Thể thao Việt Nam và SEA Games: Một thước đo khác

HUY ĐĂNG 25/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Theo truyền thống SEA Games, trừ khi diễn ra tại Thái Lan, chủ nhà luôn đứng nhất và vị trí thứ hai thuộc về người Thái. Vì vậy, đã có đúc kết rằng đoàn xếp thứ nhì bảng tổng sắp huy chương là quốc gia mạnh nhất. Năm nay, lần đầu tiên thể thao VN qua mặt Thái Lan để đứng vào vị trí thứ hai sau chủ nhà Philippines.

Ngôi sao của điền kinh VN tại SEA Games 30 Nguyễn Thị Oanh (0962) đã đoạt 3 HCV. Ảnh: Hoàng Tuấn
Ngôi sao của điền kinh VN tại SEA Games 30 Nguyễn Thị Oanh (0962) đã đoạt 3 HCV. Ảnh: Hoàng Tuấn

Nhưng kỳ tích mang tính lịch sử đó đã đến với thể thao VN là do chúng ta thăng tiến về chuyên môn hay do bạn thụt lùi?

Chiến thắng ở các môn quan trọng

Tại SEA Games 2019, chủ nhà Philippines chiến thắng áp đảo với 149 HCV, còn VN là 98, và Thái Lan 92 HCV. Trong “thúng vàng” của chủ nhà, chỉ có khoảng 50 HCV đến từ những môn thể thao Olympic, còn lại chủ yếu là những môn “cây nhà lá vườn” như arnis, kurash...

Trong khi đó, có hơn 70 HCV của thể thao VN đến từ những môn Olympic. Đặc biệt, đây là kỳ SEA Games mà VN giành chiến thắng ấn tượng ở các môn quan trọng như bóng đá, quần vợt, điền kinh, cử tạ... Nếu không tính kỳ SEA Games 2003 mà Hà Nội là chủ nhà, đây là lần đầu tiên VN vượt qua Thái Lan trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games.

Trong số này, đáng nói nhất là thành tích ở hai môn vua và nữ hoàng của Olympic: điền kinh và bơi lội. Với điền kinh, VN từng lật đổ sự thống trị của Thái Lan trên đất Malaysia cách đây 2 năm. Ở SEA Games 2019, ngôi đầu này bị đe dọa khi chủ nhà Philippines nhập tịch nhiều VĐV hùng mạnh từ Mỹ.

Nhưng rồi những cái tên kỳ cựu như Nguyễn Thị Huyền, Dương Văn Thái, Nguyễn Thị Oanh, Lê Tú Chinh..., thêm vào các VĐV trẻ như Trần Nhật Hoàng, Đinh Thị Bích, đã tỏa sáng đầy ấn tượng để mang về 16 tấm HCV chung cuộc.

Ở bơi lội, thành tích 10 HCV - chiếm vị trí số 2 (Singapore có 23 HCV) ở kỳ SEA Games này là tương tự Kuala Lumpur 2017. Nhưng việc xuất hiện các nhân tố mới như Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo giúp tuyển bơi VN tươi trẻ, giàu tính bất ngờ hơn, và không còn quá phụ thuộc vào Ánh Viên.

Nhưng sa sút về các kỷ lục

Sự xuất sắc của các VĐV VN ở SEA Games 2019 là không phải bàn cãi, nhưng việc thể thao VN lên ngôi số 1 khu vực dường như cũng đến từ sự sa sút của các quốc gia khác. Điều này thể hiện qua số lượng kỷ lục bị phá, khi đây là kỳ SEA Games có ít kỷ lục bị phá nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ở Singapore 2015, có 11 kỷ lục SEA Games của môn điền kinh bị xô ngã. Đến Kuala Lumpur 2017, con số này giảm xuống còn 9, và trên đất Philippines vừa qua chỉ còn 7. Tương tự là ở môn bơi lội.

SEA Games 2015 đánh dấu một kỳ đại hội tưng bừng của đường đua xanh khi Singapore và VN trình làng những ngôi sao sáng giá hàng đầu châu lục - Joseph Schooling, Quah Zheng Wen (Kha Chính Văn) cùng Nguyễn Thị Ánh Viên. Cả thảy 28 kỷ lục được xô ngã, với 9 thuộc về bộ đôi Schooling - Quah, còn Ánh Viên sở hữu đến 6.

Đến Kualua Lumpur 2017, đường đua xanh “hạ nhiệt”, khi số lượng kỷ lục bị phá giảm xuống còn 19, với 5 kỷ lục thuộc về VN (3 của Ánh Viên). Philippines 2019 vừa qua cũng chỉ có 19 kỷ lục bơi lội bị phá, VN sở hữu 3 và Ánh Viên thậm chí không phá được kỷ lục nào.

Nguyên nhân chính khiến đường đua xanh ở SEA Games không còn bùng nổ như cách đây 4 năm đến từ sự sa sút của Ánh Viên, còn Schooling thì không tham dự nhiều nội dung như xưa. Trưởng đoàn bơi lội Singapore Edwin Ker thừa nhận: “Chúng tôi không muốn những VĐV hàng đầu như Schooling phải thi đấu quá nhiều nội dung ở SEA Games. Anh ấy cần tập trung vào những nội dung chủ lực và tạo cơ hội cho VĐV trẻ”. Trong 2 kỳ SEA Games gần nhất, Singapore mang đến rất nhiều VĐV mới 15, 16 tuổi.

Bơi lội Singapore không bung hết sức ở SEA Games, còn điền kinh Thái Lan thì đã quá sa sút. Một thời người Thái khi bước ra đấu trường Asiad luôn kiếm được 1-2 HCV mỗi kỳ đại hội, nhưng đến Asiad 2018 họ không giành nổi HCV nào. Và việc bị VN vượt mặt ở SEA Games như là một sự tất yếu.

Chuyển hướng đầu tư?

Thể thao Thái Lan, Singapore, Indonesia đang thực sự sa sút ở đấu trường SEA Games. Có nhiều lý do để giải thích điều này, bao gồm sự chuyển hướng đầu tư. Hơn 10 năm trước, làng thể thao Singapore lên cơn sốt nhập tịch VĐV ồ ạt. Nếu ở bóng đá là những cầu thủ châu Âu và châu Phi thì với bóng bàn, bơi lội, Singapore gần như mua đứt những ngôi sao từ Trung Quốc.

Tiêu biểu nhất là môn bóng bàn. Những thập niên 1990 và 2000, Singapore mang về hàng loạt tay vợt trẻ giàu tiềm năng của Trung Quốc như Gao Ning (Cao Ninh), Yang Zi (Dương Tử), Li Jiawei (Lý Giai Vi), Feng Tianwei (Phùng Thiên Vi)... Đó đều là những tay vợt nằm trong top 20 thế giới, thậm chí các tay vợt nữ như Jiawei còn vươn đến top 5.

Nhưng cơn sốt dùng người Trung Quốc rồi cũng qua. Khi thế hệ các cây vợt nhập tịch dần hết thời, bóng bàn Singapore lúc này sử dụng những tay vợt trẻ do chính họ đào tạo nhiều hơn, và chất lượng cũng dần đi xuống.

Singapore hiện không còn tay vợt nam nào lọt được vào top 200 thế giới, trong khi bóng bàn nữ trừ lão tướng Feng Tianwei, không có ai trong top 50. Một phần nhờ vậy, bóng bàn VN dần quật khởi trong 2 kỳ SEA Games gần đây.

“Quan trọng nhất là sự đầu tư. Thể thao Thái Lan những năm gần đây đẩy mạnh xã hội hóa. Ngày càng có nhiều tập đoàn lớn hậu thuẫn cho thể thao, nhưng họ chỉ tập trung vào các môn có tính giải trí cao, thu hút được số đông khán giả như bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, các môn võ...

Có lẽ điều đó khiến thể thao Thái Lan dần mất cân bằng, nhưng cũng không quá nhiều. Quan trọng là mỗi quốc gia phải có một số môn thể thao thực sự là thế mạnh để vươn đến tầm châu lục, hay thế giới. Tôi nghĩ đầu tư tập trung vào 3-4 môn sẽ tốt hơn hàng chục môn” - Wirawit Jaroencher, biên tập viên kênh truyền hình Thairath, cho biết.

Thật ra, số HCV của SEA Games không thể đo được tầm cỡ phát triển của nền thể thao. Đúng như Jaroencher nói, sự tiến bộ ở những môn đỉnh cao tầm Asiad và Olympic có lẽ mới là thành công đích thực.■

Thước đo Asiad

Trồi sụt thất thường ở SEA Games nhưng Singapore, Indonesia và Philippines lại có thành tích khá ổn ở đấu trường Asiad. Với Singapore, số huy chương họ giành được ở 3 kỳ Asiad gần nhất 2010, 2014 và 2018 lần lượt là 17, 24 và 22. Với Indonesia là 26, 20 và 98 (Indonesia là chủ nhà Asiad 2018), còn Philippines là 19, 22 và 19. VN cũng có sự tiến bộ đều đặn với số huy chương lần lượt là 33, 36 và 39.

Thái Lan thậm chí tăng mạnh về số huy chương khi giành đến 73 huy chương ở Asiad 2018, trong khi ở các kỳ đại hội trong quá khứ thường chỉ giành được 40-50 huy chương. Thể thao Đông Nam Á ngày càng “phân vùng” rõ ràng về các môn thế mạnh, nếu VN có đội điền kinh ấn tượng thì Singapore tiệm cận tầm châu lục ở môn bơi, Thái Lan cũng rất mạnh ở các môn võ và xe đạp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận