Thi hoa hậu và màu da phụ nữ

HẢI MINH 15/01/2018 20:01 GMT+7

TTCT - Những cuộc thi hoa hậu chứa đựng trong chúng hai cuộc tranh đấu dai dẳng và quyết liệt nhất trong lịch sử hiện đại của loài người: nữ quyền và bình đẳng sắc tộc.

 
 Gretchen Carlson đăng quang hoa hậu Mỹ

 Cuộc thi hoa hậu Mỹ (Miss America), một trong những cuộc thi sắc đẹp lâu đời nhất của thời hiện đại với 96 năm lịch sử, đang đứng trước nhiều câu hỏi hiển hiện về sự phù hợp ở thế kỷ này.

Hôm 7-1, Gretchen Carlson, tân chủ tịch Miss America (từng là người dẫn chương trình trên kênh Fox News và là cựu hoa hậu Mỹ năm 1989), thừa nhận cuộc thi này sẽ cần “những thay đổi lớn” trong thời gian tới.

Sau rất nhiều chỉ trích, nghi ngờ, lượng người xem sụt giảm và cả những cải cách gần như bắt buộc ở một thời đại của nữ quyền, công nghệ và chủ nghĩa tự do, Carlson nói bà muốn cuộc thi sắp tới phải là “100% đại diện cho việc trao quyền cho phụ nữ”.

“Tôi coi đó là một sứ mệnh” - bà nói với kênh ABC. Chẳng hạn từ chỗ chỉ là một cuộc thi sắc đẹp, Miss America đã “biến tướng”, tự gọi họ là một “học bổng” cho phụ nữ.

Năm nay, một thay đổi nữa là nâng tuổi tối đa của thí sinh từ 24 lên 25, có lẽ để mở rộng diện người xem qua truyền hình đã giảm liên tục từ năm 2004 tới giờ, từ 9,8 triệu lượt còn 5,6 triệu lượt năm 2017.

Sarah Banet-Weiser, tác giả cuốn The Most Beautiful Girl in the World: Beauty Pageants and National Identity (tạm dịch: Cô gái đẹp nhất thế giới: Các cuộc thi hoa hậu và bản sắc quốc gia), nói những cuộc thi hoa hậu với tuyên ngôn trao quyền cho phụ nữ khó lòng hòa hợp được với thực tế rõ ràng là việc thắng bại dựa chủ yếu trên nhan sắc, bao gồm phần thi áo tắm luôn bị công kích và gần như không thể chống đỡ.

Một ví dụ: nghệ sĩ hài John Oliver, trong chương trình của ông Last Week Tonight về cuộc thi hoa hậu Mỹ năm 2014, đã chế giễu:

“Phải, đúng là đẹp tuyệt vời, nhất là khi một gã đàn ông ăn mặc nghiêm chỉnh (người dẫn chương trình) đứng trước một hàng dài phụ nữ mặc áo tắm đợi bị phán xét”. Chương trình này, với hơn 16 triệu lượt xem trên YouTube (địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=oDPCmmZifE8), đã tạo ra hiệu ứng mạnh. Marian Orr - thị trưởng Cheyenne, Wyoming - viết trên Twitter đã tới lúc “mọi phụ nữ trẻ đơn giản là không tham gia các cuộc thi hoa hậu nữa”.

“Tôi thấy rất khó chịu với việc các cô gái trẻ được dạy ngay từ nhỏ rằng sắc đẹp là điều quan trọng - bà nói - Còn quá nhiều thứ khác với con người”.

Bánh xe lịch sử lăn làm thay đổi nhận thức và các cuộc thi hoa hậu không ngoại lệ. Những năm 1970 và 1980, Miss America là một trong những sự kiện lớn nhất trên truyền hình Mỹ, nhưng thời thế đã thay đổi.

Còn nhớ năm 2015, trong cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ, người dẫn chương trình Steve Harvey đã gây ra một vụ bê bối nho nhỏ khi đọc nhầm tên người chiến thắng.

“Việc Harvey không phân biệt được cô gái này với cô gái kia thật đậm chất thơ - nhà báo của The Guardian Jessica Valenti mai mỉa - Vì trong những cuộc thi hoa hậu..., đằng nào phụ nữ cũng không phải là các cá nhân.

Họ chỉ là những biểu tượng, không tên tuổi, với số đo ba vòng, tranh nhau làm thứ đồ vật lấp lánh nhất trong phòng”.

Với Valenti, những cuộc thi hoa hậu là sản phẩm “của thời đồ đá”, “chế độ phụ hệ và gia trưởng” nhắc nhở chúng ta chính xác những gì chúng ta không muốn xảy đến cho phụ nữ.

“Các cuộc thi đó chắc chắn không có chỗ trong tương lai của chúng ta” - Valenti viết. Cô càng có lý bởi lẽ một khi người ta đã lấy cái đẹp bề ngoài làm tiêu chuẩn thì tại sao màu da lại không thể?

 
 Một áp phích phản đối chế độ gia trưởng phụ hệ. Ảnh: reddit.com

 Cuộc thi Miss America, trong nhiều thập niên, không cho thí sinh da màu tham gia (những người Mỹ gốc Phi đầu tiên có mặt trên sân khấu một cuộc thi Miss America là năm 1923, khi tham gia một màn biểu diễn góp vui trong vai... các nô lệ!)

Mãi tới năm 1984, nước Mỹ mới có hoa hậu da đen đầu tiên (Vanessa Williams) để rồi chỉ vài tháng sau, tạp chí khiêu dâm Penthouse đăng những bức ảnh khỏa thân của Williams dù chưa được phép, khiến cô bị tước danh hiệu.

Những tiêu chí lố bịch của các cuộc thi hoa hậu: “chưa kết hôn”, “không đang mang thai”, “dưới 24 tuổi” (hay “không phẫu thuật thẩm mỹ”, “đã tốt nghiệp phổ thông”...) càng khiến chúng trở nên dễ bị công kích.

Danh hài John Oliver đã không nhẹ lời: “How the f**k is this still happening?” (Thế đ*o nào mà chuyện này - tức cuộc thi hoa hậu Mỹ - vẫn cứ diễn ra?)

Tất nhiên, chúng ta có thể tiếp tục bình phẩm về các thí sinh và người thắng cuộc, nhưng tốt hơn có lẽ là chấm dứt luôn những cuộc thi như thế, vì đằng nào chúng ta cũng sẽ đi tới đó thôi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận