Tập bắn không cần đạn và trí tưởng tượng trong thể thao

HẢI ANH 09/02/2017 03:02 GMT+7

TTCT - Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người nhận danh hiệu vận động viên (VĐV) thể thao số 1 năm 2016, được hỗ trợ đầy đủ với tiêu chuẩn của một VĐV tham dự Olympic nên không phải chịu cảnh thiếu đạn luyện tập.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đang tập luyện -Nam Trần
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đang tập luyện -Nam Trần


Nhưng trong giáo án tập của nhà vô địch Thế vận hội vẫn bao gồm những bài tập “khan”, tập “chay”, không dùng đến đạn vì chúng mang tới một lợi ích quyết định.

Huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Thị Nhung, người đã sát cánh cùng Hoàng Xuân Vinh suốt 10 năm qua, chia sẻ với TTCT: “Trước giờ tập, mỗi VĐV sẽ tập khan 30-40 phút để khởi động, sau đó mới đến tập bắn đạn.

Trong quá trình luyện tập hằng ngày, chúng tôi cũng đưa vào nhiều bài tập nhằm cải thiện tâm lý cho VĐV, từ đó hình thành phong cách bắn riêng của từng xạ thủ”.

Ở VN, việc tập “chay” không chỉ có trong môn bắn súng. HLV Đinh Thế Nam, người từng nhiều năm thi đấu trong màu áo Thể Công và bây giờ làm HLV tại CLB bóng đá Viettel, chia sẻ ngày trước ông và đồng đội thường xuyên có những bài tập “tưởng tượng” như vậy bằng việc trao đổi:

“Cứ sau khi mỗi trận đấu kết thúc là các cầu thủ chúng tôi ngồi nhóm lại với nhau để trao đổi về những tình huống diễn ra trên sân. Nếu một ai đó mắc sai lầm, chúng tôi sẽ tái hiện tình huống đó, bao gồm cả vị trí các cầu thủ trên sân. Sau đó chúng tôi sẽ trao đổi với nhau xem vì sao lại mắc lỗi và cần khắc phục như thế nào”.

Theo HLV Đinh Thế Nam, chính những buổi ngồi tưởng tượng như vậy giúp các cầu thủ thời đó chơi chắc chắn, ít mắc sai lầm. “Tôi và các đồng đội có thể mắc sai lầm, nhưng không bao giờ mắc cùng một kiểu sai lầm lặp đi lặp lại.

Nhưng các cầu thủ bây giờ lại thường xuyên lặp lại những sai lầm đáng tiếc dù được hỗ trợ nhiều hơn về công nghệ. Những buổi ngồi lại với nhau để cùng bàn về trận đấu như chúng tôi trước kia ngày càng hiếm”.

Năm 1996, tiến sĩ thể thao Judd Blaslotto (Đại học Chicago, Mỹ) tiến hành một thí nghiệm nhỏ về tác dụng của việc tập luyện tưởng tượng với VĐV.

Ông chia các thành viên một đội bóng rổ thành ba nhóm: nhóm thứ nhất không chạm bóng, không luyện tập gì trong 30 ngày; nhóm thứ hai tập ném rổ 30 phút mỗi ngày, còn nhóm thứ ba đến phòng tập và... nhắm mắt tưởng tượng ra việc ném bóng trúng rổ.

Kết quả thật bất ngờ: Sau 30 ngày, nhóm 1 không có gì tiến bộ, còn nhóm 2 và nhóm 3 đều cải thiện thành tích ném rổ tương đương nhau - 24% so với 23%. Thí nghiệm của tiến sĩ Blaslotto là minh chứng rõ nhất cho thấy ích lợi của việc luyện tập trí tưởng tượng ở các VĐV.

Ngay cả huyền thoại bóng rổ Michael Jordan từng chia sẻ trước mỗi cú ném, anh đều mường tượng ra hình ảnh quả bóng rơi lọt rổ. Nghĩ đến hình ảnh bóng rơi vào lỗ cũng là điều tay golf huyền thoại Tiger Woods thực hành liên tục để tự ám thị trước mỗi cú đánh. Nhờ đó, Woods nổi tiếng với những cú đẩy gậy vào lỗ từ cự ly xa gấp đôi, gấp ba những tay golf thông thường.

Còn trong môn bóng đá, HLV huyền thoại người Ý Arrigo Sacchi là người nổi tiếng về việc áp dụng tập luyện tưởng tượng.

Ông gọi đây là “trận đấu ma”: các cầu thủ thi đấu, đứng theo đội hình trên sân nhưng... không hề có bóng. HLV đối thủ sau khi biết được điều này nghĩ Sacchi và các cầu thủ AC Milan... bị điên, nhưng khi vào trận họ đã thua trắng vì lối chơi kỳ lạ của Milan.

Trên thực tế, phương pháp luyện tập của Sacchi giúp hệ thống đội hình vận hành thành một khối thống nhất, từ thủ môn tới tiền đạo.

Các cầu thủ sẽ tăng cường khả năng liên hệ với nhau trên sân bóng, cải thiện khả năng di chuyển. Phương pháp tập “trận đấu ma” sau này được Sacchi tiếp tục áp dụng không chỉ tại AC Milan, mà còn ở đội tuyển Ý.

Ngôi sao Wayne Rooney cũng là một “bậc thầy” trong việc tưởng tượng. Đêm trước ngày thi đấu, đội trưởng Manchester United sẽ hỏi xem cả đội sẽ mặc áo, quần và tất màu gì hôm sau. “Đêm đó tôi sẽ nằm ngủ và tưởng tượng mình chơi tốt, ghi được bàn thắng.

Bạn phải cố gắng đặt mình vào khoảnh khắc ấy, chuẩn bị cho bản thân trước khi trận đấu diễn ra. Tôi không rõ là mình tưởng tượng hay nằm mơ, nhưng tôi đã làm điều ấy suốt cả sự nghiệp”. Kết quả: Rooney hiện là chân sút xuất sắc thứ nhì lịch sử “quỷ đỏ” với 248 bàn thắng, chỉ kém huyền thoại Sir Booby Charlton đúng một bàn.

“Ngoài việc tập chay, chúng tôi còn có một số bài tập chuyên biệt dành cho xạ thủ vài buổi mỗi tuần. Những xạ thủ xuất sắc, bắn tốt là những người có tư duy rất mạnh” - HLV Nguyễn Thị Nhung chia sẻ.

Bản thân xạ thủ Hoàng Xuân Vinh từng tiết lộ để cải thiện tâm lý thi đấu, mỗi ngày tập luyện anh đều dành tới vài giờ để tập thiền. Trí tưởng tượng có lẽ là chìa khóa mở ra thành công cho anh.

Với thể thao đỉnh cao, “các VĐV ngày nay cao lớn hơn, nhanh nhẹn hơn, khỏe mạnh hơn, đào tạo bài bản hơn, và một khi họ đều được đào tạo như thế, việc thắng hay thua không còn dựa vào thể chất nữa mà nằm ở các yếu tố tâm lý” - nhận xét trên The New York Times mới đây để tạm thay lời kết luận.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận