Tama Newtown của Tokyo

KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG 06/06/2004 01:06 GMT+7

TTCN - Đó là một thành phố vệ tinh lớn nhất ở Nhật vừa được phát triển, cách Tokyo 30km về phía tây, diện tích 3.016ha, dân số dự kiến là 310.000 người, bao gồm các phần đất của khu đô thị Inagi, Tama, Hachiousi và Machida.

Phóng to
Toàn cảnh khu vực Ochiai-Tsurumaki (thuộc đô thị mới Tama)
TTCN - Đó là một thành phố vệ tinh lớn nhất ở Nhật vừa được phát triển, cách Tokyo 30km về phía tây, diện tích 3.016ha, dân số dự kiến là 310.000 người, bao gồm các phần đất của khu đô thị Inagi, Tama, Hachiousi và Machida.

Vào những năm 1960 đất bắt đầu tăng giá khủng khiếp ở Tokyo, sự phát triển kinh tế kéo theo sự gia tăng nhà máy, mọi người ùn ùn kéo về biến Tokyo và ngoại vi của nó trở nên náo loạn và khó kiểm soát nổi: nhà cửa tự phát, hạ tầng xuống cấp, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.

Đứng trước tình hình đó, tháng 12-1965 dự án Tama Newtown được khởi động với mục đích là cung cấp một số lượng lớn nhà ở cùng điều kiện sống tốt hơn, và nhất là ngăn ngừa sự phát triển tự phát. Tiền đề của dự án được đặt ra vào thời điểm đó khá rõ ràng và xuyên suốt cho đến nay, đó là tạo ra một thành phố có thể tự lực được và trang bị các chức năng thương mại, văn hóa, giáo dục và hạ tầng cơ sở gồm đường sá, công viên, hệ thống cấp thoát nước, cung cấp điện và các chương trình phát triển nhà ở, chương trình sử dụng đất và các chương trình phát triển tiện ích công cộng. Các chương trình này được điều phối bởi một kế hoạch phát triển dài hạn do chính quyền Tokyo tổ chức.

Phóng to

Đường vành đai Kamkura Kaido

Tập đoàn phát triển đô thị (UDC) là đơn vị chính được giao điều hành việc xây dựng và cung cấp nhà cho đô thị mới.

Có một số điểm khác biệt so với VN:

Đô thị mới phải do nhà nước qui hoạch (thi concours, lấy ý kiến người dân, các chuyên gia…).

Đền bù giải tỏa chỉ là khái niệm có ở VN. UDC cho biết bất cứ qui hoạch nào ở Nhật đều không có chuyện đền bù, giải tỏa mà người dân vẫn được sống ở khu vực của mình bằng một hình thức khác, thường là có lợi gấp đôi cái mà họ đang có, hoặc họ là một phần chủ đầu tư (hình thức cổ đông) của dự án, cổ phiếu của họ tăng lên mãi theo thời gian. Bởi thế, qui hoạch khu vực nào chính là tạo thêm công việc và tăng giá trị tài sản người dân sinh sống nơi đó. Phần lớn người dân đồng tình và tham gia vào Hiệp hội Phát triển đô thị.

Ở Nhật không cho tư nhân lập dự án đô thị mới, bởi xây dựng một đô thị cho cả trăm ngàn người sinh sống là công việc của chính quyền. Đường sá, cống rãnh, điện nước phải được đầu tư đúng mức, hòa mạng với thành phố.

Các tiện ích công cộng như trường học, nhà trẻ, bệnh viện, văn hóa phải là phúc lợi do chính quyền thực hiện. Những khoảng không gian mở, công viên cây xanh, đất dự trữ được đầu tư và quản lý chặt chẽ, không có sự lấn chiếm, xây dựng tự phát. Nhờ thế thành phố mới được đầu tư hạ tầng cơ sở xã hội đồng bộ không lạc hậu cho cả 100 năm sau.

Phóng to
Trẻ em có thê vui chơi ngay sau khu nhà của mình
Tư nhân có vai trò gì trong đô thị mới này? Họ cho biết các tập đoàn, công ty tư nhân chỉ được đấu thầu xây dựng, không đầu tư đất đai, tránh đầu cơ, nâng giá. Ví dụ như đấu thầu 100 căn nhà hoặc xây dựng các con đường, các công trình phúc lợi công cộng. Khi hỏi tại sao như vậy, họ chỉ cho chúng tôi một khu ở cho tư nhân đầu tư thời hậu chiến, nơi đó đường sá, cống rãnh làm tạm bợ, nhà cửa lộn xộn như một ổ chuột mới, chính quyền phải đau đầu giải quyết. Giống như trường hợp ở VN, các khu dân cư này thực chất là phân lô bán nền, còn mọi thứ khác đều tạm bợ...

Vậy chính quyền lấy tiền đâu để đầu tư những thành phố mới khang trang như vậy? Họ cho biết đó là tiền đóng thuế, tiền huy động cổ đông trong các tập đoàn tư nhân, cổ phiếu đô thị, và tiền bán các căn hộ, các khu văn phòng, các khu đất xây dựng nhà máy. Họ lên kế hoạch chi tiết từng khu vực cụ thể để đầu tư, họ lập mô hình tài chính đầy đủ cho toàn bộ cuộc sống của công trình từ lúc “sinh ra”, lớn lên và đưa vào sử dụng. Thậm chí khi già, xuống cấp, tháo dỡ cũng được tính toán rất chi tiết, không đầu tư tràn lan. Nhờ thế chỉ cần một số vốn rất ít ban đầu, chính quyền Tokyo đã đầu tư được một thành phố đầy sức sống như vậy.

Tama hiện nay có khoảng 120.000 dân đang sinh sống trong phần lớn căn hộ chung cư thấp tầng và trung tầng. Đất đai còn lại chưa xây dựng vẫn được nông dân trồng lúa, hoa màu, và các triền đồi được trồng rừng kín, không một mảng đất hoang, đất trống đồi trọc. Bên chung cư cao tầng là một mảnh ruộng đang trổ bông, đẹp và thanh bình một cách kỳ lạ. Sự hòa quyện giữa ruộng đồng và đô thị đang được người Nhật thực hiện với một thái độ trân trọng đến mức nghệ thuật.

Toshino cho biết qui hoạch đô thị phải dựa trên nguyên tắc cơ bản là tồn tại thân thiện với môi trường sinh thái. Một hồ sơ dày cộp phân tích tác động của đồ án qui hoạch đến môi trường, lý lịch từng con sông, con suối, thậm chí lý lịch từng cây rừng, cây ven đường, cây trong công viên, cây trong nhà dân. Cây xanh được bảo vệ như con người.

Với một bệnh viện lo đau ốm, héo úa, dịch bệnh... Tama đang phấn đấu là một thành phố xanh nhất thế giới với 30% đất dự án dành cho cây xanh. Để làm được điều này, UDC đã thiết lập cả một hiệp hội theo phương pháp Minamino Shizen-Juku (Những bài học thân thiện với thiên nhiên) để bảo trì những khoảng không gian mở với việc phát triển cộng đồng theo diện rộng có sự tham gia của người dân trong việc duy trì trồng lúa, trồng rau, trồng cây xanh trong khu đô thị. Ở một công viên lớn của thành phố, bên cạnh những công trình vui chơi, giải trí là những vườn rau, mảnh ruộng với những người nông dân đang trồng trọt.

Ở trung tâm thành phố, nơi nhà ga trung tâm tọa lạc, đầu mối giao thông công cộng tàu điện các loại, bến đỗ xe buýt, chung quanh là những cơ quan chính phủ, khách sạn, ngân hàng, siêu thị, các trung tâm văn hóa, các bệnh viện… đang dần dần được xây dựng.

Tama có 12 đường liên tỉnh nối kết với đường sắt và đường bộ, bốn con sông chảy qua tạo ra giao thông liên hoàn bộ, thủy, sắt. Thành phố của giao thông bộ và giao thông công cộng không tiếng ồn và ô nhiễm như Tokyo cách đó 30km. Thành phố đang thu hút các công ty đa quốc gia, các ngân hàng và các nhà máy sạch đến hoạt động trong các cao ốc văn phòng dành sẵn, với các điều kiện ưu đãi. Tama được phân ra làm năm khu vực: Aihara and Cyama, Miani Osawa, Horinouchi, Tama Center, Nagayama, Wakabadai. Mỗi khu vực có đặc thù riêng và giá nhà ở khác nhau từ 200.000 - 400.000 USD/căn hộ.

Giá này do thành phố ấn định và được trả góp phù hợp với mức sống người dân Nhật. Một tòa thị chính được dựng lên đầu tiên trong khu vực. Nơi đây đúng là “một cửa, không dấu” của thành phố mới, giải quyết mọi việc liên quan của người dân từ cưới hỏi, ma chay cho đến mở công ty, đóng thuế, mua bán nhà đất... Nhà thị chính này là một “Citi hall” đúng nghĩa! Nơi đó người dân ra vào tự do, với các khu vực triển lãm thành tựu kinh tế của thành phố, các màn hình giới thiệu toàn cảnh sống động. Một không gian rộng thoáng, giao lưu giữa người dân, khách với chính quyền, không lạnh lùng, vô cảm như phần lớn các cơ quan của VN với người bảo vệ luôn đòi hỏi phải trình giấy tờ?!

Tokyo, tháng 5-2004

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận