TTCT - Trong số cuối năm 2012 trên chuyên san ngoại giao Foreign Affairs, một tác giả đã bàn về những nền kinh tế cứ mãi “mới nổi” (1). Trước đó, một nghiên cứu của Ngân hàng Credit Suisse cũng đã phân tích “tại sao một số nước thành công, một số nước khác lại thất bại?” (2). Phóng to Năm 2013, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu 10%. Trong ảnh: công nhân làm hàng xuất khẩu sang châu Âu tại một phân xưởng may ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy - Ảnh: Reuters Những háo hức về một “thế kỷ 21 của châu Á” cũng đang dần qua đi trước nan đề “giậm chân tại chỗ” của một số nước trong khu vực. Một lần nữa người ta đang xem xét lại những mặt được, chưa được hoặc không được để tìm lời giải mới cho sự phát triển. Tăng trưởng nhanh, nhưng khoảng cách vẫn còn Trên Foreign Affairs, Ruchir Sharma - trưởng bộ phận “các thị trường mới nổi và vĩ mô toàn cầu” của Tập đoàn Morgan Stanley Investment Management, và là tác giả của “Những quốc gia đột phá kinh tế đang đi tìm những phép lạ kinh tế mới” (3) - đã chỉ ra rằng “trong số 180 nước được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) theo dõi, chỉ có 35 nước là phát triển”. Trong giai đoạn từ 1950-2000, khoảng cách thu nhập bình quân đầu người giữa các nước tiên tiến và các nước đang phát triển cứ ngày càng xa hơn, ngoại trừ vài nhóm nhỏ các nước dầu hỏa vùng Vịnh, miền nam châu Âu sau Thế chiến thứ hai và các “con hổ” Đông Á. Chỉ từ sau năm 2000, các thị trường đang nổi lên đã bắt đầu rượt đuổi, song đến năm 2011 khoảng cách thu nhập đầu người giữa các nước giàu và các nước đang phát triển quay trở lại mức của những năm 1950. Nếu lấy bất kỳ một thập niên nào từ sau năm 1950 làm mốc quan sát cũng sẽ thấy chỉ 1/3 số thị trường mới nổi là đã có thể tăng trưởng với tỉ lệ 5%/năm hoặc hơn, không đầy 1/4 có thể giữ được tốc độ tăng trưởng này qua hai thập niên, và chỉ 1/10 giữ vững được tăng trưởng đó qua ba thập niên. Chỉ có Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Hong Kong duy trì được tỉ lệ tăng trưởng trong bốn thập niên. Trừ các nhóm nước và vùng lãnh thổ đó ra, đại đa số còn lại cứ thế mà giẫm chân tại chỗ! Nhấn mạnh vấn đề ở các nước mới nổi, tác giả khuyến cáo không quá khó để tăng trưởng với tốc độ nhanh khi bắt đầu từ một khởi điểm thấp, và rằng đem tốc độ tăng trưởng nhanh đó ra so với các nước ở những mức thu nhập khác thật là vô nghĩa. Tác giả khuyên “những ước vọng đó cần phải được đưa về với chân chạm đất” và rằng những ai đang đổ thừa cho suy thoái toàn cầu từ thập niên trước và thầm mong rằng rồi thì “những ngày hạnh phúc cũng sẽ quay trở lại” sẽ phải thất vọng! Những gì mà tác giả cảnh báo không xa lạ gì thuật ngữ “cái bẫy của nền kinh tế có thu nhập trung bình”. Dự báo sau của tác giả rất đáng chú ý: trong thập niên tới, Mỹ, châu Âu và Nhật có lẽ sẽ tăng trưởng chậm. Thế nhưng, tình trạng “chậm lụt” này của các nước ấy lại ít đáng lo so với tình hình tăng trưởng chậm còn 3% hoặc 4% sắp tới của Trung Quốc, khi mà nền kinh tế này tiếp tục trưởng thành. Đơn giản là do dân số Trung Quốc quá đông và già đi quá nhanh để cho kinh tế có thể tăng trưởng (nhanh) như đã từng tăng trưởng. Với hơn 50% dân số sống trong các thành phố, nay Trung Quốc đang đến gần điều mà các nhà kinh tế học gọi là “điểm bước ngoặt Lewis” (“Lewis turning point”, luận điểm của nhà kinh tế học William Arthur Lewis (1915-1991) chỉ điểm mốc mà số lao động thặng dư từ khu vực kinh tế tự cung, tự cấp (nông nghiệp) được hấp thụ hoàn toàn vào lĩnh vực hiện đại, để rồi tích lũy vốn tư bản cùng với quá trình tăng lương). Đây là kết quả của cả hai quá trình di dân ồ ạt đến các thành phố trong hai thập niên qua và quá trình cạn kiệt lực lượng lao động mà chính sách “một con mà thôi” đã tạo ra. Sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc phần nào đã do thế hệ lao động trẻ bao la này “kéo”. Song các điều tra dân số cho thấy lợi thế này đã qua rồi và mặt khác, vấn đề đặt ra là làm sao cung cấp cho thế hệ lao động mới những kỹ năng cần thiết để có thể cạnh tranh toàn cầu, cũng như làm sao các chính phủ (lần lượt ở Trung Quốc) có thể đề ra những chính sách đúng đắn để tạo việc làm. Bí quyết để thành đạt Làm sao để một quốc gia phát triển thành công chứ đừng cứ mãi mới nổi? Nghiên cứu của Ngân hàng Credit Suisse khẳng định rằng sự thăng tiến từ ngưỡng thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, rồi sang thu nhập cao không hề là tự động và đa số các nền kinh tế mới nổi đều đã thất bại không thể vươn qua được việc khai thác sức lao động rẻ và tài nguyên. Những trường hợp suy thoái tụt lui và thất bại trong việc đi đến tiến bộ vẫn thường thấy nhiều hơn là những trường hợp thành công. Theo nghiên cứu của Credit Suisse, để có cơ may thành công trong việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” cần phải hội đủ các yếu tố tương tác lẫn nhau sau đây: a/ chất lượng cao và nhanh chóng cải tiến của vốn con người; b/ khả năng sáng tạo đổi mới tiến đến chuỗi giá trị (qua đào tạo kỹ thuật ngày càng ở trình độ cao, nỗ lực R&D - hoạt động nghiên cứu và phát triển - ngày càng nhiều hơn); c/ hạ tầng cơ sở vật chất cao cấp hơn; d/ cải thiện bầu không khí kinh doanh và tính minh bạch trong các quy định pháp luật; e/ diễn biến dân số thuận lợi. Nghiên cứu dự báo trong thập niên tới, trong số các thị trường mới nổi, chỉ có Trung Quốc và Malaysia (ít hơn) là có vài cơ may thành công. Trung Quốc hội đủ hầu hết các yêu cầu trên (như chất lượng vốn con người, thành tích sáng tạo, hoạt động R&D ngày càng cao, hạ tầng cơ sở vật chất). Tuy nhiên, Trung Quốc vấp phải hai thách thức gồm: bầu không khí kinh doanh và tình trạng thiếu “cởi trói” các ngành công nghiệp then chốt; tình trạng đầu tư thái quá cứ tăng do chính phủ cứ (thích) chi tiêu và đầu tư vốn cố định. Theo nghiên cứu, chỉ trong năm năm hay mười năm tới là sẽ có thể thấy Trung Quốc “vượt vũ môn” được hay không. Dự báo hiện nay là Trung Quốc có cơ may, song xác suất thành công không hơn 50%. Còn những thách thức đối với Malaysia là thành tích sáng tạo nghèo nàn, R&D thấp, bầu không khí kinh doanh “ỉu xìu”. Tại sao nghiên cứu của Credit Suisse lại nhấn mạnh rằng chất lượng của vốn con người là yêu cầu đầu tiên của quá trình ra khỏi “vũ môn” thu nhập trung bình? Đơn giản là ở các nước công nghiệp, hiệu suất lao động được tính GDP/nhân viên, GDP/giờ lao động. Đây là những gì xa lạ ở các nước mà người công chức có mặt cho có, sức lao động chưa được đếm theo đầu người mỗi giờ, còn mơ hồ áng chừng một năm chỉ trị giá bấy nhiêu... Thật trùng hợp, Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam tháng 12 vừa qua giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển đã tập trung vào việc đặt nền móng cho tăng trưởng bền vững của Việt Nam. Các đại biểu đã thống nhất rằng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển giáo dục và kỹ năng, đảm bảo chính sách đất đai hợp lý là những ưu tiên chính giúp Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thành công. Đặc biệt, một trong những chủ đề thảo luận chính là làm sao đảm bảo được chất lượng giáo dục và kỹ năng cao, điều kiện tiên quyết giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế công nghiệp hiệu quả là nguồn nhân lực có kỹ năng cao (4). ____________ (1): http://www.foreignaffairs.com/articles/138219/ruchir-sharma/broken-brics?page=show(2): Viktor Shvets, “Why some countries succeed and others fail?”, Credit Suisse(3): “Breakout Nations: In Pursuit of the Next Economic Miracles”. Xem định nghĩa trong “Breakout Nations: An Interview with Ruchir Sharma”(4): Thông cáo báo chí Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam, ngày 10-12-2012 Tags: Trung QuốcDANH ĐỨCNền kinh tếNhà tài trợ
Tiết lộ doanh thu khủng của 'đế chế chăn nuôi' C.P. Việt Nam BÌNH KHÁNH 24/11/2024 Báo cáo tài chính của Charoen Pokphand Foods, công ty mẹ của C.P. Việt Nam, cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay ở Việt Nam đạt gần 68.000 tỉ đồng.
Vì sao hàng ngàn người tập trung trước Nhà hát lớn Hà Nội khiến đường tắc từ sáng tới chiều? PHẠM TUẤN 24/11/2024 Từ sáng tới chiều 24-11, tại trước khu vực Nhà hát lớn Hà Nội hàng ngàn bạn trẻ tập trung gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vì sao?
Nhật Bản và Mỹ lập kế hoạch phóng tên lửa phòng Đài Loan ‘có biến’ MINH KHÔI 24/11/2024 Nhật Bản và Mỹ đang hướng tới việc xây dựng một kế hoạch quân sự chung nhằm ứng phó với tình huống khẩn cấp tại Đài Loan, bao gồm việc phóng tên lửa.
Vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện Đàm Vĩnh Hưng? HOÀI PHƯƠNG 24/11/2024 Trong nội dung livestream mới nhất của bầu sô Dũng Taylor vào trưa 24-11 (theo giờ Việt Nam) hé lộ thông tin vợ chồng ca sĩ Bích Tuyền sẽ khởi kiện ngược lại ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.