Tẩu hỏa nhập ma giữa thời ngôn ngữ phi giới tính

TƯỜNG ANH 17/08/2022 09:21 GMT+7

TTCT - Gần 90 nhà ngôn ngữ Đức và Đức học đã gởi thư ngỏ phản đối việc sử dụng ngôn ngữ phi giới tính trên truyền hình công nước này, tờ Bild (Đức) đưa tin tuần qua. Cuộc tranh luận về ngôn ngữ không phân biệt giới tính và những vấn đề liên quan lại dấy lên.

Tẩu hỏa nhập ma giữa thời ngôn ngữ phi giới tính - Ảnh 1.

Ảnh: them.us

Thư ngỏ kêu gọi các công ty truyền hình và đài phát thanh ARD và ZDF (sống bằng phí đăng ký) "lưu ý đến ngôn ngữ học", và "ngôn ngữ phi giới tính… gây chia rẽ xã hội". Ký tên trong thư ngỏ có các thành viên của Hội đồng Chính tả tiếng Đức, Hiệp hội Ngôn ngữ Đức và Trung tâm PEN, và các nhà ngữ văn nổi tiếng khác.

Nào phải chỉ có ba giới tính đâu

Các chuyên gia này cho rằng các phương tiện truyền thông đại chúng được coi là "tiêu chuẩn cho hàng triệu người xem, nghe và đọc", do đó, bắt buộc phải chú trọng đến các chuẩn mực ngôn ngữ trong văn bản và từ ngữ. Công ty phát thanh và truyền hình ARD cãi rằng không có lệnh cấm nào trong lĩnh vực này. ZDF thì nói họ có quyền dùng ngôn ngữ "trung lập".

Đây không phải là lần đầu xuất hiện tranh luận về việc sử dụng ngôn ngữ phi giới tính. Năm 2018, một luật liên bang mới ở Đức đã quy định: trong tất cả các giấy tờ tùy thân - từ khai sinh đến hộ chiếu - ở mục liên quan tới bản dạng giới phải bao gồm ba lựa chọn: nam, nữ và đa dạng, và tất cả đều có thể được để trống.

Kể từ đó, theo Đài phát thanh NPR, ngôn ngữ không phân biệt giới tính trở nên phổ biến hơn ở Đức. Hãng hàng không Đức Lufthansa gần đây đã bỏ cụm từ "thưa quý bà và quý ông", các học giả Đức đang chuẩn bị một ấn bản kinh thánh không phân biệt giới tính và ở một số thành phố - như Hanover - có một chỉ thị chính thức về việc sử dụng các từ ngữ trung tính về giới tính.

Người Hanover, được biết đến với việc nói tiếng Hochdeutsch - biến thể chuẩn nhất của tiếng Đức, đã được tòa thị chính khuyến khích sử dụng ngôn ngữ phi giới tính trong gần hai thập kỷ, tránh những từ nam tính chung chung bất cứ khi nào có thể. 

Năm 2019, Hanover trở thành thủ phủ bang đầu tiên ở Đức bắt buộc sử dụng ngôn ngữ phi giới tính trong tất cả các giao tiếp chính thức, từ email đến tài liệu quảng cáo và apphich. Hanover đưa vào sử dụng "dấu sao giới tính", một hoa thị được đặt trong một danh từ để chỉ ra nó đề cập đến nam giới, nữ giới và những người phi nhị giới (nonbinary). Ví dụ, nếu trước đây một công dân nam là Bürger và một công dân nữ là Bürgerin thì nay từ dùng để chỉ mọi công dân sẽ là Bürger *innen.

Annika Schach, giám đốc truyền thông của thành phố vào thời điểm đó, nói với Đài NPR rằng đã có sự tiếp nhận lẫn lộn các hướng dẫn ngôn ngữ mới, nhưng bà tin rằng "từ giống đực đã đi vào quá khứ". Theo Schach, "việc sử dụng ngôn ngữ phi giới tính hoặc dấu sao giới tính không liên quan đến việc muốn thay đổi thế giới, mà liên quan nhiều hơn đến thực tế. Xã hội không chỉ bao gồm đàn ông, mà còn đàn bà, người liên giới tính (intersex), phi nhị giới (nonbinary), và ngôn ngữ chúng ta sử dụng phải phản ánh điều này".

Nhưng không phải ai cũng chia sẻ ý tưởng của thành phố Hanover. Hendrik, một luật sư giấu họ của mình vì sợ gặp rắc rối với thân chủ, nói ông không thể chịu được dấu sao giới tính hoặc bất kỳ dấu nào khác, chẳng hạn dấu hai chấm hoặc dấu gạch dưới - đôi khi được sử dụng để biểu thị nhiều giới tính thay vì dấu hoa thị. 

"Một khi bạn bắt đầu đề cập đến giới tính thứ ba, sẽ có ngày bạn bắt buộc phải nói đến giới tính thứ tư hoặc thứ năm, mà với tôi, một luật sư, điều này trở nên quá phức tạp về mặt ngôn ngữ. Các văn bản pháp lý không ở đó để phục vụ những ca cẩm ấy. Có nhiều vấn đề quan trọng hơn trên thế giới này" - Hendrik lập luận.

Tẩu hỏa nhập ma giữa thời ngôn ngữ phi giới tính - Ảnh 2.

Tượng Adam và Eva ở Monte Carlo. Ảnh: sculpture-dz.com

Khoan dung hay kiểm duyệt tự do ngôn luận?

Hendrik cũng không phải là người duy nhất phản đối ngôn ngữ phi giới tính. Khi từ điển Duden, một kiểu Merriam-Webster của Đức, bắt đầu thêm các phiên bản giống cái của danh từ vào ấn bản trực tuyến của nó và thay đổi định nghĩa danh từ giống đực là dùng để chỉ nam giới thay vì tất cả mọi người, nhóm công dân Verein Deutsche Sprache đã kiến nghị "cứu tiếng Đức khỏi Duden". 

Gabriele Diewald, giáo sư ngôn ngữ tại Đại học Hanover, nhận xét: trong khi ngôn ngữ trung lập về giới tính gây khó chịu cho báo chí lá cải, các tổ chức truyền thông khác lại khuyến khích chấp nhận nó, như chương trình tin tức truyền hình ZDF vào khung giờ vàng hằng đêm của Đức. Claus Kleber là một trong những người dẫn chương trình tin tức đầu tiên áp dụng ngôn ngữ phi giới tính đã nhìn nhận: "Bạn nhận được những khen ngợi miễn cưỡng và hiếm hoi, nhưng bạn nhận được rất nhiều phản đối kịch liệt".

Đức không là nước duy nhất gặp rắc rối với ngôn ngữ phi giới tính. Tại Mỹ, ngày 4-1-2021, Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ đa số phiếu để thông qua các hướng dẫn ngôn ngữ chính thức mới. Những từ như "himself" (chính anh ấy) và "herself" (chính cô ấy) sẽ được thay thế bằng "themselves" (chính họ). Tương tự, những từ như "father" (cha), "mother" (mẹ), "son" (con trai), "daughter" (con gái), "uncle" (cậu), "aunt" (dì) cũng sẽ ra đi, thay vào đó là parent (cha hoặc mẹ, phụ huynh), child (con), sibling (anh chị em)… 

Khi đó Kevin McCarthy, thủ lĩnh phe thiểu số của Đảng Cộng hòa, tức giận gọi những thay đổi này là "ngu ngốc", đánh giá mà tờ The Wall Street Journal ngày 11-1-2021 nhận định là "chính xác, nhưng không đầy đủ". Tờ này mai mỉa: "Giờ đây các nhà lập pháp Washington đang đề xuất một loại kiểm duyệt hạn chế quyền tự do ngôn luận".

Trong những năm gần đây, các nhà hoạt động của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ đã phổ biến thuật ngữ phi giới tính dùng để chỉ người Mỹ Latin nói chung, "Latinx", thay cho các từ "Latino" (người đàn ông Mỹ Latin) và "Latina" (người phụ nữ Mỹ Latin). 

Tờ Politico ngày 12-6-2021 dẫn khảo sát của tổ chức chuyên thăm dò người Mỹ Latin Bendixen & Amandi International cho biết: "Chỉ 2% trong số những người được thăm dò tự nhận mình là "Latinx", tới 68% gọi mình là người Hispanic (nói tiếng Tây Ban Nha), 21% còn lại gọi mình là "Latino" hay "Latina" căn cứ vào nguồn gốc dân tộc và giới của họ. 

Politico còn chỉ ra sự thật trớ trêu: "40% người được thăm dò cho biết từ "Latinx" làm phiền hoặc xúc phạm họ ở một mức độ nào đó và 30% nói ít có khả năng họ ủng hộ một chính trị gia hoặc tổ chức sử dụng thuật ngữ này!", rồi hỏi cắc cớ: "Tại sao người ta sử dụng một từ chỉ được 2% ưa thích, nhưng lại xúc phạm đến 40% cử tri mà họ muốn giành lá phiếu?".

"Phụ huynh 1" và "phụ huynh 2"

Trong những xã hội tiên phong đã là thế, huống hồ ở những nước vẫn còn cổ xúy ngôn ngữ và quan điểm giới truyền thống. Nga là một thí dụ cho việc bảo vệ khái niệm giới truyền thống. 

Năm 2019, bà chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Valentina Matvienko nhắc: ở một số quốc gia (hàm ý là Pháp - NV), từ tháng 2-2019, khái niệm "phụ huynh 1" (parent 1) và "phụ huynh 2" (parent 2) được ghi nhận ở cấp lập pháp, và nhận định: "Việc cho phép các gia đình đồng giới được nhận con nuôi sẽ dẫn đến sự suy thoái của nhân loại".

Một năm sau đó, tờ Kommersant kể: tại cuộc làm việc về sửa đổi hiến pháp LB Nga, đáp lại các đề xuất đưa khái niệm gia đình truyền thống vào hiến pháp, ông Putin đã đồng tình và nhắc lại chắc nịch: "Chừng nào tôi còn là tổng thống, chúng ta sẽ không có "phụ huynh 1" và "phụ huynh 2". Chỉ có "ba" và "mẹ"". LB Nga đã thông qua luật chống tuyên truyền đồng tính ở tuổi vị thành niên nhằm "chống lại sự sa đọa, bảo vệ sức khỏe trẻ em và đạo đức".

Tương tự Nga, Hungary cũng không cho phép tuyên truyền tình dục và hôn nhân đồng giới cho trẻ vị thành niên. Năm 2020, Budapest thông qua các sửa đổi hiến pháp, hạn chế quyền nhận con nuôi của các cặp đồng tính. Các nghị sĩ ủng hộ việc sửa đổi cho rằng chỉ phụ nữ mới có thể làm mẹ, và chỉ đàn ông mới có thể làm cha. Ngày 15-6-2021, luật về "cấm tuyên truyền LGBT" được Hungary thông qua.

Dĩ nhiên bước đi này trái ngược các tiêu chí của EU mà Hungary là một thành viên. Sau nhiều lần bị Brussels nhắc nhở, thủ tướng Hungary quyết định "làm cho ra lẽ": ông tuyên bố Hungary sẽ tổ chức trưng cầu ý dân liên quan đến việc bảo vệ trẻ em và những giá trị truyền thống. 

Viktor Orban công bố các câu hỏi sẽ có trên lá phiếu: "Người Hungary có ủng hộ việc tổ chức các buổi thuyết trình trong trường học về chủ đề khuynh hướng tình dục mà không có sự chấp thuận của phụ huynh hay không; có nên cho phép chuyển đổi giới tính, liệu trẻ vị thành niên có nên được tiếp cận với các dịch vụ thích hợp hay không; có cho phép các phương tiện truyền thông nói về chủ đề phân định lại giới tính cũng như nội dung có thể ảnh hưởng đến xu hướng tình dục hay không?".

Brussels đã dọa sẽ nộp đơn kiện Hungary lên Tòa án EU. Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn đi xa hơn khi nói đã đến lúc phải nghĩ đến việc "trục xuất Hungary khỏi gia đình châu Âu".

Tẩu hỏa nhập ma giữa thời ngôn ngữ phi giới tính - Ảnh 3.

Xã hội đi xa hơn luật pháp

Trong lúc EU và Hungary vẫn đang giằng co, thế giới tiếp tục bước. Tháng 7-2022, Đức đã đưa ra luật mới: "Luật quyền tự quyết" được đề xuất sẽ thay thế "Luật chuyển đổi giới tính". Theo luật cũ, một người muốn chuyển giới cần ra tòa và nộp hai báo cáo chuyên gia, thường là từ một nhà trị liệu tâm lý, để thay đổi tên và giới tính trên các tài liệu chính thức. 

Theo luật mới được đề xuất, người trưởng thành chỉ cần đến văn phòng địa phương và nộp đơn xin thay đổi. Trẻ em trên 14 tuổi cũng có thể làm vậy khi được cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp cho phép. Một số quốc gia châu Âu khác: Bỉ, Đan Mạch và Thụy Sĩ đã cho phép thay đổi tình trạng giới tính hợp pháp thông qua việc tự khai báo.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Bushman cho biết ông hy vọng chính phủ sẽ thông qua luật vào cuối năm nay. Ông nói: "Chúng ta đang sống trong một xã hội tự do và đa dạng, một xã hội đã đi xa hơn luật pháp của chúng ta ở nhiều lĩnh vực. Đã đến lúc phải điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp với thực tế xã hội ". 

Paus nói một khi đã đăng ký thay đổi giới tính chính thức thì "không được phép thay đổi thêm trong một năm". Điều này nhằm "đảm bảo tính nghiêm túc của mong muốn thay đổi". Nôm na là, mỗi người Đức sẽ có thể thay đổi giới tính của mình mỗi năm một lần mà không cần phẫu thuật. ■

Ở Vương quốc Anh, cách gọi trung tính "Mx" (phát âm là "miks" hoặc "muks") thay cho Mr, Mrs, Miss mới xuất hiện gần đây, nhưng đã được sử dụng rộng rãi. Năm 2013, Hội đồng thành phố Sussex đã bỏ phiếu ủng hộ việc sử dụng cách xưng hô này trong hội đồng. Năm 2014, Ngân hàng Hoàng gia Scotland cũng đưa "Mx" vào sử dụng. Và năm 2015, "Mx" đã vào Từ điển Oxford và được sử dụng ở nhiều tổ chức khác nhau (ví dụ, bưu điện hoàng gia) và các cơ quan chính phủ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận