Ta có thể học sửa ống nước, thêu thùa may vá, nhảy múa từ các video ngắn TikTok, nhưng hãy cân nhắc kỹ trước khi theo lời khuyên làm giàu không khó từ các TikToker. Các chuyên gia StockTok. Ảnh: Business InsiderNhững kiểu video chia sẻ bí quyết đầu tư hiệu quả, chơi chứng khoán “bao” thành công trên TikTok phổ biến đến mức có hẳn tên gọi cho loại nội dung này: #StockTok (ghép giữa stock - chứng khoán với TikTok) hay #FinTok (finance - tài chính). Cộng đồng StockTok gồm những người có sức ảnh hưởng và nhà sáng tạo nội dung thường xuyên đưa ra các mẹo đầu tư, lời khuyên tài chính cho hàng triệu người theo dõi trẻ tuổi (hơn 50% người dùng TikTok ở độ tuổi 16-24). Các video #StockTok hiện đã có trên 350 triệu lượt xem.“Một video có thể như một lớp học kinh tế vi mô, nhưng video tiếp theo lại như trò mồi dụ của một đường dây đa cấp” - trang InTheKnow bình luận về sự đa dạng của các video FinTok. Đúng là có những video thực sự hữu ích, với các chuyên gia chính hiệu giải thích một cách dễ hiểu các thông tin thiết thực như thoát nợ thẻ tín dụng, phân biệt sự khác nhau giữa các gói cứu trợ, hay đưa ra lời khuyên chân thành dành cho người trẻ về việc đầu tư, chuẩn bị cho nghỉ hưu... Nhưng mặt tối của cộng đồng này là nhiều “chuyên gia” StockTok chia sẻ những “bí kíp huyền thoại” về đầu tư, những trò lừa đảo, những dự án hứa hẹn làm giàu nhanh chóng (miễn là đóng trước một đống tiền), và nguy hiểm nhất là các thông tin hoàn toàn sai lệch về đầu tư và tài chính.Vấn đề là cơ chế bày biện nội dung để người dùng xem nữa xem mãi của TikTok sẽ lan truyền “những kinh nghiệm của một tay nào đó vô tình kiếm bộn từ việc đầu tư cổ phiếu Tesla, chứ không phải lời khuyên tốt từ một nguồn khả tín”, theo Emily Stewart - cây bút chuyên trách kinh tế và chính trị của Vox. “Lời khuyên tài chính tốt nhất là những lời được đưa ra dựa trên tình hình thực tế của chính bạn, và không thể gói gọn trong một video dài 60 giây” - Stewart nhấn mạnh trong bài viết phân tích 10 video FinTok lan truyền mạnh nhất, chỉ rõ bản chất thật của những nội dung làm giàu không khó, để người xem cân nhắc trước khi nghe theo.Nổi bật trong số đó là video của tài khoản @justhomesgroup, chia sẻ rằng mặt sau thẻ an sinh xã hội của mỗi người Mỹ đều có dãy số, tương ứng với số tài khoản ngân hàng bí mật mà Federal Reserve mở cho mỗi công dân, có sẵn hàng triệu đô. @justhomesgroup còn khẳng định đã sử dụng thành công tiền từ tài khoản đó và bày cho mọi người làm theo. Sự thật, theo Vox, đây là một thứ “tin khó tin” đã được lan truyền ít nhất là từ năm 2017. Báo New York Times và nhiều ngân hàng lúc bấy giờ cũng đã lên tiếng cảnh báo dân chúng đừng mắc lừa. Giờ thì nó trở lại dưới dạng một video TikTok.Vox cũng cảnh báo nên cân nhắc lời khuyên làm giàu không khó điển hình của “doanh nhân tài chính cá nhân” Curtis Ray. Anh này chào mời 1,2 triệu người theo dõi TikTok của mình mua một dạng sản phẩm lai giữa bảo hiểm và đầu tư - đóng tiền liên tục đến khi nghỉ hưu thì hưởng thành quả, rút giữa chừng thì chịu phạt - của công ty do anh làm chủ. Theo Stewart, đó thực chất là “một thứ bảo hiểm nhân thọ đắt đỏ được bán bởi một tay sẽ giàu lên nếu quý vị đăng ký tham gia; hắn hứa sẽ giúp bạn làm giàu, và nói rằng nếu chuyện không như ý thì là lỗi của bạn chứ ai”.Dejan Ilijevski, một chuyên gia đầu tư tài chính kỳ cựu, cho rằng tìm hiểu về tài chính, chứng khoán qua các video FinTock “là một cách thu nạp kiến thức nguy hiểm”. Điểm chung của các nội dung này là không phải tất cả đều vớ vẩn hay lừa đảo; có những cách thức thực sự hợp pháp, nhưng cơ hội làm giàu không dành cho tất cả. “StockTok có thể xấu hoặc tốt, nhưng lời khuyên là tránh xa những thứ liên quan đến “bán hàng” hay “làm giàu nhanh chóng”” - Ilijevski nói với InTheKnow.Stewart viết trên Vox rằng, người trẻ có thêm một kênh lý thú để quan tâm, tìm hiểu thị trường chứng khoán và tài chính cá nhân cũng tốt thôi, có điều “những video với những khẳng định không được chứng thực mà lại được lan truyền mạnh mẽ có thể không phải là nguồn thông tin tốt nhất, và không nên được xem là nguồn duy nhất”. Stewart khuyên người trẻ nên dành thì giờ đọc sách hơn là “theo dõi “bậc thầy” làm ăn trên TikTok”.Còn đây là nhận xét “mát mẻ” của Barbara Weltman, một luật sư chuyên về thuế ở Florida, về những người nghe theo lời tư vấn của một TikToker rằng lập doanh nghiệp dạng S (S-Corporation, một loại hình doanh nghiệp đặc biệt của Mỹ) thì có thể tránh được thuế thu nhập cá nhân, trong khi không phải: “Ai mà nghe lời của cô này thì chắc là cũng nhận tư vấn chứng khoán từ thợ cắt tóc và lời khuyên y khoa từ bà bán tạp hóa”.■ Tags: Tài chínhĐầu tưTiktok
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Giá vé bay Tết cao vẫn khó mua CÔNG TRUNG 18/12/2024 Dù hơn 7 triệu ghế được cung ứng dịp Tết 2025 nhưng tình trạng giá vé cao, khan hiếm khiến nhiều người gặp khó trong việc tìm đường về quê.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.