TTCT - Dịch vụ video trên mạng YouTube xuất hiện từ tháng 2-2005. Trong tám năm qua, mỗi phút người sử dụng - đa số là trẻ - tải lên, xem và chia sẻ hàng ngàn đoạn phim. Khảo sát những người sử dụng YouTube sẽ giúp ta hiểu hơn giới trẻ, qua trả lời phỏng vấn lenta.ru của bà Danielle Tiedt - phó chủ tịch phụ trách tiếp thị của YouTube. TTCT trích giới thiệu. Phóng to Âm nhạc và chuyện hài hước * LENTA.RU: Có hay không hình mẫu trung bình một người sử dụng YouTube, và họ quan tâm những gì? - Bà DANIELLE TIEDT: Lớp khán giả chủ yếu giúp YouTube định hướng là "thế hệ C" ("Generation C"). Chúng tôi gọi thế vì tính cách của họ có thể khắc họa bằng 4C: curation (chọn lọc), creation (tạo lập), connection (kết nối) và community (cộng đồng). Chọn lọc - đó là những gì người sử dụng đem ra chia sẻ để thể hiện mình, thứ mà bạn tìm đến hoặc chia sẻ trên YouTube sẽ cho thấy bạn là người như thế nào. Bà Danielle Tiedt - Ảnh: businessinsider.com* Người sử dụng trung bình theo thống kê của chúng tôi thích tạo lập nội dung và họ tải lên YouTube một lượng phim khá lớn. Kết nối - đó là nhu cầu giao lưu trên mạng xã hội, đa số sử dụng YouTube bằng điện thoại và smartphone. Cộng đồng - là việc chia sẻ nội dung của họ tích cực đến đâu. Chúng tôi thấy người sử dụng trung bình tải lên một lượng phim rất lớn và khoảng nửa tổng số lượt xem là nhờ những người sử dụng chia sẻ với nhau. Thành thử trang cá nhân của người sử dụng trung bình được diễn tả bằng bốn điểm đó. Chủ yếu họ đều dưới 35 tuổi, nhưng cũng có những người lớn tuổi hơn. * Có chăng những nhóm người sử dụng theo các mối quan tâm riêng? - Trước hết tôi khẳng định tính chất chủ yếu của YouTube là được tạo ra cho tất cả mọi người, ở đó bất luận bạn có yêu cầu nào thì cũng có thể tìm được phim phù hợp thị hiếu của mình, nhưng phổ biến nhất vẫn là hai thể loại âm nhạc và hài hước. Chúng tôi coi chính vì thế mà "thế hệ C" ưa thích YouTube. Nội dung âm nhạc và hài hước vẫn là phổ biến nhất trong "thế hệ C". * Những người sử dụng tìm đến YouTube để xem tin tức có nhiều không? - Người tìm tin tức thì nhiều vô kể. * Những tin tức gì trên YouTube được người sử dụng ưa thích hơn cả: phóng sự vụ án, những sự cố vừa xảy ra và những loại phim tương tự chiếm áp đảo phải không? - Tôi lấy kênh Russia Today có đông đảo khán giả thế giới làm ví dụ nhé. Đông nhất trong số khán giả của kênh này theo dõi vụ mưa thiên thạch ở Cheliabinsk ngày 15-2-2013, đấy đâu phải là những cảnh tượng xác chết máu me. Rồi động đất ở Trung Quốc, sóng thần ở Nhật Bản. Tôi thấy "thế hệ C" mong chờ ở YouTube không phải những chuyện giật gân, mà là những điều đụng chạm đến từng người trong chúng ta. Nhờ thế mà số lượt truy cập tăng mạnh. * Nếu nói đến mưa thiên thạch thì chúng ta được xem là nhờ những người sử dụng YouTube thông thường, họ đưa phim lên ngay khi thiên thạch vừa rơi. Thế những nội dung chuyên nghiệp thì sao? Nó có ít hấp dẫn hơn những chuyện này không? Ðâu phải ngày nào cũng có thiên thạch rơi. - Một trong những nguyên nhân khiến "thế hệ C" đến với YouTube đó là họ muốn thấy những gì nguyên sinh, chính gốc. Vâng, họ cũng muốn thấy sự phản ánh đề tài của nhà siêu chuyên nghiệp, nhưng họ cũng thích xem tất cả các phim nghiệp dư ngay từ hiện trường. Một trong những ví dụ nhãn tiền là "Mùa xuân Ả Rập": có rất nhiều phim của giới chuyên nghiệp được người sử dụng YouTube sẵn lòng theo dõi. Nhưng khán giả của chúng tôi cũng không kém thích thú trước những đoạn phim của các nhân chứng bình thường quay bằng máy nghiệp dư. * Nhưng đáng ngại ở chỗ đó là nguồn thông tin không đáng tin cậy lắm. Còn thông tin đáng tin cậy từ những kênh đã được kiểm chứng thì lượng người tìm đến nhiều đến mức nào? - Người ta muốn có cả cái này, cả cái khác. Bản thân khái niệm "độ tin cậy" cũng đang tiến triển, thường thì người sử dụng trung bình của chúng tôi hiểu là "tôi tin bạn, đây là account của bạn, số điện thoại của bạn, phim của bạn về những gì vừa xảy ra". Mà những người sử dụng như thế biết thừa còn có hàng tá quan điểm khác, cho nên phim của giới chuyên nghiệp cũng gia tăng. Nhưng dẫu sao người sử dụng vẫn muốn biết quan điểm của nhân chứng bình thường. * Có ví dụ nào về những kênh tin tức trên YouTube kiếm được đủ tiền để bảo đảm các hoạt động của mình? - Kênh tin tức ư? Có, và nhiều lắm. Mọi trang tin tức của Mỹ đều có mặt trên YouTube. Nhưng thành công nhất, theo tôi, là kênh của ấn bản VICE, nó thú vị thật sự cho những ai theo các chuyên đề của nó. Nó kết hợp thành công cách tiếp cận truyền thống với sở thích của người sử dụng mà vẫn làm phim rất chuyên nghiệp. VICE trở thành kênh tin tức phát đạt nhanh nhất. Tôi thấy nó sắp có hàng tỉ người xem. * Trên YouTube có thể tìm thấy mọi thứ, nhưng nếu người sử dụng chỉ quan tâm đến âm nhạc và mèo thì họ sẽ được giới thiệu toàn những clip về mèo. - YouTube tổng hợp lượt xem ở các kênh và tạo nên bức tranh cá nhân cho người sử dụng. Nếu bạn thích xem tin tức, hãy đăng ký vào những kênh tương ứng. VICE, RT, The New York Times hay The Financial Times, hằng ngày bạn sẽ thấy YouTube đăng tải trên những kênh ấy các phim gì. Tương tự vậy với những chủ đề còn lại, nếu như bạn quan tâm những thứ mọi người đang xem, bạn vào tài khoản (account) của mình và lái chuyển thông tin hướng theo khẩu vị đó của mình. Nhưng khi bạn thoát ra khỏi tài khoản của mình và vào lại trang chính sẽ thấy nó khác nhiều. Bạn sẽ gặp những xu hướng mà hàng tỉ người trên thế giới đang theo. Điều quan trọng cho chúng tôi là phải cân bằng giữa những thứ tất cả đều xem với thứ được một người sử dụng cụ thể ưa thích. Và những câu chuyện con người... * Ta chuyển sang đề tài khác đi - những clip có sức lan truyền như virút. Như clip Gangnam style, chẳng mấy ai biết đến nhưng lên YouTube nó lặng lẽ gom người xem. Tiếp đó, truyền thông tích cực nhập cuộc và lượng người truy cập tăng vùn vụt. Nghĩa là những clip như thế không thể thật sự phổ biến nếu thiếu sự ủng hộ của giới truyền thông? - Vào việc, chúng tôi thấy có vô vàn con đường để dẫn dắt các clip lan tỏa. Không có công thức duy nhất đâu: Gangnam style được tăng tốc nhờ các phương tiện truyền thông truyền thống, nhưng thế không có nghĩa truyền thông giúp nó lan tỏa. Ví dụ Call me maybe trở nên hot là nhờ ca sĩ Canada Justin Bieber làm một cú nhại lại chính mình. Hoặc Harlem shake lan truyền mà không nhờ đến truyền thông (truyền thông chỉ ghi nhận sự kiện và vô hình trung làm nó phổ biến hơn). Và còn những phim với các ca khúc chẳng có đại danh nào bảo lãnh, chẳng được truyền thông nhắc đến, nhưng nhờ người sử dụng thông thường xem nhiều nên vẫn trở nên phổ biến... Có thể chăng giới truyền thông đánh lừa người sử dụng, tuồn lên mạng một phim nào đó và loan tin "hãy xem, đang được lan truyền" và phim lan tỏa thật, bởi người sử dụng nghe theo truyền thông? - Phải tách bạch lượng người xem với độ lan truyền. Độ lan truyền được xác định bởi độ chia sẻ của người sử dụng. Bạn có thể xem phim theo lời của giới truyền thông, nhưng trước đó trên mạng xã hội chưa phổ biến gì về nó, phim đó vẫn không trở nên lan truyền. Harlem shake chẳng hạn, rất nhanh chóng rơi khỏi tầm mắt người sử dụng. Liệu truyền thông có thể kéo dài tuổi thọ của nó nếu như họ vẫn cứ tiếp tục lăngxê? Trên thực tế không có cơ hội kéo dài tuổi thọ của thứ gì đó, nếu như nó quả là không thể thọ. Nó chỉ được phổ biến đúng ở mức cộng đồng ghi nhận. Cho nên, theo tôi, truyền thông truyền thống phải mau mau học cách phát hiện cho sớm. Càng sớm càng tốt. Truyền thông cần phải như thế, phải đứng ở hàng tiền phong. * Nhưng bằng cách nào để đoán trước rằng mối quan tâm đến đề tài này nọ sẽ nhạt đi? - Ở đây chẳng có phép mầu gì cả. Làm thế nào để đề tài lan tỏa? Đó là khi một cộng đồng thấy thứ gì đó để nói "chính chúng tôi làm ra đấy" và sẽ có cảm giác là mình sở hữu thứ đó. Nhưng đề tài nào càng bộc phát thì càng chóng chết. Đám đông chủ lực của YouTube luôn muốn mình là tiên phong, phải là lớp người đầu tiên làm được hết. Nhưng khi ai cũng biết hết cả rồi thì... * Thế ở YouTube có theo dõi những đề tài đại chúng khác? - Tất nhiên, có chứ. Người nào muốn cứ vào youtube.com/trends xem những đề tài đó. Nếu bạn muốn biết "thế hệ C" nhập cuộc hay nằm trong số người đầu tiên biết về xu hướng đó ra sao, bạn sẽ phải thường xuyên vào trang này hơn. Có những đề tài độc đáo hấp dẫn tất cả mọi người. Tôi nhận ra rằng đối với "thế hệ C", đề tài nào kết nối mọi người trên toàn thế giới thường lý thú với họ hơn những đề tài chia rẽ. Những người sử dụng đó quan tâm đến những nền văn hóa khác nhau với các bản sắc riêng. Những phim như thế cho phép làm một cuộc đối thoại với đại biểu của những nền văn hóa ấy, tìm ra những giao điểm. Tôi tin một trong những xu hướng triển vọng nhất là tin tức, kiểu như VICE đang làm. Tôi tôn sùng VICE ở phim mới đây về CHDCND Triều Tiên, về những cư dân thật sự của đất nước đó, không phải nội dung giới truyền thông hay giới thiệu mà quay cụ thể những con người ấy đang làm gì. Phim về Pakistan cũng vậy, những con người thật, những gia đình thật và cuộc sống của họ hằng ngày. ÐĂNG BẨY (Theo lenta.ru) Tags: YouTubeChia sẻGiới trẻThế giới không phẳngThế hệ CChuyện giật gânDanielle Tiedt
Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu gặp Thủ tướng Thái Lan, tái ngộ Quốc vương Brunei QUỲNH TRUNG 10/10/2024 Gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 9-10, cả hai lãnh đạo Thái Lan và Brunei đều khẳng định sẽ thu xếp để sớm thăm Việt Nam.
Bố không thừa nhận, mẹ thì đi lấy chồng, Cháng Thị Hương quyết 'thoát lời nguyền' VŨ TUẤN 10/10/2024 Cháng Thị Hương là ứng viên học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ. Cô đã đi làm thuê từ hè năm cô học lớp 8.
Cuộc tìm kiếm cảm động những bức ảnh quý ngày tiếp quản thủ đô THIÊN ĐIỂU 10/10/2024 Kết quả cuộc tìm kiếm những bức ảnh quý về ngày tiếp quản thủ đô trong các gia đình người Hà Nội 20 năm trước đã hé lộ nhiều câu chuyện cảm động về người trong ảnh lẫn người chụp ảnh.
Bộ Công Thương: EVN lỗ gần 22.000 tỉ đồng trong năm 2023 NGỌC AN 10/10/2024 Bộ Công Thương vừa công bố kết quả kiểm tra chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với khoản lỗ lên tới gần 22.000 tỉ đồng.