​Theo đuổi giấc mơ trường sinh bất lão

QUANG THÁI 08/05/2015 03:05 GMT+7

TTCT - Sống lâu hơn, khỏe hơn, thậm chí sống mãi trong một cơ thể tổng hợp không biết đến bệnh tật, suy sụp do tuổi già. Theo tạp chí Aeon.co, nhờ tài trợ của các tập đoàn đa quốc gia, những nhà “thuật giả kim” thời nay đang theo đuổi giấc mơ trường sinh của nhân loại, dù trước mắt sẽ chỉ có những người thật giàu mới hưởng được thành tựu của khoa học.

Clint Eastwood (trái) vẫn còn năng nổ ở tuổi 85. Trong ảnh: ông cùng diễn viên Bradley Cooper tại lễ trao giải Oscar 2015  - Ảnh: calebparke.com

Tại Mỹ, bất bình đẳng xã hội không chỉ trong thu nhập giữa người giàu và người nghèo, mà còn hiển thị ở tuổi thọ: tầng lớp giàu sống lâu hơn tầng lớp trung bình và nghèo đến 12,2 năm.

Theo một nghiên cứu công bố trên Health Affairs năm 2012, phụ nữ da trắng tốt nghiệp đại học có tuổi thọ lên đến 84 tuổi, so với 73 tuổi ở phụ nữ không có bằng cấp; đàn ông da trắng tốt nghiệp đại học có thể sống đến 80 tuổi, trong khi người chỉ có bằng trung học qua đời ở độ tuổi 67.

Liệu xã hội có thoải mái chấp nhận chuyện người giàu sống đến “hai cuộc đời”, trong khi người nghèo chỉ có một? Cuộc tranh luận này không phải là vô bổ, vì con người đang tiến gần đến liều thuốc trường sinh về mặt lý thuyết có thể giúp kéo dài cuộc sống mạnh khỏe đến 100 tuổi, thậm chí hơn.

KHÔNG CÒN LÀ CHUYỆN VIỄN TƯỞNG

“Chỉ trong vòng năm năm mà đã có quá nhiều tiến bộ mang tính quyết định. Nhiều hợp chất đang thử nghiệm giúp làm giảm đáng kể quá trình lão hóa và làm chậm đi sự xuất hiện của bệnh tiểu đường, các dạng ung thư và bệnh tim” - nhà di truyền học David Sinclair ở ĐH Harvard (Mỹ) tuyên bố phấn khởi.

Ông dẫn đầu nhóm nghiên cứu của Harvard phát hiện một hợp chất giúp làm đảo ngược sự lão hóa các tế bào. Họ đã tiêm vào cơ thể chuột NAD, một loại coenzyme có tính năng kích thích các ti thể (một dạng nhà máy năng lượng của tế bào), qua đó giúp quá trình trao đổi chất hiệu quả hơn và sản sinh ra chất thải ít độc hại hơn.

Chỉ sau một tuần lễ, các mô ở chuột già giống như mô ở chuột 6 tháng tuổi, một sự trẻ hóa “nhanh đến mức khó tin” khiến các nhà khoa học bất ngờ. Nếu thử nghiệm này tiến hành trên cơ thể người, sẽ tương ứng với việc nhìn thấy một người 60 tuổi trở lại thời thanh xuân 20 tuổi của mình. Một viễn cảnh thổi bùng lên giấc mơ hợp nhất sự chín chắn và khôn ngoan của tuổi già với sức mạnh và sinh lực của tuổi trẻ.

Nhiều nghiên cứu về những người bách niên giai lão chứng minh rằng tuổi thọ không chỉ phụ thuộc vào cách sống hay trạng thái tinh thần, mà cả gen. Hiện các nhà khoa học đang rà soát hàng triệu chỉ số di truyền để phát hiện các gen tuổi thọ có trong từng tế bào cơ thể của những người bách niên, qua đó hi vọng bào chế ra thuốc chống tuổi già bằng cách tổng hợp những gì mà các gen này sản sinh ra.

Tại Tây Ban Nha, một nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm quốc gia nghiên cứu ung thư ở Madrid đang truy tìm một yếu tố di truyền giúp bách niên giai lão. Họ đã tìm trong hồ sơ gen của ba gia đình có ít nhất một người sống lâu trăm tuổi và nhiều bậc cha mẹ từng sống rất thọ.

Qua so sánh với những người có tuổi thọ bình thường, họ phát hiện ở ba gia đình này một biến dị gen rất hiếm của apolipoprotein B, một phân tử có tác dụng làm giảm lượng cholesterol xấu trong máu. Một gen thứ hai có liên hệ trực tiếp với việc điều tiết cholesterol là apolipoprotein E cũng được các nhà nghiên cứu chú ý đến vai trò của nó trong tuổi thọ con người.

Với những tiến bộ khoa học trong lĩnh vực này, trong nửa thế kỷ tới chuyện người già năng động sẽ trở thành nguyên tắc chứ không còn là ngoại lệ. Sẽ có nhiều Pablo Picasso, Pablo Casals hoặc Dave Brubeck vẫn tiếp tục vẽ tranh hoặc sáng tác nhạc sau 90 tuổi. Và như vậy, tiến bộ công nghệ sẽ đào sâu thêm khoảng cách tuổi thọ.

Theo S. Jay Olshansky - nhà nghiên cứu bách niên giai lão và giảng dạy tại khoa y tế công thuộc ĐH Illinois (Chicago), những người giàu nhất sẽ được cải thiện tuổi thọ cùng tình trạng sức khỏe của họ, trong khi những bộ phận còn lại trong xã hội sẽ chứng kiến tuổi già của mình ngắn ngủi hơn.

Trái ngược với hình ảnh một ông già 80 tuổi lụm khụm bước đi nhờ thiết bị chống đỡ, Clint Eastwood (85 tuổi) vẫn năng nổ ở vai trò đạo diễn tại phim trường. Diễn viên gạo cội này không phải là trường hợp hiếm hoi ở Mỹ.

Các nghiên cứu mới đây cho biết gần 30% số người trên 85 tuổi - độ tuổi xác định thời điểm thật sự già đối với nhiều người - có tình trạng sức khỏe tốt, 56% tuyên bố vẫn còn làm việc hoặc đảm nhận công việc nội trợ. Trong tương lai, những ai có khả năng tiếp cận được các loại thuốc đắt tiền và cách thức điều trị tốn kém có thể sống khỏe phổ biến ở tuổi 100-120, thậm chí hơn.

“Lão hóa sẽ trở thành một trải nghiệm khác và những người lớn tuổi sẽ có quỹ đạo sức khỏe khác với các thế hệ trước đây” - giáo sư Olshansky nhấn mạnh. Có thể nói lão hóa không phải là bệnh!

Caleb Finch có thể nằm trong số này nếu tiến bộ công nghệ phát triển nhanh hơn. Ở tuổi 74, chuyên gia nghiên cứu quá trình sinh học của lão hóa rất nổi tiếng này vẫn còn làm việc tốt, trong khi bạn bè và đồng nghiệp của ông đã về hưu hoặc cắt đứt khỏi mọi sinh hoạt trước đây.

Finch vẫn đến văn phòng làm việc rất sung mãn, thậm chí sang tận Peru để giải phẫu các phần xác ướp có cách nay hơn 8.000 năm. Nhà khoa học này vẫn bơi lội đều đặn như thời còn là thành viên đội tuyển sinh viên của ĐH Yale.

TỪ TRUYỀN MÁU NGƯỜI TRẺ ĐẾN CÁC BỘ PHẬN THAY THẾ

“Liệu truyền máu có làm đảo ngược những tàn phá của thời gian?” - tờ New Scientist đặt câu hỏi. Và câu trả lời là “có”. Nhiều nhóm nghiên cứu, đặc biệt ở hai ĐH Harvard và Stanford (Mỹ), đã xác định được liều thuốc “cải lão hoàn đồng”: một loại protein tăng trưởng có tên gọi là GDF11 có rất nhiều trong máu người trẻ tuổi giúp điều trị não và tim.

Pablo Picasso vẫn sáng tác sau 90 tuổi. Trong tương lai, người ta hi vọng những trường hợp tương tự sẽ không còn là ngoại lệ - Ảnh: moderndesign.org

Sau khi tiến hành truyền máu từ chuột sang chuột, các nhóm này muốn thử nghiệm máu người bằng cách tiêm huyết tương có chứa GDF11 vào cơ thể những con chuột già. “Chúng tôi ngạc nhiên trước những gì quan sát được. Máu người tác động tốt đến tất cả cơ quan mà chúng tôi nghiên cứu” - chuyên gia Tony Wyss Coray của ĐH Stanford nói với New Scientist.

Giai đoạn cuối của thử nghiệm sẽ là truyền máu người trẻ vào cơ thể người già nhằm nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của bệnh tật, trong đó có Alzheimer (hội chứng mất trí nhớ ở người lớn tuổi).

Trong giới y sinh, không ai tin rằng con người sẽ bằng lòng sử dụng các bộ phận thay thế thế hệ mới và các vật cấy ghép não vào mục đích thuần túy y học. Khi nào những công nghệ này chứng minh được hiệu quả của nó ở những người tàn tật, chắc chắn những người lành lặn có sức khỏe tốt sẽ đòi quyền sử dụng để cải thiện hoạt động của mình.

Giáo sư Hugh Herr là người điều hành nhóm biomechatronics (công nghệ phân tích cách thức vận hành của cơ thể con người, chẳng hạn khi chúng ta nâng bàn chân để bước đi thì cần đến nhiều giai đoạn: những tín hiệu truyền từ não đến các cơ chân và bàn chân, các tế bào thần kinh trong bàn chân chuyển thông tin đến não để điều chỉnh các nhóm cơ và lực cần thiết để bước đi trên mặt đất...) của MIT Media Lab, phòng thí nghiệm nghiên cứu đa lĩnh vực thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).

Theo hình dung của ông, khi về già con người sẽ muốn thay thế một vài bộ phận của cơ thể sinh học bằng những cấy ghép tổng hợp. “Bạn 50 tuổi và gặp khó khăn trong các chuyển động khớp, trong khi ông bạn của bạn có các chi điều khiển bằng điện tử mà mỗi năm có thể chỉnh sửa lại và tạo cảm giác như người mới 18 tuổi. Bạn sẽ làm gì nào?” - ông nói.

Giáo sư Herr là một trong số các nhà khoa học đang thiết kế các tế bào cấy ghép điện cơ giúp điều chỉnh các chi, cơ quan và nhất là não. Các nhà khoa học này đang tìm kiếm các kết nối trực tiếp giữa bộ phận giả thay thế và dây thần kinh, và biết đâu là kết nối trực tiếp với não.

Nghiên cứu này hướng tới điều trị những khiếm khuyết của cơ thể và cả chứng suy sụp tinh thần, bệnh Parkinson hoặc Alzheimer, nhờ vào các vi mạch có khả năng kích thích não hoặc giữ lại trong trí nhớ các xung điện liên quan đến những kỷ niệm.

Trong khuôn khổ chương trình Electrical Prescriptions (ElectRx), Darpa - Cơ quan nghiên cứu và phát triển công nghệ của quân đội Mỹ - đang thử nghiệm các cấy ghép mini lên hệ thần kinh nhằm kích thích cơ thể tự chữa trị.

Trang web Wearable Technology cho biết người ta đang tìm hiểu chính xác sẽ phải “ấn nút” dây thần kinh nào để các cơ quan nội tạng hoặc các cơ bị chấn thương nhanh chóng lành sẹo mà không bị đau nhiều. Theo giám đốc chương trình Doug Weber, “thay vì chỉ sử dụng thuốc kê toa, chúng tôi tìm cách thiết kế một hệ thống có chu trình khép kín hoạt động như một thiết bị thông minh điều hòa nhịp tim loại nhỏ”.              

MỘT THỊ TRƯỜNG LỚN

Cách nay hơn một năm, chủ tịch Google Larry Page thông báo thành lập Calico, một công ty mới khởi nghiệp trong lĩnh vực kéo dài tuổi thọ. Ở đây, Google mang đến một thứ mà các nhà nghiên cứu bấy lâu nay vẫn thiếu: tiền bạc không giới hạn từ các quỹ.

Và đây chỉ là một trong rất nhiều doanh nghiệp công nghệ sinh học tìm kiếm sự bất tử. Pharmasset, công ty dự kiến triển khai một loại thuốc trị viêm gan C, đã được phòng thí nghiệm công nghệ sinh học Mỹ Gilead mua lại vào năm 2012 với giá 12 tỉ USD. Công ty Mesoblast của Úc đã có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực tái sinh mô từ tế bào gốc của người trưởng thành bằng cách tập trung chủ yếu vào việc chữa trị cơ tim sau chứng nhồi máu.

Hiện nay, cuộc chạy đua tìm các phân tử kỳ diệu vẫn diễn ra liên tục ngay trong các phòng thí nghiệm dược học. Theo Financial Times, trong năm 2013 thị trường ngành y học tái sinh thu hút hơn 1 tỉ euro tiền vốn tư nhân, giúp thực hiện các thử nghiệm ở quy mô lớn hơn, trong khi các quỹ nhà nước thường không gánh nổi chi phí này.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận