Thành công và gánh nặng mới

ĐỨC TÍN 28/05/2017 22:05 GMT+7

TTCT - Tiến bộ y học và sự ra đời của những loại thuốc đặc trị hiệu quả cao đã và đang giúp kéo dài thời gian sống của bệnh nhân HIV lên gần ngang bằng với người khỏe mạnh.

minh họa

Mới đây, một báo cáo khoa học đăng trên tạp chí The Lancet sử dụng dữ liệu từ 88.500 bệnh nhân HIV đến từ Canada, Mỹ và các nước châu Âu đã đưa ra một con số đáng mừng: người nhiễm HIV trong những năm gần đây có tuổi thọ trung bình cao hơn 10 năm so với những người nhiễm virút này vào những năm 1990.

Một thanh niên 20 tuổi nhiễm HIV ngày nay có thể sống đến 78 tuổi nếu được tiếp cận các loại thuốc điều trị tân tiến, báo cáo khẳng định.

Dữ liệu của các bệnh nhân được lấy từ 18 cuộc nghiên cứu trước đó, sau đó dự đoán về tuổi thọ của họ được đưa ra dựa trên tỉ lệ tử vong trong 3 năm đầu tiên sau khi tham gia phác đồ điều trị.

Kết quả cho thấy: những bệnh nhân bắt đầu điều trị HIV trong giai đoạn 2008-2010 có tỉ lệ tử vong trong 3 năm đầu thấp hơn so với bệnh nhân bắt đầu điều trị từ năm 1996-2007.

Một trong những đóng góp to lớn nhất trong những khởi sắc của điều trị HIV thời gian vừa qua chính là sự phát triển của liệu pháp kháng virút sao chép ngược (antiretroviral therapy, hay ART). Liệu pháp này đã được miêu tả là “một trong những câu chuyện thành công vĩ đại nhất của y tế công cộng trong 40 năm trở lại đây”.

Hiệu quả, ít tác dụng phụ

Được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1996, ART kết hợp từ ba loại thuốc trở lên có tác dụng ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể, cũng như bảo vệ hệ miễn dịch của bệnh nhân khỏi các tổn thương do virút này gây ra.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo bệnh nhân nhiễm HIV nên được điều trị với ART càng sớm càng tốt sau khi được chẩn đoán, và những loại thuốc được phát triển gần đây đang ngày càng được nâng cao tính hiệu quả, giảm thiểu tác dụng phụ.

Theo nhóm nghiên cứu đến từ Trường ĐH Bristol (Anh), sự ra đời của ART vào những năm đầu thập niên 1990 đóng một vai trò quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân HIV.

Trong khi những liệu pháp điều trị HIV thuở sơ khai đòi hỏi bệnh nhân phải uống hàng chục loại thuốc mỗi ngày vào nhiều thời điểm khác nhau, thì các phác đồ điều trị HIV với ART hiện nay đã có thể tích hợp tất cả vào viên thuốc duy nhất chỉ uống một lần mỗi ngày.

Điều này đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của những người bệnh, cũng như đảm bảo bệnh nhân tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Các loại thuốc điều trị được kết hợp trong ART hiện nay có ít tác dụng phụ hơn so với trước kia, cũng như đem lại hiệu quả rõ rệt hơn hẳn trong việc ngăn ngừa virút phát tán bên trong cơ thể bệnh nhân hay phát triển khả năng kháng thuốc.

Ngoài ra, các chương trình tầm soát, phòng chống HIV được phổ biến rộng rãi đến người dân cùng môi trường chăm sóc y tế tốt hơn dành cho bệnh nhân HIV cũng là những tác nhân được báo cáo chỉ ra đã góp phần gia tăng tuổi thọ người bệnh.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một thực tế rằng người nhiễm HIV do tiêm chích ma túy và các chất gây nghiện khác thường không sống thọ bằng bệnh nhân bị lây truyền HIV qua những đường khác, ví dụ như tình dục.

“Quả là một thành tựu y học tuyệt vời, khi mà một căn bệnh lây nhiễm từng có tiên lượng vô cùng xấu lại có thể hoàn toàn được kiểm soát như hiện nay, kèm theo đó là tuổi thọ cải thiện rõ rệt của các bệnh nhân HIV” - GS Helen Stokes-Lampard, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ đa khoa hoàng gia RCGP tại Anh, cho biết.

“Chúng tôi hi vọng kết quả của nghiên cứu lần này sẽ thúc đẩy quá trình tiến tới xóa bỏ thành kiến xã hội còn tồn tại đối với HIV, đồng thời bảo đảm rằng bệnh nhân HIV có thể sống lâu hơn một cách hạnh phúc mà không phải gặp những khó khăn trong tìm kiếm việc làm và - ở một số quốc gia - tiếp cận với bảo hiểm y tế” - GS Helen chia sẻ. Bà cho biết thêm tỉ lệ bệnh nhân HIV không được chẩn đoán đã giảm đều trong vòng 20 năm trở lại đây, nhưng vẫn còn nằm trong khoảng 12,5% tổng số bệnh nhân.

Thuốc chữa trị hiệu quả đem lại hy vọng cho bệnh nhân
Thuốc chữa trị hiệu quả đem lại hy vọng cho bệnh nhân

Nỗi lo mới

TS Michael Brady, giám đốc y khoa của Quỹ Terrence Higgins (Anh), nhận định báo cáo khoa học lần này cho thấy sự tiến bộ chóng mặt của y học thế giới trong việc chống chọi với căn bệnh thế kỷ từng khiến cả thế giới lo sợ vào những năm 1980.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo tuổi thọ bệnh nhân HIV được cải thiện cũng đồng nghĩa với việc trong vòng vài chục năm nữa “lứa” bệnh nhân HIV ở độ tuổi trung niên sẽ tăng cao, trong khi tỉ lệ bệnh nhân HIV trên 50 tuổi hiện đã chiếm 1/3.

“Chế độ y tế, an sinh và phúc lợi xã hội chưa sẵn sàng để gánh số lượng bệnh nhân HIV ngày một già đi - ông Michael Brady giải thích - Chúng ta cần một mô hình y tế mới để tích hợp thăm khám ban đầu với các dịch vụ HIV chuyên biệt và cần một sự chuyển biến trong nhận thức, đào tạo về HIV và lão hóa để sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân lớn tuổi sống trọn vẹn phần đời về sau của mình”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận