Thấy sợ “bình thường mới”

HỒNG VÂN 22/10/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Ý nghĩ về việc chọn bộ quần áo đi làm trở lại sau những ngày tháng giãn cách làm bạn hào hứng hay sợ hãi? Bạn có hồi hộp khi trở lại môi trường có đồng nghiệp hoặc bạn bè? Thực tế có nhiều người phải chật vật để thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”.

"Bình thường mới" không chỉ có hào hứng. Ảnh: attheu.utah.edu

 

Điều chỉnh từ từ

Samantha Yammine, nhà khoa học thần kinh người Canada, thấy lo lắng trước khi ghé quán cà phê mới trong khu phố. Điều tưởng chừng rất dễ trước đây là bước vào một quán cà phê và gọi đồ uống đã trở thành một rào cản gây căng thẳng và khó chịu trong tâm trí cô. 

Với hy vọng làm dịu sự mất tập trung của mình, cô điện thoại cho một người bạn trên đường đi bộ đến tiệm cà phê trong khi đặt đồ uống. 

Khi bình thường mới trở lại, dù thông báo được đưa ra trước đó, ở tất cả các nước đã trải qua việc đóng cửa - mở cửa, bên cạnh những người hào hứng đến phát cuồng là những người cảm thấy e ngại khi phải thích nghi trở lại. 

Khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Mỹ công bố tháng 3-2021 cho thấy 49% người lớn tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy không thoải mái khi trở lại kiểu giao tiếp tương tác trực tiếp trước đại dịch. 48% người đã tiêm vắc xin cũng cảm thấy như vậy. 

Sara Stiles, giáo viên ở San Francisco, California sống phần lớn thời gian xảy ra dịch COVID-19 tại nhà với chồng sắp cưới và cảm thấy khá thoải mái vì có thể làm việc tại nhà. Cả hai liên lạc với bạn bè và gia đình bằng cách gọi điện, nhắn tin. 

Họ ra ngoài dạo mỗi ngày nhưng vì Sara quá sợ phải tiếp xúc người khác, cả hai thường chờ đến tối, khi vắng người hơn mới bắt đầu chuyến đi. Khi có người đi tới từ hướng ngược lại, cả hai thường tránh sang lề đường bên kia để tránh họ. Rồi họ tiêm vắc xin và xã hội dần mở cửa.

 Trong khi rất nhiều đồng nghiệp bắt đầu tổ chức các cuộc tập họp bạn bè, Sara cho biết chị vẫn thấy lo lắng và thấy khó xử khi nhận được những lời mời dự tiệc.

“Thực sự tôi không thoải mái một chút nào nhưng rất khó để giải thích mà không làm cho mọi người cảm thấy là mình đang lo lắng quá mức hoặc để họ không nghĩ là tôi không muốn gặp họ”, Sara nói.

Bác sĩ Jonathan Schwartz, bác sĩ tâm thần của bang Massachusetts, Mỹ, xác nhận trên tờ South Coast Today có nhiều bệnh nhân của ông phải vật lộn với việc trở lại cuộc sống “bình thường”.

 Bác sĩ Schwartz cho biết với một số người, đại dịch là một điều may mắn, một số trẻ em cảm thấy hạnh phúc khi không phải đến trường và không phải trực tiếp gặp bạn cùng lứa và giáo viên. 

Theo quan sát của ông Schwartz, việc trở lại cuộc sống cũ với những trách nhiệm trong xã hội trở nên khó khăn với một số người. Giờ đây họ ít lý do để viện dẫn về việc không thể ra khỏi nhà, không muốn gặp gỡ bạn bè. Trẻ em lo lắng khi xung quanh có sự hiện diện của bạn cùng trang lứa. 

Ông Schwartz khuyên: trẻ và người lớn hãy ra ngoài, trời nắng đẹp sẽ khiến tâm trạng họ khá lên nhưng không thể chữa lành nhiều tháng khổ sở vì dịch bệnh.

Dịch vụ y tế quốc gia Anh cũng xác nhận có những người cảm thấy khó khăn khi phải thích nghi trở lại với “bình thường mới” và cho rằng điều này không có gì khó hiểu. 

Nhà tâm lý học Emma Kavanagh (Anh) cho biết: “Chúng ta đã làm quen với nhận thức mới trong suốt 1,5 năm là việc ở gần người khác và ra ngoài tụ tập có thể là rủi ro cho sức khỏe. Não chúng ta đã thích ứng với điều đó, vì vậy nó sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng khi bỗng nhiên ta được tháo cũi sổ lồng, trở lại cuộc sống bình thường”.

 Trang Verywellmind cho biết những người phát triển tốt hơn giữa những trầm lắng trong đại dịch sẽ khó khăn hơn khi điều chỉnh lại cuộc sống sau COVID-19. 

Tin mừng là theo các chuyên gia, giống như cách chúng ta tạo ra lối mòn trên cánh đồng hoang, nếu ngừng đi theo lối mòn, cỏ sẽ mọc xanh trở lại. Nói cách khác, cảm giác lo lắng sẽ biến mất cùng với thời gian và quá trình chúng ta thích nghi với “bình thường mới” theo tốc độ của mình.

2. Bình thường mới có thể khó khăn với nhiều người sau thời gian dài thích nghi với những nhận thức mới về an toàn và phòng dịch. Ảnh: GETTY IMAGE

 

Không ép bản thân

Chúng ta cần thời gian để điều chỉnh lại những hoạt động mình không làm trong nhiều tháng giãn cách. Nếu bạn thấy mình lo lắng khi “nhập cuộc”, cần kiên nhẫn với bản thân và cảm xúc của chính mình và tham khảo thêm ý kiến các chuyên gia. 

Nghiên cứu ở Trung Quốc đăng vào tháng 4-2021 cho biết có 10,8% người có các biểu hiện bị rối loạn căng thẳng sau khi trở lại làm việc. Bài báo khuyến khích lãnh đạo cơ quan văn phòng cần lắng nghe những quan ngại của người lao động và tăng cường các tiêu chuẩn vệ sinh phòng lây nhiễm để hóa giải bớt những tâm lý lo lắng.

Ở giai đoạn bình thường mới, lãnh đạo cởi mở, linh hoạt, thấu cảm, minh bạch, giao tiếp rõ ràng và thường xuyên với nhân viên quan trọng như ở thời kỳ đầu của đại dịch.

Ở góc độ cá nhân, Jennifer Shannon, nhà trị liệu về nhận thức - hành vi chuyên về rối loạn lo âu, cho biết cảm thấy lo lắng là điều tự nhiên và cảm xúc tiêu cực không phải là dấu hiệu chúng ta đang sai. “Hãy chấp nhận rằng chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người”. 

Bà Vaile Wright, một nhà tâm lý học lâm sàng, giám đốc cấp cao về đổi mới chăm sóc sức khỏe tại Hiệp hội Tâm lý Mỹ, cho rằng tâm lý chung của chúng ta là cảm thấy áp lực khi mình khác với mọi người. 

Lời khuyên của bà Wright là: “Hãy xác định rõ mình muốn gì, điều gì làm mình không thoải mái dựa trên các yếu tố rủi ro của cá nhân và nơi bạn sống. Sau đó, cứ mạnh dạn tự tin làm những gì mình đã chọn lựa ngay cả khi có người bạn khuyên bạn nên thế này, thế kia”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận