Thái Lan: Khúc khuỷu đường dân chủ

DANH ĐỨC 15/08/2016 19:08 GMT+7

TTCT - Dân Thái Lan ngày 7-8 đồng ý thông qua hiến pháp mới với tỉ lệ chấp thuận 61,4%, mở ra thời kỳ mới của một thiết chế chính trị phức tạp ở nước này, trong bối cảnh sức khỏe của biểu tượng đoàn kết quốc gia, nhà vua Bhumibol Adulyadej, đang xấu đi từng ngày.

Vị vua đã đau yếu nhiều của Thái Lan vẫn rất được người dân sùng kính -asiaone.com
Vị vua đã đau yếu nhiều của Thái Lan vẫn rất được người dân sùng kính -asiaone.com


70 năm vẫn vậy?

Tình hình chính trị Thái Lan vào năm thứ 70 của trào quốc vương Bhumibol Adulyadej vẫn như trong suốt 70 năm qua.

Không, các thông tin từ những cảnh báo là không chính xác và bị bóp méo bởi một số phe phái...” - đại tá Piyapong Klinphan, người phát ngôn của Hội đồng quốc gia gìn giữ hòa bình và trật tự (NCPO), nói về cảnh báo của các sứ quán nước ngoài tại Bangkok với người dân nước họ, cho rằng trong khi cuộc bầu cử diễn ra, lộn xộn và bất ổn có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Đại tá Piyapong Klinphan nói thêm: “Nếu tình hình không diễn ra như cảnh báo, các sứ quán đó sẽ đánh mất độ tin cậy... Người Thái thừa sức tự mình xử lý tình hình. Chúng tôi không muốn làm phiền các nước bạn”.

Trong khía cạnh an ninh, có thể đại tá phát ngôn viên này vững tin rằng với khoảng 200.000 cảnh sát được triển khai để đảm bảo an ninh cho cuộc trưng cầu ý dân hôm 7-8 về bản dự thảo hiến pháp mới, mọi chuyện đã diễn ra khá êm thắm, không có sự cố nào lớn.

Tuyên bố của Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia trước cuộc trưng cầu nói cảnh sát tin rằng ít có khả năng xảy ra bạo động, và mọi chuyện diễn ra đúng như thế.

Tuy nhiên, ở một nước mà hoạt động đối lập thường thể hiện bằng xuống đường và súng đạn như Thái Lan, việc một số sứ quán ra cảnh báo an ninh cho công dân nước họ cũng không thừa và không hề khó hiểu: vẫn có một xác suất phe đối lập phản đối bằng cách này hay cách khác, còn thể hiện qua cả 37,9% cử tri đã bày tỏ không ủng hộ hiến pháp mới.

Tình hình chưa thể dịu xuống khi trước cuộc bỏ phiếu, NCPO đã bắt giữ hàng chục nhà hoạt động và chính trị gia, trong đó có một số người vì đã tìm cách phát truyền đơn kêu gọi người dân bỏ phiếu phản đối dự thảo hiến pháp mới.

Rõ ràng, NCPO, ít nhất cũng là qua đại tá phát ngôn viên, đã không hài lòng việc các sứ quán Mỹ, Canada, Anh, Phần Lan, Đan Mạch, Nhật Bản và cả... Myanmar ra cảnh báo công dân tránh xa các hòm phiếu.

So với cảnh báo của các sứ quán khác, có vẻ như cảnh báo của sứ quán Myanmar gây “khó chịu” hơn cả, do lẽ mấy mươi năm trước cho tới cách đây vài năm thôi, nước trong vị thế phải “được/bị cảnh báo” chính là Myanmar, và nước ra cảnh báo là Thái Lan, chứ không phải ngược lại như bây giờ. Lịch sử thật trớ trêu!

Nhưng thật ra, Myanmar lo lắng là đúng, bởi người dân của họ không chỉ có du khách hay vài doanh nhân như các nước phương Tây, mà còn rất đông người Myanmar thiểu số đang tị nạn hay tìm sinh kế ở Thái Lan.

Mới chỉ trước đó một tháng, hôm 9-6, đất nước Thái Lan vừa mừng kỷ niệm 70 năm trị vì của quốc vương Bhumibol Adulyadej. Vị vua 88 tuổi này vẫn là biểu tượng “sống” của quốc gia, bằng cớ là bản hiến pháp đã được thông qua vẫn khởi đầu bằng câu:

Hôm nay là ngày... (âm lịch và dương lịch, sẽ ghi rõ sau), năm 2559 theo Phật lịch, Đức Phrabat Somdet Phra Paramintharamaha Bhumibol Adulyadej Mahitalathibet Ramathibodi Chakkri Narubodin Sayammintharathirat Borommanatthabophit, hân hoan tuyên cáo rằng: chiếu báo cáo của thủ tướng chính phủ với quốc vương rằng kể từ khi quốc vương Prajadhipok Phra Pokklao ban hành hiến pháp của Vương quốc Xiêm La, vào năm 2475 theo Phật lịch, Thái Lan đã liên tục gắn với việc tuân thủ các nguyên tắc của chế độ chính quyền dân chủ với quốc vương trong vai trò quốc trưởng”.

Theo tình hình sức khỏe của quốc vương, vừa phẫu thuật tim vào tháng 6 vừa qua ngay trước lễ kỷ niệm 70 năm trị vì, cuộc trưng cầu ý dân thông qua bản hiến pháp mới này quả là một cuộc chạy đua nước rút, để ông còn kịp ban hành.

Thực tế, đây có thể sẽ là bản hiến pháp cuối cùng mà quốc vương Bhumibol ban hành sau bao bản hiến pháp đã ban hành trong 70 năm qua. Ngay “Lời nói đầu” của hiến pháp đã ghi nhận thực tế đó:

Mặc dù đã nhiều lần bãi bỏ, rồi sửa đổi và ban hành hiến pháp với mục đích làm cho tổ chức chính quyền trở nên thích hợp hơn, song chính quyền vẫn không ổn định mà cứ lần lượt mắc phải vấn đề và xung đột khác.

Đôi khi lại có những vụ khủng hoảng hiến pháp không có được giải pháp, và nguyên nhân một phần là do những kẻ bất cần hoặc bất tuân các luật lệ hành chính, do tha hóa hoặc do bẻ ngoặt quyền lực của mình, hoặc không nhận trách nhiệm trước quốc gia và quần chúng, từ đó dẫn đến việc pháp luật trở nên không có hiệu lực thực thi”.

Chỉ riêng từ năm 2001-2014, tức chỉ trong vòng 13 năm dưới trào anh em nhà Shinawatra, đã trải qua hai cuộc đảo chính năm 2006 và 2014, chưa kể mấy lần phe “áo đỏ” ủng hộ ông Thaksin, bị rơi vào thế đối lập, xuống đường đụng độ với phe “áo vàng” thân hoàng gia!

“Nhổ cỏ tận gốc” hay chấm dứt dân chủ hình thức?

Có thể thấy qua “Lời nói đầu” này, NCPO đã đưa ra một bản tổng kết tình hình ít nhất cũng là trong 70 năm qua dưới trào quốc vương Bhumibol một cách khá chính xác, chính xác đến tận ngày nay.

Đã có bao bản hiến pháp “bất thành”, nay thêm bản hiến pháp mới, là “cần thiết để ngăn chặn và giải quyết những vấn đề đã nêu bằng cách cải cách giáo dục và thực thi pháp luật cùng tăng cường một hệ thống luân lý và đạo đức”.

Nếu nhớ rằng cuộc đảo chính ngày 22-5-2014 của quân đội, dẫn đến việc thành lập NCPO, là để “nhổ cỏ” quyền lực của gia đình Shinawatra (từ ông anh Thaksin đến cô em Yingluck), việc hứa hẹn “tăng cường một hệ thống luân lý và đạo đức” (trong bản dự thảo hiến pháp) chính là cam kết không tạo cơ hội cho một sự trở lại của thế lực gia đình Shinawatra.

Hứa hẹn “nhổ tận gốc” này được tỏ rõ trong câu tiếp theo: “Một lý do khác liên quan đến hậu quả của các quy định chính trị và hành chính không thích hợp với tình hình đất nước và tình hình giai đoạn đó, và quá chú trọng đến hình thức và thủ tục hơn là các nguyên tắc dân chủ cơ bản; hoặc do không thể thực thi các quy định hiện hữu với những hành vi đơn lẻ và các cuộc khủng hoảng khi mà các hình thức và thủ tục khác trước” (dự thảo, trang 4).

Vấn đề dân chủ “hình thức” và “thủ tục” nêu trong đoạn trên chính là chuỗi khủng hoảng dưới trào cựu thủ tướng Thaksin rồi đảo chính, rồi lại bầu cử, cô em Yingluck ra cầm quyền thay ông anh, chỉ vì anh em nhà Shinawatra luôn chiếm đa số phiếu nên giành quyền cai trị; còn Đảng Dân chủ cứ bầu là thua, thua liên tiếp, nên cứ xuống đường rồi khủng hoảng miết!

Từ đó, một lần nữa quân đội Thái mới đảo chính rồi đứng ra “bảo vệ hòa bình và trật tự”, và nay soạn xong bản hiến pháp mới này, đã được biểu quyết thông qua, với hi vọng sẽ không để tái diễn việc một đảng này nhờ “mua phiếu” (như theo cáo giác trong suốt trào Shinawatra) mà “được lòng dân” rồi chiếm đa số, cứ bầu là thắng!

Cái nền tảng “luân lý và đạo đức” mới cũng như cuộc “cải cách giáo dục” mới mà “Lời nói đầu” nêu ra (ở trên) chính là để làm thay đổi nhận thức sao cho dân chúng không dễ bị mua chuộc!

“Lời nói đầu” hứa hẹn tiếp: “Tái cấu trúc các nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức hiến định; tái cấu trúc quan hệ giữa lập pháp và hành pháp sao cho thích hợp; tạo cơ hội cho các định chế tư pháp cùng các cơ quan độc lập có chức trách giám sát việc nhà nước đảm trách nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả, lương thiện và sòng phẳng, đồng thời tham gia vào việc ngăn ngừa khủng hoảng hoặc xử lý khủng hoảng khi cần thiết và sao cho thích đáng”.

Nôm na mà nói, “tái cấu trúc” ở đây nhằm để cho một đảng chiếm đa số phiếu trong bầu cử quốc hội chưa hẳn sẽ lại cứ thế mà nắm hành pháp, cũng như tòa án hay cơ quan giám sát tư pháp sẽ bớt bị tác động bởi chính quyền như từng thấy dưới trào gia đình Shinawatra, ngõ hầu các chính quyền tương lai sẽ “sạch” hơn!

“Lời nói đầu” không giấu giếm ý nghĩa của sự “tái cấu trúc” này: “Việc hành xử các quyền và tự do phải trong khuôn khổ các quy định bảo vệ quảng đại quần chúng... Ngăn không cho các lãnh đạo hay quan chức không có đạo đức, không có luân lý và kỹ năng cầm quyền có thể nắm lấy quyền cai trị đất nước hoặc vận dụng quyền hành của họ một cách tùy tiện” (dự thảo, trang 5).

Đấng quân vương

Hiến pháp được đưa ra trưng cầu ý dân, theo “Lời nói đầu”, không muốn một nền dân chủ hình thức, mà hứa hẹn việc “cầm quyền có đạo đức và luân lý” trong một chế độ quân chủ lập pháp mà nhà vua vẫn giữ vai trò tối thượng như được mô tả trong chương 2:

Nhà vua sẽ trị vì từ một địa vị được tôn kính và không bị xâm phạm; không ai được tố cáo hay xúc phạm nhà vua; nhà vua là phật tử và là người cầm trịch về tôn giáo; nhà vua giữ vị trí thủ lĩnh quân đội Thái; nhà vua chọn lọc và bổ nhiệm những người đủ tư cách làm chủ tịch Hội đồng cơ mật cùng không hơn 18 thành viên để tạo thành Hội đồng cơ mật có nhiệm vụ tư vấn nhà vua trong mọi vấn đề...

Có thể xem chương 2 của dự thảo hiến pháp này là câu trả lời cho vài tiếng nói đòi phi quân chủ hóa ở Thái Lan. Đấng quân vương vẫn là tối thượng ở Vương quốc Thái Lan. Ngôi báu, sau vua Bhumibol (hiệu là Rama IX) vẫn sẽ được truyền cho Rama X (thái tử Maha Vajiralongkorn), tiếp nối triều đại Chakri.

Thế nhưng, thái tử có được yêu quý và sùng kính như vua cha Bhuminol không lại là chuyện khác! Vấn đề ở chỗ các tướng lĩnh Thái trong NCPO đã đồng hóa sứ mệnh bảo đảm tính kế thừa của hoàng gia Rama với sự tồn tại của chính họ qua bản hiến pháp mang tiếng là “thân quân đội” này. Thành ra, việc dân Thái bỏ phiếu “đồng ý” hay “không đồng ý” khi muốn duy trì hoàng gia cũng tức là đồng ý hay không đồng ý duy trì NCPO. ■

Dân chủ “có định hướng”

Quân đội Thái Lan cho rằng các quan chức chính trị tham nhũng là lý do dẫn tới sự chia rẽ và bất ổn trong hệ thống chính trị nước này. Được công khai hồi tháng 3, bản hiến pháp mới đề xuất hệ thống bỏ phiếu khiến cho một đảng đơn lẻ rất khó giành được đa số ở hạ viện. Một trong những điều khoản gây tranh cãi nhất là kêu gọi 250 ghế thượng viện hoàn toàn do chính quyền quân đội bổ nhiệm. Trước đảo chính, chỉ hơn một nửa ghế thượng viện là được bầu cử trực tiếp và phần còn lại là qua bổ nhiệm. Thay đổi này đồng nghĩa với việc các nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm sẽ có tiếng nói quyết định trong trường hợp nhiều khả năng không có đảng nào nắm đa số ở hạ viện.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận