Thay đổi tư duy đào tạo nghề

LÊ PHƯỢNG 06/06/2013 23:06 GMT+7

TTCT - Mỗi mùa tuyển sinh tới lại thêm một lần nhiều trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề lo lắng.

Phóng to
Dạy nghề sát với thực tiễn, ra trường có việc làm thì không lo không có thí sinh dự tuyển - Ảnh: T.T.D.

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh - vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo, năm ngoái có 33 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp không tuyển được học sinh, nhiều trường không tuyển đủ thí sinh so với chỉ tiêu đặt ra.

Thông tin mới từ một số trường cao đẳng, năm nay số lượng thí sinh nộp đơn dự thi giảm mạnh. Không chỉ trường cao đẳng lo lắng, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo nghề cũng mất ăn mất ngủ.

Nhìn từ góc độ thị trường, việc các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và một số trường đào tạo nghề khó tuyển sinh là điều đáng mừng bởi nó phản ánh sự phản hồi của thị trường và thái độ của người được chủ động lựa chọn ngành học cho mình. Khi không hoặc khó nhìn thấy cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, người lao động sẽ không đầu tư thời gian và tiền bạc vào ngành học đó.

Phản hồi mang tính thị trường đó buộc nhiều trường phải chuyển động, thay đổi tư duy đào tạo. Họ tìm đến với những đơn vị có nhu cầu tuyển dụng trước, căn cứ trên nhu cầu này nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo và tuyển sinh. Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã triển khai đào tạo nghề trình độ cao đẳng theo đơn đặt hàng là một ví dụ.

Năm 2011, cơ quan này triển khai thí điểm đào tạo 500 học viên, năm sau tăng lên gấp đôi. Kết quả, khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm ngay.

Đứng từ góc nhìn của nhà quản lý, ông Nguyễn Văn Tiến, vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề), cho rằng việc khó tuyển sinh sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của các trường. Các trường sẽ phải thay đổi tư duy đào tạo gần với thị trường lao động hơn, thay vì vẫn đào tạo như cách mình đã làm nhiều chục năm nay. Việc vận hành theo cơ chế cấp phát tài chính kiểu bao cấp đã “níu chân” các trường đào tạo, khiến chậm thay đổi.

Với cơ chế cũ này, hầu hết các trường quan tâm tới việc tuyển sinh và đào tạo đủ chỉ tiêu hơn là quan tâm tới việc dạy gì, dạy như thế nào để học sinh tốt nghiệp có việc làm. “Nhiều trường vẫn sống được vì vẫn được cấp phát kinh phí và vẫn tuyển sinh được. Học sinh sau khi tốt nghiệp có tìm được việc làm hay không lại là chuyện khác” - ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, cần “đẩy” các trường đào tạo ra gần với thị trường hơn bằng việc thay đổi cơ chế tài chính với các trường này. Làm được như vậy sẽ sàng lọc, có trường sẽ không sống nổi do chậm thay đổi hoặc không gắn với thị trường nhưng điều đó lại tốt cho xã hội. Hướng đi này đang được Tổng cục Dạy nghề kiến nghị nhằm bỏ cơ chế cấp phát tài chính, thay bằng đào tạo theo đặt hàng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận