Thơ "dở" vạn người mê

TRÚC ANH 25/02/2024 06:03 GMT+7

TTCT - Hóa ra không chỉ ở ta / mới có thơ / như văn xuôi / xuống dòng.

Ảnh: theoxfordblue.co.uk

Ảnh: theoxfordblue.co.uk

Instapoetry, hay "thi ca insta" - một kiểu văn vần với từng câu ngắn gọn, có sao nói vậy, không ẩn dụ mơ hồ, chuyên đăng kèm hình ảnh và video trên mạng xã hội - được xem là một thể loại thơ mới, khởi nguồn từ nhà thơ Canada Rupi Kaur với tập Milk and Honey in năm 2015 (đã có bản tiếng Việt Sữa và mật, 2019). 

Dòng thơ mới này có lượng người hâm mộ hùng hậu, nhưng cũng bị giới phê bình đánh giá là "không xứng gọi là thơ".

Trong tiểu luận Thơ "dở" trên tạp chí Poetry số tháng 7-1947, Hermann Hesse (1877-1962) gọi thơ dở là "những bài thơ mà hầu như bất kỳ ai, trừ chính người viết chúng, sẽ xếp ngay vào loại viết lách tầm thường, thấp kém, chẳng giống ai". 

Nhưng Hesse có lúc thấy khoái cảm thực sự với "một bài thơ mà tất thảy nhất trí là dở", trong khi những thứ thơ được gọi là hay, kể cả những bài hay nhất, lại không khiến ông "nảy chút rung động nào".

Không thể biết nhà văn và thi sĩ Đức này sẽ nói gì về "thi ca insta" thời nay, nhưng có thể quan sát được phản ứng trái ngược nhau về chúng - ngay giữa những người phê bình với nhau, và giữa họ với công chúng, những người thời nay vẫn còn bỏ tiền mua thơ.

Thơ Insta: bởi trăm tình yêu mến

Đầu tháng 1, Wild Hope (tạm dịch: Hy vọng táo bạo), tập thơ mới nhất của "thi sĩ insta" 49 tuổi Donna Ashworth vọt lên đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng sách bán chạy của Amazon. Doanh số thơ ở Anh liên tục tăng những năm gần đây, đạt mức kỷ lục 19,1 triệu USD vào năm 2023, nhờ những hiện tượng xuất bản như Ashworth - tác giả của 8 tập thơ, từ chỗ chỉ dám đăng thơ lên blog.

Theo The Economist, dân Anh từ lâu có vẻ đã không bỏ tiền ra mua thơ, dù đây là quê hương của William Shakespeare và Emily Dickinson và là nơi T.S. Eliot phát huy tinh hoa. Jonathan Rose, giáo sư lịch sử Đại học Drew, cho rằng lỗi là do chủ nghĩa hiện đại khi "muốn văn chương phải là cái gì đó phức tạp, và chê bai những gì hơi dễ hiểu". Người ta vẫn in thơ, nhưng hầu như chẳng ai mua.

Một bài trong tập Sữa và mật của Rupi Kuar. Ảnh: Nhã Nam

Một bài trong tập Sữa và mật của Rupi Kuar. Ảnh: Nhã Nam

Năm 2016, nhờ hiện tượng Rupi Kaur mà doanh số thơ Anh lần đầu vượt mốc 1 triệu bản bán ra. Tin vui, sao The Economist lại dùng từ "đáng báo động" (alarming) để mô tả mức tăng trưởng này? Lo vì người ta có vẻ say mê thơ, bỏ tiền cho thơ, trong khi đấy không hẳn là thơ, trong con mắt các nhà phê bình.

Cũng như Rupi Kaur, Ashworth hoạt động trên sân thơ chính là mạng xã hội: bà có hơn 1 triệu người theo dõi trên Facebook và 20 vạn người say mê đọc thơ post trên Instagram. Mạng xã hội đã thực sự thay đổi thi ca trong một thập niên qua, vì ở đó, thi sĩ gặp gỡ trực tiếp với độc giả của mình, bày cho họ những dòng thơ đánh trúng tâm can, về những tình cảnh và trải nghiệm chung, theo Judith Palmer - giám đốc Hội Thơ Anh.

Palmer nói thêm rằng cả nhà thơ lẫn độc giả của họ ngày nay đều trẻ hơn, thuộc nhiều nhóm nhân khẩu học hơn. Và lợi thế của thơ so với sách hay kịch là có thể tiếp cận các vấn đề đương đại nhanh hơn.

Làm thi sĩ, nghĩa là chơi… TikTok

The Guardian cho rằng các nhà thơ dòng thi ca insta đang gặp thiên thời: thiền, chánh niệm, yoga và "tu thân" (self-help) đang được nhiều người tìm đến để giải quyết những vấn đề cá nhân trong thế giới hỗn tạp. 

"Viết và đọc thơ không còn là trò thú vui của thiểu số vì thơ giờ trùng lặp với thể loại self-help" - tờ báo Anh viết trong bài về Ashworth hồi cuối năm 2023.

Chính Ashworth tự mô tả tác phẩm của mình là "thơ tu thân"; lời đề tựa ngoài bìa quyển Wild Hope là "Những dòng chữ chữa lành để tìm ánh sáng trong ngày tăm tối". Nữ thi sĩ thừa nhận hiệu sách đôi khi bối rối không biết xếp sách của bà vào kệ nào - thơ ca hay sách self-help.

Susanna Abbott - giám đốc xuất bản Nhà xuất bản Black & White, người "phát hiện" ra nhà thơ mạng xã hội Ashworth và chủ động tiếp xúc để giúp bà in sách - cho rằng Ashworth có thể kết nối với độc giả, chủ yếu là phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40, vì "cô ấy rất chân thực và thực sự quan tâm".

Một yếu tố thành công khác, theo Vice, là tính tối giản của dòng thơ này. Thơ insta là những dòng chữ dù sắp đặt điệu nghệ nhưng người đọc biết tiếng Anh chút chút là có thể diễn dịch được, quan trọng nhất là rất ngắn: mỗi bài trong tập Milk and Honey trung bình chỉ dài 3 - 5 dòng.

Hơn 7.000 người đã thích bài thơ này của Donna Ashworth trên Instagram. Tạm dịch: điều tôi thích nhất ở / tháng hai / là 'con người cũ' của ta / ổn trở lại / (ồ, và thêm nắng)

Hơn 7.000 người đã thích bài thơ này của Donna Ashworth trên Instagram. Tạm dịch: điều tôi thích nhất ở / tháng hai / là 'con người cũ' của ta / ổn trở lại / (ồ, và thêm nắng)

"Tôi tin rằng chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch sang hướng tối giản hóa thơ ca vì khoảng chú ý ngày càng giới hạn của chính chúng ta" - Dominique Middleton, tác giả sách và chuyên gia chiến lược tại hãng truyền thông Codeword Agency, nói với Vice. 

Theo Middleton, nếu cả bài thơ không thể chèn vừa vào khổ ảnh vuông của Instagram, một tweet (280 ký tự với thành viên không đăng ký) hay một video TikTok 30 giây, nó sẽ bỏ lỡ cơ hội được nổi tiếng.

Trước khi có mạng xã hội, không dễ để nhà thơ chưa tên tuổi tiếp cận với giới xuất bản và có cơ hội thành công. Giờ thì hàng ngàn người chia sẻ thơ thẩn trên TikTok theo hashtag #PoetryCommunity (cộng đồng thi ca) và #PoetryIsNotDead (thơ chưa hết thời). Đùng cái, ai cũng có thể đăng bài trên mạng và tự gọi mình là nhà thơ.

Sự "phổ cập thi sĩ" này đã dẫn tới việc thơ dở đầy rẫy cõi mạng. Các thi nhân mới nổi bám sát công thức thành công của Rupi Kaur: tách các câu cơ bản thành những cụm dễ đọc, cố tình đặt khoảng trắng (space) vô lối và in nghiêng chỗ này in đậm chỗ kia để nhấn nhá cảm xúc. Và giới phê bình, vốn đã ít thơ để phê, có dịp lắc đầu ngao ngán trước dòng thơ tu thân.

Sao lại trách người thơ tình lơi lả?

"Giá trị văn chương của nhiều nhà thơ Insta là bằng không" - Neil Astley, nhà sáng lập Công ty xuất bản Bloodaxe Books, vốn đã giúp nhiều tân thi nhân ở Anh trong gần 50 năm qua, nói với The Guardian. Ông nói thẳng rằng doanh số tăng vọt của cái gọi là thơ thật ra chỉ là "những thứ vờ là thơ", và chúng choán hết chỗ của những nhà thơ xứng đáng hơn.

Thơ là loại hình nghệ thuật được xây dựng trên sắc thái. Người ta vẫn xem thơ như một thứ có chiều sâu, ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa. Ta có thể không hiểu một bài thơ từ lần đọc đầu tiên, và có lẽ đó mới chính là vẻ đẹp của thi ca. 

Giờ thì mọi thứ đã khác - thơ insta đơn giản, thậm chí hết sức đơn giản ("cách bạn yêu bản thân cũng là / cách bạn dạy người khác / yêu bạn" - Rupi Kaur). "Hãy tạm biệt sắc thái, giã từ chuyện phải đọc lại một bài thơ và suy ngẫm về nó, để chào đón thơ ba xu cho thế hệ TikTok" - Shivani Dubey viết cho Vice.

Tất nhiên ngắn không nhất thiết đồng nghĩa với dở. Thể thơ Haiku trứ danh của Nhật Bản từ thế kỷ 17 đến nay vẫn còn phổ biến - chúng ngắn, nhưng không nông. 

Vấn đề của thơ mạng xã hội, theo Dubey, là chúng hoàn toàn không có gì độc đáo để nói, và nhạt nhẽo tới mức ai đọc cũng "thấy mình trong đó". Đồng cảm là tốt, nhưng đồng cảm với một thứ chung chung, phỏng có ích gì?

Ảnh giễu nhại dòng thơ Insta. Có nên so Shakespeare với nhà thơ Instagram Warsan Shire? Ảnh: Adapt

Ảnh giễu nhại dòng thơ Insta. Có nên so Shakespeare với nhà thơ Instagram Warsan Shire? Ảnh: Adapt

Yasmin Belkhyr, nhà sáng lập tạp chí văn học Winter Tangerine, cho rằng người ta không cần xé toang lồng ngực để có cảm xúc đau khổ mà đưa vào thơ, nhưng những bài thơ chung chung, gồm những câu miêu tả cảm xúc mơ hồ được ngắt dòng, thực sự không mang lại gì cho độc giả. 

"Ai cũng buồn, nhưng nếu viết một bài thơ về nỗi buồn, bạn phải nói được buồn là thế nào; chỉ nói, 'tôi cũng từng buồn', sẽ không cho người đọc biết bất cứ điều gì và không đưa ra bất kỳ góc độ, cách giải thích hay cách hiểu mới nào về nỗi buồn" - Belkhyr nói.

Với tư cách tác giả lẫn biên tập viên văn học, Belkhyr nhấn mạnh rằng làm thơ dở hoàn toàn không có gì sai - làm thơ cũng cần có thời gian để hoàn thiện, như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác. Vấn đề là thứ thơ đơn giản, lười biếng về mặt cảm xúc lại đang thành tiêu chuẩn, thậm chí là loại thơ duy nhất thu hút được sự chú ý.

Lỗi không chỉ ở mạng xã hội mà còn ở giới xuất bản - những đơn vị tự buông lỏng vai trò gác cửa chất lượng, tất cả vì lợi nhuận. "Những bài thơ nhạt nhẽo, nhàm chán không chỉ được chia sẻ tràn ngập trên mạng xã hội, mà còn được tích cực quảng bá tới công chúng bởi các nhà xuất bản hám tiền" - bà gay gắt.

Nhà thơ Naima Rashid có cái nhìn ít chỉ trích hơn. Với cô, thơ insta đơn giản có nghĩa là các nhà thơ có thêm cách để thể hiện bản thân. Sự xuất hiện các loại hình mới là quá trình tiến hóa tự nhiên của thi ca. 

Với Rashid, thế giới thơ giờ phân thành nhiều phân khúc, từ "thơ đọc nhăn mặt" đến tầm thường và xuất sắc. "Có nhiều kiểu thơ và nhiều người làm thơ hơn, và lựa chọn là ở người đọc" - cô nói. 

Thi viết thơ dở

Đều đặn mỗi năm trong hơn 20 năm qua, trang web dành cho giới cầm bút Winning Writers đã tổ chức cuộc thi viết thơ dở Wergle Flomp Poetry Contest. Đây là cách giễu nhại các nhà xuất bản chuyên nhận thơ từ các tác giả để xuất bản tuyển tập, rồi bán lại cho chính những người khao khát có thơ được in, hình thức bị giới phê bình chỉ trích là dung túng cho thơ dễ dãi.

Theo Jendi Reiter - biên tập viên Winning Writers, thơ dở cũng là một "nghệ thuật" và không phải muốn (làm thơ dở) là được. "Đó là kiểu thơ cố để trở thành thơ nhưng không được, và người viết chúng lại không nhận ra điều đó" - bà nói với báo Denver Post.

Cuộc thi lần thứ 23 nhận bài từ tháng 8-2023 đến tháng 4-2024, có tổng giải thưởng 3.750 USD, trong đó giải nhất được 2.000 USD.

Quán quân năm ngoái là bài "Thư gửi Chúa về vợ/chồng tương lai của các con trai tôi" của Beth Ann Fennelly. Dài hơn 100 dòng, bài thơ nêu tâm tư của một bà mẹ xin ơn trên phù hộ cho hai con trai "thích ăn nhưng không biết nấu" của bà tìm được người phối ngẫu có thể thay bà lo chuyện ăn uống chu toàn.

Ở Mỹ còn có ngày Thơ dở quốc gia, 18-8 hằng năm, khuyến khích bà con khoe thơ thấy ghê trên mạng xã hội. Đây được cho là ý tưởng của Wellcat Holidays, trang web chuyên gợi ý các "ngày lễ" hài hước và sáng tạo để mọi người kiếm cớ ăn mừng.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận