Theo chân "bác sĩ" tranh

MỄ THUẬN 12/07/2010 00:07 GMT+7

TTCT - Trong giới mỹ thuật TP.HCM, họa sĩ trẻ Võ Bình được nhiều nhà sưu tập tranh nhờ phục chế các bức tranh quý bị hư hại. Có thể nói với công việc của mình, anh đã tiếp cận gần nhất công nghệ phục chế tranh với tất cả niềm say mê.

Phóng to
Những bức tranh quá cũ như thế này, theo họa sĩ Bình, cần nhiều thời gian để chỉnh sửa - Ảnh: M.T.

Theo chân họa sĩ Võ Bình đến phòng tranh của nhà sưu tập Trương Thuận trong một con hẻm trên đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM), tôi cùng anh vật lộn cả ngày với đủ thứ công việc giữa các phòng đầy ắp tranh cũ và mới của nhà sưu tập.

Đến gần với công nghệ phục chế tranh

Vào việc được năm phút, chúng tôi ướt đẫm mồ hôi. Hôm nay, công việc của anh Bình quá nhiều: có lúc anh vào vai thợ mộc với ốc vít, khoan để cố định tranh lên tường; lúc khác lại là chuyện viên hóa chất với các loại keo, hồ, sơn, dầu trong tay để làm sạch mặt trước và sau các bức tranh trước khi treo lên giàn giáo do anh thiết kế.

Dừng tay sau khi treo hết các bức tranh lên giàn giáo, anh bảo: “Hôm nay cậu không được thấy mình sửa tranh. Trong công việc của mình, khó khăn nhất là việc vá vết rách các bức tranh. Ví dụ như bức Trừu tượng của họa sĩ Tạ Tỵ đây (anh chỉ bức tranh dài gần 2m treo trên tường - NV), mình phải vật lộn với nó mấy tuần liền chỉ để vá một vết rách dài vài centimet. Bởi để vá tranh Tạ Tỵ, mình cần hiểu họa sĩ dùng chất liệu có đặc điểm gì riêng biệt. Bên cạnh đó còn phải hiểu về những phản ứng hóa học giữa các thứ hóa chất cũ và mới để không làm hỏng bức tranh”.

Nhìn đống tranh đã xuống cấp được xếp ở một góc phòng, họa sĩ Võ Bình không khỏi xót xa: “Ở Việt Nam trước đây rất nhiều họa sĩ sống khó khăn. Tranh của họ sau đó dù có trở thành kiệt tác có khi chỉ được vẽ với các chất liệu kém chất lượng lại không được xử lý kỹ. Thậm chí có họa sĩ còn vẽ tranh sơn dầu trên những tấm bố chắp vá nên sau này tranh có độ hở.

Nếu xử lý không kỹ nền thì độ kết dính sơn dầu với vật liệu nền không cao, do vậy tranh chịu tác động của thời gian, hóa học, nhiệt độ... dẫn đến hư hại rất nhiều”. Anh cho biết ở Việt Nam còn thiếu quá nhiều trang thiết bị cho công nghệ phục chế tranh. Để mua hóa chất, dầu ôliu chuyên dùng bảo quản tranh, gắn kết các khe hở, mảnh vỡ trên bề mặt tranh phải tốn chi phí rất cao.

Trò chuyện với chúng tôi, nhà sưu tập Trương Thuận nói thêm: “Dù thiếu điều kiện để có thể chạm đến công nghệ phục chế tranh không hề đơn giản, nhưng hiện tại có thể nói họa sĩ Võ Bình là người duy nhất đang tiến gần đến công nghệ ấy. Được các nhà sưu tầm tin tưởng giao công việc chăm sóc, phục chế tranh, Võ Bình đã đưa ra các giải pháp xử lý tốt nhất đối với những tác phẩm đang xuống cấp trầm trọng”. Hiện tại, ngoài việc thường xuyên chăm sóc tranh cho nhà sưu tập Trương Thuận, anh Bình còn làm công việc tương tự cho các phòng tranh trong cả nước như gallery Vĩnh Lợi (TP.HCM), Heritage (Hà Nội)...

Cơ duyên học nghề

Năm 2001, một vị khách người Bỉ đi ngang phòng tranh của anh trên đường Hồ Tùng Mậu (Q.1) đã bất ngờ dừng lại trước các bức tranh khổ lớn vẽ những chiếc ốc vít, máy móc cũ mèm... của những chiếc xe hoen gỉ. Ông đã tìm gặp họa sĩ đề nghị vẽ hàng loạt tranh với chủ đề tương tự để đem về Bỉ triển lãm. Hóa ra vị khách Bỉ đang công tác tại Bảo tàng Lịch sử và nghệ thuật hoàng gia Bỉ. Cơ duyên này đã giúp anh có dịp tiếp cận bầu trời nghệ thuật của châu Âu khi theo chân vị khách hàng đặc biệt đến bốn trung tâm triển lãm lớn nhất nước Bỉ trong nửa đầu năm 2003.

Suốt thời gian tháp tùng những bức tranh của mình, họa sĩ Bình đặc biệt để mắt và ngưỡng mộ trước hoạt động phục chế tranh chuyên nghiệp tại các “bệnh viện nghệ thuật” có mặt ở các bảo tàng hàng đầu thế giới tại Bỉ, Pháp. Thế là anh quyết định sử dụng số tiền bán tranh đầu tư theo học công nghệ phục chế tranh tại Bảo tàng Lịch sử và nghệ thuật hoàng gia Bỉ trong ba tháng, sau đó thêm một tháng nữa tại Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp). Ngoài học phí khá lớn, Võ Bình còn thuê hai sinh viên Việt du học tại Bỉ làm phiên dịch viên.

Học nghề trở về nhưng họa sĩ Võ Bình chưa được những người có tranh quý bị hư hỏng tin tưởng để giao phục chế. May mắn cho anh là thường xuyên nhận những bức tranh cũ, hư hỏng từ những người bạn ở châu Âu nhờ phục chế vì giá thấp hơn nhiều so với chi phí phải trả tại các “bệnh viện nghệ thuật” ở đất nước họ. Chỉ đến gần đây anh mới được nhiều nhà sưu tập biết tiếng mời đến giúp sửa chữa, làm sạch một số tranh cũ trong các bộ sưu tập của họ.

“Với công việc hiện tại, tôi chỉ mong có thể góp một phần nhỏ giúp các nhà sưu tập lưu trữ được những gì quý giá nhất của họ. Vậy cũng là giúp nghệ thuật hội họa Việt Nam không bị thất thoát những kiệt tác. Tôi làm việc chủ yếu dựa trên niềm say mê đến mức không dứt được những đống tranh cũ thế này” - họa sĩ Võ Bình tâm sự về công việc hiếm hoi đang làm. Tất nhiên anh cần thêm nhiều thời gian cùng sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật chuyên nghiệp hơn để từng bước chạm tới đỉnh của nghề phục chế tranh.

Theo bà Mã Thanh Cao - quyền giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, công nghệ phục chế tranh của Việt Nam còn rất yếu kém so với các nước trên thế giới và cả khu vực như Singapore hoặc Hàn Quốc. Các trường đại học mỹ thuật cũng chưa có chuyên khoa phục chế tranh. Thiếu chuyên viên trong lĩnh vực này trong khi nhu cầu lại vô cùng lớn, bởi ở hầu hết các bảo tàng đều có những bức tranh đã xuống cấp cần phục chế.

Bà Cao nói: “Có nhiều bức tranh vô cùng quý hiếm, giá thị trường rất cao nhưng chúng tôi không dám mua vào bởi không ai có thể đảm bảo sẽ phục chế tốt. Riêng về trường hợp của họa sĩ Bình, tôi nghĩ việc anh được tiếp cận, học tập công nghệ phục chế tranh ở châu Âu là rất đáng trân trọng. Tôi hi vọng thời gian tới bảo tàng có thể có những đợt thử nghiệm nhỏ về tay nghề với anh để có thể có những sự hợp tác phù hợp”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận