Thế giới có giá bao nhiêu?

NAM MINH 19/12/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Bất chấp kinh tế thế giới hậu khủng hoảng tài chính 2008 tăng trưởng chậm chạp và gần đây còn bị bồi thêm cú sốc virus corona, tổng tài sản trên toàn cầu và mức độ giàu có của loài người vẫn không ngừng gia tăng.

Để trả lời câu hỏi tổng tài sản quy ra tiền trên toàn thế giới hiện là bao nhiêu, Hãng tư vấn chiến lược McKinsey mới đây đã xây dựng bảng cân đối kế toán quy mô toàn cầu tính đến năm 2020. 

Trong đó bên trái là phần tài sản, gồm tất cả các loại tài sản thực (bất động sản, tài nguyên, máy móc, thiết bị...) và tài sản tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, quỹ hưu trí, tiền mặt, tiền gửi tiết kiệm...) do doanh nghiệp và hộ gia đình nắm giữ. 

Bên phải bảng cân đối là phần nguồn vốn tài trợ, tức các khoản phải trả - nghĩa vụ nợ, từ đó suy ra của cải ròng (net worth), tức tổng tài sản trừ đi nghĩa vụ nợ, từ đó xác định sự giàu có của nhân loại.

Ảnh: fritsahlefeldt.com

 

Đu trên sợi dây “tăng trưởng thấp”

Kết quả nghiên cứu của McKinsey cho thấy bảng cân đối kế toán toàn cầu đã tăng hơn gấp ba lần từ năm 2000 đến năm 2020. 

Tài sản tăng từ 440 nghìn tỉ USD (tương đương khoảng 13,2 lần GDP) năm 2000 lên 1.540 nghìn tỉ USD (18 lần GDP) vào năm 2020, trong khi giá trị của cải ròng tăng từ 160 nghìn tỉ USD lên 510 nghìn tỉ USD (gấp 6 lần GDP) trong quãng thời gian tương ứng. 

Những con số lớn tới như vậy tất nhiên là rất khó hình dung. Để dễ so sánh, GDP của cả nước Mỹ năm 2020 là gần 21 nghìn tỉ USD, tức có thể hiểu đại khái là của cải ròng toàn cầu hiện lớn gấp hơn 24 lần tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà nền kinh tế số 1 thế giới làm ra trong một năm. 

Của cải ròng bình quân đầu người là 66.000 USD, đồng nghĩa với việc mỗi người trên Trái đất trung bình đang có tài sản trừ đi các nghĩa vụ nợ khoảng 1,5 tỉ đồng. Tất nhiên, có sự khác biệt lớn giữa các nền kinh tế. Của cải ròng bình quân đầu người chỉ là 46.000 USD ở Mexico, nhưng lại là 351.000 USD ở Úc.

10 quốc gia hàng đầu trong mẫu khảo sát (chiếm 60% GDP thế giới) là Úc, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật, Mexico, Thụy Điển, Anh, và Mỹ gần như không còn thấy sự liên kết lịch sử giữa tăng trưởng của cải ròng và tăng trưởng GDP nữa. 

Trong khi tài sản tăng lên vùn vụt, GDP lại tăng chậm chạp hơn nhiều (với ngoại lệ Trung Quốc): Dù kinh tế toàn cầu tăng trưởng èo uột suốt hai thập niên qua, bảng cân đối kế toán và của cải ròng của những quốc gia này đã tăng gấp 3 lần! 

Điều đó có nhiều lý do, mà quan trọng nhất có lẽ là sự “lạm phát” của các tài sản tài chính và bất động sản, vốn chủ yếu tập trung trong tay người giàu. 

Thực vậy, báo cáo của McKinsey cho thấy bất động sản chiếm tới 2/3 tài sản (chưa tính các nghĩa vụ nợ) và 46% tổng của cải ròng của nhân loại vào năm 2020. 

Nếu tính cả các bất động sản “công” như tòa nhà chính phủ, trụ sở doanh nghiệp..., thì tỉ lệ này tăng thêm 23 điểm phần trăm. 

Các tài sản cố định khác như cơ sở hạ tầng, cơ sở công nghiệp, máy móc và thiết bị, trữ lượng khoáng sản..., vốn là những gì thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lại chỉ chiếm 1/5 tài sản thực và của cải ròng. 

Cần nói rõ, các tài sản thực này đóng vai trò then chốt với kinh tế toàn cầu. “Lợi nhuận” từ đó tạo ra khoảng 1/4 GDP toàn thế giới. Tăng trưởng của tài sản thực cũng hỗ trợ lao động trong việc thúc đẩy năng suất và từ đó tác động ngược lại tăng trưởng kinh tế.

Các tài sản vô hình như tri thức R&D và phần mềm ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại và luôn được hô hào đầu tư phát triển hóa ra lại có giá trị không lớn trên bảng cân đối kế toán. 

Dù một báo cáo vào năm 2015 của OECD cho thấy tài sản vô hình có lợi nhuận kỳ vọng là 24%, cao nhất trong các loại tài sản, chúng lại chỉ chiếm một tỉ lệ đáng buồn chỉ 4% tổng của cải ròng của thế giới và chưa bao giờ được coi là nơi “để dành” tài sản quan trọng, ít ra là theo các chuẩn mực kế toán hiện hành. 

Ảnh: ft.com

 

Nguyên nhân là do giá trị tài sản vô hình với hầu hết doanh nghiệp sẽ giảm nhanh do lỗi thời và cạnh tranh, mặc dù giá trị của chúng với xã hội có thể cực kỳ lâu dài và lớn lao. Đây cũng là một trong những mâu thuẫn cốt lõi của nền kinh tế hiện đại. 

Giá của tiền rẻ

Dữ liệu của McKinsey cho thấy của cải ròng kể từ năm 2000 đã tăng lên khi lãi suất giảm. Các ngân hàng trung ương duy trì môi trường lãi suất thấp và bơm hàng tấn tiền vào nền kinh tế đã làm tăng giá trị của các loại hình tài sản. 

Phân tích cho thấy có mối tương quan nghịch đảo mạnh mẽ giữa của cải ròng trung bình và lãi suất danh nghĩa sau năm 2000, tức lãi suất giảm thì của cải tăng. 

Một lần nữa, bất động sản là nơi phản ánh tiêu biểu mối quan hệ này, khi lãi suất giảm đóng vai trò quyết định khiến giá đất đai, nhà cửa tăng. Nguồn cung đất kém co giãn cũng có vai trò. Úc, Canada, Pháp và Anh là các nước có mức tăng trưởng giá trị bất động sản hộ gia đình cao nhất so với GDP.

Tất cả những phân tích trên cho thấy dấu hiệu bất ổn và thiếu cân bằng của bộ máy kinh tế toàn cầu hiện nay. 

Của cải ròng của loài người đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2000, nhưng sự gia tăng này chủ yếu phản ánh mức tăng trong định giá tài sản, đặc biệt là bất động sản, hơn là đầu tư vào các tài sản hiệu quả thúc đẩy nền kinh tế.

Có nhiều cách khác nhau để nhìn nhận tình trạng của cải ròng quá lớn so với GDP hiện nay. Nó có thể đánh dấu sự thay đổi mô hình kinh tế từ từ, hoặc báo trước một cú sốc đột ngột trong thời gian tới.

Theo quan điểm thứ nhất, tức góc nhìn lạc quan, sự thay đổi mô hình kinh tế xảy ra khiến xã hội chúng ta trở nên giàu có hơn so với trước đây. 

Theo quan điểm này, các xu hướng toàn cầu bao gồm dân số già hóa, xu hướng tiết kiệm cao của những người ở mức thu nhập cao hơn, và việc chuyển sang đầu tư nhiều hơn vào những thứ vô hình là những yếu tố tiềm năng thay đổi cuộc chơi. 

Những điều này kết hợp với nhau có thể dẫn đến lãi suất thấp hơn một cách bền vững và kỳ vọng ổn định cho tương lai, do đó là cơ sở phù hợp để định giá tài sản cao hơn so với trước đây.

Ngược lại, nếu quan điểm thứ hai đúng, tức góc nhìn bi quan có lý, thì thời kỳ phân hóa dài hơi giữa tăng trưởng kinh tế thấp trong khi của cải ròng lại tăng chóng mặt sẽ phải kết thúc. 

Giá tài sản đang ở mức quá cao cuối cùng sẽ phải trở lại mối quan hệ dài hạn của chúng so với GDP, như đã từng thể hiện trong quá khứ. Tất nhiên, điều này sẽ dẫn đến một cú sốc, ví dụ giá bất động sản sẽ lao dốc, thị trường chứng khoán sụp đổ, vân vân và vân vân.

Lời khuyên báo cáo đưa ra là một nhận định kinh điển: “Trong khi hy vọng cho điều tốt đẹp nhất, hãy chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”. 

Cách thông minh nhất để hướng về tương lai với các nhà quy hoạch chính sách là nhắm đến sự ổn định và đồng quy tương đối của tổng tài sản so với GDP bằng cách tăng GDP. 

Để đạt được điều đó, việc chuyển hướng vốn sang các mục đích sử dụng hiệu quả và bền vững hơn trở thành mệnh lệnh của thời đại, không chỉ để hỗ trợ tăng trưởng đồng đều và bảo vệ môi trường, mà còn để bảo vệ chính sự giàu có và hệ thống tài chính hiện hữu. 

Chuyên gia “định giá hành tinh” có lẽ là đầu tiên trong hệ Mặt trời, Greg Laughlin, kiêm giáo sư thiên văn học và vật lý thiên văn ở Đại học California, Santa Cruz, đã phát triển một công thức đặc biệt để xác định giá trị quy ra tiền của cả Trái đất, bao gồm toàn bộ các tài nguyên thiên nhiên, chứ không chỉ những tài sản do con người sở hữu, như kiểu tính toán của McKinsey. Kết toán của ông: Trái đất có giá trị 5 triệu nghìn tỉ USD.

Tất nhiên, định giá này không có ý nghĩa với dân tài chính và giới làm chính sách kinh tế như tính toán mực thước bên trên. 

Chính Laughlin nói: “Công thức này chỉ nhằm giúp các bạn nhận ra Trái đất quý giá đến thế nào và tôi hy vọng chúng ta với tư cách một xã hội sẽ biết gìn giữ những gì mình đang sở hữu”. 

Mức định giá của ông, gồm một số 5 và 15 số 0, tương đương với GDP gộp lại cả một thế kỷ của toàn thế giới.

Những con số trăm tỉ nghìn tỉ, thậm chí triệu tỉ đôla dễ hiểu là có thể gây chóng mặt với hầu hết phàm nhân. Ta có thể so sánh để dễ hiểu hơn. 

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ cần bỏ ra 160 đôla mỗi năm cho một người đang sống trong tình trạng nghèo cùng cực, thì nạn đói trên thế giới có thể bị loại bỏ vào năm 2030. 

Điều đó đồng nghĩa với việc 1 tỉ đôla có thể đưa được 6,25 triệu người nghèo cùng cực thoát khỏi tình trạng đói ăn. 

Thực ra, Liên Hiệp Quốc nói việc chuyển tiền mặt trực tiếp để giúp tất cả mọi người trên thế giới thoát cảnh nghèo cùng cực (theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới là có mức thu nhập dưới 1,25 đôla/ngày) sẽ tiêu tốn 116 tỉ đôla một năm, tương đương 0,001% tổng của cải ròng toàn cầu, theo tính toán của McKinsey. 

Cũng theo LHQ, hiện thế giới vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu ăn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận