Thế giới ảo & thực: Trào lưu tự thú

TRẦN PHƯỢNG LINH 23/02/2014 07:02 GMT+7

TTCT - Có những suy tư sâu kín, những câu chuyện mà việc bày tỏ với người khác, dù chỉ một số người thân thiết, vẫn là điều bất tiện, bất khả. Tuy nhiên, ngày nay với sự hiện hữu của thế giới mạng, quá trình tự bạch, tâm sự được đơn giản hóa. Bạn chỉ cần ngồi tại chỗ, đăng nhập tài khoản và đọc được hàng loạt câu chuyện thầm kín của bạn bè, thậm chí của những người xa lạ...


Minh họa: Bích Khoa

1. Khoảng những năm 2005-2009 là thời lên ngôi và cực thịnh của mạng lưới blog cá nhân tại Việt Nam. Các trang Yahoo 360 mọc lên hàng loạt và trở thành “nhật ký ảo” đúng nghĩa nơi mọi người tự do bày tỏ xúc cảm, tâm tình, nỗi lòng thông qua những entry hay những dòng trạng thái.

Nói là nhật ký bởi nó gần như một quyển sổ trực tuyến, cho phép bạn lưu giữ mọi ý tưởng, cảm nghĩ bằng ngôn từ, hình ảnh... Nói là ảo bởi mỗi cá thể đều chỉ hiện diện bằng các nickname, các avatar, các hiệu ứng điện tử. Ảo mà thực, thực mà ảo là vậy.

Khi Yahoo 360 tuyên bố đóng cửa, cộng đồng mạng lập tức chuyển qua các hệ thống blog khác như Wordpress, Blogspot, Tumblr, Opera... Để rồi Facebook xuất hiện cung cấp dạng thức “kể chuyện” đa dạng hơn: từ những status gọn gàng, súc tích đến những note đầy đặn, ăm ắp chữ, kèm theo hình ảnh minh họa sống động, vài đường link kèm nhạc, thông tin thêm...

Chưa bao giờ cuộc đời người ta có thể trở nên cận kề và thực tế đến vậy. Tự bạch về bản thân với cộng đồng đã trở thành một hành động sống phổ biến của con người thời hiện đại. Nó san phẳng những khoảng cách về vật lý, về tâm lý, và nhấn mạnh vào tính đặc biệt của mỗi cá nhân khi mọi người, bất kể ai, đều có quyền kể lại và được đọc câu chuyện cuộc đời mình.

2. Nửa năm trở lại đây, một trào lưu mới xuất hiện trong cộng đồng Facebook, tạm dịch là... tự thú online (confession). Ai có nhu cầu sẻ chia những bí mật thầm kín, những nỗi lòng không thể tỏ bày trực tiếp hoặc không thể lộ diện thì confession sẽ đáp ứng triệt để mong muốn đó.

Người viết bấm vào khung ghi chép được cung cấp bởi trang confession của nhóm mà họ tham gia, gửi lời nhắn mà không cần để lại tên tuổi, địa chỉ. Sau đó admin sẽ trực tiếp đăng tải chúng, công khai dòng tâm sự cho mọi người cùng đọc. Chủ nhân mỗi confession đều hoàn toàn được giữ bí mật, kể cả với admin.

Khởi đi tại Mỹ, châu Âu, Singapore... tận năm 2011, đến đầu năm 2013, trào lưu confession nở rộ khắp thế giới, chủ yếu ở các trường học, lớp học, các diễn đàn, hội nhóm, nơi tập hợp đông đảo thanh niên.

Tại Việt Nam, “cơn bão” confession hầu như gắn liền với giới trẻ. Tại đó, bạn có thể đọc tâm sự sâu kín của vô số người giấu mặt. Đấy là lời tỏ tình thầm lén, là những kỷ niệm hài hước, sâu đậm, là nỗi lòng không tỏ được cùng ai, là những niềm tiếc nuối, ân hận, bức xúc...

Muôn mặt tâm trạng, muôn loại chuyện đời hiện lên, sống động, phức tạp, phong phú. Lướt một vòng quanh những trang confession, bạn thấm thía sâu sắc rằng mỗi cá nhân đều sở hữu những câu chuyện đời mình mà nếu không “tự thú” một cách ẩn danh và tự do như thế, làm sao người khác hay biết được.

Tính vô danh đã mở rộng giới hạn cho nhu cầu tự bạch, tự thú của con người, cho phép họ vượt qua các ràng buộc về quan hệ, đánh giá của những ai quen biết, để giãi bày toàn bộ bản ngã. Nói vậy để thấy rằng được thú nhận, được phát ngôn, được chia sẻ là thứ người ta khao khát muôn đời.

Và sự hiện hữu của thế giới ảo, nơi cái tôi có thể được đại diện chỉ bằng một tên giả, một bức ảnh, một tài khoản, một danh sách bè bạn có sẵn công cụ kết nối, hoặc thậm chí là cái tôi ấy còn được tạo điều kiện để giấu mặt, ẩn mình, thì nhu cầu kia càng được thực hiện nhanh, gọn và trực tiếp.

3. Mạng xã hội, quả thực, đã cho phép nhu cầu tự bạch, tỏ bày được phát triển và thể hiện mạnh mẽ, với tất cả tính tương tác và trực diện của nó. Tuy nhiên, chính sự tiện lợi, ở đây, cũng mang tính hai mặt. Ưu thế của hình thức sẻ chia trực tuyến đã đồng thời trở thành nguy cơ cho chính người tham gia, nếu nó bị lạm dụng hoặc lợi dụng.

Mọi môi trường đều bao hàm những quy luật và giới hạn riêng biệt, và mạng xã hội cũng không ngoại lệ. Bởi thế giới ảo, nói cho cùng, cũng chính là hình tượng phóng chiếu của xã hội thật, của hiện thực. Một khi công khai thông tin lên cộng đồng ảo, đồng thời bạn cũng phải chấp nhận thông tin đó, câu chuyện đó, vốn của riêng bạn, sẽ được đọc, được tiếp nhận, được đánh giá, được lan truyền bởi người khác.

Có cảm thông, san sẻ, ủi an nhưng cũng có không ít thờ ơ, tò mò hay phán xét. Bạn tôi, vốn thường xuyên đăng tâm sự lên trang cá nhân, đã hoàn toàn thất vọng khi nghe phong thanh người khác bảo mình thích thể hiện, thích than vãn. Từ đó cô trở nên khép kín và sống thu mình hẳn, rồi còn dự định khóa Facebook.

Hoặc, nói ngược lại, một cuốn sách mở về bản thân đôi khi cũng khiến xung quanh dễ dàng đánh giá, theo dõi bạn. Hàng loạt trường hợp mất việc hoặc khó xin việc vì đăng tải nội dung nhạy cảm, nói xấu đồng nghiệp, công ty cũ, thể hiện lối sống thiếu trưởng thành, tự chủ... trên trang cá nhân đã được báo chí khai thác thời gian gần đây.

Thậm chí, khi để mở quá mức những thông tin riêng tư, biết đâu kẻ khác sẽ lợi dụng chúng, khi họ đã nắm quá rõ về bạn, vào những mục đích nguy hiểm. Nói cho cùng, chẳng phải nickname nào trong danh sách theo dõi cũng là bạn tốt, bạn an toàn cho việc công khai đời tư.

Tiếp đến, với dạng thức confession, tuy hoàn toàn ẩn danh nhưng sự thật về tính tuyệt mật của hình thức này vẫn chưa được đảm bảo, cụ thể là với người điều hành, khi có thể họ nắm được địa chỉ email hay bất kỳ một dấu vết điện tử nào đó từ việc bạn gửi đi lời tự thú.

Hơn nữa, chính tính vô danh khiến người viết không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào cho phát ngôn của mình. Mà thông tin khi không tác giả, không dẫn nguồn, không minh xác, không kiểm chứng rất có thể sẽ gây hoang mang, tổn thương, hoặc mang tính nhảm nhí, vu khống, bịa đặt. Mọi chủ đề nhạy cảm, những câu chuyện tồi tệ có thể bị đem ra bàn tán, mổ xẻ, nếu tất cả không được kiểm soát trong một giới hạn của tính nhân văn, của văn hóa.

Khi đem câu chuyện riêng tư của bản thân lên “tự thú”, bạn không thể tránh khỏi phản hồi từ đám đông tiếp nhận. Có chia sẻ an ủi nhưng lắm khi cũng có thái độ vô cảm, đùa cợt, đả kích – hậu quả rất khó lường.

Mới đây, cảnh sát tại thành phố Kalispell (Mỹ) vừa đóng trang confession của hai trường trung học, khi nó mang các dấu hiệu của hiện tượng bắt nạt trên mạng (cyber-bullying) với các nội dung: chế giễu diện mạo, nói xấu lẫn nhau, phô bày các chuyện nhạy cảm giữa giáo viên, giữa học sinh...

Ý thức hết những nguy cơ này, bạn sẽ không biến thế giới ảo thành thảm họa thật, mà luôn tận hưởng trọn vẹn khả năng sẻ chia, lan tỏa, đồng cảm từ nó.

 (Trích một Tự thú)

“Con là đứa con không tốt”

- Ngày bước vào cấp III ước mơ lớn nhất của con là chăm học để vào mái trường ngoại thương, nhưng ước mơ đó đã dập tắt trong đầu khi con lên lớp 12, nhà mình đâu có điều kiện để con vào ngoại thương chứ, còn bốn đứa em đang đi học nữa mà.

- Lớp 12 con nghĩ: 1/ thi sư phạm hoặc cảnh sát vì con không mất học phí khi vào đó, nhưng cảnh sát con bị trượt từ vòng khám sức khỏe: thiếu 4kg và 12 phân cao, chỉ còn cách 2/ thi sư phạm.

- Ngày con cầm bộ hồ sơ sư phạm trên tay cha đã xé nó làm bốn. Cha bảo: Mi hãy làm lại hồ sơ thi vào ngoại thương cho tau, dù nhà nghèo nhưng cha mẹ sẽ cho mi ăn học đàng hoàng, mi là con trai trong nhà, mấy đứa em gái có thể nghỉ học chứ mi thì không. Con làm lại hồ sơ vào ngoại thương, và ngành con chọn là quản trị kinh doanh quốc tế, con muốn sau này làm một nhà kinh doanh giỏi.

- Ngày thi đại học con xách balô ra Hà Nội thi, làm bài tạm ổn. Thi xong em gái cho biết mẹ đang bị ốm nặng không ăn uống được gì, cha đang đánh cá ở biển chưa về, con buồn bã hoang mang, bắt xe về quê rồi vay mượn tiền cô bác đưa được mẹ đi trạm xá. Bác sĩ bảo mẹ làm việc quá sức nên sức khỏe dần yếu, mẹ bị thần kinh liên sườn và đau dạ dày, con thương mẹ lắm, con khóc nhưng con phải làm chỗ dựa cho mẹ và các em.

- Ngày mẹ xuất trạm cũng là ngày cha về, vì sóng to nên cá đánh được rất ít, cha được 6 triệu chạy chữa thuốc cho mẹ, một tuần phải đi thành phố lấy thuốc cho mẹ, con cũng đi thả lưới đánh được ít sò, nghêu và cá bán đủ tiền mua mắm cho cả nhà.

- Một tối cả nhà ăn cơm xong, cha bảo cả nhà ngồi lại và nói: nhà ta giờ đã không còn điều kiện, mẹ bệnh, cha làm không đủ tiền cho năm đứa đi học, giờ em thứ hai đang học lớp 10 hãy bỏ học giúp cha mẹ kiếm tiền. Nếu anh các con đỗ ngoại thương thì cho anh và các em còn lại đi học. 

Nghe xong con thất thần, tối hôm đó không khí nhà mình trầm xuống, em thứ hai đã khóc xin cha cho đi học. Cổ họng con nghẹn lại, nước mắt con rơi. Mẹ bảo thế thì các con hãy đi học, ít ngày mẹ khỏe lại mẹ sẽ đi làm kiếm tiền. Con chỉ biết xin cha cho các em đi học, con sẽ nghỉ học đi biển cùng cha, nhưng cha không đồng ý. 

Em thứ hai nói với con, anh ơi em không muốn bỏ học đâu, anh xin cha mẹ giùm em đi, hay cho em đi học một năm nữa thôi em sẽ bỏ học đi làm. Gạt nước mắt cho em, con bảo em đừng lo, em sẽ không phải bỏ học gì hết, để đó anh lo.

- Và hôm nay đáng lẽ con phải vui mới đúng khi con được 27,5 điểm, dư điểm để vào ngoại thương. Nhưng khi biết điểm con buồn lắm cha mẹ ạ, con không dám nói với cha mẹ rằng con đã đỗ. Tối nay cha mẹ hỏi con đã biết điểm chưa? Con phớt lờ dạ chưa biết. 

Con phải làm sao đây, con không thể sống ích kỷ lo cho bản thân con được, con sẽ nghỉ để cho em gái đi học, sau hôm nay con sẽ dừng ước mơ ngoại thương lại, và đây là lần đầu tiên con phải nói dối với cha mẹ. Con buồn lắm cha mẹ ạ. Con sẽ chấm dứt việc học ở đây, cha mẹ sẽ buồn lắm nhỉ, con chỉ muốn nói rằng xin lỗi cha mẹ, con là đứa không tốt.

(FTU Confessions)




Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận