Tăng trưởng kinh tế nhìn từ chuyện rửa tay

HIẾU THẢO 28/08/2020 23:08 GMT+7

Lịch sử phát triển kinh tế có liên quan mật thiết đến vấn đề vệ sinh.

Trẻ em Anh phải sơ tán trong Thế chiến lần 2 rửa tay khi vừa đến nơi ở mới. Ảnh: Getty Images

Bằng cách tập hợp mọi người lại với nhau, các thành phố từ lâu đã là nơi nhân loại tạo ra các thị trường lớn và những nơi tụ họp để trao đổi ý tưởng, từ Lyceum của Athens đến các vườn ươm khởi nghiệp của Thung lũng Silicon. Nhưng bất cứ khi nào con người đến với nhau để trao đổi hàng hóa và ý tưởng thì họ chắc chắn cũng trao đổi cả… vi trùng!

Để giải phóng sức mạnh kinh tế của loài người, cần phải có một cuộc cách mạng trong cách con người sống và tương tác với những người khác. Để trở nên giàu có, người ta phải học cách làm sạch bản thân và thành phố nơi mình sinh sống. Câu chuyện tăng trưởng kinh tế vì lẽ đó mà đi liền với câu chuyện về sự tiến triển của quá trình vệ sinh, theo The Economist.

Ngày xưa thật chẳng vệ sinh

Đế chế La Mã có mức độ đô thị hóa cao và cũng đã nhiều lần bị đại dịch tàn phá. Vào thế kỷ thứ 6, đợt bùng phát lớn đầu tiên của bệnh dịch hạch giết chết 30 triệu người. Khoảng 8 thế kỷ sau, bệnh dịch theo chân những thương nhân buôn bán từ thành phố này sang thành phố khác hoành hành khắp đại lục Á - Âu. Con người ở thế kỷ 14 không có kiến thức về thế giới vi sinh xung quanh họ. Bệnh tật thường được coi là một vấn đề xui rủi hoặc trừng phạt của thần thánh.

Mặc dù vậy, sự tiến triển của bệnh dịch hạch từ nơi này sang nơi khác đủ rõ ràng và hiển nhiên để khiến loài người ý thức được mối đe dọa của việc lây nhiễm. Các cộng đồng dân cư bắt đầu chập chững phòng bị bảo vệ sức khoẻ cho cư dân của mình bằng cách đóng cửa với người nước ngoài hoặc hạn chế tiếp cận các thị trấn láng giềng.

Trận dịch hạch thứ hai này bắt đầu vào năm 1348 và hoành hành theo từng đợt trong suốt 5 thế kỷ, khiến thế giới bắt đầu có khái niệm “cách ly” (quarantine). Từ cách ly có nguồn gốc từ chữ “quarantena” trong tiếng Veneto (một ngôn ngữ ở vùng đông bắc Ý), có nghĩa là 40 ngày - khoảng thời gian mà các tàu cập cảng phải tự cô lập trước khi hành khách có thể lên bờ.

Chưa kể tới chuyện cách ly thế nào nhưng riêng cuộc sống đời thường vào cuối thời Trung cổ vẫn còn rất nhiều điều phải bàn về vệ sinh. Người ta ăn khi tay chưa rửa và dùng chung đĩa đựng thức ăn. Họ chen chúc tụ tập gần những đống rác thải sinh hoạt, đi tiểu dưới sàn nhà bằng đất, khạc nhổ và xì mũi vào tay.

Những thói quen mất vệ sinh so với chuẩn hiện tại của loài người thay đổi rất chậm chạp và thường không mấy khi liên quan đến lý do quan ngại về sức khoẻ hay bệnh tật. Người ta chỉ hành xử để không gây phản cảm cho người khác, để thể hiện mình tinh tế và tất nhiên là để tự phân biệt mình với đám đông chưa được “tẩy trần” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chẳng hạn, việc sử dụng nĩa vốn từ từ lan rộng khắp Tây Âu vào cuối thời Trung cổ nhưng nó chỉ mang ý nghĩa biểu trưng cho sự thanh lịch, khéo léo chứ không phải được nhìn nhận như một cách đưa thức ăn đến miệng vệ sinh hơn so với dùng tay.

Những bước đầu tiên của y tế công cộng

Đến thế kỷ 18, con người bắt đầu tiếp cận có hệ thống hơn đối với sức khỏe cộng đồng. Các thành phố lớn đã thành lập các cơ quan công quyền chịu trách nhiệm xác định thời điểm và cách thức tiến hành kiểm dịch để đối phó với sự bùng phát của các bệnh như đậu mùa. Nhiều người thành lập bệnh viện để chăm sóc người bệnh. Nhưng chính sự khởi đầu của công nghiệp hóa và sự phát triển đi kèm của các thành phố đã chứng minh sức ảnh hưởng trong việc cải thiện sức khoẻ nói chung.

Hậu quả đối với sức khỏe cộng đồng thật khủng khiếp. Các nhà máy bơm khói vào không khí. Hệ thống cống rãnh đổ chất thải ra sông, hồ dùng làm nước uống. Dịch bệnh truyền qua nước như tả và thương hàn đã giết chết hàng ngàn người. Kết quả là tỉ lệ tử vong ở thành phố về cơ bản cao hơn đáng kể so với ở nông thôn. Vào đầu thế kỷ 19, có tới một nửa số trẻ em sinh ra từ tầng lớp lao động ở London chết khi lên 5 tuổi. Chỉ có dòng người di cư ổn định từ nông thôn mới giúp các thành phố không bị thu hẹp lại. Sự chết chóc của các thành phố công nghiệp đã trở thành một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế hiện đại.

Điều kiện vệ sinh kinh khủng này chính là tiền đề cho các nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm mãn tính, dù ngay cả những bộ óc thông thái nhất thời bấy giờ cũng chưa thể đưa ra kết luận chắc chắc gì về mặt khoa học. Một số học giả thế kỷ 18 đã suy đoán rằng bệnh tật có thể truyền từ người này sang người khác thông qua sự chuyển động của các hạt cực nhỏ chưa rõ là gì.

Trong bối cảnh không có thiết bị và kiến thức cần thiết để phát hiện các hạt như vậy, các học giả vẫn nghiêm túc bác bỏ những quan điểm cho rằng không khí độc đại và hôi thối là nguyên nhân của bệnh truyền nhiễm. Giả thiết này được các doanh nhân tán đồng bởi họ không thích chuyện làm ăn mua bán bị gián đoạn do kiểm dịch.

Rất nhiều luận điểm và tranh cãi diễn ra trong suốt một thế kỷ, cho đến đợt dịch năm 1854 giết chết hàng ngàn cư dân London trong mọi tầng lớp. Lúc này, ý niệm trách nhiệm tập thể đầu tư vào những giá trị công cần phải được vun đắp. Johan Goudsblom, một nhà xã hội học người Hà Lan, đã lưu ý: “Càng ngày người giàu càng nhận ra rằng họ không thể phớt lờ hoàn cảnh của người nghèo; khoảng cách của bờ biển vàng và khu ổ chuột đã quá gần”. Chính quyền các cấp bắt đầu chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc thu dọn các thành phố lớn. Loại bỏ rác thải sinh hoạt, làm sạch đường phố, cung cấp nước sinh hoạt và đấu nối hệ thống nước thải dần trở thành chuyện đương nhiên phải làm.

Tác động của cuộc cách mạng vệ sinh này rất ấn tượng. Mặc dù dữ liệu từ cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 còn loang lổ và thiếu sót, bức tranh toàn cảnh rất rõ ràng. Trên khắp các thành phố công nghiệp hóa, từ London đến Paris và New York, tỉ lệ tử vong (đặc biệt là ở người trẻ tuổi) giữ ổn định ở mức cao hoặc tăng nhẹ vào đầu thế kỷ 19 khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, mặc dù tỉ lệ tử vong do đậu mùa đã giảm đáng kể trong thời kỳ này cùng với sự gia tăng của việc tiêm chủng.

 Khi nhân loại còn vắng bóng các lý thuyết khoa học về vi sinh thì xã hội chỉ phát cuồng để chạy theo mốt thời thượng quý tộc. Giovanni Della Casa - một nhà thơ người Ývà là người có uy tín về nghi thức xã giao thế kỷ 16 - không khuyến khích độc giả của mình rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh “vì lý do ... việc rửa sẽ khơi dậy những suy nghĩ bất đồng trong con người”.

Vai trò của cá nhân và cộng đồng

Tất nhiên không phải tất cả mọi cải thiện liên quan sức khoẻ đều là do cải thiện về vệ sinh và giữ gìn sự sạch sẽ. Trong suốt thế kỷ 20, các nhà kinh tế đã tranh luận về tầm quan trọng tương đối của các yếu tố khác như cải tiến kỹ thuật y tế (đặc biệt là hộ sinh) và chế độ dinh dưỡng tốt hơn do thu nhập tăng.

Vào cuối thế kỷ 19, vi khuẩn gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm đặc hữu đã được xác định. Nửa đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học khám phá ra thuốc kháng sinh và vaccine chống lại một loạt các bệnh do virus gây ra. Trong suốt một thế kỷ, các vấn đề về sức khỏe cộng đồng một lần nữa chuyển sang hướng trách nhiệm cá nhân: hướng tới chế độ ăn uống, thể dục và giảm tiêu thụ rượu, ma túy và những thứ không tốt cho sức khoẻ.

Trong khi đó, vệ sinh đã trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu, ít nhất là ở tầng lớp thượng lưu. Với những cư dân thành thị cao cấp, việc chăm sóc cá nhân như dùng nước trái cây để thanh lọc cơ thể, tập pilates, điều trị da... dần trở thành một phương tiện để định danh bản thân cũng như một nỗ lực để kéo dài tuổi thọ. Nói xa hơn thì đây cũng là một cách để họ đóng góp vào sức khỏe cộng đồng.

Lịch sử gần đây lại minh chứng một lần nữa rằng sức khỏe cộng đồng thường là vấn đề của hành động tập thể. Trong những năm 1980 và 1990, dịch bệnh HIV/AIDS đã làm rung chuyển một thế giới vốn đang yên ổn và bắt đầu lãng quên những trận dịch chết người quy mô lớn. Đại dịch HIV/AIDS khiến chúng ta xây dựng ý tưởng mới trong chiến dịch sức khoẻ cộng đồng: những thay đổi trong hành vi cá nhân là một phần quan trọng để giữ cho cả cá nhân và xã hội khỏe mạnh.

Làn sóng chống đối tiêm chủng gần đây khiến những thành tựu ngăn dịch lâu đời của thế giới có nguy cơ tiêu tan, những bệnh có thể ngăn chặn được như sởi có thể bùng phát trở lại thành đại dịch. Xu hướng này càng chứng tỏ rằng các nhà hoạch định chính sách phải nghiêm túc thực hiện các chính sách y tế hiệu quả, duy trì sự ủng hộ của tập thể đối với sức khỏe cộng đồng và thay đổi các chuẩn mực xã hội lỗi thời trong bối cảnh những mối đe dọa đại dịch sẽ lặp lại trong thế kỷ 21 đến từ SARS hay COVID-19.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận