Tân tổng thống đơn độc nhất lịch sử Hoa Kỳ

DANH ĐỨC 22/01/2017 17:01 GMT+7

TTCT - Chưa bao giờ, chí ít là từ khi nước Mỹ trở thành thủ lĩnh của một phần thế giới trong thế kỷ 20, lại có một tổng thống sắp nhậm chức gây ra nhiều tranh cãi, nghi kỵ và chống đối như thế.

Có vẻ như chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vẫn chưa phải là phần khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị còn non trẻ của ông Trump -Hollywood Reporter
Có vẻ như chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vẫn chưa phải là phần khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị còn non trẻ của ông Trump -Hollywood Reporter


Những cuộc biểu tình từ cuối tuần qua chỉ là khởi đầu cho phong trào mang tên “Phá ngày 20” (Disrupt J20) đang tổ chức nhằm tẩy chay lễ nhậm chức của tân tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald Trump.

Tổ chức này dự định tập trung biểu tình tại công viên McPherson Square - chỉ cách trụ sở Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol, nơi ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức - hơn 4 cây số.

Tổ chức này kêu gọi “tất cả mọi người có lương tâm tham gia việc phá các buổi lễ. Nếu ông Trump quyết nhậm chức cho bằng được thì điều đó sẽ phải diễn ra trong cảnh cửa đóng then cài."

Đa số không ưa ông Trump!

Đến cuối ngày thứ hai, 16-1, trang chủ của Viện thăm dò dư luận Gallup còn chạy tít chính: “Sự ủng hộ với ông Trump ngay trước lễ nhậm chức vẫn thấp ở mức lịch sử”.

Gallup so sánh tỉ lệ đó với ba tổng thống tiền nhiệm gần nhất và công bố số người Mỹ ủng hộ ông Trump trước khi nhậm chức (40%) chỉ gần phân nửa so với ông Obama (78%) và thua xa hai ông George W. Bush (62%) cùng Bill Clinton (66%). Đây là kết quả thăm dò thực hiện từ ngày 4 đến 8-1 vừa qua.

Cách diễn giải dựa vào “ý kiến thuận” trên dẫu sao vẫn còn đỡ thê thảm hơn khi diễn đạt lại gần như cùng điều đó, nhưng với các thăm dò về tỉ lệ “ý kiến không thuận”, hay sự bất đồng, với tổng thống đắc cử.

Tỉ lệ “không thuận” - hay chống đối - ông Trump trước lễ nhậm chức lên đến 55%, hơn gấp ba lần so với ông Obama (18%), gấp rưỡi ông George W. Bush và hơn gấp đôi ông Clinton (26%).

Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Trump lại mất “nhân tâm” đến thế? Mượn cách giải thích của Disrupt J20 thì: “Trump là viết tắt của độc tài, tham lam và thù ghét phụ nữ.

Ông ấy là “soái ca” của những người theo chủ nghĩa tân quốc xã và người da trắng theo chủ nghĩa dân tộc, của các cảnh sát ngày ngày giết người da đen, da nâu và người nghèo, các cảnh sát biên phòng phân biệt chủng tộc và bảo vệ nhà tù tàn bạo...

Ông ấy tiếp tục phủ nhận biến đổi khí hậu, xổ toẹt mọi bằng chứng, khiến tương lai của toàn thể nhân loại bị đe dọa. KKK (1), Vladimir Putin (2), Golden Dawn (3) và Nhà nước Hồi giáo thảy đều reo hò chiến thắng của ông. "

Không chỉ Disrupt J20 xem ông Trump là không chính danh, mà cả nghị sĩ lão thành Jerry Lewis, anh hùng đấu tranh nhân quyền từ thập niên 1960, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với chương trình Meet the Press của NBC News trước đó hai ngày cũng nói ông không tin ông Donald Trump là một “tổng thống hợp pháp”, “chủ tịch hợp pháp”.

Tệ hơn nữa, không chỉ nghị sĩ Dân chủ Lewis, mà không ít người Cộng hòa cũng không tán thành ông Trump. Kết quả thăm dò của Gallup cho thấy ngay trong nội bộ đảng, ông Trump có tỉ lệ ủng hộ thấp hơn hẳn các tổng thống tiền nhiệm, chỉ 82% so với ông Bush (97%) cùng thời điểm.

Khi được hỏi lý do tại sao, Lewis giải thích: “Tôi nghĩ người Nga đã tham gia việc giúp người đàn ông này thắng cử”. Không hay cho ông Trump, Jerry Lewis không phải là người duy nhất nghĩ thế.

Tình báo và truyền thông

Có vẻ như từ giờ trở đi, câu hỏi liệu người Nga có hà hơi tiếp sức giúp ông đắc cử hay không sẽ luôn là nỗi ám ảnh với tân tổng thống.

Liệu có bàn tay của Nga trong việc bà Hillary Clinton thất cử - một bất ngờ lớn với nhiều người? Liệu bản báo cáo gây nhiều tranh cãi của tình báo Mỹ sau đó đúng sai bao nhiêu?

Và ông Trump sẽ rút ra được kinh nghiệm gì từ tất cả những sự cố đó trong mối quan hệ công việc với các cơ quan an ninh và sức mạnh trong tương lai?

Bắt đầu là những bản báo cáo tình báo hằng ngày vẫn thường được các chủ nhân Nhà Trắng đọc trong bữa điểm tâm, mà nay ông Trump cho biết ông “xổ toẹt” rằng ông đã có các cận thần của ông lo chuyện nghe ngóng rồi, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Mỹ và cũng là chuyện vô tiền khoáng hậu trên thế giới, từ các chính phủ dân chủ đến các chế độ độc tài!

Chưa bao giờ từ thời tổng thống Eisenhower và ở cực bên kia là tổng bí thư Khrushchev cho tới nay là ông Obama mãn nhiệm và ông Putin còn tại vị lại có một lãnh đạo “xổ toẹt” vai trò “tai, mắt, chân, tay” của các cơ quan tình báo như ông Trump.

Thậm chí có trường hợp giám đốc KGB lên làm chủ tịch Liên Xô như ông Yuri Andropov năm 1983 và ngay cả ông Putin cũng xuất thân từ KGB.

Những phát biểu đầy tính miệt thị của ông Trump với giới tình báo Mỹ mang màu sắc cá nhân vì các cáo buộc nhắm vào ông là một lẽ, vấn đề an ninh quốc gia nói chung và quan hệ chuyên nghiệp tổng thống - ngành tình báo lại là một lẽ hoàn toàn khác.

Một khi nội vụ liên quan đến cá nhân ông Trump kết thúc mà hai bên vẫn cơm không lành, canh không ngọt, e rằng điều này sẽ bị các đối thủ tiềm năng (hay đã ra mặt rồi) của nước Mỹ vỗ tay khuyến khích và tận dụng!

Một khi ông Trump bất cần các cơ quan tình báo quốc gia, ông sẽ dựa vào gì để “chơi” với “ông bạn mới” Putin khi mà về mặt “tai, mắt” và cả “chân, tay”, ông Putin đã nổi danh lâu nay là “cáo già” KGB và lãnh đạo đất nước Nga qua ba trào tổng thống Mỹ từ Bill Clinton đến Obama, mà cuối cùng từ thế hạ phong hoàn toàn, một di sản của người tiền nhiệm Yeltsin, đã lật ngược thế cờ bằng một đòn ippon (một đòn vai của judo, môn võ mà ông Putin ưa thích) lấm lưng trắng bụng trước đối thủ Obama ở Crimea và Syria chỉ trong vòng 2 năm, khiến Mỹ không “nhúc nhích cựa quậy” gì được?

Không phải vô cớ mà cuối tuần qua, giám đốc CIA John Brennan đã nhắc ông Trump trên truyền hình: “Ông Trump cần hiểu rằng xí xóa hết mọi hành động của Nga trong mấy năm qua là một con đường mà theo tôi nghĩ, ông ấy phải rất thận trọng khi quyết định bước lên đó”.

Ông Brennan cũng nhắc nhở ông Trump cần phải được nhắc nhở về những bình luận gần như luôn gây tranh cãi của ông trên Twitter một khi đã ngồi lên ghế nóng ở Nhà Trắng: “Hành động bột phát là không có lợi cho an ninh quốc gia.

Vì vậy khi nói hoặc khi phản ứng cần đảm bảo rằng ông ấy hiểu ý nghĩa và tác động có thể sẽ là sâu sắc cho Hoa Kỳ như thế nào. Những ảnh hưởng với nước Mỹ lớn hơn là chỉ với ông Trump”.

Những nhắc nhở của giám đốc CIA được áp dụng ngay tức khắc qua việc ông Trump lên tiếng trong một cuộc phỏng vấn hôm chủ nhật 15-1 với báo The Times (Anh) và Bild (Đức): “Hãy thử xem chúng ta có thể đạt được một số thỏa thuận khả quan với Nga hay không, trong đó có việc cắt giảm đáng kể lượng vũ khí hạt nhân.

Các lệnh trừng phạt đã gây ảnh hưởng nặng nề cho Nga”. Sang thứ hai (ngày 16-1), tờ Sputnik của Nga dẫn lời ông Konstantin Kosachev - chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga - lạnh lùng đáp trả: “Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt không phải là mục đích tự thân của nước Nga.

Đây cũng không phải là một mục tiêu chiến lược đến mức cần phải hi sinh một điều gì đó, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh”.

Tự “bịt mắt, bịt tai” bằng những lăng mạ toàn thể thập bát ban tình báo Mỹ chưa đủ, ông Trump còn tỏ ra muốn “trói tay, trói chân” làng báo Mỹ, ngoại trừ mỗi truyền hình Fox News “cây nhà lá vườn”.

Cuộc họp báo đầu tiên của ông Trump tuần trước cho thấy một lần nữa ông vẫn chưa tách bạch được chuyện cá nhân ông với chuyện công.

Những ân oán thời tranh cử giữa ứng cử viên này với giới báo chí là chuyện thường tình ở Mỹ qua bao cuộc bầu cử, xong rồi thì thôi, không ai lại “để bụng” như ông Trump, để rồi nay dấy lên câu hỏi liệu ông có tống khứ báo chí ra khỏi Nhà Trắng hay không.■

(1): “Ku Klux Klan (KKK) cho biết sẽ tổ chức diễu hành mừng chiến thắng của ông Trump tại North Carolina” - LA Times 10-11-2016. KKK là tổ chức chủ trương sự thượng đẳng của người da trắng, được thành lập tại Mỹ năm 1866 với phương thức hoạt động bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Phi.

(2): “Ở Matxcơva, những người thân Điện Kremlin đang mở hội trong một quán rượu, mặc áo thun vận động cho ông Trump, theo dõi kết quả cuộc bầu cử Mỹ. Họ bật lên reo hò mỗi khi nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa thắng một bang mới” - ZOE Efstathiou, Express của Anh 7-11-2016.

(3): “Tổ chức Golden Dawn của Hi Lạp tuyên bố ông Trump đã giành thắng lợi về cho “sự thanh sạch của nòi giống”(da trắng)” - Reuters 9-11-2016.

Tự cô lập mình?

Một Donald Trump “tay mơ” và tự cô lập, cô độc ngay giữa êkip bộ trưởng ngay từ đầu đã xuất hiện nhiều dấu hiệu rạn nứt, nổi cộm nhất vẫn là quan hệ với Nga, có thể là điều nước Mỹ không mong đợi.

Trong phiên điều trần hôm 12-1 trước Ủy ban quân lực Thượng viện, tướng hồi hưu James Mattis, người được ông Trump đề cử làm bộ trưởng quốc phòng, nói: “Về cơ bản, tôi ủng hộ hợp tác, nhưng chúng ta cũng cần phải nhìn nhận thực tế rằng ngày càng ít lĩnh vực mà Mỹ có thể hợp tác với Nga. Tôi sẽ cân nhắc đến các mối đe dọa chủ yếu, bắt đầu với Nga”. Ngoài ra, ông Mattis cũng cáo buộc Nga đang tìm cách làm suy yếu NATO.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận