Thế bế tắc của vắc xin nội địa

LAN ANH 20/12/2023 10:23 GMT+7

TTCT - Chuyện gì đã xảy ra với một đất nước có Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) từng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất?

Nghiên cứu sản xuất vắc xin tại Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm Số 1 - Vabiotec, Bộ Y tế. Ảnh: Nguyễn Khánh

Nghiên cứu sản xuất vắc xin tại Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm Số 1 - Vabiotec, Bộ Y tế. Ảnh: Nguyễn Khánh

Có thể tóm tắt cuộc "khủng hoảng vắc xin" gần nhất của Việt Nam xảy ra hồi tháng 11 vừa qua với câu trả lời thành thật của giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khi được hỏi còn vắc xin tiêm chủng mở rộng không: "Chúng tôi hết rồi, hết từ lâu rồi, chỉ còn vài loại không đáng kể".

Ngày 20-11-2023, Sở Y tế TP.HCM thông báo hết tháng 11 họ cũng sẽ không có nhiều loại vắc xin sử dụng cho tiêm chủng mở rộng (DPT4, viêm gan B, sởi, bại liệt tiêm, sởi - rubella, vắc xin 3 trong 1, bại liệt uống, lao…). Trong số này có những vắc xin đã hết từ tháng 5-2023, vắc xin viêm gan B, sởi hết từ giữa tháng 9-2023, vắc xin bại liệt (đường uống) và vắc xin 3 trong 1 hết từ tháng 11-2023.

Chuyện gì đã xảy ra với một đất nước có Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) từng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất?

Tại Hà Nội, Việt Nam có ba nhà sản xuất vắc xin loại lớn, gồm Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế trụ sở ở Nha Trang (IVAC), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế trụ sở Hà Nội (POLYVAC) và Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH).

Việt Nam cũng đã sản xuất được vắc xin từ những năm 1960, hiện hầu hết vắc xin sử dụng trong tiêm chủng mở rộng (ngoại trừ vắc xin 5 trong 1 là nhập khẩu từ Ấn Độ), tức là rất chủ động về nguồn nhưng vì sao lại thiếu vắc xin đến mức như vậy?

Cản trở đủ thứ

POLYVAC là nhà sản xuất vắc xin rất có tiềm lực nghiên cứu và sản xuất vắc xin tại Việt Nam. Thông thường mỗi năm nơi này cung cấp 5-7 triệu liều vắc xin bại liệt; 2,5-3 triệu liều sởi; 2,5-3 triệu liều sởi - rubella phối hợp.

Họ có vắc xin ngừa vi rút rota - loại vắc xin rất giá trị mà Việt Nam dự định đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng từ 2024. Nhà máy sản xuất vắc xin sởi của POLYVAC theo tiêu chuẩn Nhật Bản và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nhưng nói về giá vắc xin, người biết chuyện sẽ "cám cảnh".

Trong rất nhiều năm, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là đầu mối mua và cấp phát vắc xin cho cả nước. Tuy nhiên sau đó, theo quy định mới về ngân sách, sẽ chuyển/giao kinh phí để các tỉnh tự mua vắc xin. 

Đây là một hướng đi hợp lý nhưng các quy định rắc rối khiến tỉnh nào cũng ngại (nếu mua sẽ mỗi nơi một giá) và kết quả là không tỉnh thành nào mua, trong khi vắc xin bắt đầu cạn kiệt.

Tháng 7-2023, sau nhiều phiên họp, Thủ tướng lại giao Bộ Y tế, cụ thể là Chương trình tiêm chủng mở rộng, quay trở về vai trò làm đầu mối mua vắc xin như trước. Lúc này xuất hiện vướng mắc giá vắc xin khi Bộ Tài chính, Bộ Y tế thẩm định lại giá theo hướng "tính đúng tính đủ" mà các nhà sản xuất kê khai. Các bộ cho là giá kê khai cao, cần tính lại, quá trình này kéo dài tới tận… cuối năm vẫn chưa xong.

Các thủ tục dài dằng dặc này dẫn đến thực tế: hiện nhiều lô vắc xin đã sản xuất, đủ dùng cho năm 2023, một số loại đã có giấy chứng nhận xuất xưởng, đủ điều kiện sử dụng cho tiêm chủng nhưng phải nằm yên trong kho. Năm 2023 được coi là năm thiếu vắc xin nhất từ trước đến nay. 

Tháng 7 vừa qua, nhờ tài trợ của một ngân hàng và một số tổ chức quốc tế, đã có hai lô vắc xin 5 trong 1 diện tài trợ được "cấp cứu" cho tiêm chủng mở rộng nhưng số lượng ít ỏi này chỉ là muối bỏ bể. Bên ngoài, tại các bệnh viện, các em bé mới sinh không có vắc xin để tiêm đúng hạn - điều mà Cục Y tế dự phòng khẳng định "không tiêm đúng phác đồ (lịch hẹn) thì sẽ giảm hiệu quả bảo vệ tối ưu".

Ảnh: Polyvac

Ảnh: Polyvac

Giá mua vắc xin cũng là một khúc mắc lớn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá vắc xin bại liệt POLYVAC áp dụng trong giai đoạn 2010-2023 cho tiêm chủng mở rộng chỉ 1.900 đồng/liều; vắc xin sởi áp giá từ năm 2009 đến nay và chỉ mới trong giai đoạn bàn thảo để thay đổi. Chỉ có vắc xin sởi - rubella là được áp giá xây dựng năm 2018 - một mức giá mà theo một lãnh đạo trung tâm này là "mới và còn có chỗ để… thở". Giá các vắc xin khác đều đã rất cũ bởi thời giá 13-14 năm qua đã thay đổi rất nhiều về yếu tố đầu vào: lương thưởng cán bộ nhân viên, giá vật tư, sinh phẩm…

Tương tự, các vắc xin của IVAC (DPT, lao, uốn ván, uốn ván - bạch hầu giảm liều) cũng rất rẻ, chỉ 1.500-2.500 đồng/liều và cũng đều bị áp giá đã từ rất lâu. Ông Dương Hữu Thái, giám đốc IVAC, nói rằng mức giá này với đơn vị sự nghiệp như IVAC (tự chủ chi thường xuyên) có thể chịu đựng được trong 1-2 năm tới, nhưng họ sẽ không có tiền để tái đầu tư.

Tái đầu tư, nghiên cứu phát triển là vấn đề rất lớn đối với các nhà sản xuất vắc xin, có thể nói là vấn đề sống còn. Nhưng Việt Nam đã nhiều năm qua ít ra được vắc xin mới. Năm 2015 Việt Nam được nhận chứng nhận của Tổ chức Y tế thế giới về quản lý vắc xin, vắc xin sản xuất tại Việt Nam đủ điều kiện tiền thẩm định trước khi xuất khẩu.

Thời điểm đó, thế giới chỉ có trên 40 quốc gia có nền công nghiệp vắc xin đạt được các tiêu chuẩn như Việt Nam. Đã có nhiều mong đợi công nghiệp sản xuất vắc xin Việt Nam sẽ "hóa rồng", trở thành nhà xuất khẩu vắc xin lớn trên thế giới nhờ cơ hội này.

Thực tế cho thấy tám năm qua không có nhiều thay đổi, các cơ hội vẫn chỉ là… cơ hội. Hồi dịch COVID-19, Việt Nam có đến ba đơn vị tham gia nghiên cứu vắc xin, chưa kể những nhà sản xuất tiềm lực sẵn sàng nhận chuyển giao công nghệ từ vắc xin ngoại, nhưng không một vắc xin nào đi được đến thành phẩm và cũng không có thêm vắc xin mới tiềm năng. 

Tài chính đâu để nghiên cứu? Nếu xuất khẩu vắc xin mà nước nhập khẩu đòi thử nghiệm lâm sàng thì tài chính ở đâu… Đấy mới là những câu hỏi hóc búa cản trở ngành công nghiệp sản xuất vắc xin Việt Nam phát triển, dẫu cơ hội đã có từ tám năm trước.

Hiện tại, khi thay đổi về nơi chủ trì mua sắm vắc xin, giá vắc xin đang được thẩm định lại theo hướng "tính đúng, tính đủ". Theo ông Dương Hữu Thái, những thủ tục về giá vắc xin đang ở khâu cuối cùng, nếu mọi việc đúng như dự định thì trong tháng 12 có thể mua bán được. "Số lượng đặt mua đã có hết, nếu xong thủ tục là có vắc xin ngay bởi chúng tôi đã chuẩn bị từ trước"- ông Thái nói.

Những nhà sản xuất như IVAC, POLYVAC… đều đã có vắc xin nhưng cả năm nay không bán được bao nhiêu, ngoại trừ một số ít bán cho những nơi có dịch vụ tiêm chủng ngoài mở rộng, hoặc như POLYVAC có một số xuất khẩu được. 

Hơn 1 triệu trẻ sinh năm 2023 đến lịch tiêm vắc xin không được cung ứng dịch vụ vực kỳ quan trọng này. Bà Nhị Hà cho biết nhiều em bé được cha mẹ ẵm tới trạm y tế tiêm chủng khi đến lịch hẹn nhưng trạm hết vắc xin, phải dời lịch hẹn. Nhiều gia đình phải chuyển sang tiêm chủng dạng dịch vụ, tốn cả chục triệu đồng/gói tiêm, có nhà phải trả góp gói tiêm chủng này.

Ảnh: Quang Định

Ảnh: Quang Định

BAO GIỜ THÔI LONG ĐONG?

Trên diễn đàn Quốc hội ở kỳ họp mới đây, bà Nhị Hà đã đề xuất cơ chế đặc biệt cho mua sắm vắc xin tiêm chủng mở rộng, bởi vắc xin đã hết từ lâu, thời gian thẩm định giá lại quá dài, dẫn đến việc mua sắm vắc xin với giá đảm bảo "tính đúng tính đủ" và đảm bảo các quy trình trở nên trầy trật. Bà đề nghị Bộ Y tế - Bộ Tài chính có quyết sách sớm, để trẻ em kịp thời được tiêm vắc xin đầy đủ.

Nhìn kỹ lại vướng mắc của việc rắc nguồn cung vắc xin năm nay, ngoài việc giá vắc xin cũ đã lạc hậu và áp dụng thời gian dài, khi xây giá mới sẽ có chênh lệch nhiều so với giá cũ, thời gian thẩm định quá dài nên ý kiến của bà Nhị Hà chính là để rút ngắn thời gian thẩm định này. Tuy nhiên đến đầu tháng 12-2023, vắc xin vẫn chưa có và các thủ tục vẫn chưa xong.

Điểm sáng duy nhất của 2023 là POLYVAC vừa xuất khẩu được lô 1 triệu vắc xin sởi đi Ấn Độ, sắp tới có thể xuất khẩu vắc xin này đi Bangladesh và Iran khi các đoàn thẩm định chất lượng của bên nhập khẩu đã sang và đã tiến hành những thủ tục để mua vắc xin Việt Nam.

Việt Nam cũng nằm trong danh sách nhận chuyển nhượng công nghệ sản xuất vắc xin mNRA (công nghệ mới giống vắc xin ngừa COVID-19 Moderna) của Tổ chức Y tế thế giới. Từ công nghệ này, Việt Nam có thể chuyển sang nghiên cứu, sản xuất nhiều vắc xin thế hệ mới, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Câu hỏi có lẽ không phải là liệu các nhà sản xuất vắc xin có tận dụng được cơ hội hay không, mà là khi nào những vướng víu chính sách và bế tắc nguồn tiền đầu tư của họ được giải quyết.■

Mới đây, Bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận ca ho gà đầu tiên ở trẻ em Hà Nội trong năm 2023. Trước đó, tỉnh Hà Giang và Điện Biên ghi nhận dịch bạch hầu. Các ca bệnh xuất hiện trong khi vắc xin hết sạch dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng, không chỉ trong năm nay mà cả các năm sau, khi nhóm trẻ sinh năm 2023 bị trống tiêm chủng nhiều mũi.

Việc tiêm bù cho các cháu tốn kém hơn rất nhiều cho ngân sách so với được tiêm theo lịch. Nếu phải đưa trẻ đi tiêm dịch vụ, giá gói tiêm lớn khiến rất nhiều gia đình không thể chi trả được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận