨC 30/04/2013 06:04 GMT+7

TTCT - 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ 2 của ông Obama, trong bối cảnh ngân sách bị cắt giảm, êkip mới phò tá ông đã lần hồi cho thấy giải quyết bài toán châu Á - Thái Bình Dương như thế nào trước tình hình mới là sự thay đổi lãnh đạo và chính sách ở Bắc Kinh.

Phóng to
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cuộc gặp ở dinh Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 15-4. Tokyo là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á của ông Kerry - Ảnh: Reuters

Thứ hai tuần trước, tân Ngoại trưởng John Kerry đã chấm dứt vòng công du “ra mắt” mà ba chặng chót là Seoul, Bắc Kinh và Tokyo. Việc ông Kerry chọn châu Âu và Trung Đông để khởi đầu vòng công du, bắt đầu từ hôm 24-2, có thể khiến một số người vốn đang quen với quá trình “tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương” của người tiền nhiệm ông (bà Hillary Clinton) nghĩ rằng Mỹ đã thôi hoặc bớt “tái cân bằng”.

Tuy nhiên, nếu điểm lại các chặng đầu tiên ông viếng (Anh, Đức, Pháp, Ý...) sẽ thấy ngay rằng đó chẳng hề là những điểm nóng cần sự hiện diện của ông, bất quá đến “chào sân”. Ngược lại, ba chặng chót ông đến chính là những điểm nóng thường trực và đang trong giai đoạn khủng hoảng đột xuất kiểu “ngàn cân treo sợi tóc” cần đến không chỉ sự trấn an (bằng lời nói) của ông mà bằng hành động của đất nước ông đại diện.

Bản thân ông Kerry cũng biết điều đó. Hôm thứ hai 15-4, tại Học viện Công nghệ Tokyo, ông đã thừa nhận ông ý thức rằng “một số người có thể bi quan trước sự cam kết của nước Mỹ đối với khu vực” và trấn an ngay: “Tôi cam kết với các bạn rằng chúng tôi là một quốc gia Thái Bình Dương xem mối quan hệ đối tác ở Thái Bình Dương một cách nghiêm túc. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng sự hiện diện chủ động và bền lâu của chúng tôi”.

Sự kín đáo của bộ trưởng quốc phòng

“Tôi đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng nước Mỹ và thế giới hưởng lợi từ một Trung Quốc ổn định và thịnh vượng, (biết) đảm nhận trách nhiệm cường quốc của mình, một Trung Quốc (biết) tôn trọng ý nguyện của nhân dân mình, một Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong thế sự, song cũng đồng thời tuân thủ luật chơi...”.

Ngoại trưởng Mỹ
JOHN KERRY

Trong thời gian ba tháng qua, đồng sự của ông Kerry là tân Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel đã không ồn ào tuyên bố như từng nghe ở Lầu Năm Góc trước kia, chỉ “lẳng lặng” làm công việc của mình, cụ thể là những quyết định động binh răn đe đáp trả các đe dọa của Triều Tiên đủ để cho những thách đố “thượng đài” cuối cùng hạ màn. Ông Hagel từng thể hiện tính “kín đáo” đó trong cuộc điều trần tại thượng viện trong tư cách ứng viên bộ trưởng quốc phòng.

Trả lời câu hỏi “Đâu là những ưu tiên an ninh của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương?”, ông đáp: “Việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do thương mại và ảnh hưởng của Mỹ tùy thuộc một phần vào sự cân bằng khả năng và hiện diện quân sự... Tôi tin rằng tái cân bằng về hướng châu Á - Thái Bình Dương là sinh tử đối với các lợi ích tương lai của nước Mỹ, song có thể làm được điều đó một cách thông minh...”(1).

Nếu để ý sẽ thấy ông Hagel dùng cụm từ “tự do thương mại”, tránh không dùng cụm từ “tự do hàng hải” vốn là từ khóa dưới trào Leon Panetta, tránh đụng chạm bằng ngôn từ vô ích với Trung Quốc như trước kia.

Sau màn biểu diễn “công phu” kéo dài cả tháng của quân lực Mỹ trước “công phu” Triều Tiên, ông Kerry đến Bắc Kinh nói chuyện “vui vẻ”. Ông đã gặp cả Chủ tịch Tập Cận Bình, cố vấn Dương Khiết Trì lẫn Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ông Kerry bày tỏ hi vọng rằng với chính phủ mới ở Trung Quốc và cá nhân ông tân thủ tướng, đây là thời khắc làm mới quan hệ Trung - Mỹ (2).

Làm mới quan hệ Trung - Mỹ như thế nào? Ông đã đợi đến Tokyo, trong khung cảnh của một trường đại học, để giới thiệu điều mà ông gọi là “quan hệ đối tác ở Thái Bình Dương trong thế kỷ 21”. Ông ghi nhận nét mới của Trung Quốc là nay lãnh đạo mới của Bắc Kinh đã trình làng điều mà ông gọi là “giấc mơ của Trung Quốc” (Trung Quốc “đại phục hưng”).

Và ông cũng cho biết đã chia sẻ ghi nhận đó như thế nào: “Tôi đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng nước Mỹ và thế giới hưởng lợi từ một Trung Quốc ổn định và thịnh vượng, (biết) đảm nhận trách nhiệm cường quốc của mình, một Trung Quốc (biết) tôn trọng ý nguyện của nhân dân mình, một Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong thế sự, song cũng đồng thời tuân thủ luật chơi. Chúng ta thảy đều có phần trong sự thành công của Trung Quốc và ngược lại”.

Trong khi chờ đợi, ông “khích tướng” Bắc Kinh về những nghĩa vụ của một cường quốc.

Đông Bắc Á tạm êm, thế còn Đông Nam Á?

Vụ khủng hoảng bột phát trên bán đảo Triều Tiên nay cũng đã qua khỏi giai đoạn “ác tính”, những yêu sách vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng vừa đưa ra không mới mẻ, mang tính chất “mãn tính”. Coi như đám cháy đã được dập.

Trước khi rời Bắc Kinh, ông Kerry đã họp báo một mình và cũng đề cập đến những vấn đề tranh chấp nóng bỏng cố hữu: “Chúng tôi đã thảo luận về an ninh hàng hải khu vực, bao gồm cả những tranh chấp ở Nam Hải (biển Đông của Việt Nam) và biển đông Trung Hoa. Chúng tôi đã nói đến tầm quan trọng đối với mọi bên sao cho đừng làm tăng căng thẳng có thể phá hoại hòa bình và an ninh cùng tăng trưởng kinh tế trong khu vực, đừng tiến hành các hành động đơn phương” (3).

Tại Tokyo, khi nhắc đến vấn đề quan hệ đối tác trong thế kỷ 21, ông Kerry đã tỏ rõ lập trường của mình: “Chúng ta cần đạt đến thỏa thuận bằng những luật đi đường thật sự qua các đàm phán song phương cũng như các cơ chế đa phương, mà ở đó mọi tiếng nói đều được nghe một cách bình đẳng. Các diễn đàn như ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á, APEC, Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương...

Tôi đặc biệt hướng đến việc tham dự Diễn đàn ARF (Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN) tháng 6 này, và tôi lạc quan rằng chúng ta có thể thỏa thuận một số bước cụ thể nhằm tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực”.

Trong khi chờ đợi xem những “bước cụ thể” mà ông Kerry hi vọng sẽ thỏa thuận được ở Diễn đàn ARF tháng 6 tới, có thể quay lại những phát biểu của Phó ngoại trưởng Ashton Carter tại một đối thoại quốc phòng ở Jakarta (Indonesia) hôm 20-3, khi khủng hoảng Triều Tiên làm rúng động cả Đông Nam Á, khiến thủ tướng Singapore, bộ trưởng ngoại giao Philippines sau đó phải bay sang Washington tham vấn.

Tại đối thoại này, Phó ngoại trưởng Carter phát biểu: “Tôi đến đây... cũng là để đoan chắc rằng lực lượng của chúng tôi và của các đồng minh cùng các đối tác trong khu vực hiểu rằng chúng tôi nghiêm túc đối với những cam kết quốc phòng của chúng tôi ở châu Á - Thái Bình Dương, và rằng chúng tôi không chỉ nói suông... Phép lạ chính trị và kinh tế mà châu Á đã thực hiện được trước hết là do sự lao động cật lực và tài năng của dân chúng châu Á, và cũng nhờ những nguyên tắc bền vững mà Mỹ đề ra trong khu vực này...

Đó là thương mại tự do và mở, một trật tự quốc tế công bằng, trong đó quyền và nghĩa vụ của các nước được nhấn mạnh, trung thành tuân thủ pháp luật... giải quyết xung đột mà không sử dụng vũ lực”. Phó ngoại trưởng Carter đoan chắc: “Chúng tôi tin rằng sự hiện diện an ninh mạnh mẽ của chúng tôi ở châu Á - Thái Bình Dương đã cung cấp nền tảng then chốt cho sự bén rễ các nguyên tắc trên...

Chúng tôi muốn tiếp tục cung cấp nền tảng đó trong những thập niên sắp tới... Chúng tôi cam kết trả lời các tiếng kêu gọi. Điều đó tốt cho chúng tôi và cũng tốt cho mọi người trong khu vực... Chẳng nhắm đến bất cứ ai, nước nào hay nhóm nước nào” (4).

Êkip lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đã cho biết ý đồ quân sự của họ qua Sách trắng quốc phòng mới công bố. Câu trả lời của Mỹ như thế nào, Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel sẽ công bố tại cuộc Đối thoại Shangri-La cuối tháng 5 tới.

____________

(1): Full transcript of Chuck Hagel hearing before Senate Armed Services Committee
(2): Time To Renew the Sino-U.S. Relationship, Remarks With Chinese Premier Li Keqiang, Beijing, China, April 13, 2013
(3): Solo Press Availability in Beijing, China, Diaoyutai Hotel, Beijing, China April 13, 2013
(4): Remarks by Deputy Secretary Carter at the Jakarta International Defense Dialogue Panel Discussion, Jakarta, Indonesia

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận