Tái cấu trúc nền kinh tế như thế nào?

VÕ VĂN THÀNH THỰC HIỆN 26/10/2009 02:10 GMT+7

TTCT - Một thông điệp lớn được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội lần này là chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ông Nguyễn Đình Cung (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), một thành viên của nhóm soạn thảo “Đề án tái cấu trúc nền kinh tế”, cho biết:

Tái cấu trúc nền kinh tế như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Cung - Ảnh: V.V.Thành
TTCT - Một thông điệp lớn được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội lần này là chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ông Nguyễn Đình Cung (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), một thành viên của nhóm soạn thảo “Đề án tái cấu trúc nền kinh tế”, cho biết:

-Hiện chúng tôi đã chuẩn bị một bản đề án khoảng 70 trang giấy (sẽ được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội), đánh giá thực trạng của nền kinh tế trước ngưỡng cửa của tái cơ cấu cũng như định hướng tái cơ cấu và các giải pháp thực hiện. Đề án này có ba vấn đề cần làm rõ: cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu kinh tế.

Đòi hỏi của lần tái cơ cấu này là thiết lập một cơ cấu kinh tế mới, tạo ra sự phân bổ và sử dụng hợp lý hơn các nguồn lực hiện nay.

* Nhiều ý kiến cho rằng mô hình tăng trưởng của nước ta hiện dựa trên bốn yếu tố cơ bản: khai thác tài nguyên, thâm dụng vốn, lao động chất lượng thấp và khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Như vậy tái cấu trúc có phải thay đổi cách dựa vào các yếu tố này?

- Phát triển kinh tế là một quá trình chia ra nhiều giai đoạn, hiện chúng ta đang ở giai đoạn một. Trong giai đoạn này chúng ta có lợi thế gì? Chúng ta có tài nguyên thiên nhiên, lao động nhiều và rẻ nhưng lại kém về vốn, công nghệ, năng lực sáng tạo nên việc phát triển phải dựa trên những yếu tố nêu trên là khách quan.

Tuy nhiên cần làm rõ giai đoạn này là bao lâu? Vấn đề ở chỗ ta phải sử dụng nguồn lực hiện có thật hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, để từ đó tích lũy kinh nghiệm, tiền vốn, chuyển đổi công nghệ để bước lên nấc thang cao hơn.

Trong đề án chúng tôi đề ra mục tiêu là 10 năm tới nước ta phải đạt đến giai đoạn hai của quá trình phát triển. Trong giai đoạn mới này, tăng trưởng phải gắn liền số lượng với chất lượng. Các ngành công nghiệp chế biến với công nghệ hiện đại sẽ thay thế dần các ngành thiên về khai thác tài nguyên và sử dụng lao động rẻ... Trong quá trình đó sẽ có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài và các DNNN cũng có vai trò của mình.

* Khi các địa phương bận rộn với việc chạy đua tăng GDP, như vậy yếu tố cạnh tranh là tất yếu?

- Với chính quyền địa phương thì nên bỏ cách giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP, cái đó chỉ nên tính toàn quốc. Để thay đổi ứng xử của chính quyền địa phương, có thể lấy các chỉ tiêu về mức độ hài lòng của dân chúng để đánh giá thành tích.

* Nhiều số liệu cho thấy khu vực kinh tế tư nhân đang có hiệu quả cao hơn hẳn khu vực kinh tế nhà nước, số doanh thu thuần tạo ra bởi một đồng vốn của doanh nghiệp tư nhân cao gấp ba lần DNNN?

- Tất cả vấn đề gói gọn trong hai chữ hiệu quả. Nhiều DNNN hiện nay, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, có tiềm năng nên nếu được đưa vào chương trình tái cấu trúc đúng hướng, họ có khả năng tiên phong trong đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của ngành cũng như của nền kinh tế.

Có ba vấn đề đặt ra trong việc tái cấu trúc các DNNN. Thứ nhất, các DNNN phải được tái cơ cấu để hoạt động theo nguyên tắc của thị trường và chịu áp lực của thị trường, phải bỏ hết bao cấp, hỗ trợ, ưu đãi đối với khối doanh nghiệp này. Thứ hai, thay đổi mục tiêu của các DNNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Thứ ba là đánh giá các DNNN dựa trên số liệu về thị phần chiếm lĩnh được, mà thị phần này chứng tỏ năng lực cạnh tranh.

* Đề án tái cấu trúc xác định mũi nhọn phát triển trước mắt, nơi cần ưu tiên vốn đầu tư là ngành nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ?

- Mỗi lần kinh tế gặp khó khăn thì nông nghiệp chính là giá đỡ, tuy nhiên chúng tôi không coi cái gì là quan trọng nhất, mà quan trọng là ngành nào tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất tại một thời điểm kinh tế. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đương nhiên ngành có giá trị gia tăng nhiều hơn là công nghiệp và dịch vụ, công nghệ càng cao giá trị gia tăng càng lớn, như vậy nền kinh tế phải dịch chuyển theo hướng đó.

Nhưng đây là một quá trình dịch chuyển tự nhiên, không nên áp đặt tỉ lệ nông nghiệp phải giảm hăng năm là bao nhiêu, nếu dịch chuyển đúng hướng thì đương nhiên nông nghiệp sẽ giảm dần. Ở đây Nhà nước chủ yếu hỗ trợ, tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình chuyển dịch bằng hệ thống các đòn bẩy kinh tế, còn lại nên để thị trường, để các doanh nghiệp quyết định nên đầu tư vào đâu.

* Theo dự thảo đề án, việc chuyển dịch cơ cấu vùng sẽ theo hướng từng bước phi tập trung hóa sản xuất công nghiệp, dân cư của Hà Nội, TP.HCM, các địa phương lân cận; và tập trung phát triển công nghiệp tại các vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung?

- Chúng tôi cũng đề cập việc tận dụng lợi thế kinh tế của từng địa phương để các địa phương kết hợp với nhau, bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh để rồi tạo ra sự chia cắt.

* Để thực hiện đề án tái cấu trúc kinh tế, cần gì ở những người quyết định chính sách?

- Thay đổi tư duy về phát triển, xác định rõ vai trò của các bên tham gia vào quá trình này.

“Một trong những thay đổi đầu tiên để tái cấu trúc là phải xác định tầm nhìn cho từng tổng công ty, tập đoàn. Sứ mệnh của chúng là gì? Tập đoàn Than - khoáng sản tồn tại để làm gì? Công nghiệp tàu thủy làm gì? Điện lực làm gì? Dầu khí làm gì?... Toàn bộ nguồn lực của tập đoàn phải phục vụ sứ mệnh của nó”.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận