Thái và Việt 

TRƯỜNG HUY 08/04/2016 03:04 GMT+7

TTCT - Tuần rồi, hôm 24-3 người hâm mộ của hai làng bóng đá Việt Nam lẫn Thái Lan đều “phiêu”, sau hai trận đấu cùng ngày của hai đội tuyển bóng đá quốc gia trong cùng một giải đấu là vòng loại thứ hai của World Cup 2018, khu vực châu Á.

Trận hòa 2-2 trước Iraq hôm 24-3 giúp Thái Lan lần thứ hai có mặt ở vòng đấu quy tụ 12 đội mạnh nhất châu Á  -footballdj.com
Trận hòa 2-2 trước Iraq hôm 24-3 giúp Thái Lan lần thứ hai có mặt ở vòng đấu quy tụ 12 đội mạnh nhất châu Á -footballdj.com

 

Người Việt thì sướng với trận ra mắt của HLV Nguyễn Hữu Thắng bằng chiến thắng 4-1 trước Đài Loan. Còn người Thái hạnh phúc với kết quả hòa 2-2 trước Iraq trên sân trung lập, kết quả vừa đủ giúp họ đứng đầu bảng F để giành quyền vào vòng đấu cuối cùng của vòng loại World Cup khu vực châu Á. Đây là lần thứ hai trong lịch sử, bóng đá Thái Lan góp mặt ở vòng đấu quy tụ những đội bóng mạnh nhất châu Á.

Sau trận đấu hôm 24-3, mặc dù được phần lớn dư luận khen hết lời, nhưng tân HLV trưởng tuyển Việt Nam đưa ra lời cảnh báo các cầu thủ của mình: Quên ngay chiến thắng trước Đài Loan, đừng bay bổng bởi những lời khen của dư luận.

Hơn ai hết, ông Thắng hiểu rằng bại tướng dưới tay mình chỉ là một đội bóng nằm tốp bét của thế giới; một đội bóng chỉ bao gồm các cầu thủ nghiệp dư, nghiệp dư đến độ ngôi sao của họ phải kiếm sống bằng nghề người mẫu!

Trong khi đó, HLV Kiatisak Senamuang hào hứng tuyên bố: Các đội mạnh nhất châu Á giờ đây muốn thắng Thái Lan cũng không dễ!

Thế là các fan của bóng đá Việt “nóng mũi”, nhảy lên các diễn đàn mắng Kiatisak là bốc phét, là một tấc đến trời. Người ta lôi ra câu chuyện 16 năm trước bóng đá Thái lần đầu tiên góp mặt ở vòng đấu cuối cùng của vòng loại World Cup 2002 khu vực châu Á. Hồi ấy, hai đại gia bóng đá châu lục là Nhật Bản, Hàn Quốc đều không đá vòng loại vì đã có hai suất dự vòng chung kết với vai trò đồng chủ nhà, vậy mà tuyển Thái vẫn đứng bét trong 10 đội có mặt ở vòng đấu cuối!

Không biết tự bao giờ, người Việt chúng ta bỗng dưng “mắc bệnh” kèn cựa với bóng đá Thái nói riêng, thể thao Thái nói chung?

Giá như hai bên sàn sàn nhau thì kèn cựa còn có lý. Đằng này xét về thành tích lẫn những lần đối đầu trực tiếp ta đều dưới cơ họ rất xa, thế thì kèn cựa làm gì? Cứ nhìn vào cuộc đối đầu trong khuôn khổ bảng F vòng loại World Cup 2018 này thì thấy: ở lượt đi tại Bangkok, chúng ta chỉ thua một bàn nhờ lối chơi tử thủ của một đội “kèo dưới”.

Thế nhưng chẳng ai thấy, một mực gây sức ép cho HLV Toshiya Miura, người tiền nhiệm của Hữu Thắng, phải chơi đôi công sòng phẳng ở lượt về trên sân Mỹ Đình và kết quả là... thua ba bàn trắng!

Câu chuyện thua kém giữa Thái và Việt hiện nay nào chỉ có bóng đá, mà cả về kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, khoa học, năng suất lao động của con người... Vì vậy muốn bắt kịp và vượt qua người láng giềng trong khu vực ASEAN, chỉ có một cách là phải tự thay đổi mình để tiến bộ.

Nói đến chuyện tự thay đổi mình, chợt nhớ đến Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2016 vừa kết thúc ở Ninh Bình. Người Thái đưa đến giải này một đội hình trẻ đến độ người xem cứ nghĩ đó là các cô nữ sinh! Và nhìn vào danh sách thì quả đúng vậy, có cô mới 15 tuổi và phần lớn là 16, 17. Họ đứng áp chót trong số tám đội dự giải.

Nhưng có sao đâu, họ vẫn vui vẻ; báo chí không hề có một lời nào trách móc về một nền bóng chuyền đang xếp hạng 12 thế giới mà cử đi một đội chẳng ra làm sao! Đơn giản bởi tất cả đều hiểu rằng đây chỉ là một giải mang tính chất giao lưu, nên xem đó là một sân tập cho các cô gái trẻ mà thôi. Trong khi đó chủ nhà tung ra hết các gương mặt ưu tú nhất, đến độ cả những lão tướng lẽ ra đã phải nghỉ ngơi cũng góp mặt ở giải này.

Tương tự, gần đây bóng đá Thái thường xuyên thua Việt ở Giải U-21 quốc tế mà ta là chủ giải cũng là một bài học lớn. Họ thua nhưng đố tìm thấy một lời trách móc nào trên báo chí, trên các diễn đàn người hâm mộ. Đơn giản bởi họ biết đâu là giải đấu chỉ để rèn luyện, thắng thua là chuyện nhỏ; đâu là giải đấu chính thức để xem trọng chuyện thắng thua.

Còn ta, giải to giải bé, giải mang tính giao hữu hay giải chính thức gì cũng chỉ muốn thắng và thắng! Bệnh thành tích đã quá lậm nên làm gì có được kế hoạch dài hơi để biết rằng chỗ này là sân tập, chỗ kia là sân đấu mà xếp lực lượng hợp lý.

Chuyện nghe qua thì nhỏ, nhưng làm được chuyện nhỏ này là một vấn đề lớn!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận