Thăm dò chính trị dễ như lấy ý kiến về kem đánh răng

TRÚC ANH 07/11/2022 10:01 GMT+7

TTCT - Nếu biết càng về sau mọi chuyện càng không đơn giản, có lẽ George Gallup (1901-1984) sẽ ước mình chưa bao giờ nói thế.

Thăm dò chính trị dễ như lấy ý kiến về kem đánh răng - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu AP

"Thăm dò chính trị dễ như lấy ý kiến về kem đánh răng" - chính sự tự tin này đã giúp George Gallup (1901-1984) lập nên Hãng phân tích và tư vấn Gallup, chuyên thực hiện các cuộc thăm dò dư luận không chỉ ở Mỹ mà còn khắp thế giới, với kỹ thuật lấy mẫu và thống kê của riêng ông. 

Nhưng nếu biết càng về sau mọi chuyện càng không đơn giản, có lẽ Gallup sẽ ước mình chưa bao giờ nói thế.

Trong số báo ngày 3-5-1948, với chân dung Gallop đưa ra bìa, tạp chí Time kể lại con đường đưa Gallup thành "người làm thăm dò dư luận quan trọng nhất nước Mỹ, người đã định nghĩa cuộc chơi và qua đó thay đổi lịch sử chính trị Mỹ". Tất cả bắt nguồn từ sự say mê các con số và mong muốn đo lường thế giới khi từ nhỏ của ông.

Khi theo học Đại học Iowa, để có tiền trang trải, Gallup làm biên tập cho tờ báo sinh viên Daily Iowan, và nảy ra ý tưởng tìm hiểu xem ai đang thực sự đọc tờ báo và phần nào họ thích nhất. 

Vào thời điểm đó, cách làm phổ biến là cho đăng ô chữ hằng tuần và đếm bài tham gia gửi về. Gallup làm khác: ông đi khắp các phố ở Iowa với vali đầy báo, "chặn" người qua đường và hỏi thẳng họ chính xác thứ họ thích và không thích về tờ báo. Ông phát hiện ra đa số người đọc thích phần biếm họa hơn trang chủ, thích phóng sự hơn tin tức.

Những dữ liệu này sau đó là tư liệu để Gallup lấy bằng tiến sĩ, được mời dạy tại Đại học Drake và giành hợp đồng làm khảo sát bạn đọc cho ít nhất một nửa các tờ báo lớn của Mỹ, thông qua Viện thăm dò dư luận Hoa Kỳ, thành lập năm 1935 và là tiền thân của Hãng Gallup ngày nay.

Thăm dò chính trị dễ như lấy ý kiến về kem đánh răng - Ảnh 2.

Gallup trên bìa Time năm 1948.

Sau nhiều năm hành nghề, Gallup đã thành chuyên gia trong việc tìm ra độc giả nào thích đọc quảng cáo kem đánh răng nhất và tại sao. Vì thế mà suy nghĩ sau đến thật tự nhiên: Nếu phương pháp của mình thành công với kem đánh răng, không lý gì nó không áp dụng được cho chính trị.

Cuộc thăm dò chính trị đầu tiên của Gallup là vào tháng 10-1935, một năm trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 38, giữa đương kim tổng thống Franklin D. Roosevelt và ứng viên Cộng hòa Alf Landon. 

Tạp chí The Literary Digest, nổi tiếng nhất về thăm dò chính trị lúc bấy giờ, dự đoán Landon sẽ thắng, còn Gallup cho rằng ngược lại. Kết quả sau đó, như trang web của Hãng Gallup sau này chép lại tự hào: "Tất nhiên Roosevelt đã giành chiến thắng, và thăm dò của Gallup bắt đầu trở thành một phần nổi tiếng và được kính trọng trong đời sống chính trị Hoa Kỳ".

Tới năm 1948, Hãng thăm dò Gallup đã có mặt ở một tá quốc gia, không chỉ khảo sát chính trị mà còn các lĩnh vực khác như phim ảnh. Truyền thông và công chúng Mỹ đều kỳ vọng rằng Gallup sẽ tiếp tục dự đoán chính xác các cuộc bầu cử. Nhưng chuyện không "dễ như kem đánh răng".

1948, với cuộc tranh cử tổng thống lần 41 giữa đương kim tổng thống Harry S. Truman và ứng viên Cộng hòa Thomas E. Dewey, là năm mà Gallup và cả nước Mỹ nhận ra dự đoán bầu cử có thể phức tạp đến mức nào. Truman đã đánh bại Dewey, trong khi Gallup và nhiều hãng thăm dò khác dự đoán điều ngược lại. 

72 năm sau, các thăm dò dư luận tiền bầu cử 2020 được đánh giá là "có sai số tệ nhất trong vòng 40 năm", vì đa số các cuộc khảo sát đều đánh giá cao hơn thực tế ưu thế của ứng viên Biden so với tổng thống Trump.

Trở lại năm 1948, sau thất bại ê chề, Gallup đã cử người quay lại, hỏi chuyện những người đã trả lời thăm dò của họ trước đó, để biết họ đã sai ở đâu. Nước Mỹ có lẽ cũng đã thề rằng không bao giờ tin vào thăm dò dư luận trước bầu cử nữa, nhưng thực tế thì ngày nay các dự đoán này vẫn rất được quan tâm. 

Như Time nhận xét trong bài tiễn biệt Gallup khi ông qua đời ở tuổi 83: "Gallup có thể không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nỗ lực đo lường mong muốn của người Mỹ của ông đã vĩnh viễn thay đổi hệ thống chính trị quốc gia. Điều này vẫn đúng nhiều thập niên sau đó".

Theo một bài viết của Đại học Vanderbilt, các cuộc bầu cử chỉ cho biết ai thắng, nhưng không nói tại sao; thăm dò dư luận nếu được thực hiện đúng, vẫn là cách tốt nhất để lấy ý kiến của công dân.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 8-11 tới. Một trong các thăm dò gần nhất của Gallup (31-10) cho biết 49% cử tri đã đăng ký cho rằng kinh tế là quan tâm lớn nhất trong cuộc bầu cử sắp tới, và một thăm dò cũ hơn (25-10) cho thấy tỉ lệ ủng hộ tổng thống Biden đã giảm từ 44% hồi tháng 8 xuống còn 40%.

Trước "ngày N", báo New York Times cho rằng cả dư luận lẫn các hãng thăm dò đều hồi hộp, "không nhất thiết để xem ai thắng mà xem việc thăm dò sau có còn đất diễn không". 

Gallup và các hãng khảo sát phải nín thở hồi hộp vì việc thăm dò ngày càng khó khăn, một phần liên quan đến tỉ lệ số người thực sự tham gia bỏ phiếu (turnout rate): người trả lời khảo sát thì không đi bỏ phiếu và ngược lại, dẫn đến sai số.

Trong khi chờ kết quả cuối cùng, tờ Washington Post đã bày cách "đọc kết quả thăm dò dư luận sao cho đúng", với lời khuyên trước nhất là: Đừng chỉ nhìn các con số bề mặt. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận