Thế giới nhìn từ phòng ngủ

HOA KIM 29/04/2020 04:04 GMT+7

TTCT - Không còn lựa chọn, những người đang bị trói chân ở nhà tìm đến các tour du lịch và trải nghiệm “ảo” để đưa họ đi khắp nơi mà không phải đi đâu cả. Nhưng càng ngắm nhìn thế giới từ phòng ngủ, ta càng thèm khát được ở trong thực tại để chạm, nghe, ngửi, nếm những gì công nghệ còn lâu mới thay thế được.

Ảnh: AdobeStock
Ảnh: AdobeStock

Khi cây bút du lịch Toby Skinner của Đài BBC chinh phục thành công đỉnh Everest, được mệnh danh “nóc nhà thế giới” ở độ cao hơn 8.800m, anh không cảm nhận được cảm giác kiệt sức mà nhiều nhà leo núi trước anh từng mô tả. Sau hành trình vượt qua những dốc núi đã khiến không ít người bỏ mạng, Toby thừa nhận chỉ “thấy hơi chóng mặt và buồn nôn”.

Chuyến leo núi kéo dài một giờ, với người đồng hành là hướng dẫn viên thuộc bộ tộc Sherpa địa phương, diễn ra hoàn toàn từ căn hộ của Toby ở khu Hackney, phía đông thủ đô London của nước Anh, thông qua Everest VR - trò chơi thực tế ảo của nhà phát hành Sólfar.

Bỏ ra 120.000 đồng để mua và tải trò chơi về máy và trang bị cho mình một kính thực tế ảo, người chơi có thể trải nghiệm một chuyến chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới từ A đến Z: tham gia nghi lễ dâng hương của người địa phương trước khi khởi hành, nghe hướng dẫn viên dặn dò về cách sử dụng các thiết bị leo núi, và băng qua những khe, vực hiểm trở bằng các thao tác mô phỏng việc leo núi thực thụ cùng “hình ảnh trung thực không gì sánh bằng”, theo lời quảng cáo của nhà phát hành.

Từ một người đi du lịch thường xuyên vì sở thích và yêu cầu công việc, giờ đây Toby - và hơn 1/3 dân số thế giới, theo thống kê cuối tháng 3-2020 của AFP - đang phải hạn chế ra đường như một trong các biện pháp giãn cách xã hội nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

“Khoảng thời gian này đã trở thành dịp để suy ngẫm về ý nghĩa thật sự của đi du lịch, một việc tôi làm gần như mỗi tháng trong suốt nhiều năm. Liệu người ta có thể đi du lịch mà không phải... đi?” - Toby đặt câu hỏi, rồi tự đưa ra câu trả lời: “Có thể, theo nghĩa nhất định”.

Du lịch “salon”

Everest VR chỉ là một trong rất nhiều trò chơi điện tử giúp người dùng trải nghiệm các địa điểm du lịch và không gian văn hóa trên thế giới ngay trong chính căn nhà của mình hoặc từ bất cứ đâu.

Với nhiều lựa chọn kính thực tế ảo đến từ các thương hiệu công nghệ như Oculus, HTC Vive, Samsung Gear hay Microsoft HoloLens, ta có thể bơi lội tung tăng cùng những chú cá voi xanh khổng lồ và đàn sứa đẹp lung linh trong theBlu, hay điều khiển robot Mars Rover thám hiểm bề mặt sao Hỏa trong Mars 2030.

Với ứng dụng (miễn phí) Expeditions của Google, người dùng có thể tham gia các tour tham quan thực tế ảo đến những địa điểm mà có tiền cũng chưa chắc đặt chân đến được, như Trạm không gian quốc tế - ISS hay Bảo tàng quốc gia Iraq.

Đài BBC của Anh cũng đã bắt tay sản xuất video 3D 360º về chủ đề tự nhiên và thế giới hoang dã như hiện tượng nhật thực nhìn từ không gian hay trải nghiệm lặn biển cùng đàn cá nạng hải ở Mexico.

Dự án cộng đồng Google Arts & Culture thì hoạt động như một bảo tàng trực tuyến với kho dữ liệu miễn phí và đồ sộ những hình ảnh có độ phân giải cao của những tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại hàng trăm bảo tàng và di sản đối tác trên khắp thế giới.

“Chiêm ngưỡng thiên nhiên, dù là qua không gian số, đã được chứng minh có lợi cho sức khỏe tinh thần, thứ đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay... Khi người ta buộc phải đi du lịch ít lại, đây có thể là lúc công nghệ VR phát triển bùng nổ” - Lee Bacon, kỹ thuật trưởng bộ phận sản xuất nội dung về lịch sử tự nhiên và thế giới hoang dã của BBC, nhận xét.

Trong phần bình luận về trò Il Divino tái hiện không gian trưng bày những kiệt tác của danh họa, nhà điêu khắc và kiến trúc sư đại tài người Ý Michelangelo bằng công nghệ thực tế ảo, một người chơi nhận xét trải nghiệm của anh trong trò chơi “tốt hơn ngàn lần” so với chuyến du lịch thực tế của anh trước đó.

Vì sao ảo lại hơn thấy tận mắt? “Không có đám đông chen chúc đến mức có thể cảm thấy hơi thở của người phía sau trên gáy, không có những nhân viên an ninh người Ý nhìn bạn đầy ngờ vực, và không có những du khách bất lịch sự” - người chơi với nickname GlitchNMatrix88 viết.

Việc tiếp cận gần sát những kiệt tác của Michelangelo thật sự là một trải nghiệm có một không hai mà đối với nhiều người chỉ có thể thực hiện trong không gian ảo.

Ảnh: FT
Ảnh: FT

“Chạm” vào ảo ảnh

Tiến sĩ Ian Pearson, người điều hành Công ty Futurizon chuyên tư vấn về các xu hướng công nghệ trong tương lai, nói với Toby của BBC, ông dự báo một loạt phát minh sáng tạo trong tương lai sẽ giúp du lịch từ xa trở nên ngày càng trung thực và sống động, đặc biệt là trong phạm trù thực tế ảo.

Ian lấy ví dụ bằng khái niệm Active Skin, dự báo trở thành hiện thực vào năm 2030, cho phép người dùng “chạm” vào được không gian ảo mà mình đang trải nghiệm bằng xúc giác chân thật. “Chúng ta đã có thể sản xuất linh kiện bán dẫn (transistor) nhỏ đến mức có thể đi xuyên qua da. Chúng có thể được phun lên da như một lớp mực và gửi tín hiệu đến hệ thần kinh trung ương” - Ian cho biết.

Những con transistor tí hon này sau đó có thể “đánh lừa” xúc giác của cơ thể, khiến ta cảm nhận được ánh nắng chiếu trên da thịt cùng làn gió biển ở thiên đường nghỉ dưỡng Maldives, hay chạm tay vào những phiến đá hoa cương mát lạnh của ngôi đền Taj Mahal linh thiêng mà không phải rời khỏi nhà nửa mét.

Nhưng thập niên 2050 mới là thời điểm mà Ian dự báo sẽ chứng kiến “những bước tiến thật sự to lớn” trong lĩnh vực này. Khi đó, ông đánh giá con người sẽ có đủ nền tảng công nghệ và hạ tầng Internet tốc độ cao để tải thông tin não bộ của mình lên không gian số trong thời gian thật thông qua những thiết bị nano được kết nối với các mối nối thần kinh, cho phép người dùng điều khiển từ xa các robot có thể thay ta chu du thế giới mà không cần phải thật sự có mặt tại nơi đó.

“Bạn có thể đứng ở London và chọn kết nối đến một con robot ở Úc chẳng hạn. Khi đó, bạn có thể điều khiển robot và làm mọi thứ mà mình có thể làm với cơ thể thật, và còn hơn thế nữa” - Ian giải thích thêm.

Không gì bằng thực tại

Biên tập viên du lịch William O’Connor của trang The Daily Beast khẳng định anh đã thử qua hầu hết những nền tảng “du lịch online” phổ biến trong thời gian cách ly tại nhà để có đánh giá khách quan về chúng.

Anh đi đến kết luận: nếu cần thoát khỏi sự nhàm chán của những chuỗi ngày “luyện phim” Netflix hay hoàn thành trò chơi xếp hình với 2.000 mảnh ghép thì du lịch tại gia là một sự lựa chọn đáng thử. Nhưng để đáp ứng kỳ vọng của một người đam mê du lịch thực thụ thì những công nghệ hiện có còn lâu mới đạt được.

Cuộc trò chuyện cùng tiến sĩ Ian Pearson và những viễn cảnh như bước ra từ một bộ phim giả tưởng khiến Toby cảm thấy đau đầu. Anh quyết định dành phần còn lại của chiều chủ nhật để thả bộ trong công viên gần nhà với quyết tâm dành thật nhiều thời gian tận hưởng những điều giản dị xung quanh mình mà trước giờ anh ít có dịp để ý đến: những biển hiệu, bức tượng, những con thiên nga và le le lướt nhẹ trên mặt hồ phẳng lặng. Anh bất ngờ khi nhận ra đàn bồ câu mọi ngày hôm nay bỗng cất lên những thanh âm nghe bình yên đến thế!

“Du lịch vốn luôn là một khái niệm khó định nghĩa bằng những ngôn từ triết học, nhưng bằng cách sống chậm lại, quan sát và thật sự trân trọng những thứ xung quanh, tôi cảm thấy mình chẳng khác nào đang đi du lịch” - Toby chiêm nghiệm. Anh cho biết các nhà phát triển công nghệ còn rất xa mới có thể tái hiện toàn bộ những gì anh đang trải nghiệm ngay lúc này trong chính không gian gần gũi nơi anh sinh sống.

Khi “chinh phục” thành công đỉnh Everest trong thế giới ảo, niềm vui sướng mà nó mang lại cho Toby không nhiều bằng việc nhìn ngắm lũ bồ câu dạo chơi trong công viên Victoria. “Chúng ta sẽ còn chứng kiến những thế giới ảo đẹp đến choáng ngợp trong thời gian tới, nhưng đối với tôi, không gì có thể sánh bằng thực tại”.■

Không phải trong đại dịch người ta mới tìm đến du lịch “ảo” như một sự thay thế rẻ tiền và sáng suốt so với “xách balô lên và đi”: tác động khủng khiếp của ngành hàng không lên môi trường đã được nhiều người cảnh báo từ sớm.

Trong những năm gần đây, khi chủ đề môi trường tốn nhiều giấy mực của báo giới, nhiều người đã phải đặt lên bàn cân bài toán đạo đức giữa việc góp phần bức hại môi trường qua những chuyến bay và cái thú khám phá những chân trời mới lạ.

Tác giả Reif Larsen của The New York Times so sánh điều này như một “cuộc khủng hoảng hiện sinh sâu sắc” đối với một cây bút chuyên viết về du lịch như anh. Sau nhiều đắn đo, Reif đi đến kết luận anh sẽ duy trì ở mức tối thiểu cường độ du lịch của bản thân và lên kế hoạch kỹ lưỡng hơn cho từng chuyến đi, nhưng sẽ không “nói không” hoàn toàn với du lịch. “Tôi sẽ cố gắng khám phá những điểm đến gần hơn và tìm những cách thay thế để khỏa lấp cái thú du ngoạn”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận