Tập thể dục với các ứng dụng, coi chừng hại thân

YÊN LAM 17/05/2018 01:05 GMT+7

TTCT - Tập thể dục là cho chính ta, chỉ nên đặt mục tiêu và làm theo nó cho cá nhân, đừng “gato” với người khác về độ nặng luyện tập, quãng đường hay thời gian chạy làm gì kẻo lợi bất cập hại.

MH

Các thiết bị và ứng dụng theo dõi việc luyện tập thể dục thể thao vô cùng tiện lợi cho người dùng với các thông số được thu thập, hiển thị rõ ràng. Ngày nay, nhiều ứng dụng còn có tính năng hay ho hơn là vẽ lại quãng đường đã chạy nhờ kết nối với hệ thống định vị toàn cầu GPS, thậm chí cho phép mọi người ở khắp nơi trên thế giới cùng chạy đua với nhau bằng cách xếp hạng thành tích của họ, dù họ chạy ở các châu lục khác nhau với những khung giờ khác nhau.

So sánh thành tích của mình với người khác để tìm động lực là điều thú vị, nhưng nhiều chuyên gia đã cảnh báo các ứng dụng di động cho phép mọi người “thi chạy ảo”, đọ thành tích với nhau “có thể phá hỏng nỗ lực luyện tập của bạn và gây nguy hiểm cho bạn”, tác giả Sarah Giles viết trên The Conversation.

Đua ảo, mồ hôi thật

Trong các ứng dụng (cả nền web lẫn di động) cho phép người chạy bộ hay đạp xe tải quãng đường và thời gian chạy của họ lên mạng, Strava được xem là phổ biến nhất. Người ta thậm chí đùa rằng “chạy mà không đưa thành tích lên Strava thì xem như chưa chạy”.

Người dùng Strava có hẳn một cộng đồng ảo “theo dõi” các vận động viên chuyên nghiệp, bình luận thành tích của nhau và “chạy đua ảo”. Khi tham gia “thách đấu”, người dùng sẽ phải chạy hoặc đạp xe trong một quãng đường nhất định trong một khoảng thời gian quy định và những ai vượt qua thử thách sẽ được trao huy chương, hiển thị cạnh ảnh đại diện của họ hoặc nhận được phần thưởng là phiếu mua hàng giảm giá.

Một ứng dụng khác, Espresso Bikes, cho phép người dùng khắp thế giới đua xe đạp với nhau. Ứng dụng này chỉ có thể cài đặt trên xe cố định và có khả năng đo nhịp tim, năng lượng, tốc độ và quãng đường đi được. Người dùng có thể chọn đối thủ tùy theo giới tính, tuổi tác và vị trí địa lý để “rủ đua xe”.

Trong khi đó, ứng dụng Nike+ Run Club sẽ lên kế hoạch luyện tập cho người dùng dựa trên thông tin như mục tiêu cá nhân, khả năng luyện tập và thành tích tốt nhất, đồng thời cũng có tính năng “đua ảo” giữa các người dùng với nhau. Nếu trò chơi điện tử về đua xe, chạy thi đã đủ gây hào hứng và “máu ăn thua” thì những ứng dụng hiện đại này còn cuốn hút gấp bội, bởi thành tích chỉ đến từ việc “đổ mồ hôi sôi nước mắt” thật sự. Song ganh đua và cạnh tranh tưởng là tốt nhưng lại có hại.

MH

“Tham sân si” làm chi?

Steve Boyd, huấn luyện viên chạy đường dài nổi tiếng người Canada, cho rằng các ứng dụng như kể trên là thứ gây hại, chỉ khiến người ta “ném ngay kế hoạch tập luyện cá nhân ra ngoài cửa sổ” và cắm đầu chạy đua với người khác mỗi ngày.

Cá nhân Boyd luôn khuyên các vận động viên do mình huấn luyện nên tránh xa các app này, nguyên nhân là “nhiều người thường xuyên cố quá sức trong việc luyện tập chỉ để làm đẹp bảng thành tích ảo và kết quả cuối cùng là dính chấn thương”.

Tương tự, Shaelyn Strachan, phó giáo sư ngành tâm lý thể chất thuộc Đại học Manitoba (Canada), đã thử tham gia Nike+ Run Club cùng các anh em trai của mình và nhận ra rằng họ không chú trọng đến việc luyện tập để khỏe mà bằng việc thi thố với nhau, người này cố gắng vượt qua người kia. Strachan cho rằng ganh đua như vậy hoàn toàn không phải là phương án thông minh.

Vị này đã viết hẳn một bài báo cho tạp chí Journal of Sport and Exercise Psychology, cho rằng những người biết nghĩ và thương bản thân nhiều hơn khi luyện tập để theo đuổi các mục tiêu vận động sẽ có nhiều khả năng thành công hơn những người luôn tự trách mình và khắt khe với bản thân.

Với Strachan, tính cạnh tranh mà app tạo ra chính xác là thứ mà người luyện tập thể thao nên tránh, bởi cứ nhìn vào thành tích của người khác thì ta khó mà thông cảm cho bản thân, cứ trách mình không bằng người ta. Chuyên gia này cũng cho rằng với luyện tập thể thao, những thứ như thành tích tốt nhất hay thứ hạng là không cần thiết, do lẽ thứ quan trọng hơn là sự ưa thích, tận hưởng hoặc cảm giác học được một kỹ năng mới trong quá trình luyện tập mới quan trọng.

Các ứng dụng khuyến khích người ta cạnh tranh với nhau, nhưng dần dà sẽ trở thành ganh đua và ta sẽ dễ đưa ra những quyết định ngớ ngẩn, “chẳng hạn như 10h đêm còn thức dậy chạy để qua mặt ông anh trên Nike+ Run Club”. Theo Strachan, các bài tập vận động một khi đã biến thành những cuộc thi thố, tranh đua sẽ không bền vững và dễ dẫn đến kiệt sức.

Michael Stickland, vận động viên xe đạp và giáo sư chuyên về phổi tại Đại học Alberta (Canada), cho rằng các ứng dụng luyện tập thể dục thể thao cần phải được dùng “đúng nơi đúng lúc”, vì dù chúng vừa có thể khuyến khích người ta nỗ lực hơn trong luyện tập vừa có thể khiến họ “cố quá thành quá cố”. “Người ta vắt kiệt sức mình chỉ để vượt qua thành tích của người khác, trong khi những người đó có thể đã dùng mẹo hay chơi ăn gian” - Stickland cảnh báo.

Đặt mục tiêu cụ thể cho mỗi ngày.
Đặt mục tiêu cụ thể cho mỗi ngày.

 

Xài sao cho đúng?

Máy móc là tiện dụng nhưng không nên lạm dụng. Bí quyết của HLV Boyd, người chạy chuyên nghiệp, là “chạy bằng cảm giác” chứ không dựa vào số liệu. Boyd đã ngưng đo thời gian khi chạy từ 20 năm trước và chỉ dựa vào cảm giác của mình, dừng lại khi thấy mệt. “Một vài công nghệ có thể phản tác dụng khi khiến ta không thể giữ được một kế hoạch tập luyện dài hạn và hợp lý” - Boyd giải thích.

Tương tự, bí quyết của Stickland đơn giản là cứ tập mà không cần phải bật ứng dụng nào. Vị giáo sư này không tham gia Strava, vì bản chất của ứng dụng này “làm hỏng mục đích chính của việc tập luyện để khỏe mạnh hay mục tiêu vượt qua chính mình của mỗi cá nhân”. Còn Strachan cho rằng để có thể thực sự tiến bộ trong tập luyện tức đạt được các mục tiêu cá nhân cao hơn, người chơi thể thao cần chọn các hoạt động bền vững, những thứ họ có thể thực hiện mỗi ngày trong thời gian dài hơn là lao vào các cuộc thi thố.

Tóm lại, tác giả Giles kết luận làm theo các lời khuyên trên thì việc vận động, tập luyện sẽ mang lại kết quả tốt và thực sự khỏe mạnh hơn là dùng app mỗi ngày.

Đặt mục tiêu phù hợp

Trong bài viết “5 bí kíp để đặt ra và đạt được các mục tiêu luyện tập lý tưởng” trên báo The New Daily (Úc), tác giả Harriet Edmund nhấn mạnh nếu đặt mục tiêu quá tham vọng chỉ chuốc lấy thất vọng thay vì thành tựu. Tác giả dẫn lời Marcus Bondi, chuyên gia huấn luyện thể hình đã đạt kỷ lục Guinness về sức mạnh và sức bền, cho rằng cần hiểu mục tiêu tập luyện cá nhân không phải là khái niệm bất biến, mà thay đổi liên tục tùy theo khả năng của mỗi người.

Bí quyết đầu tiên là đặt thời gian phù hợp. Cần xem xét quỹ thời gian của mình nên phân chia cho các hoạt động nào và có thể dành bao nhiêu cho việc vận động. “Nếu bạn đặt mục tiêu mà ngay cả với người chuyên tâm nhất cũng phải mất rất nhiều thời gian mới đạt được, cần phải kiên nhẫn và tự cho mình nhiều thời gian hơn” - chuyên gia tâm lý thể thao Jacqui Louder khuyên. Nếu muốn giảm cân thì nên chia nhỏ các mục tiêu (ví dụ giảm mỗi lần 2kg thay vì một lèo 10kg) để luôn có động lực và tránh nản chí.

Kế tiếp, nếu động lực luyện tập bắt đầu suy giảm, hãy thoải mái trở lại vạch xuất phát và nhớ rằng “đặt lại mục tiêu không có nghĩa là thất bại”.

Lời khuyên tiếp theo là “chạy vì khoảng cách, không phải vì thời gian”. Nên đặt mục tiêu chạy ngày càng xa hơn tức bền bỉ hơn, thay vì ngày càng nhanh hơn.

Cuối cùng là phải theo dõi tiến bộ của mình đúng cách. Các app theo dõi sức khỏe cho ta cảm giác hài lòng khi nhìn vào các con số như quãng đường đã chạy, số bước đã đi trong ngày hay lượng calorie đã đốt. Tuy nhiên, như đã nói, cần tránh ám ảnh với các con số và tự ép bản thân quá sức chỉ để các con số đẹp hơn nhằm tránh bị chấn thương hay kiệt sức.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận