Thể thao đại học Mỹ: Những góc khuất của học bổng

LOAN PHƯƠNG 21/09/2014 07:09 GMT+7

TTCT - Nước Mỹ có hệ thống học bổng rộng rãi dành cho những người giỏi thể thao. Nhưng đồng xu nào cũng có hai mặt!

Ed O’Bannon ngoài đời thực
Ed O’Bannon ngoài đời thực

Nước Mỹ vẫn thường được biết đến như một quốc gia của cơ hội và sự bình đẳng về cơ hội, nơi bạn không cần là một học sinh thông minh để vào học một đại học danh tiếng nhờ hệ thống học bổng rộng rãi dành cho những người giỏi thể thao.

Nhưng đồng xu nào cũng có hai mặt!

“Động cơ của tôi không phải là lòng tham, mà là phải phân định đúng sai rõ ràng” - Ed O’Bannon nói trong một phỏng vấn của tờ Miami Herald, sau khi thẩm phán liên bang Claudia Wilken đã xử anh thắng cuộc trong vụ kiện Hiệp hội Thể thao đại học quốc gia Mỹ (NCAA).

O’Bannon là cựu sinh viên và cầu thủ bóng rổ của Đại học bang California ở Los Angeles. Anh đã kiện NCAA sử dụng quá mức hình ảnh của mình trong trò chơi điện tử NCAA Basketball bán rất chạy của Hãng Electronic Arts mà trong đó NCAA nhận khoản tiền bản quyền hình ảnh khổng lồ, còn anh chẳng được gì do những quy định rất bất cập của hệ thống học bổng đại học cho dân chơi thể thao giỏi ở Mỹ hiện nay.

Theo phán quyết ngày 8-8-2014 của thẩm phán Wilken, từ niên khóa 2016-2017, NCAA phải cho phép các VĐV - sinh viên ở hai môn bóng rổ và bóng bầu dục Mỹ (American football) không chỉ nhận học bổng mà kèm cả một khoản tiền tương ứng nếu như trường và NCAA sử dụng hình ảnh, tên tuổi của họ cho các hoạt động thương mại.

Từ thỏa thuận trong mơ

Ở 39 trong 50 bang của nước Mỹ, nhân viên khu vực công được trả lương cao nhất là một VĐV ở trường đại học

Trong khi hàng triệu người phải chật vật trả những khoản học phí đại học rất cao ở Mỹ, hàng trăm trường, gồm cả những trường danh tiếng nhất, vẫn dành nhiều học bổng toàn phần cho một số ít VĐV xuất sắc có thể giúp họ chiến thắng ở những giải liên trường đại học.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều người coi đó là một hệ thống bóc lột bất công. O’Bannon, hiện là một nhân viên môi giới bán xe, đã theo đuổi vụ kiện từ năm 2009.

Do có quá nhiều cản trở của một tổ chức lớn và nhiều uy quyền như NCAA, mãi tận bây giờ họ mới bị phán quyết là vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ. Có điều vụ việc chưa dừng lại ở đó và NCAA còn có thể kháng án.

Sự thay đổi mà phán quyết trên mang lại là chưa lớn về mặt giá trị: mức trần mà NCAA phải trả cho các sinh viên - VĐV chỉ là 5.000 USD.

Tuy nhiên, nó mở ra một tiền lệ có thể thay đổi hoàn toàn một trong những sân chơi thể thao thu hút nhiều sự chú ý và kiếm được nhiều tiền nhất ở Mỹ. 

Rất nhiều người nước ngoài ngạc nhiên khi biết người Mỹ coi trọng thể thao ở đại học ra sao. Đội trưởng một đội bóng đại học ở châu Âu không nổi tiếng hơn sinh viên thủ khoa của khoa hóa học, nhưng ở Mỹ các ngôi sao thể thao đại học có hàng triệu người hâm mộ.

Năm 1906, NCAA ra đời. Và nay hệ thống bóng bầu dục Mỹ và bóng rổ hoạt động theo hai bậc: trường đại học cho VĐV giáo dục miễn phí, phòng rộng rãi trong ký túc xá, các lợi ích vật chất khác hỗ trợ học hành, và những VĐV này thi đấu khoác áo của trường. 

Những người giỏi nhất dần sẽ lên chuyên nghiệp và kiếm được nhiều tiền. Nhưng họ không thể chơi ở Giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ (NFL) sau ít nhất là ba năm đã chơi cho đội đại học.

Với Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA), quy định là họ ít nhất phải 19 tuổi. NFL, NBA và NCAA tránh việc cạnh tranh thu hút nhân tài bằng cách chia các cuối tuần ra: bóng bầu dục đại học vào thứ bảy, chuyên nghiệp vào chủ nhật. 

Ed O’Bannon trong game - Ảnh: The New York Times
Ed O’Bannon trong game - Ảnh: The New York Times

Nhiều tiền, nhiều tranh cãi

Dù chính thức chỉ là nghiệp dư nhưng thể thao đại học có sức thu hút rất lớn. Và đi kèm đó là những hợp đồng truyền hình béo bở.

Tính tất cả các môn, doanh thu từ thể thao đại học Mỹ là 10,5 tỉ USD/năm, cao hơn Giải NFL. Không tới 30% trong khoản tiền đó được chi cho học bổng và hỗ trợ tài chính các cầu thủ - sinh viên.

Ngược lại, những cầu thủ chuyên nghiệp thường có mức lương và các khoản thưởng chiếm một nửa tổng doanh thu của giải đấu, chưa kể nhiều khoản cá nhân như bản quyền hình ảnh quảng cáo, tài trợ...

Theo lập luận của NCAA, sinh viên chỉ là cầu thủ nghiệp dư nên không thể nhận lương như những người chuyên nghiệp.

Ngoài ra, NCAA cũng đòi hỏi các ngôi sao thể thao phải có thành tích học tập tương đối. Nhưng đó chỉ là lý thuyết.

Để chiến thắng, rất nhiều VĐV - sinh viên phải tập luyện cật lực không thua gì dân chuyên nghiệp và không còn nhiều thời gian cho bài vở, dẫn tới tình trạng gian lận trong thi cử.

The Economist dẫn một cuộc điều tra ở Đại học North Carolina phát hiện các VĐV - sinh viên thường được đăng ký học chung một lớp, mà họ đều có điểm danh nhưng chẳng ai đến lớp.

Tính trung bình ở năm đội bóng rổ mạnh nhất của NCAA, chỉ 44% thành viên các đội có thể tốt nghiệp trong vòng sáu năm.

Những bê bối còn tệ hơn thế. Hầu hết VĐV - sinh viên sống trong nghèo khó vì học bổng không trang trải gì hơn ngoài chi phí học hành và ở ký túc xá, trong khi NCAA cấm họ ký các hợp đồng với tư cách cá nhân.

Nếu cơ quan giám sát của NCAA phát hiện cầu thủ kiếm thêm bằng cách bán áo đấu hay chữ ký, hoặc nhận quà vật chất như vé máy bay, thậm chí là đồ ăn miễn phí, họ sẽ đưa ra các án treo giò rất dài, đồng thời có thể cắt luôn học bổng của sinh viên đó trong năm học tới.

Trong nhiều thập kỷ, điều đó đã được chấp nhận một cách nghiễm nhiên, nhưng những năm gần đây, áp lực với NCAA từ truyền thông và các tòa án ngày càng lớn.

Năm 2011, trong cuốn sách The shame of college sports (Nỗi hổ thẹn của thể thao đại học), Taylor Branch, một sử gia về nhân quyền, đã viết rằng việc các đại học kiếm được hàng triệu USD từ lao động không được trả công tương xứng của các VĐV, rất nhiều người trong đó là người da đen, là “chế độ nô lệ đồn điền kiểu mới”. 

O’Bannon không phải là người đầu tiên đưa NCAA ra tòa. Trong một vụ khác, một nhóm các cựu VĐV đại học đã kiện NCAA vì tổ chức này nhận mọi khoản tiền đền bù cho các chấn thương mà sinh viên gặp phải khi chơi thể thao.

Trong một vụ khác, một thẩm phán về lao động mới đây đã chấp thuận cho đội bóng bầu dục của Đại học Northwestern thành lập công đoàn.

Hồi tháng 3, Jeffrey Kessler đệ đơn kiện NCAA đòi dỡ bỏ nhiều hạn chế với các VĐV - sinh viên.

Hiện NCAA đang chiến đấu để giữ độc quyền của họ, bao gồm việc kháng án với phán quyết trong vụ O’Bannon.

Tổ chức này tiếp tục khẳng định trả tiền cho các VĐV - sinh viên ngoài học bổng sẽ hủy hoại thể thao đại học trong sáng và khiến các cầu thủ “bị khai thác quá mức về mặt thương mại”, chỉ là một cách diễn đạt khác của “được trả đúng với sức lao động của mình”. Tranh cãi sẽ còn tiếp diễn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận