Thế nào là phim hay?

NGUYỄN VŨ 18/11/2019 18:11 GMT+7

TTCT - Thiên hạ vào xem các anh hùng Avengers để quên đi chốc lát cái thế giới đầy cực nhọc quanh họ rồi mới đủ sức về xem phim đoạt giải Oscar.

Trong điện ảnh, có những câu hỏi khó lòng tìm lời giải đáp với đa số người thưởng thức bình thường như chúng ta.

Vì sao các phim “nghệ thuật” được các nhà phê bình chuyên nghiệp khen nức nở lại lèo tèo vài ba người vào xem khi chiếu ở rạp? Vì sao các phim hành động sôi nổi từ đầu đến cuối, phim tình cảm lấy biết bao nước mắt của các cô, phim phiêu lưu mạo hiểm lôi cuốn ánh nhìn không dứt được của người hâm mộ chưa bao giờ dám mơ tưởng một đề cử Oscar chứ chưa nói đến đoạt giải thưởng danh giá này? Black Panther là ngoại lệ hơn là quy luật.

Cảnh trong phim Blạc Panther 2018

Ngay cả trong giới làm phim vẫn có sự lấn cấn ấy như lần diễn viên Vin Diesel đoan chắc phim Fast & Furious 7 mà anh vừa thủ vai chính vừa là nhà sản xuất chắc chắn sẽ đoạt giải Oscar phim hay nhất năm 2016.

Đúng là Fast & Furious 7 thu về đến 1,5 tỉ đôla tiền vé nhưng làm gì có chuyện mơ đến giải Oscar. Còn trên các trang điểm phim, bình phim, chênh lệch giữa đánh giá của người xem và giới phê bình chuyên nghiệp lúc nào cũng xa vời vợi là chuyện thường tình.

Đạo diễn lừng danh Martin Scorsese vừa cất công viết một bài khá dài trên tờ The New York Times, tìm cách giải thích thắc mắc này của chúng ta.

Scorsese, năm nay đã 76 tuổi, là đạo diễn các phim để đời như Taxi Driver (1976), The Last Temptation of Chris (1988), Goodfellas (1990) và phim đình đám mới nhất The Irishman (2019). Ông và Leonardo DiCaprio có duyên với nhau: trong hàng loạt phim do ông đạo diễn, DiCaprio làm diễn viên chính như Gangs of New York (2002), The Wolf of Wall Street (2013) và nhất là The Departed (2006) - bộ phim đem về cho ông giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất, phim hay nhất.

Phim Departed (2006) của đạo diễn Martin Scorsese.

Nguồn cơn có lẽ bắt đầu từ một sự cố vạ miệng của Scorsese năm nay: trong trả lời phỏng vấn tạp chí Empire, ông phán rằng các phim Marvel (tức dòng phim anh hùng Avengers với các nhân vật phi thường như Iron Man, Captain America, Thor, Doctor Strange...) không phải là “điện ảnh”, chúng chỉ như các “công viên giải trí” (như Disneyland). Ngay lập tức tranh cãi nổ ra.

Các đạo diễn và diễn viên phim Marvel, do tôn trọng Scorsese nên chỉ phản đối vừa phải như Natalie Portman (thủ vai Jane Foster trong loạt phim Thor) chỉ nhẹ nhàng bảo: “Làm nghệ thuật không chỉ có một con đường. Có đủ chỗ cho mọi thể loại điện ảnh”.

Vũ trụ các anh hùng Avengers
Vũ trụ các anh hùng Avengers

Nhưng các fan của phim Marvel bừng bừng nổi giận, nhất là sau khi đạo diễn Francis Ford Coppola về phe Scorsese, phán phim Marvel là thứ “đáng kinh tởm”. Có lẽ đó là nguyên nhân Scorsese phải lên tiếng giải thích quan điểm của mình về điện ảnh thứ thiệt.

Đầu tiên Scorsese “nói lại cho rõ”, rằng chuyện ông không thể nào xem nổi phim Marvel có thể do khác biệt thế hệ và đó là khẩu vị của cá nhân ông. Ông nói nếu ông trẻ hơn, trưởng thành vào giai đoạn sau này, biết đâu ông ham mê phim Marvel, cũng sẽ làm một phim như thế.

Thế hệ của ông, đam mê làm phim từ thập niên 1950, 1960 - thời điểm mà họ còn phải đấu tranh cho quan điểm điện ảnh là một nghệ thuật, có chỗ đứng tương tự như văn chương, âm nhạc hay mỹ thuật. Thế nên điện ảnh với ông là một thứ mặc khải - mặc khải về mỹ học, xúc cảm và tâm hồn. Nói đến điện ảnh là nói đến nhân vật - sự phức tạp của con người và bản chất mâu thuẫn, đôi lúc đầy nghịch lý của con người, họ làm tổn thương nhau rồi thương yêu nhau, rồi phải đối diện với chính con người họ. Chính vì thế, theo ông, điện ảnh là về tính bất ngờ, trong khi phim Marvel an toàn quá, không hề có chút rủi ro nào.

Scorsese giải thích thêm mỗi khi ông xem những phim của các đạo diễn nổi tiếng, ông biết ông sẽ xem được một điều gì đó mới lạ, được trao những trải nghiệm bất ngờ, những cảm giác khó đặt tên. Còn bản chất loại phim bom tấn đánh vào thị hiếu người xem là sự chuẩn bị kỹ: nghiên cứu kỹ thị trường, thử nghiệm đủ kiểu trên khán giả, cân đo, điều chỉnh miết cho đến khi chúng hoàn chỉnh cho người tiêu dùng như tiêu thụ một món hàng.

Đạo diễn Martin Scorsese 

Với những ai lập luận sao không để thị trường tự do chọn lựa, ai thích phim gì cứ xem phim đó, mắc gì đi chê phim Marvel trong khi phim Avengers: Endgame thu về đến 2,8 tỉ đôla, cao nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới, Scorsese cũng có sẵn câu trả lời. Khắp nơi trên thế giới này, người xem chỉ còn biết chọn loại phim Marvel khi vào rạp, tức thành công của loại phim bom tấn đã đẩy các phim độc lập, phim nghệ thuật lùi xa hơn nữa cơ may được chiếu trên màn ảnh rộng. Nếu cho đó là quy luật cung cầu, khán giả muốn gì, ngành điện ảnh phải trao cho họ loại phim ấy, Scorsese sẽ cãi lại, đó là câu chuyện con gà và quả trứng: nếu người ta chỉ được cho một loại thức ăn thì họ sẽ mãi đòi ăn món đó. Mười phim có doanh thu phòng vé cao nhất năm nay có 3 phim Marvel, 3 phim khác thuộc loại phim theo dòng.

Theo Scorsese, làm phim là phải chịu rủi ro nhưng công nghệ điện ảnh ngày nay loại bỏ rủi ro khỏi tư duy của họ; phim bom tấn tập trung các tài năng đủ lĩnh vực chỉ để tạo ra các sản phẩm chắc ăn, không còn chỗ cho sáng tạo, cho liều lĩnh, cho nhà nghệ sĩ độc lập bởi cá nhân độc lập thường đi kèm với rủi ro lớn.

Từ đó thế giới làm phim chia đôi: một bên là ngành giải trí nghe nhìn mang tính toàn cầu và một bên là điện ảnh; có lúc hai bên gặp nhau nhưng đa phần đường ai nấy đi và Scorsese lo sợ sự thống trị tài chính của bên kia sẽ đè bẹp bên này, thậm chí bóp luôn đường sinh tồn của điện ảnh chân chính. Với những ai mới bước chân vào con đường làm phim ngày nay, tình hình thật khắc nghiệt, không hề thuận lợi cho nghệ thuật thứ bảy. “Và chỉ cần viết lên những dòng chữ này đã làm lòng tôi tràn ngập nỗi buồn khôn xiết” - ông kết lại bài viết.

Có thể thấy Scorsese giải quyết câu hỏi thế nào là phim hay từ góc độ nhà đạo diễn. Vì thế chưa chắc phim Marvel bị ông chê bởi xây dựng dựa trên các nhân vật hư cấu, xa lạ với đời thật; ông phản đối loại phim mà ông gọi chung là phim theo dòng, phim theo thương hiệu; tức nội dung phim đã được định hình, cách khai thác phim đã được nghiên cứu, cách đánh vào xúc cảm của khán giả đã được đo ni đóng giày - vai trò của đạo diễn xem như bị vô hiệu hóa.

Thực tế là dòng phim Avengers có sẵn đó, mỗi phim giao cho một đạo diễn, cứ theo khuôn mẫu đó để làm. Phim hay, theo góc nhìn của Scorsese, là phim trong đó người đạo diễn được mặc tình để trí tưởng tượng của mình bay bổng, toàn quyền thử nghiệm góc máy lạ, cách nhìn không giống ai.

Và như thế có thể với nhà viết kịch bản, thế nào là phim hay lại khác. Bộ phim The Departed đoạt giải Oscar của Scorsese chính là phim làm lại từ phim Vô gian đạo của Hong Kong, thế mà vẫn được trao giải kịch bản chuyển thể xuất sắc. Với diễn viên, lại thêm một góc nhìn khác và với nhà sản xuất, thế nào là phim hay càng khác hẳn.

Vậy nên nếu bạn có lỡ say mê dòng phim Avengers, sưu tầm đủ cả 23 phim trong vũ trụ điện ảnh Marvel để xem đi xem lại thì cũng không có gì xấu hổ. Bởi chắc bạn cũng từng say mê bộ phim The Godfather của nhà đạo diễn mới chê phim Marvel là “thứ kinh tởm” - khi cả hai lôi cuốn bạn như nhau, cứ yên tâm mà thưởng thức.

Như một tác giả viết trên tờ Vox, không ai vào thăm khu giải trí Disneyland để chiêm nghiệm về chủ nghĩa hiện sinh, thiên hạ vào xem các anh hùng Avengers để quên đi chốc lát cái thế giới đầy cực nhọc quanh họ rồi mới đủ sức về xem phim đoạt giải Oscar.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận