"Thanh khoản" là gì mà quan trọng thế?

NGUYỄN VŨ 08/11/2022 06:48 GMT+7

Đọc các bài phân tích kinh tế - tài chính, chúng ta thường xuyên bắt gặp khái niệm "thanh khoản". Khái niệm này, đúng hơn là sự thiếu hụt thanh khoản, có tầm quan trọng vượt trội so với các lo ngại khác. Nó là gì và vì sao có tầm quan trọng như thế?

Các loại mất thanh khoản

Thật ra với người bình thường, thỉnh thoảng vẫn gặp phải tình huống mất thanh khoản. Ông A có 1 tỉ đồng gởi ngân hàng ở dạng sổ tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, bỗng nhà có việc, ông cần gấp 200 triệu đồng nhưng không biết xoay xở đâu ra. 1 tỉ đồng đóng băng 12 tháng không thể trích ra 200 triệu đồng mà không chịu ít nhiều thiệt hại. Ông A rơi vào tình trạng "thiếu thanh khoản tạm thời".

Thanh khoản là gì mà quan trọng thế? - Ảnh 1.

Ảnh: Baron's

Công ty B có vốn khủng, cả trăm tỉ đồng. Vốn này đã rải ra trong nhiều khoản đầu tư dài hạn như mua nhà xưởng, xe cộ, thiết bị. Họ cũng có các khoản sẽ thu vài tỉ đồng trong vài ba tháng tới. Nhưng ngay hôm nay họ cần 1 tỉ đồng để thanh toán món nợ đến hạn, trong khi tiền mặt trong két cạn kiệt, tiền trong tài khoản thanh toán cũng vừa hết. Công ty B cũng rơi vào tình trạng "thiếu hụt thanh khoản tạm thời".

Cả hai trường hợp này đều dễ giải quyết, chỉ có điều sẽ tốn kém khi phải vay gấp, vay nóng. Như thế, "thanh khoản" nói nôm na là có dễ chuyển đổi tài sản thành tiền mặt mà không phải chịu một cái giá cao hơn bình thường không; nói cách khác, khi cần tiền bạn có sẵn tiền đó không.

Người ta còn dùng từ "thiếu thanh khoản" để chỉ tình trạng có hàng rao bán nhưng không ai mua hay mua được giá. Hàng ở đây có thể là nhà đất (thị trường địa ốc thiếu thanh khoản), cũng có thể là cổ phiếu hay trái phiếu (thị trường chứng khoán mất thanh khoản) và nói chung có thể là các sản phẩm tài chính. 

Giả dụ giá cổ phiếu nói chung đang xuống, ai cũng muốn bán ra, không ai mua vào, dẫn tới thị trường thiếu thanh khoản. Trong trường hợp này, mức chênh lệch giữa giá bán ra và giá mua vào phải khớp thì mới tạo lại tính thanh khoản, tức người bán phải chiều ý người mua, giảm giá mạnh về sát mức người mua định đoạt.

Khó nhất là việc mất thanh khoản do mất niềm tin. Chẳng hạn có vài ba vụ phát hành trái phiếu gian lận bị phanh phui, người đầu tư đâm ra e ngại trái phiếu doanh nghiệp nói chung, bất kể doanh nghiệp phát hành đang ăn nên làm ra. 

Vì thị trường thiếu niềm tin, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không ai mua, xem như mất một kênh huy động vốn. Doanh nghiệp làm ăn dài hạn thường đợi đến khi đợt trái phiếu cũ đến kỳ đáo hạn thì phát hành trái phiếu mới để đảo nợ - nay cũng không phát hành được, cũng được gọi là mất thanh khoản trái phiếu.

Càng quan trọng với hệ thống ngân hàng

Đến đây, có thể ta đã có thể hình dung thiếu thanh khoản với hệ thống ngân hàng nghĩa là gì. Ngân hàng phải luôn dự trữ một khoản tiền mặt nhất định để đáp ứng nhu cầu đến rút tiền của người gởi. 

Thường thì ngân hàng nhận tiền gởi nhiều kỳ hạn, phổ biến nhất là từ một năm trở xuống, rồi cho vay cũng nhiều kỳ hạn, nhưng nhìn chung thường dài hơn một năm. Kỳ hạn cho vay vài ba năm đến mấy chục năm (cho vay mua nhà) là chuyện bình thường. 

Sự không khớp nhau giữa kỳ hạn ngắn của người gởi và kỳ hạn dài của người vay là mâu thuẫn ngân hàng phải giải quyết. Để nhiều tiền mặt hay tài sản có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ thì không có lợi; để ít lại dễ rủi ro không có sẵn tiền mặt đáp ứng nhu cầu rút tiền. Từ đó mới thấy thanh khoản là nỗi lo thường trực của các ngân hàng.

Ngân hàng còn có một nghĩa vụ nữa là đáp ứng yêu cầu duy trì một tỉ lệ dự trữ bắt buộc nhất định do ngân hàng trung ương đưa ra theo từng thời kỳ, phụ thuộc vào loại tiền và kỳ hạn tiền gởi. 

Chẳng hạn, ngân hàng phải dự trữ 3% số tiền huy động được ở dạng không kỳ hạn hay kỳ hạn dưới 12 tháng. Như vậy, số tiền phải đưa vào dự trữ bắt buộc là thay đổi hằng ngày, đến cuối ngày so với số tiền huy động được, nếu tiền đưa vào dự trữ không đạt tỉ lệ bắt buộc thì ngân hàng phải vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng để bù vào cho đủ. 

Nếu ngân hàng nào cũng thiếu thì lãi suất vay qua đêm này tăng lên, có khi tăng vọt; nếu ngân hàng nào cũng thừa thì lãi suất vay qua đêm sẽ giảm. Vì thế, nhìn vào lãi suất vay qua đêm cũng biết được tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Thị trường tài chính thế giới hiện đang thiếu thanh khoản. Đây là điều dễ hiểu, vì so với ngày xưa lúc lãi suất gần bằng 0, tiền rẻ có mặt khắp nơi, chảy vào mọi ngóc ngách để tìm cơ hội đầu tư, thì nay lãi suất đang tăng, nước nào cũng tăng. Chi phí sử dụng đồng tiền tăng tức dòng tiền luân chuyển sẽ giảm - cũng là một dạng thiếu thanh khoản trên thị trường tiền tệ.

Thiếu thanh khoản như thế là một vấn đề lớn, cần giải quyết, bằng không thị trường sẽ không vận hành thông suốt như bộ máy thiếu dầu mỡ. 

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản niềm tin bởi chính nó sẽ làm các ngân hàng không cho vay lẫn nhau, ai cũng thủ tiền mặt để tạo thanh khoản riêng cho mình; thị trường trái phiếu tắc nghẽn; thị trường địa ốc đóng băng; thị trường chứng khoán cứ sụt điểm dù tình hình kinh tế vĩ mô đang được cho là tốt … ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận