TTCT - Rượu chỉ là phương tiện để đi vào thế giới chiêm nghiệm của riêng mình, là phương tiện chuyện trò với bằng hữu cho đậm đà hơn, chứ không phải để thể hiện cái tôi, như anh binh nhì khi say tưởng mình là đại tướng... Đỗ Khang nấu rượu, tranh Trung Quốc. Ảnh: cchatty.comSay nhanh, say chậm và lời giải đáp cho quý bàBia rượu, dù là bia gì, rượu vang hay rượu nếp, rượu Gò Đen, Làng Vân, vodka hay cognac, whisky... tất cả đều là cồn, là ethanol, có công thức hóa học là C2H5OH. Chúng chỉ là khác mùi vị và độ rượu cao thấp. Uống rượu là uống cồn... Say nhanh hay chậm là do tốc độ hấp thu rượu vào máu. Hấp thu càng lẹ càng chóng say. Khoảng 20% bia rượu được hấp thu ở dạ dày và 80% ở ruột non.Con số 20% ở dạ dày không hề nhỏ. Vì vậy trước khi uống rượu cần lót dạ (dân trong nghề gọi là “đổ bêtông”), nhất là nên đổ trước những món nhiều bột đường (carbohydrates) và protein (cá, thịt, đậu...), hoặc vừa uống vừa phá mồi thì hấp thu rượu sẽ chậm, nói cách khác, lâu say hơn.Rượu nồng độ càng cao càng dễ hấp thu. Rượu nặng (30 - 50 độ) uống mau xỉn hơn bia (khoảng 5 độ cồn) hoặc rượu vang (khoảng 13 độ).Thường phụ nữ uống rượu yếu hơn đàn ông, dễ say hơn quý ông, nếu cùng uống một lượng rượu như nhau. Điều này được khoa học giải thích như sau: Thứ nhất, tổng lượng nước trung bình trong cơ thể đàn ông nhiều hơn đàn bà (62% so với 52%), nghĩa là dễ làm loãng rượu hơn. Thứ hai, tỉ lệ mỡ của mấy bà nhiều hơn nạc. Tôi không có ý nói mấy bà gầy hay béo, tôi chỉ muốn nhấn mạnh tỉ lệ chất béo của mấy bà nhiều hơn so với đàn ông vai u thịt bắp cùng trọng lượng.Sau khi được hấp thu, rượu - đúng hơn là chất cồn (ethanol) - hòa tan vào máu. Máu mang cồn đến khắp các mô trong cơ thể. Cồn vào được trong các mô là nhờ hòa tan vào nước có trong mô. Cồn không tan trong mỡ, nên không thể chui vào các mô mỡ được. Khi mỡ nhiều hơn nạc (như quý bà), hậu quả là lượng cồn tồn đọng trong máu cao hơn. Lượng cồn trong máu cao thì dễ xỉn.Sau cùng, được xem là yếu tố quan trọng nhất, là cơ thể mấy bà có ít men chuyển hóa chất cồn. Do chuyển hóa rượu chậm hơn nên cồn cứ luẩn quẩn trong máu, làm dễ xỉn hơn. Bức tranh vẽ nhà thơ Lý Bạch uống rượu hiện lưu tại bảo tàng Anh.Chớ thách thức “say đi em!”Bài này nói về say rượu dưới góc nhìn khoa học, nhưng vì lấn cấn một chút tới tửu lượng của phụ nữ nên tôi xin mượn câu thơ “Say đi em” trong tập Thơ say của thi sĩ Vũ Hoàng Chương để nói về chuyện nhậu của phụ nữ.Một phim bộ của Hàn Quốc mà tôi mới xem, Nhà nữ sử học tập sự, nói về vương triều Joseon (Triều Tiên) vào đầu thế kỷ 19. Bộ phim lôi cuốn vì các sử gia thời đó được tham dự triều chính để ghi chép. Không ai, kể cả nhà vua, được phép gây áp lực sửa đổi, thậm chí không được xem bản thảo mà họ viết để bảo đảm tính trung thực của lịch sử.Hai mươi năm trước, nhà vua đã giết anh soán ngôi. Cô sử gia tập sự Goo tình cờ nghe được chính vua nói chuyện mờ ám này với tể tướng. Vua chột dạ, nửa đêm cho mời Goo vào cung mời nhậu để thăm dò, gài bẫy. Nữ sử học xinh đẹp tỉnh bơ tâu: “Tửu lượng của thần cao lắm, bệ hạ uống không lại đâu”. Những ngày đầu đi làm ở Nghê Văn Quán (như Viện Sử học bây giờ), Goo đã bị các đồng nghiệp nam khinh miệt, chế giễu, mời rượu. Cô chấp họ chơi xa luân chiến, lạnh lùng uống cạn từng chén rượu, knock-out từng người mà không cần đụng tới mồi.Thực tế, không ít bà có năng khiếu bia rượu thuộc hàng cao thủ mặc dù hình thể thuộc loại có da, có thịt (mỡ). Chỉ nhìn họ uống cũng đủ thấy say rồi: cạn ly ngọt xớt, mặt lạnh như tiền, thần sắc không đổi. Thường ngày họ không uống, khi cần thì uống như để dằn mặt mấy tay bợm lè nhè, khoác lác. Có lẽ men (enzyme) chuyển hóa của những quý bà này bẩm sanh đã dồi dào một cách... phi giới tính khiến cồn trong máu chuyển hóa nhanh, làm họ chậm say.Ngược lại cũng có quý ông chỉ cần ngụm rượu nhỏ cũng đủ làm đỏ bừng mặt, choáng váng, khó chịu là do enzyme chuyển hóa quá ít. Giới văn sĩ gọi đấy là trường hợp “một nửa đàn ông là đàn bà”.Tranh của họa sĩ Utagawa Kunisada (Nhật Bản)Cứu bức tường vô tộiChuyển hóa bia rượu nghĩa là cơ thể dùng chất xúc tác là men (enzyme), biến cồn thành các chất khác để sử dụng hoặc thải ra ngoài. Nhưng trước khi chuyển hóa, cơ thể phải hấp thu rượu vào máu. Sau khi hấp thu, khoảng 10% lượng cồn không chuyển hóa sẽ được bài tiết qua nước tiểu, phân, mồ hôi và hơi thở. Qua hơi thở là điều phiền toái khi gặp cảnh sát giao thông.Khoảng 90% lượng cồn được gan chuyển hóa thành acetaldehyde, rồi thành acid acetic. Sau cùng, acid acetic bị các tế bào đốt cháy tạo năng lượng, sinh ra carbon dioxide (CO2) và nước. Uống nhiều bia rượu là nạp calo, không có lợi cho giảm béo là vì thế. Chính chất acetaldehyde trong quá trình chuyển hóa gây nhức đầu sau cơn xỉn. Do đó nếu uống nhiều rượu, acetaldehyde sẽ chuyển hóa (chậm), không kịp thành acid acetic, hậu quả sáng hôm sau chỉ muốn đập đầu vô tường là vì vậy.Để giảm nguy cơ cho bức tường vô tội, khi uống rượu không những nên phá mồi mà còn chữa cháy (uống nước) càng nhiều càng tốt. Nước và đồ ăn có thể làm giảm bớt ngầy ngật khó chịu sau cơn say, nhưng giảm bớt không có nghĩa là không bị vật vã. Nhớ rằng uống nước không làm giảm cơn say và cũng không thể bảo vệ lá gan.Rượu ngọt chết ngườiCocktail là đồ uống chứa rượu trộn với đủ loại (nước) trái cây. Một loại khác khá phổ biến là punch - thức uống khai vị phổ biến ở phương Tây - gồm trái cây (táo, cam, lê) thái miếng và rượu (thường là rượu vang), có thể thêm chút đường để quý bà dễ uống. Hương trái cây, vị ngòn ngọt, cảm giác lâng lâng thì đúng là... say đi em. Vị ngọt bị cáo buộc là thủ phạm làm mau say rượu.Điều này oan cho ngọt. Đường ảnh hưởng không đáng kể đến việc say mau say chậm. Rượu ngọt dễ uống, nên cũng dễ tiện tay nâng ly. Uống nhiều nên say hồi nào không biết. Tuy nhiên, đường làm chậm tốc độ chuyển hóa của rượu, lượng acetaldehyde chậm chuyển thành acid acetic. Hệ quả là acetaldehyde tồn dư nhiều trong cơ thể, nên các loại rượu ngọt như rượu mùi, champagne, rượu vang loại ngọt... uống dễ nhức đầu là vậy. Rượu punch (Ảnh: Pimm's punch Australia)Tin đồn trên bàn nhậuCàng uống đô rượu càng tăng, tửu lượng càng cao mới anh hùng? Chuyện anh hùng bàn nhậu đúng sai xin để quý bà nội nhân phán xét, nhưng càng uống đô rượu càng tăng là có thật.Nhưng tăng đô chỉ là do hệ thống thần kinh đã quen với lượng độc chất cao hơn. Vấn đề là một khi cồn đã hấp thu vào máu thì tốc độ chuyển hóa cồn hầu như vẫn thế, chứ không phải uống được bia rượu nhiều hơn thì chuyển hóa cồn nhanh lên. Tốc độ chuyển hóa không thay đổi mà lại nạp rượu nhiều quá thì hệ quả là tồn dư acetaldehyde sau cơn say xỉn. Lên đô là dấu hiệu cảnh báo rằng cơ thể đã bắt đầu bị ảnh hưởng do rượu. Acetaldehyde vẫn được tạo ra, gan vẫn bị tàn phá mà mình không hay.Lại có tin đồn uống cà phê trước khi vào đấu trường rượu sẽ cạn ly ngọt xớt hơn, khó say hơn. Đúng là chất caffeine làm người ta tỉnh táo hơn, nhưng uống càng nhiều nồng độ rượu trong máu càng tăng; rồi đã say mà cứ tưởng mình tỉnh. Đến lúc nào đó không còn kiểm soát được hành vi.Thơ say...Tập Thơ say là tác phẩm đầu tay của Vũ Hoàng Chương xuất bản năm 1940 tại Hà Nội, trong đó bài được nói đến nhiều nhất là Mời say. Giới văn chương đồn rằng Vũ Hoàng Chương thất tình một tiểu thư Hà Nội nào đó, rồi vùi đầu vào men rượu, vũ trường và kỹ nữ.... Say đi em! Say đi em!Say cho lơi lả ánh đènCho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt!Rượu, rượu nữa! Và quên, quên hết!...Vũ Hoàng Chương được xem là thi bá của thế kỷ 20. Ông học đại học luật, rồi bỏ. Học toán cũng bỏ ngang. Ông là thầy giáo mẫu mực, nho nhã, đi xích lô đến trường dạy Việt văn nổi tiếng một thời ở miền Nam. Thơ ông đầy mộng ảo. Ông say thơ, nhưng tôi chưa nghe ai nói từng ngồi đối ẩm (rượu) với ông. Có lẽ rượu chỉ là phương tiện để ông say thơ. Rượu chỉ là phương tiện để đi vào thế giới chiêm nghiệm của riêng mình, là phương tiện chuyện trò với bằng hữu cho đậm đà hơn, chứ không phải để thể hiện cái tôi, như anh binh nhì khi say tưởng mình là đại tướng.Tôi không thể đưa ra lời khuyên nên uống (rượu) bao nhiêu là vừa. Xin dẫn lời của danh y Hải Thượng Lãn Ông: Bán dạ tam bôi tửu, Lương y bất đáo gia. Tối ba ly rượu thì nghỉ chơi bác sĩ được rồi. Ly rượu hồi xưa nhỏ như chén tống uống trà. Uống xong ba ly tí tẹo này mà không đàm đạo cho phả hết hơi rượu thì liệu ra đường có thoát được máy test hơi cồn của cảnh sát không? Tôi không chắc! ■ Tags: TếtRượuSay rượuUống ruộư
Tin tức thế giới 25-11: Ukraine trưng bày mảnh vỡ tên lửa Oreshnik, tin thế giới có cách đánh chặn BÌNH AN 25/11/2024 Israel và Hezbollah giao tranh dữ dội bất chấp EU kêu gọi ngừng bắn; Cái chết bí ẩn của giáo sĩ Israel nghi do bài Do Thái.
Tin tức sáng 25-11: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Quốc hội xem xét 'siết' quảng cáo của nghệ sĩ, KOL; Vé xe Tết về miền Tây tăng không quá 40%; Lãi suất liên ngân hàng đạt đỉnh 19 tháng...
Cho con 'du học tại chỗ' ở 'trường Mỹ', không ngờ chỉ là trung tâm tiếng Anh Đoàn Nhạn 25/11/2024 Phụ huynh chi trăm triệu cho con học 'trường Mỹ' theo hình thức 'du học tại chỗ', không ngờ 'trường' chỉ là trung tâm tiếng Anh.
Ký hợp đồng, bồi thường bảo hiểm online: Tiện thì có tiện, nhưng coi chừng rủi ro BÔNG MAI 25/11/2024 Bất chấp thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn đổ vốn lớn để ứng dụng công nghệ vào hàng loạt nghiệp vụ. Bên cạnh lợi ích, cũng có rủi ro tiềm ẩn mà khách hàng cần cẩn trọng.