Tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc

DANH ĐỨC 14/01/2024 10:06 GMT+7

TTCT - Đầu tiên năm 2024, báo chí thế giới liên tục đưa tin về tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc, chiếc Phúc Kiến, một cột mốc trọng đại mới của hải quân nước này trong tham vọng vươn xa.

Máy bay J-15 của Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: AFP

Máy bay J-15 của Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: AFP

Chiếc Phúc Kiến, được cho là có thể phóng đi nhiều loại máy bay hơn các chiếc Sơn Đông hay Liêu Ninh trước đó, lại đáng tin cậy và tiết kiệm năng lượng hơn.

Hãng tin Anh Reuters 3-1 nhấn mạnh rằng hiện tại ngoài tàu sân bay lớp Gerald Ford chạy bằng năng lượng hạt nhân mới đang được phát triển cho hải quân Mỹ, chiếc Phúc Kiến sẽ là tàu sân bay duy nhất trên thế giới được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) mới nhất.

Tung ra thêm nhiều máy bay nữa

Hôm thứ ba tuần trước, một sĩ quan chỉ huy chiếc Phúc Kiến hứa hẹn trên truyền hình Trung Quốc: "Trong năm mới này, chúng tôi sẽ... làm việc với quyết tâm và cố gắng sẵn sàng chiến đấu càng sớm càng tốt". 

Được biết, chiếc tàu sân bay thứ ba này của hải quân Trung quốc (PLAN) có độ giãn nước khoảng 80.000 tấn, tức lớn hơn các đối thủ Charles de Gaulle của Pháp (42.000 tấn) và HMS Queen Elizabeth của Anh (65.000 tấn), chỉ thua tàu sân bay lớp Gerald Ford của Mỹ (trên 100.000 tấn).

Chiếc Phúc Kiến vẫn còn sử dụng động cơ tuốc bin - hơi nước, cho dù là 220.000 mã lực, nên phải cặp bến thường xuyên để nạp nhiêu liệu, chưa bằng chiếc Charles de Gaulle, vốn sử dụng năng lượng hạt nhân. 

Song ưu thế vượt trội về tải trọng thể hiện qua số máy bay mà tàu Phúc Kiến có thể đem theo: ước tính khoảng 60 máy bay các loại, được hỗ trợ cất cánh bằng EMALS và hạ cánh "thẳng đứng" bằng cáp móc (CATOBAR) cho phép phóng máy bay cánh cố định nặng và lớn hơn.

So với tàu sân bay thứ nhất Liêu Ninh, vốn chỉ đem theo được 18-24 máy bay chiến đấu J-15 và 17 trực thăng; và chiếc thứ nhì, Sơn Đông, có thể mang 32 máy bay chiến đấu J-15 và 12 trực thăng, cả hai đều sử dụng hệ thống cất cánh hỗ trợ bằng cầu trượt và hạ cánh bằng rào cản (STOBAR), thì chiếc Phúc Kiến rõ ràng vượt trội.

Tàu sân bay lớp Gerald Ford. Ảnh: USNI News

Tàu sân bay lớp Gerald Ford. Ảnh: USNI News

Thử nghiệm và đào tạo

Tàu sân bay đầu tiên của PLAN, chiếc Liêu Ninh, vốn là chiếc Varyag (thuộc lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov) đang đóng dở tại Ukraine khi Liên Xô tan rã, mới chỉ có khung tàu mà không có động cơ, bánh lái và hệ thống điện, đã "trùm mền" tới khi Trung Quốc mua lại từ Ukraine vào năm 1998. Năm 2002, chiếc tàu được vận chuyển về cảng Đại Liên và hoàn thiện tại đó.

Đến tháng 6-2011, khi tàu đã đóng xong, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo tàu Liêu Ninh được sử dụng vào mục đích nghiên cứu và huấn luyện. 

Tàu sân bay thứ nhì của PLAN, chiếc Sơn Đông, cũng được đóng tại Đại Liên từ tháng 11-2013, sau khi chiếc Liêu Ninh đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm gồm sáu chuyến kết thúc vào năm 2012. Thử nghiệm không chỉ để "dò lại" hoạt động máy móc và thiết bị mà còn để huấn luyện thủy thủ đoàn, hình thành thói quen sống, sinh hoạt và tác chiến với tàu sân bay.

Chiếc Sơn Đông hạ thủy ngày 25-4-2017 cũng đã trải qua các thử nghiệm trên biển và được trang bị trước khi đi vào hoạt động năm 2020. Trong khi tàu Liêu Ninh được sử dụng chủ yếu để huấn luyện thì tàu Sơn Đông đã được sử dụng trong các công tác vận hành quân sự "thông thường", hàm ý đã qua giai đoạn "nhập môn" về tàu sân bay.

Chiếc Sơn Đông cũng có thêm thắt một số chi tiết do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo, là tàu sân bay "quốc sản" đầu tiên của Trung Quốc, mở màn cho kế hoạch đóng sáu tàu sân bay sau đó. 

Thủy thủ đoàn của hai chiếc Liêu Ninh và Sơn Đông đã phải mất hơn một năm tập vận hành và sinh hoạt trước khi bắt đầu hoạt động nghiêm túc với máy bay chiến đấu J-15 trang bị trên tàu.

Theo Alexander Neill - chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Diễn đàn Thái Bình Dương, hai tàu sân bay đầu tiên là những nền tảng thử nghiệm cho chiếc tàu sân bay thứ ba Phúc Kiến: 

"Chiếc Liêu Ninh lần đầu tiên giúp hải quân Trung Quốc chuyển sang chế độ vận hành tàu sân bay - xây dựng đội ngũ điều hành, tạo ra nhóm sĩ quan quen thuộc với các vấn đề của tàu sân bay. Còn chiếc Sơn Đông là thử nghiệm trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp đóng tàu".

Nay tới phiên chiếc Phúc Kiến, vốn bắt đầu giai đoạn thử nghiệm từ tháng 11-2023 với nhiệm vụ hoàn toàn khác. Hsu Yen-chi, nhà nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu chiến lược và tập trận (CSWS) ở Đài Bắc, giải thích: "Chiếc Phúc Kiến là tàu sân bay đầu tiên của PLAN có thể chở theo trọn vẹn một đội ngũ máy bay, gồm máy bay tuần tra, máy bay cảnh báo và điều khiển sớm hỗ trợ cho máy bay chiến đấu".

Tàu sân bay Sơn Đông. Ảnh: scmp.com

Tàu sân bay Sơn Đông. Ảnh: scmp.com

Gió đã xoay chiều?

Ngay khi PLAN tung ra chiếc Sơn Đông, National Interest ngày 28-11-2019 đã phân tích lý do Trung Quốc hối hả xây dựng hạm đội tàu sân bay: "Lợi ích mà lực lượng tàu sân bay mang lại trong đạt được các mục tiêu chiến lược vượt xa rủi ro liên quan đến vận hành chúng, một bài học mà Hoa Kỳ từng chấp nhận và là một trong những điều phải được học lại".

Lợi ích chiến lược đó là gì? Đầu tiên là tác động tâm lý. Câu chuyện "Ảnh chụp cho thấy máy bay chiến đấu J-35 "giả" trên tàu sân bay Phúc Kiến" mà tờ Newsweek 3-12-2023 tiết lộ là một minh chứng. 

Thứ hai, tàu sân bay là lực lượng quân sự hỗn hợp mạnh hơn, có thể đi xa hơn, tăng cường năng lực "đánh úp" nếu như không bị một lực lượng tàu sân bay nào khác ngăn cản. 

Với khoảng chục năm thử nghiệm, huấn luyện và vận hành - tính từ chiếc Liêu Ninh năm 2012, có thể nghĩ rằng nay PLAN đã thụ đắc một số bài bản và kinh nghiệm vận động, tác chiến ít nhất cũng là chiến thuật sử dụng cùng lúc hai tàu sân bay.

Tin mới nhất từ Global Times 5-1 cho biết: "PLA mở rộng tuần tra sang tập trận không, hải quân chung ở Biển Đông trong lúc Mỹ, Philippines giảm quy mô tuần tra trong bối cảnh căng thẳng". 

Theo báo này, thoạt đầu Mỹ và Philippines có kế hoạch tổ chức tập trận chung trong hai ngày, từ thứ ba tới thứ năm tuần rồi, song cuối cùng đã điều chỉnh chỉ còn một ngày, với lý do phía Mỹ "chưa hội đủ điều kiện hành quân". 

Trên thực tế, thứ tư tuần rồi lực lượng Mỹ xuất hiện chỉ gồm mỗi một chiến hạm, còn tàu sân bay USS Carl Vinson cùng hai chiến hạm tùy tùng vắng mặt. Các bài tập phân tích hình ảnh và bắn pháo chung đã bị hủy và nguyên lực lượng Mỹ - Philippines "rút gọn" đó lại còn bị một tuần dương hạm và khu trục hạm PLAN bám sát.

Cần nhắc lại rằng trước đó PLAN đã nhất mực ngăn chặn hải quân Philippines tiếp tế cho một đơn vị nhỏ đóng trên bãi Second Thomas Shoal (tức bãi Cỏ Mây) và đến cuối năm 2023, Mỹ và Philippines loan báo chuẩn bị tuần tra chung bao gồm mỗi bên bốn chiến hạm, trong đó phía Mỹ có một tàu sân bay, hai khu trục hạm và một tuần dương hạm (Reuters 3-1). Khoảng thời gian đó cũng là lúc tin tức về chiếc Phúc Kiến tràn ngập báo chí quốc tế.

Tàu sân bay Phúc Kiến. Ảnh: scmp.com

Tàu sân bay Phúc Kiến. Ảnh: scmp.com

Phản ứng của Mỹ

Mỹ đã phản ứng tương ứng với những hoạt động này ở khu vực "sát sườn" của họ, được nêu rõ trong tổng kết "Bộ Quốc phòng kết thúc "Năm quyết định" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" của Lầu Năm Góc công bố ngày 27-12-2023:

(1) Về Nhật Bản: "Đưa các đơn vị quân đội chủ chốt của Hoa Kỳ tới Nhật Bản, bao gồm trung đoàn thủy quân lục chiến Hoa Kỳ - đơn vị tiên tiến nhất của thủy quân lục chiến - cùng một đơn vị tàu đổ bộ để tăng cường đáng kể khả năng răn đe đáng tin cậy trong chiến đấu".

(2) Về Úc: "Tổ chức các chuyến thăm viễn chinh ngày càng dài của tàu ngầm Mỹ, tăng cường luân chuyển máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Mỹ, mở rộng hợp tác giữa các lực lượng trên biển và trên bộ, tăng cường hợp tác về không gian và hậu cần, tiếp tục nâng cấp các căn cứ chủ chốt và hướng tới thành lập Lực lượng luân phiên tàu ngầm Tây Úc vào năm 2027".

(3) Về Philippines: "Mở rộng quyền tiếp cận luân phiên của Hoa Kỳ khắp Philippines bằng cách chỉ định thêm bốn địa điểm Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) mới, tăng khả năng tương tác của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và Philippines, cho phép cả hai nước giải quyết các thách thức chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

(4) Về bán đảo Triều Tiên: "Tăng cường răn đe và luân chuyển các khí tài chiến lược tới bán đảo Triều Tiên, bao gồm chuyến cập cảng đầu tiên của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân (SSBN) tới Hàn Quốc trong hơn 40 năm và lần đầu tiên máy bay B-52 có khả năng hạt nhân hạ cánh xuống bán đảo kể từ năm 1988".

Trên đây là chu vi phòng thủ "sát sườn" của Mỹ vào lúc PLA đang phát triển thật nhanh với lời nói và hành động quả quyết hơn trước, trong khi Mỹ đang bị chia sức ở hai cuộc chiến̉ Ukraine và Gaza cùng những đe dọa trên biển Đỏ và nhất là kẹt năm bầu cử không thể dính trực tiếp tới bất cứ cuộc xung đột nào.■

Báo cáo 2023 của Bộ Quốc phòng Mỹ gửi Quốc hội nước này tựa đề "Diễn biến quân sự và an ninh liên quan tới CHND Trung Hoa" tóm tắt việc PLA phát triển năng lực liên hợp:

(1) "PLA đang tích cực phát triển các năng lực triển khai để Trung Quốc ngăn chặn, hoặc nếu được lệnh, đánh bại sự can thiệp của bên thứ ba vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và để PLA tiến hành các hoạt động quân sự sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu".

(2) "Chiến lược chống can thiệp của Trung Quốc nhằm mục đích hạn chế sự hiện diện của Hoa Kỳ ở các khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông - trong chuỗi đảo thứ nhất - ngày càng khiến Hoa Kỳ gặp rủi ro khi tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận