TTCT - Thổ Nhĩ Kỳ sắp bước vào một cuộc tổng tuyển cử với nhiều ý nghĩa trọng đại, trong bối cảnh tình hình khu vực cực kỳ phức tạp. Ngày 26-4, không chỉ người dân Thổ Nhĩ Kỳ (TNK), mà nhiều nước trên thế giới theo dõi buổi lễ nạp nhiên liệu nguyên tử cho Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Không chỉ quan tâm đến Akkuyu, họ còn muốn biết liệu ông Tổng thống Recep Teyyip Erdogan có xuất hiện ở buổi lễ mà theo kế hoạch, hai nguyên thủ Nga và TNK sẽ dự trực tuyến.Buổi lễ bị hoãn mất vài giờ, sau đó có tin ông Erdogan đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Cuối cùng, buổi phát sóng trực tiếp từ Akkuyu cũng bắt đầu. Ông Erdogan xuất hiện trên sóng, vẫy tay chào ông Putin. Ông trông gầy gò và căng thẳng.Ông Erdogan (phải) và đối thủ Kemal Kilicdaroglu. Ảnh: EuronewsSố là mới hôm trước 25-4, trong buổi phỏng vấn truyền hình trực tiếp, ông Erdogan khó ở, làm chương trình gián đoạn mất 20 phút. Khi chương trình nối lại, ông đã xin lỗi: "Chúng tôi làm việc nhiều và tôi bị cảm nặng. Chúng tôi nghĩ nếu hủy chương trình, có thể gây hiểu lầm. Tôi đến vì tôi đã hứa. Mong khán giả thông cảm". Cuộc phỏng vấn ông kéo dài thêm 12 phút, nhưng tất cả khán giả đều nhận ra tổng thống TNK không khỏe.20 phút vắng mặt của ông Erdogan đã đặt ra thêm nhiều vấn đề cho TNK trước thềm bầu cử 14-5. Cuộc bầu cử không chỉ quyết định tương lai của ông Erdogan và TNK, mà còn ảnh hưởng tới an ninh châu Âu và Trung Đông. Ai đắc cử sẽ xác định vai trò của TNK trong liên minh NATO; mối quan hệ với Mỹ, EU và Nga; chính sách di cư; vai trò của Ankara trong cuộc chiến ở Ukraine...Một thuyết âm mưuKênh truyền hình Nga Tsargrad.tv lưu ý "sự trùng hợp kỳ lạ của tình trạng sức khỏe sụt giảm của ông Erdogan với hai diễn tiến".Thứ nhất là thông báo của Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên TNK Fatih Donmez rằng việc mua và bán khí đốt qua trung tâm khí đốt ở TNK dự kiến bắt đầu vào năm 2024. Trung tâm khí đốt ở TNK, do Nga đề xuất xây dựng, sẽ chuyển khí đốt sang châu Âu, luồng khí đốt từng do "Dòng phương Bắc" cung cấp, nhưng nay ngừng lại vì đường ống bị phá hoại. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói cơ sở hạ tầng khí đốt qua TNK cũng có thể được sử dụng bởi các nguồn cung ở phía nam, như Algeria, Qatar và Azerbaijan, vì họ cũng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Nói cách khác, Dòng chảy TNK và trung tâm khí đốt ở đây chính là cách Nga tiếp tục bán khí đốt cho châu Âu.Tình huống thứ hai là chỉ hai ngày trước, Kiev đề xuất chỉ cung cấp khí đốt của Nga cho EU qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine. Các tuyến còn lại, theo Kiev, phải bị ngăn chặn. Nhắc lại mưu toan phá hoại hệ thống "Dòng Thổ Nhĩ Kỳ" vào 22-9-2022, gần như cùng lúc với sự cố phá hoại Dòng phương Bắc (26-9), kênh Tsargrad cho rằng "cả hai vụ phá hoại nằm trong cùng kế hoạch và có cùng một khách hàng - Hoa Kỳ". "Mục tiêu của Washington - kênh này nói - là ngăn chặn Nga không đi đường vòng để có thu nhập từ bán khí đốt cho châu Âu, [và Mỹ sẽ] trở thành nhà cung cấp độc quyền LNG"."Đó là lý do tại sao sức khỏe của ông Erdogan xấu đi đột ngột không thể coi là kết quả của bệnh nhiễm trùng thông thường. Đã có nghi ngờ ông Erdogan bị đầu độc. Bản thân ông đã nhiều lần nói Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về âm mưu đảo chính quân sự năm 2016 nhằm loại bỏ ông", kênh Tsargrad 27-4 nhận định.Dù sao đây cũng chỉ là một thuyết âm mưu nữa trong bối cảnh chính trị không thuận lợi với ông Erdogan. Nhiệm kỳ sắp qua của ông được đánh dấu bằng những vấn đề nghiêm trọng trong nước: đại dịch COVID-19 làm tê liệt nền kinh tế, đặc biệt là du lịch; siêu lạm phát: đồng lira TNK tăng gần gấp đôi và lạm phát năm 2022 lên tới 78% (theo Forbes, giá năng lượng tăng 151,3%, lương thực tăng 93,93%, đồ gia dụng tăng 81,14%).Tuy nhiên, thảm kịch thực sự là hai trận động đất kinh hoàng vào tháng 2-2023, làm ít nhất 47.975 người thiệt mạng. Thảm họa thiên nhiên đã bộc lộ những vi phạm trong quá trình xây dựng các tòa nhà, phân phối hỗ trợ cho nạn nhân và chi tiêu ngân quỹ, trở thành mảnh đất màu mỡ cho chỉ trích của phe đối lập. Chẳng hạn, đối thủ của ông Erdogan Kemal Kilicdaroglu tuyên bố: "Erdogan phải chịu trách nhiệm về hậu quả của thảm họa, bởi chính Erdogan là người trong suốt 20 năm cai trị đã không chuẩn bị cho đất nước những trận động đất như vậy".Về đối ngoại, Ankara gần đây đã có động thái hàn gắn quan hệ với Israel, Saudi Arabia, Ai Cập và Syria sau nhiều năm căng thẳng. Ông Erdogan lập luận rằng TNK có thể đàm phán với cả hai bên trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhằm "đạt được tiến bộ cụ thể, chẳng hạn hành lang ngũ cốc và trao đổi tù nhân, và chúng ta vẫn có thể nói về khả năng hòa bình". Tuy nhiên, quan hệ Ankara - Washington, vốn xấu đi sau cuộc đảo chính quân sự nhằm vào ông Erdogan tháng 7-2016 - đã không được cải thiện. (TNK nói cuộc đảo chính có sự can dự của Hoa Kỳ, qua việc Washington "chứa chấp" Tổ chức FETO của Fethullah Gülen, tình nghi số 1 đứng sau đảo chính).Đặc biệt, chính sách "ngồi hai ghế" của ông Erdogan trong mối quan hệ với Nga và Ukraine càng làm Washington và Brussels tức giận. Là thành viên NATO, nhưng TNK từ chối ủng hộ đầy đủ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, không tham gia cung cấp vũ khí cho Kiev, vẫn mua bán với Nga (dầu khí, năng lượng). National Interest 16-4 không ngại ngùng nói rõ Hoa Kỳ và châu Âu "có lợi ích nhất định trong việc đảm bảo kết quả bầu cử tự do và công bằng ở TNK". Theo đó, ông Erdogan đã lãnh đạo TNK được 20 năm, nên đã đến lúc "khôi phục thể chế và quản trị dân chủ". Thực tế, theo nhận định của National Interest, Ankara "đang rời xa NATO và ngày càng xích lại gần Nga"."Thiên thời, địa lợi" cho Kemal Kilicdaroglu?Cơn bệnh không đúng lúc gây khó cho ông Erdogan, nhưng lại tạo thuận lợi cho Kemal Kilicdaroglu - lãnh đạo Đảng Cộng hòa (CHP) và là ứng viên tổng thống duy nhất của liên minh sáu đảng đối lập. Chuyên gia người Nga về TNK, tiến sĩ V. Avatkov, nhận định: "Ở tuổi 74, tuy hơn ông Erdogan 5 tuổi, nhưng ông Kemal Kilicdaroglu đầy năng lượng và sức sống".Trong cương lĩnh tranh cử, ông Kemal Kilicdaroglu chủ trương cải thiện quan hệ TNK - NATO và nối lại đàm phán về việc TNK gia nhập EU. Về Ukraine, ông cam kết đứng về phía Kiev. Về Syria, ông phát đi tín hiệu rút quân TNK nếu "đàm phán Ankara và Damascus có thể đảm bảo niềm tin giữa hai nước". Với Mỹ, ông dự định cải thiện quan hệ và hoàn tất thỏa thuận mua máy bay chiến đấu F-16 trị giá 20 tỉ USD.Nổi tiếng là chính trị gia thân phương Tây, lập trường của Kemal Kilicdaroglu với Nga thường xuyên thay đổi. Chẳng hạn, năm 2015, ông chỉ trích gay gắt Erdogan về vụ máy bay ném bom của Nga bị máy bay chiến đấu TNK bắn hạ. Sau đó, ông phản đối việc chuyển giao xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu cho Nga, vì sợ Nga tăng ảnh hưởng lên Ankara và TNK thêm phụ thuộc năng lượng. Gần tới ngày bầu cử, vào26-4, trong thông điệp gửi những người tham gia bàn tròn Matxcơva "TNK trước bầu cử", Kemal Kilicdaroglu lại nhắn nhủ các chuyên gia Nga rằng nếu ông lên nắm quyền, Matxcơva và Ankara sẽ "duy trì mức độ hợp tác hiện tại". Lợi ích của TNK là "sao cho mối quan hệ TNK - Nga vẫn lành mạnh và xứng đáng". Nếu thắng cử, ông hứa sẽ "tiếp tục hòa giải trong việc giải quyết xung đột Ukraine".Hiện TNK có bốn ứng cử viên tổng thống. Hai ứng viên còn lại: lãnh đạo Đảng Tổ quốc Muharrem Ince và chính trị gia gốc Azerbaijan Sinan Ogan từ liên minh các đảng cánh hữu nhỏ - không có nhiều cơ hội. Tuy nhiên, phiếu của những người ủng hộ họ có thể đóng vai trò quyết định trong vòng 2, dự kiến diễn ra ngày 28-5, nếu không ứng viên nào giành được quá bán trong vòng 1, ngày 14-5. Theo một khảo sát xã hội học của ORC ba tuần trước bầu cử, Kemal Kilicdaroglu đang dẫn trước, với 49% cử tri, so với 42% cho ông Erdogan. Tuy nhiên, tờ Hürriyet 11-4 đưa kết quả thăm dò của họ lại nói 53,4% những người được hỏi thích Erdogan, 42,1% ủng hộ Kemal Kilicdaroglu và chỉ 8,3% cho Muharram Ince.Yulia Kudryashova, phó giáo sư tại MGIMO và là chuyên gia về TNK, cho biết trong trường hợp Kemal Kilicdaroglu đắc cử, TNK sẽ hợp tác hơn với NATO, có thể tham gia một số biện pháp trừng phạt chống Nga và quay lại các cuộc đàm phán với EU. Tuy nhiên, bà cũng tin TNK sẽ không thể từ chối hợp tác kinh tế với Nga: thỏa thuận ngũ cốc, nhập khẩu song song vào Nga, hay hợp tác năng lượng hạt nhân. Đường ống "Dòng TNK" mang đến cơ hội chưa từng có để TNK trở thành một trung tâm năng lượng. Thêm vào đó, TNK cần khách du lịch Nga. ■ Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu đang được xây dựng ở miền nam TNK bao gồm bốn tổ hợp máy VVER-1200 tối tân. Tổ hợp đầu tiên đã hoàn tất và ngày26-4, lô nhiên liệu hạt nhân đầu tiên đã được giao. Sau khi trạm đạt công suất thiết kế, tổng lượng điện phát hằng năm sẽ là khoảng 35 tỉ kWh. Akkuyu dự kiến sẽ hoạt động trong ít nhất 60 năm, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho một đô thị lớn, và tương đương khoảng 10% tổng sản lượng điện của TNK. Tổng thống Erdogan lưu ý Akkuyu đã "đưa TNK vào câu lạc bộ các quốc gia có năng lượng hạt nhân sau 60 năm mong đợi". Nhưng liệu sự trợ giúp của Nga có giúp ông Erdogan trụ lại ghế tổng thống thêm nhiệm kỳ nữa không thì vẫn còn là ẩn số. Tags: Thổ nhĩ kỳNạp nhiên liệuNga Vladimir PutinMối quan hệThuyết âm mưuChính trị giaỨng cử viênNăng lượng hạt nhânNgaỨng viên tổng thốngKết quả bầu cửChuyên gia NgaNhà máy điện hạt nhânAkkuyu
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Làm gì để các cầu có thiết kế giống cầu Phong Châu được an toàn? TUẤN PHÙNG 14/09/2024 Sau vụ sập cầu Phong Châu, chuyên gia cho rằng ngoài kiểm tra, gia cố cầu yếu, phải chống khai thác cát bừa bãi.
Cảnh báo lũ trên sông Đồng Nai - La Ngà, người dân khu vực này cần chú ý LÊ PHAN 14/09/2024 Do mưa lớn ở đầu nguồn, nước trên hệ thống sông Đồng Nai - La Ngà đang lên, cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần chú ý.
Đề nghị Indonesia tạo thuận lợi cho sản phẩm Halal Việt Nam tiếp cận thị trường THANH HIỀN 14/09/2024 Sáng 14-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có cuộc tiếp Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Diễn viên Nam Thư làm việc với Công an Đà Lạt vụ tố homestay làm lộ hình ảnh M.V 14/09/2024 Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay diễn viên Nam Thư đã đến Đà Lạt làm việc với cơ quan công an liên quan đến nội dung tố cáo trước đó.