Tết Mông ảo mộng giữa rừng mơ

ANMUSTANG 16/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Khi những cánh hoa mơ nở trắng núi rừng, lôi cuốn vô vàn cánh ong dập dìu đến lấy mật, người Mông cũng tất bật chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền của mình - diễn ra trước Tết Nguyên đán của người Kinh đúng một tháng.

 
 

 Theo lịch của người Mông, tháng 12 âm lịch, được gọi là tháng con hổ, là lúc đã thu hoạch xong mùa màng, ngô đã treo đầy trong nhà. Và họ rộn ràng đón Tết.

LÁ BÙA ĐỎ TRÊN TRÁN CON BÒ

Từ những ngày 28-29 của tháng con bò (tháng 11 âm lịch), người Mông đã chuẩn bị ăn Tết. Mọi công việc được gác lại, nhà cửa được quét dọn, trang hoàng tinh tươm. Những lá bùa dán từ Tết năm ngoái được bóc đi, thay bằng những lá bùa mới đỏ thắm.

Người Mông không chỉ dán bùa lên trước cửa chính nhà để cầu may mà còn dán bùa lên tất cả những gì thân thiết. Cái cày kia, mày đã cùng tao làm ruộng cả năm, nay tao dán một lá bùa đỏ cho mày vui nhé. Con bò, con trâu kia, mày cũng đã vất vả suốt năm rồi, giờ tao buộc bùa lên sừng cho mày vui nhé. Cái cánh cửa, cái máy xay lúa, cái cuốc cũng được dán bùa. Cái xe máy nữa, tao buộc bùa vào tay lái và cả đuôi xe để năm tới đi lại bình an. Tết rồi, tao ăn Tết thì chúng mày cũng được ăn Tết.

 
 Dán bùa đỏ cho máy xay để đồ vật cũng được ăn Tết. Ảnh: Đức Anh

 Sau đó, người Mông í ới gọi nhau ngả thịt. Tùy khả năng kinh tế mà họ giết bò, mổ lợn hay làm gà. Nhưng kiểu gì cũng phải có thịt để cúng tổ tiên, thần linh và các con ma.

Giết lợn, giết bò xong, ông chủ nhà dùng một tệp vàng mã đỏ đặt lên trán của con vật rồi đốt. “Đấy là để tổ tiên, thần linh và các con ma nhận biết được con bò, con lợn ăn Tết của mình” - ông Tráng A Tú, tù-chí-nanh (tức thày mo) của bản Mông Hua Tạt (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), giải thích.

Nhưng món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người Mông là bánh dày - một thứ bánh cũng quan trọng và truyền thống như bánh chưng của người Việt vậy. Nhà nào cũng thổi xôi bằng thứ gạo nếp truyền thống thật dẻo để giã bánh dày. Khắp bản vang lên tiếng chày giã bánh thình thịch trong cối đá, cối gỗ chen lẫn tiếng chuyện trò, cười nói rôm rả. 

Bánh giày giã xong để từng lớp trắng ngần trong bếp. Thứ bánh đó có thể để lâu ngày mà không sợ hỏng bởi chúng chỉ cứng đi mà thôi. Khi có khách, bà chủ nhà đem bánh dày nướng bên cạnh bếp than hồng cho lớp vỏ ngoài xém vàng rồi chia từng miếng cho khách. Miếng bánh dày nóng hổi, khói và mùi nếp thơm bay lên ngào ngạt, chấm với thứ mật làm từ mía và gạo nếp, hương vị quyến rũ vô cùng.

MÂM CỖ TẾT BÊN BẾP LỬA

Gian bếp của người Mông ngày Tết đỏ rực lửa ấm, lúc lỉu những tảng thịt lợn treo vàng tươm mỡ (nếu là thịt mới) hoặc ám đen màu khói. Có cả những cuộn dồi hun khói đen kịt từ ngoài vào trong, vị bùi, béo, ngậy lạ lùng. Món dồi nướng hợp với men rượu ngô, như thể trời sinh một cặp.

 
 

 Cái bếp nặng trĩu thịt treo là biểu tượng của sự no đủ, phô bày tính cách hào phóng của người Mông. Không cần biết năm qua khó khăn vất vả thế nào, cứ có khách đến chơi là thái thịt xào rau cải, nướng dồi đãi đằng chân thành. Sự hào phóng ấy cũng như cây mơ, cây mận, cây đào nơi đây vậy, hồn nhiên phô bày mọi vẻ đẹp đẽ của mình qua những bông hoa tươi tắn, hào phóng đãi mật ngọt cho ong bướm...

Tết của người Mông diễn ra trong 3 ngày đầu tháng chạp. Vào thời khắc giao thừa, một mâm cỗ toàn thịt được dâng lên ban thờ. Ông chủ nhà đọc bài khấn mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, cảm ơn tổ tiên đã phù hộ gia đình ấm no, mạnh khỏe suốt năm qua và cầu xin sự bảo hộ trong năm mới.

 
 Dâng mâm cúng lên tổ tiên ngày Tết. -Ảnh: Đức Anh

 Sau đó, ông đọc tên mời từng người thân đã mất từ 5 đời, 6 đời theo cấp bậc họ hàng cùng về ăn Tết. Đọc xong tên người nào, ông lại véo một chút xôi, lấy một miếng thịt để vào mâm. Chia phần xong xuôi, ông lại mời các vong hồn vất vưởng núi rừng cùng về ăn Tết. Sau đó mới khai tiệc để rượu ngô bung biêng tràn cung mây.

Ngày mùng 1, người Mông chỉ ở nhà đón người thân, họ hàng, dòng tộc về ăn Tết. Sau bữa say túy lúy của bữa cúng tất niên, mọi người ngủ thỏa thích mà không bị đánh thức. Đây là lúc an nhàn nhất trong năm, ai cũng chiều chuộng bản thân. Ngủ chán, cả nhà thức dậy làm cơm, tiếp nối những cuộc khề khà miên man bất tận. 

Rồi họ đi chúc Tết trong họ tộc, trong bản, nhà nào cũng phải vào để rồi lại chìm đắm trong hơi men. Vẫn thịt đó, rượu đó, bánh dày đó, rau đó nhưng mà vui mừng, khôn xiết nhất là khi được gặp lại những người đi xa trở về.

Mâm cỗ của người Mông không có đĩa, chỉ là lá chuối lau sạch để đựng đồ ăn. Sau khi nấu nướng, bà mẹ chia các loại thịt thành từng loại, để trong rổ, này là thịt gà luộc, thịt lợn luộc, thịt thủ lợn xào… Khi soạn cỗ, cậu con trai út tỉ mẩn gắp từng miếng thịt xếp vào lá chuối sao cho mâm nào cũng có loại thịt và số lượng như nhau. Trên mâm cỗ lá chuối xanh ngát, thịt được bày ê hề, cứ hết lại tiếp đầy.

 
 Ảnh: Đức Anh

 Ăn Tết với người Mông là uống rượu tràn cung mây trong thứ men kết nối các thành viên trong gia đình, cho đến khi cơn say kéo tất cả nằm lăn quay bên bếp lửa, chìm vào giấc mộng. Người Mông rất thích uống rượu và thích mời rượu. Khi nhập cuộc, mỗi người một chén riêng để uống, nhưng còn một loại chén nữa là chén “xoay vòng”. 

Chén xoay vòng có hai cái. Người cao tuổi nhất mâm cỗ rót rượu vào hai chén đầu tiên để khởi cuộc xoay vòng. Hai chén đó là lời ước nguyện tốt lành của ông với mọi thành viên trong bữa cỗ. Sau khi uống cạn, ông rót đầy hai chén đó cho người bên trái mình. Người đó sẽ nói lời cầu chúc cho mọi người và uống hết hai chén. Tiếp theo, người đó lại cầm chai rượu và rót hai chén cho người ngồi cạnh.

Hai chén rượu xoay vòng khắp mâm cho đến vị trí của người ngồi cạnh bên phải người đàn ông cao tuổi đã mở đầu vòng quay. Anh ta uống cạn hai chén của mình, cầm chai rượu cùng hai chén sang mâm bên cạnh, và một vòng quay mới lại bắt đầu.

 
 

 NGÀY TẾT ĐI NGẮM NÚI

Người Mông cũng thích đi du xuân. Họ chỉ cần một bãi cỏ bằng phẳng, nơi người già, người trẻ ngồi cạnh nhau, ngắm núi, ngắm hoa, tận hưởng ánh nắng ấm áp đang tuôn xuống tràn trề.

Các cô gái trẻ hãnh diện mặc những bộ váy Mông sặc sỡ, tinh khôi, những chiếc vòng bạc trên cổ, trên tay lấp lánh hân hoan dưới nắng. Trên bãi cỏ xanh, các cô nổi bật như những bông hoa núi rừng, các chàng trai vè vè quanh như những con ong mật.

Các thiếu nữ Mông ngày nay. Ảnh: Đức Anh

 Năm nay, dịch bệnh COVID-19 khiến những lễ hội Tết của người Mông với các hoạt động như hát múa, ném còn không được diễn ra, nhưng không gì có thể khiến người Mông thôi đi chơi Tết và ngắm cảnh đẹp của núi. Người Mông là một dân tộc mê ngắm núi. Trên một mỏm núi cheo leo, một người mẹ bế con ngồi hàng giờ ngắm núi và sưởi nắng. Ở một mỏm núi khác, 4-5 thiếu nữ cũng ngồi mải mê ngắm núi, trao đổi líu ríu. Tại bãi cỏ bằng phẳng kia, một nhóm thanh niên ngồi lặng yên ngắm núi.

Họ thanh thản trong ánh nắng ấm áp, tận hưởng niềm vui ngắm núi, chiêm ngưỡng hoa mơ nở trắng như những đám mây bồng bềnh. Không gian tĩnh lặng nghe rõ tiếng cánh ong đập trong không khí. Một làn gió thoảng qua, hoa mơ rụng bay như mưa phủ lên người thưởng hoa.

Dưới những cánh hoa trắng đang hồng lên dưới nắng, cái Tết của người Mông như trôi trong ảo mộng.■


 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận