Thảm kịch Ấn Độ lan ra các nước Nam Á

HỒNG VÂN 16/05/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất... đang nối dài danh sách các nước cấm người từng ở Bangladesh, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Ấn Độ nhập cảnh do tình hình dịch bệnh COVID-19. Điều gì đang xảy ra ở các nước Nam Á?

Ấn Độ đang chiến đấu với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai với 80% dân số sống trong các khu vực bị phong tỏa (ảnh chụp ngày 10-5 ở Mumbai). Ảnh: REUTERS

 

Ấn Độ tăm tối trước bình minh?

Số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ ngày 9-5 (công bố ngày 10-5) là 366.166 với 3.754 người chết. Tổng số ca nhiễm từ đầu dịch của đất nước với gần 1,4 tỉ dân này là 22,6 triệu người với 246.116 người tử vong. 

Những ngày qua, biểu đồ tăng trưởng dịch bệnh ở Ấn Độ dùng dằng và muốn đảo chiều, đúng với dự báo là đỉnh dịch của nước này rơi vào khoảng từ ngày 3 đến 10 của tháng 5-2021. Dù có tín hiệu sớm cho thấy dịch đã đạt đỉnh nhưng Ấn Độ hiện đang trong thực trạng đúng như câu “trước bình minh bao giờ cũng là màn đêm đen tối nhất”.

Tình trạng thiếu oxy và giường bệnh trầm trọng vẫn diễn ra ở nhiều bệnh viện, các nhà xác và lò hỏa táng tràn ngập thi thể bệnh nhân COVID-19. Theo báo Times of India, ngày 10-5, ít nhất 11 bệnh nhân đã chết ở một bệnh viện đa khoa tại thành phố Tirupati, bang Andhra Prades mặc dù sự gián đoạn về oxy, theo nhà chức trách là chỉ xảy ra trong vài phút.

Trong bối cảnh đó, sự bất cẩn, hủ tục, nghèo đói và hàng tỉ điều khó lý giải tiếp tục kết hợp cùng COVID-19 tạo ra những chuyện khó tin ở Ấn Độ: nhiều người dân ở vùng nông thôn của huyện Agar-Malwa, bang Madhya Pradesh đã đến những gốc cam ở một trang trại cam để trị bệnh COVID-19 thay vì đến bệnh viện. 

Những nơi này do “lang băm” mở ra, điều trị bệnh nhân theo cách thô sơ nhất, không có thuốc men hay thiết bị y tế nào. Trong video xuất hiện trên Twitter tuần qua, nhiều bệnh nhân trải khăn hoặc bìa cứng trên nền đất, nằm dưới gốc cây để được truyền dịch trị bệnh COVID-19. 

Không mấy người thực hiện giãn cách hay đeo khẩu trang, có chăng là quấn một cái khăn trên mặt. Mặc dù Chính phủ Ấn nhiều lần kêu gọi người dân đi xét nghiệm COVID-19 khi có triệu chứng nhưng truyền hình NDTV của Ấn Độ cho rằng người dân rất sợ đến các bệnh viện do những nơi này đang quá tải với rất nhiều người chết.

Người dân và chính quyền địa phương cũng đang báo cáo tình trạng xác chết, nghi là của những người chết do dịch bệnh COVID-19 được phát hiện trên sông Hằng (sông Ganga), con sông thiêng ở quận Bihar, giáp với bang Uttar Pradesh.

Ông Aman Samir, nhà chức trách địa phương, cho biết: ít nhất 30 xác chết trong tình trạng phân hủy đã được vớt và mai táng. Chưa ai hiểu vì sao nhiều xác chết như thế bị bỏ trôi sông trong khoảng 4 ngày qua vì Chính phủ Ấn Độ vẫn quy định các nạn nhân của COVID-19 phải được hỏa táng và hỏa táng miễn phí. 

Mặc dù chưa thể kết luận những xác chết này có phải là các nạn nhân COVID-19 hay không, việc mai táng người chết không đúng cách càng tạo thêm sự hoang mang cho người dân.

Từ ngày 10-5, các bang Karnataka và Tamil Nadu bắt đầu phong tỏa trong 2 tuần. Trước đó, bang Kerala phong tỏa từ ngày 8-5 để bảo vệ hệ thống y tế khỏi đổ vỡ trước nhu cầu quá lớn của người bệnh. 

Các bang được tự đưa ra các quy định về kiểm soát dịch bệnh và khoảng 80% dân số ở Ấn Độ đang sống trong các khu vực bị phong tỏa. Hiệu quả của biện pháp này, theo kinh nghiệm của Ấn Độ, sẽ rõ ràng trong vòng 3 tuần và chậm nhất đến tháng 6-2021, tình hình dịch bệnh sẽ vãn hồi nhưng sẽ khiến đói nghèo bủa vây nhiều người Ấn Độ hơn trong thời gian tới.

Từ đợt phong tỏa đầu tiên, số người sống dưới mức nghèo đói của Ấn Độ tăng lên 230 triệu người (năm 2019 Ấn Độ còn 78 triệu người nghèo).

Bác sĩ hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Anthony Fauci, cố vấn cấp cao về y tế của Nhà Trắng, cho rằng để kiềm chế dịch bệnh trong ngắn hạn, Ấn Độ nên phong tỏa bên cạnh các biện pháp như tăng cường tiêm chủng.

Các nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh... đã điều động nhiều chuyến hàng y tế gồm máy thở, bình oxy, máy tạo oxy... để giúp Ấn Độ chống lại đại dịch.

Nỗi đau khổ của hai vợ chồng trước lúc hỏa táng người thân mất do COVID-19 ở một nhà hỏa táng tại New Delhi, Ấn Độ ngày 10-5-2021. Ảnh: REUTERS

 

Nepal: 47% dương tính với COVID-19

Từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc rồi lan ra khắp thế giới đến nay, chưa có lãnh đạo quốc gia nào đã phải viết tâm thư như trường hợp ông Sharma Oli - thủ tướng Nepal - để kêu gọi sự giúp đỡ. 

Trong bức thư gửi đến các nước G7 đăng trên báo The Guardian ngày 10-5, ông Oli viết: “Nepal đang quá tải vì COVID-19, chúng tôi cần hỗ trợ: khi tôi viết những dòng này, đất nước tôi đang chiến đấu với một làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới và bạo liệt. 

Sự gia tăng số ca bệnh mới tạo ra những thách thức nghiêm trọng với đội ngũ y bác sĩ, nhân viên chăm sóc sức khỏe, tình nguyện viên và toàn bộ hệ thống y tế. Việc cung cấp giường bệnh cho các bệnh nhân đã trở nên khó khăn. Trong nhiều ngày qua, mỗi ngày Nepal có 8.000 ca nhiễm mới, một con số khá lớn khi dân số của chúng tôi chỉ xấp xỉ 30 triệu người. 

Đất nước chúng tôi đã nỗ lực nhưng việc thiếu tài nguyên đã khiến dịch bệnh thành một gánh nặng quá lớn. Vì vậy, tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy giúp chúng tôi vaccine, bộ xét nghiệm, thiết bị oxy, thuốc và thiết bị điều trị thiết yếu để cứu người”.

Chuyện đau lòng về quá tải bệnh viện, không còn giường trống, cơn sóng thần COVID-19 xảy ra ở Ấn Độ đang lặp lại ở Nepal với quy mô và tốc độ tương đương, thậm chí lớn hơn, khi người bị dương tính và thân nhân phải tự đi kiếm các bệnh viện còn giường trống trong phòng chăm sóc đặc biệt trong vô vọng. 

Trường hợp như anh Dilli Raj Joshi, chết sau ba ngày do không thể nhập viện hồi giữa tháng 4-2021 không phải là hiếm.

Nepal có chung đường biên giới với 5 bang ở Ấn Độ. Khi nước láng giềng bị nhấn chìm trong làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ hai thì hàng ngàn người vẫn tiếp tục qua lại đường biên giới chung, có thể đã mang theo cả virus gây bệnh COVID-19 theo các ngả biên giới.

 Nepal đã tạm ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế cách đây một tuần cho đến ngày 14-5 tới và chỉ duy trì các chuyến bay đến Ấn Độ để đưa những công dân bị mắc kẹt tại đây về nước. 

Dù vậy, nhiều người lo ngại rằng mọi thứ đã quá trễ với Nepal khi tỉ lệ dương tính với COVID-19 ở nước này đã lên mức cao nhất thế giới: 47% (so với số ca xét nghiệm), cao hơn cả Ấn Độ với tỉ lệ là 22%. Số ca dương tính của Nepal tăng 1.200% so với các tuần trước đó.

Ngày 10-5, Nepal có thêm 8.777 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính trên cả nước từ đầu dịch đến nay là 394.667 trường hợp. Ở thủ đô Kathmandu, các giường trong khu chăm sóc đặc biệt đều kín, mọi cơ sở điều trị COVID-19 đều không thể nhận thêm người và nhiều bệnh nhân chết vì không có oxy. 

Tình trạng thiếu oxy diễn ra ở khắp nơi trên cả nước, rất nhiều bệnh viện ở nhiều thành phố thậm chí hoàn toàn không có oxy.

Giới chức y tế Nepal nhận định: thống kê về số ca mắc mới chưa phản ánh hết tình hình dịch bệnh ở đây vì chỉ bao gồm những người đã xét nghiệm COVID-19 sau khi có triệu chứng. Nếu xét nghiệm trên diện rộng, số ca mắc thực tế sẽ cao hơn nhiều. Các chuyên gia cũng cho rằng Nepal mới ở giai đoạn đầu của làn sóng dịch thứ hai. 

Bộ Y tế và dân số của nước này dự báo trong tình huống xấu nhất, Nepal có thể có đến 11.000 ca mắc mới trong một ngày.

Nhà hỏa tháng các bệnh nhân COVID-19 đỏ lửa ở thủ đô Kathmandu, Nepal ngày 9-5-2021. Ảnh: REUTERS

 

Sri Lanka chao đảo

Ngày 10-5, Sri Lanka ghi nhận thêm 2.672 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ, đánh dấu ngày có số ca mới nhiều nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này. Tổng số ca mắc COVID-19 của Sri Lanka cũng đã vượt ngưỡng 125.000, lên 125.906 ca. 

Các số liệu thống kê chính thức cho thấy chỉ tính từ đầu tháng 5-2021 đến nay, Sri Lanka có 17.750 ca mới, chủ yếu do biến thể mới của virus. Các cơ sở điều trị tích cực và các bệnh viện tại Sri Lanka đều đã hoạt động tối đa công suất.

Tuần trước, Tư lệnh Quân đội Sri Lanka Shavendra Silva thông báo quân đội nước này sẽ hỗ trợ xây thêm các bệnh viện dã chiến tại những khu vực có dịch tăng cao với khoảng 10.000 giường bệnh để điều trị bệnh nhân COVID-19. 

Nhà chức trách Sri Lanka để ngỏ khả năng phong tỏa hoặc phong tỏa một phần nhiều địa phương như đã cho đóng cửa trường học trong khi cơ quan hành chính nhà nước chỉ còn hoạt động với số lượng nhân viên tối thiểu.■

Biến thể đáng lo ngại cấp toàn cầu

Ngày 10-5, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về COVID-19 xác nhận: “Chúng tôi phân loại biến thể B.1.617 của virus SARS-CoV-2, phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào nhóm “biến thể đáng lo ngại” cấp độ toàn cầu“.

Bà cho biết: “Đang có một số thông tin cho thấy khả năng lây truyền đã tăng lên (của biến thể này)” mặc dù chưa rõ liệu nó có thể vượt qua sự bảo vệ của vaccine hay không. Trong những ngày gần đây, các đánh giá mới của các nhà khoa học cho thấy biến thể B.1.617 và dòng họ của nó là B.1.617.2 đã lan ra nhiều khu vực ở Ấn Độ. B.1.617.2 được xác định là có khả năng lây nhiễm ít nhất là bằng với biến thể Anh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận